Thứ năm, 01/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 20/07/2009
"Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam 2009"

Ngày 15/7/2009 tại TP.HCM, Hội Tin học TP.HCM (HCA) và Tập đoàn Dữ liệu Quốc Tế IDG đã tổ chức thành công hội thảo "Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam - VIO 2009".

Đây là năm thứ 14, sự kiện CNTT-TT thường niên này diễn ra tại TP.HCM. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT đã tham dự toàn bộ chương trình. Chủ đề hội thảo chính của VIO 2009 là “Định vị ngành Công nghiệp Phần mềm (CNpPM) trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước”. Hội thảo có sự tham gia và báo cáo của Bộ TTTT, Sở TTTT TP.HCM, HCA và nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia CNTT-TT trong và ngoài nước.

Phó Thủ tướng kiêm Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT Nguyễn Thiện Nhân (thứ hai từ phải), Chủ tịch Tập đoàn Dữ liệu Quốc tế IDG Patric Mc Govern (phải), Phái viên của Thủ tướng Chính phủ về CNTT, Phó Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT  Đỗ Trung Tá (thứ hai từ trái) và Thứ trưởng Bộ TTTT, uỷ viên ban chỉ đạo quốc gia về CNTT  Nguyễn Minh Hồng cùng các đại biểu tham dự Hội thảo "Toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam - VIO 2009" tổ chức ngày 15/7/2009 tại TP.HCM.

Tiềm năng công nghiệp phần mềm

TS Nguyễn Trọng, nguyên Chủ tịch HCA các khoá 2, 3 trình bày bức tranh toàn cảnh về thị trường CNTT thế giới năm 2008 và dự báo năm 2009 sẽ chịu tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu. CNpPM và dịch vụ (DV) CNTT Việt Nam là một thành phần kinh tế nhỏ nhưng đầy tiềm năng trong nền kinh tế Việt Nam có khả năng đưa đất nước phát triển nhanh. Trong chiến lược phát triển đất nước, ngành CNpPM và DV CNTT cần được đặt ở vị trí công nghiệp chiến lược. Trong bối cảnh hầu hết doanh nghiệp cắt giảm chi phí, cơ cấu lại nhằm đạt hiệu quả sản xuất, kinh doanh, họ cũng nhận thấy cần đầu tư ứng dụng CNTT và đó là cơ hội rất lớn cho các doanh nghiệp phần mềm Việt Nam vươn lên.

Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban chỉ đạo quốc gia về CNTT Nguyễn Thiện Nhân: "Việc Việt Nam lọt vào bản đồ CNTT thế giới là rất quan trọng". Phó Thủ tướng thường phát biểu chỉ đạo sau khi nghe đầy đủ các báo cáo.

Ông Trọng khẳng định: “Không có ngành kinh tế nào ẩn chứa tiềm năng mang lại hiệu quả toàn diện và to lớn hơn trong khoảng 15 - 20 năm tới đây cho đất nước ta so với CNpPM và DV CNTT và khả năng để Việt Nam có mặt trong các quốc gia hàng đầu về CNpPM và DV CNTT vào năm 2025 sẽ trở thành hiện thực”. Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất phải vượt qua là từ nay tới đó, ngành CNpPM cần đào tạo khoảng 1 triệu kỹ sư phần mềm có trình độ quốc tế. Mục tiêu này là hoàn toàn trong tầm tay nhưng đòi hỏi quyết tâm cao của Đảng và Nhà nước, sự đồng thuận và những nỗ lực cao độ của toàn xã hội. 

Ông Trọng dự báo, từ năm 2011, GDP của Việt Nam giữ mức tăng 7,5%/năm. Ngành CNTT-TT phục hồi mức tăng của năm 2008 là 40%/năm, CNpPM và DV CNTT là 50%/năm và đến năm 2015 doanh thu ngành CNTT-TT đạt 31,5 tỷ USD, chiếm 13% GDP và doanh thu CNpPM và DV CNTT đạt  6,2 tỷ USD chiếm 2,5% GDP quốc gia. Nếu giữ được tốc độ tăng trưởng gia công phần mềm hàng năm tăng 40% thì đến năm 2020, sản lượng gia công xuất khẩu của Việt Nam sẽ đạt 3,5 tỷ USD.

Đồng quan điểm, ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch HCA cho biết, CNTT Việt Nam và đặc biệt là CNpPM và DV CNTT đang phát triển rất tốt với mức tăng trưởng rất cao. Tuy nhiên, tính chất công việc gia công có độ yêu cầu kỹ thuật còn thấp và đơn giản, giá thấp. Sự phát triển doanh nghiệp phần mềm đông về số lượng nhưng xấu đều, tốt lỏi, tự phát… Doanh số CNpPM và DV CNTT tập trung vào nhóm công ty lớn. Ông cho biết, chỉ có 5% trong số các doanh nghiệp được khảo sát (khoảng hơn 40 doanh nghiệp trong đó có 13 đơn vị thuộc Công Viên Phần Mềm Quang Trung) nhưng quyết định tới 95% tổng doanh số phần mềm và dịch vụ và quyết định gần như 100% doanh thu xuất khẩu phần mềm và dịch vụ, trong khi 95% doanh nghiệp còn lại chỉ đóng góp có 5% tổng doanh thu.

Một số trở ngại cần vượt qua

Năm 2009, 2010 được các diễn giả dự báo sẽ khó khăn hơn do tác động của suy thoái kinh tế. Để khắc phục khó khăn và giữ vững đà phát triển, đại diện HCA cho biết sẽ kiến nghị Nhà nước hỗ trợ cụ thể cho các doanh nghiệp hàng đầu có doanh thu cao; Tháo gỡ các thủ tục “rào cản” để các doanh nghiệp ở top trên giữ vững tốc độ tăng trưởng đồng thời trợ giúp, tiếp sức cho các doanh nghiệp ở nhóm giữa vươn lên tham gia nhóm hàng đầu. Chuyển dịch dần cơ cấu các doanh nghiệp PM và DV CNTT từ trạng thái hiện tại 5% - 95% về theo hướng quy luật 20% - 80%.

Giờ giải lao, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân tiếp chuyện bà Mc Govern, thường đi cùng ông Patrick Mc Govern những lần tới Việt Nam.

Ông Patrick McGovern, Chủ tịch Tập đoàn IDG cho biết, các doanh nghiệp Việt Nam nên tập trung vào lĩnh vực gia công PM. Trong lĩnh vực này, Việt Nam đang có lợi thế lớn về giá do chi phí gia công bằng nửa so với Ấn Độ và cũng thấp hơn so với các nước khu vực như Trung Quốc, Philippines... Một lĩnh vực khác cũng có khả năng phát triển tại Việt Nam trong thời gian tới là DV truy cập Internet qua mạng không dây và các thiết bị di động. Nhu cầu làm việc hiệu quả ngày càng trở nên cao hơn trong thời điểm khó khăn kinh tế, do đó, việc phát triển dịch vụ cung cấp thông tin đến tận tay người có nhu cầu một cách nhanh nhất là hướng đầu tư tốt trong thời điểm này.

HCA đã đề xuất:

  • Liên kết nhóm giữa các doanh nghiệp lớn với các doanh vừa và doanh nghiệp nhỏ
  • Nhà nước hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa doanh nghiệp khởi nghiệp thông qua việc hình thành các vườn ươm doanh nghiệp
  • Các khu CNTT tập trung là nơi tạo ra những điều kiện môi trường kinh doanh thuận lợi cho các doanh nghiệp, nơi tập hợp và quy tụ, thu hút đầu tư phát triển ngành - Nhà nước đầu tư và hỗ trợ những khu này để vai trò liên kết giữa các doanh nghiệp trở thành sức mạnh thúc đẩy các doanh nghiệp phát triển
  • Nhà nước nên có một số hoạt động đầu tư trực tiếp vào một số doanh nghiệp phần mềm có triển vọng và đóng vai trò thúc đẩy phát triển các sản phẩm, công  nghệ chủ lực, trọng điểm...

Về nhân lực, ông Chu Tiến Dũng nói, tổng số lao động ngành CNpPM và DV CNTT hiện khoảng 30.000 là con số rất thấp, Chính phủ cần tiếp tục có giải pháp để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và thu hút nhiều nhân lực vào làm việc trong ngành. Ngoài ra, Nhà nước cần quan tâm quy hoạch và hỗ trợ hoạt động của các hiệp hội chuyên ngành, qua đó tạo tương tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp.

Nhận định, đánh giá, giải pháp…

Buổi chiều, hội thảo đi sâu vào các báo cáo chuyên sâu từ HCA và các doanh nghiệp. Ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở TTTT TP.HCM, uỷ viên Ban chấp hành HCA trình bày “Nhận định và đánh giá tình hình phát triển CNpPM của TP.HCM trong thời gian qua, đặc biệt là trong tình hình suy thoái hiện nay”. Ông Tuấn cho biết, trong hơn 10.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động liên quan đến sản xuất, kinh doanh, mua bán PM, DV tư vấn và đào tạo CNTT với tổng vốn đăng ký hơn 31.000 tỷ đồng chỉ có hơn 1.700 doanh nghiệp thực sự có hoạt động. Theo ông, sau bước phát triển đột phá ở năm 2005, tổng sản lượng PM tại TP.HCM năm 2008 đã là 295 triệu đô la Mỹ (khoảng 5.400 tỷ đồng).

Tạp chí Thế giới Vi tính đã ghi nhanh nhận định của ông Lê Mạnh Hà, Giám đốc Sở TTTT TP.HCM về đề xuất “Đưa CNpPM thành ngành công nghiệp chiến lược” của HCA:

Ông Lê Mạnh Hà.

“Đề xuất của HCA là rất tốt, nhưng có thành hiện thực được không có lẽ còn khó, đòi hỏi Nhà nước phải có sự quan tâm thực. Nếu chỉ là bức xúc của giới CNTT thì tính khả thi không cao. Ngành CNpPM muốn tiến nhanh theo đề xuất thì phải có tác động tích cực từ phía lãnh đạo Nhà nước. Ghi nhận riêng của tôi là chưa có cuộc họp UBND hay Chính phủ nào mà toàn bộ ủy ban hay toàn bộ thường trực Chính phủ cùng bàn về CNTT. Chỉ cần toàn bộ lãnh đạo Nhà nước dành 1% thời gian (3 ngày/năm) hoặc mỗi quý 1 buổi để chuyên bàn về CNTT thì khi đó CNTT mới trở thành công việc có tầm quan trọng ở mức quốc gia. Tại sự kiện VIO 2009 và Hội thảo về chính phủ điện tử năm nay, lần đầu tiên chúng ta có cấp Phó Thủ tướng dự cùng giới CNTT suốt 2 ngày. Hy vọng điều này sẽ có tác động mạnh mẽ cho ngành CNTT-TT, trong đó có CNpPM. Sự xuất hiện thường xuyên của lãnh đạo sẽ chứng minh sự quan tâm, có tác động tích cực đến ngành”.

Bích Ty (ghi)

“Thị trường trong nước sẽ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Việc mua sắm bản quyền PM là cơ hội vàng cho các doanh nghiệp PM”, ông Tuấn nhận định. Các biện pháp thực hiện chương trình phát triển CNpPM Việt Nam đến 2010 theo Quyết định 51/2007/QĐ-TTg được ông Tuấn nêu gồm: Đẩy mạnh hỗ trợ quản lý đào tạo nguồn nhân lực; Hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất PM theo các tiêu chuẩn quốc tế, làm cầu nối cho các doanh nghiệp liên kết để nhận các hợp đồng lớn; Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, trong đó khách hàng lớn nhất là Chính phủ để đẩy mạnh thị trường PM nội địa; Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến đầu tư, quảng bá thương hiệu; Đẩy mạnh phát triển các khu CNpPM tập trung.

Ông Lê Trung Việt, Tổng biên tập Tạp chí Thế giới Vi tính, Phó Chủ tịch HCA trình bày Báo cáo xếp hạng các doanh nghiệp CNTT-TT Việt Nam (ICT Ranking) 2008 - 2009. Đây là hoạt động phi vụ lợi của HCA với sự tham gia hoàn toàn miễn phí của các doanh nghiệp CNTT-TT dựa trên các tiêu chí: doanh nghiệp cung cấp và chịu trách nhiệm về thông tin cung cấp; doanh nghiệp không buộc phải cung cấp toàn bộ thông tin trừ thông tin cơ bản; HCA bảo mật số liệu cho doanh nghiệp. HCA xây dựng phương pháp đánh giá, phát biểu mẫu cho doanh nghiệp điền thông tin vào gửi về HCA tổng hợp.

Lần khảo sát này phát ra 690 phiếu, thu về 596 phiếu, số phiếu hợp lệ là 147. “Các công ty quan trọng nhất đều nằm trong số 147 phiếu này”, ông Việt nói. HCA quyết định 2 hình thức xếp hạng: theo doanh số 2008 và theo năng lực tổng thể (được tính dựa trên phương pháp ma trận). Kết quả gồm 22 bảng xếp hạng cho các lĩnh vực ngành nghề. FPT, CMC, VinaGame, SPT, VTC… là những doanh nghiệp PM và DV CNTT hàng đầu theo cả 2 hình thức xếp hạng. (Doanh nghiệp cần số liệu chi tiết, liên hệ trực tiếp với Văn phòng HCA).

Từ trái sang là các diễn giả chính của sự kiện VIO 2009: Lê Trung Việt, Nguyễn Trọng, Chu Tiến Dũng, Lê Trường Tùng, Nguyễn Trọng Đường (Phó Vụ trưởng Vụ CNTT, Bộ TTTT), Nguyễn Anh Tuấn. Các ông đang điều khiển phần trao đổi.

Ông Nguyễn Lâm Phương, Phó tổng giám đốc Công ty PM FPT trình bày chiến lược kinh doanh của Tập đoàn FPT về phát triển PM theo hướng toàn cầu hoá; ông Phí Anh Tuấn, Phó chủ tịch HCA, Giám đốc Chi nhánh Tập đoàn CMC tại phía Nam trình bày chiến lược kinh doanh về phát triển PM trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu của CMC; ông Hà Thân, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tin học Lạc Việt trình bày chiến lược kinh doanh PM và DV PM của Lạc Việt; ông Đoàn Hồng Nghĩa, Giám đốc điều hành Công ty Cổ phần Giải pháp Tích hợp Vi tính Viễn thông Việt Nam IES trình bày chiến lược kinh doanh PM và DV PM của IES… Trong ngày hội thảo, ông Charles Manuel, Giám đốc Nhóm Phát triển PM Ứng dụng và Giải pháp khu vực ASEAN của IBM trình bày “Nhận định và đánh giá của Tập đoàn IBM về phát triển CNpPM và DV PM Việt Nam”; ông Nguyễn Duy Phú, Giám đốc Kỹ thuật Công ty APC by Schneider Electric Việt Nam trình bày “Giải pháp tối ưu khả năng bảo vệ nguồn điện - hướng phát triển phần mềm của Công ty APC by Schneider Electric Việt Nam”…

Chính phủ luôn hỗ trợ

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngồi dự phiên hội thảo chiều và phát biểu từ hàng ghế như các đại biểu. Phó Thủ tưởng tin tưởng CNpPM, DV CNTT Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành ngành kinh tế chủ lực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Phái viên Thủ tướng Đỗ Trung Tá, Thứ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Minh Hồng lắng nghe tất cả các báo cáo. Tại phần trao đổi cuối ngày làm việc, các vị lãnh đạo cao nhất của Chính phủ về CNTT-TT còn tiếp tục nghe các phản ánh, các câu hỏi của người dự hội thảo… Tại phiên làm việc sáng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nói: “Việc CNpCNTT Việt Nam tăng trưởng hàng năm khoảng 20%, trong đó, CNpPM tăng khoảng 40% cùng việc Việt Nam có tên trên bản đồ CNTT thế giới trong những năm qua là rất quan trọng”.

Về đề xuất của HCA do TS Nguyễn Trọng nêu, Phó Thủ tướng nói: “CNTT-TT Việt Nam chưa bao giờ có được điều kiện, cơ hội phát triển tốt như bây giờ”. Phó Thủ tướng dẫn những chính sách mới nhất làm nên điều kiện đó, trong đó có Quyết định 698 của Thủ tướng Chính phủ, chi 900 tỷ đồng phát triển nguồn nhân lực CNTT đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Hay, mới đây nhất là chủ trương xây dựng Việt Nam thành quốc gia mạnh về CNTT… Cứ như Phó Thủ tướng nói thì giới CNTT-TT cần đề xuất các việc nên làm và Chính phủ sẵn sàng chi tiền làm. Tính toán của Phó Thủ tướng cũng cho kết quả đến năm 2020, Việt Nam sẽ có 1 triệu nhân lực CNTT! Tại phiên chiều, sau khi nghe các báo cáo chi tiết, Phó Thủ tướng nói CNpPM và DV CNTT Việt Nam hoàn toàn có khả năng trở thành ngành kinh tế chủ lực của đất nước.

Theo Pcworld.com.vn Bài tham luận có tại: http://www.hca.org.vn/su_kien/sk_HCA/toan_canh_CNTT/nam2009/hoithao_vio09

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0