Thứ bảy, 18/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/07/2009
Chuyện điện thoại ở vùng cao Hà Giang

Tại nhiều nơi ở Hà Giang, chỉ 1 - 2 năm trước người dân chưa biết điện thoại là gì giờ còn biết đến cả Internet...

Từ khi vệ tinh Vinasat phủ sóng và Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích (DVVTCI) triển khai hoạt động hỗ trợ tại tỉnh Hà Giang, đồng bào vùng sâu vùng xa nơi đây đã được tiếp cận nhiều hơn với điện thoại, truyền hình... Tuy nhiên, để đồng bào sử dụng hiệu quả các tiện ích, đó vẫn còn là câu chuyện nan giải…

Xóa đói giảm nghèo nhờ Vinasat, Quỹ DVVTCI

Trao đổi với phóng viên báo BĐVN về sự phát triển của lĩnh vực viễn thông - CNTT trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ông Phạm Mã Hùng, Giám đốc Sở TT&TT Hà Giang, cho biết: Tính đến thời điểm tháng 6/2009, với tổng số dân gần 700.000 người, thuê bao điện thoại cố định toàn tỉnh đã đạt 96.193 máy (đạt mật độ 13,6 máy/100 dân), 17.016 thuê bao di động trả sau, 268.664 thuê bao di động trả trước (đạt mật độ 37,8 máy/100 dân, tăng 106,7% so cùng kỳ năm 2008), với các nhà cung cấp dịch vụ như VNPT, Viettel, EVN, FPT.

Vùng phủ sóng di động đạt gần 90% các xã, phường, thị trấn, 120 trạm BTS. Hiện nay VNPT Hà Giang đang sẵn sàng khai thác 8 trạm di động băng rộng 3G trên địa bàn thị xã và 2 huyện Bắc Quang, Vị Xuyên.

Để đạt được những con số trên, một trong những tác động lớn là nhờ vệ tinh Vinasat phủ sóng năm 2008 và Quỹ DVVTCI được triển khai từ năm 2007. Tại nhiều nơi, chỉ 1 - 2 năm trước người dân chưa biết điện thoại là gì giờ còn biết đến cả Internet…

Cụ thể hơn về những hiệu quả từ khi vệ tinh Vinasat được đưa vào khai thác, ông Hùng nói: Với địa hình chia cắt hiểm trở, thường xuyên bị lũ quét, các tuyến giao thông qua lại khó khăn, giải pháp truyền dẫn phát sóng qua vệ tinh như Vinasat đang ngày càng khẳng định được hiệu quả thiết thực. Thay vì phải thuê vệ tinh của Thái Lan như trước đây, nay nhờ Vinasat, việc đưa thông tin tới các thôn bản vùng sâu vùng xa được thực hiện hiệu quả hơn. Bà con các dân tộc rất phấn khởi được sử dụng điện thoại, truyền hình... Như xã vùng sâu Sơn Vỹ của huyện Mèo Vạc (cách thị xã Hà Giang khoảng 180km), nhờ được phủ sóng Vinasat, bà con nhân dân, chiến sĩ đồn biên phòng, giáo viên lên vùng cao xóa mù chữ nơi đây được tiếp cận dễ dàng hơn với thông tin chính trị, kinh tế, xã hội; còn các vùng kinh tế như Bắc Quang, Việt Lâm… đã có thể tìm hiểu giá cả thị trường, trao đổi thông tin mua bán dễ dàng hơn, góp phần xóa đói giảm nghèo…

Ông Phạm Trần Hòa, Phó GĐ VNPT Hà Giang khẳng định: Từ trung tâm huyện Đồng Văn tới các xã phụ cận cách khoảng 50km. Như vậy, nếu phải kéo 50km cáp quang sẽ rất tốn kém (không dưới 6 - 7 tỉ đồng), tốn nhiều công sức để vượt đèo núi hiểm trở, thế nhưng sử dụng dịch vụ do vệ tinh Vinasat cung cấp đã tiết kiệm được nhiều kinh phí ngân sách…

Lãng phí do nhầm tưởng được… miễn phí

Với thực tế là một trong những tỉnh khó khăn nhất của cả nước, địa hình bị chia cắt, trình độ dân trí không đồng đều, kinh tế hạn hẹp, nguồn ngân sách phụ thuộc chủ yếu vào nguồn Trung ương, khó khăn trong thu hút nguồn đầu tư từ các doanh nghiệp, thế nhưng qua con số đạt 13,6 máy điện thoại cố định và 37,8 máy di động trên tổng số 100 người dân tính đến thời điểm tháng 6/2009 đã cho thấy sự cố gắng của tỉnh Hà Giang trong vấn đề thúc đẩy sự phát triển trên lĩnh vực viễn thông.

Tuy nhiên, đằng sau những con số phát triển thuê bao nêu trên, bên cạnh việc người dân sử dụng hiệu quả điện thoại vào giao dịch buôn bán, trao đổi thông tin… thì vẫn còn đó nhiều khó khăn cần sớm được khắc phục. Trong đó, khó khăn lớn nhất là do người dân sử dụng kém hiệu quả gây ra. Trao đổi về tình trạng này, ông Hùng kể lại câu chuyện cười ra nước mắt. Đó là trường hợp một gia đình nghèo ở thị trấn Việt Lâm (huyện Vị Xuyên) để con ở nhà bóc lạc. Thế nhưng, lạc bóc chẳng được là bao, cu cậu toàn lén cha mẹ khi vắng nhà để dành thời gian vào việc ôm chiếc điện thoại cố định không dây có âm thanh nổi và bấm thẳng vào đầu số cung cấp dịch vụ… nghe nhạc. Sự việc cứ thế tiếp diễn, chỉ đến khi cuối tháng nhân viên bưu điện mang hóa đơn đến thì bố mẹ cậu mới tá hỏa do số tiền phải thanh toán đã “vọt” lên tới gần 2 triệu đồng, không thể có khả năng chi trả.

Trao đổi thêm về thực trạng này, ông Hùng cho biết: chuyện người dân dùng điện thoại di động, cố định không dây nhầm tưởng các số dịch vụ giá trị gia tăng đang được quảng cáo rầm rộ trên tivi, đài phát thanh là… miễn phí nên “nhiệt tình” gọi như câu chuyện “cậu bé bóc lạc” diễn ra rất phổ biến trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là ở những nơi vùng sâu, vùng xa, trình độ dân trí còn hạn chế. Những chuyện như vậy đã đẩy các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông trên địa bàn tỉnh vào tình cảnh thiệt hại kinh tế, dở cười dở mếu: Cố ép để thu tiền ngay cũng không được vì đồng bào không có khả năng chi trả, còn cho… trả nợ dần thì chẳng biết đến khi nào mới xong!

Trước thực trạng như vậy, ông Hùng khuyến cáo các doanh nghiệp hiện đang cung cấp dịch vụ điện thoại cho các hộ gia đình bên cạnh việc đẩy mạnh tuyên truyền cũng cần đưa ra biện pháp kĩ thuật can thiệp, để tránh tình trạng người dân vùng sâu vùng xa nhận thức còn hạn chế sử dụng dịch vụ giá trị gia tăng một cách lãng phí thiếu ý thức.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0