Tin từ Cổng Giao tiếp Điện tử Hà Nội (Hanoi Portal) cho hay ông Phí Thái Bình, Phó chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội vừa yêu cầu Sở TT&TT Hà Nội đánh giá cụ thể hiện trạng ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính của các sở, ban, ngành, quận, huyện. Trong đó phải nêu rõ cơ quan, đơn vị nào làm chưa tốt việc ứng dụng CNTT phục vụ cho hoạt động này.
Không rõ việc ông Phó chủ tịch Thành phố Hà Nội chỉ đạo “phải nêu rõ” những gương mặt ứng dụng CNTT chưa tốt có đồng nghĩa với việc công khai danh tính của các đơn vị này hay không, nhưng quả thực việc làm này sẽ rất có ý nghĩa nếu như những cơ quan, đơn vị nào còn chưa ứng dụng CNTT, hay ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính còn “í ẹ” được nêu danh một cách công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Và nếu những hoạt động đánh giá ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính này được thực hiện và công bố công khai ở nhiều địa phương, các ngành, các cấp, thì chắc chắn nó sẽ tạo “cú huých” thực sự làm chuyển động mạnh mẽ hoạt động ứng dụng CNTT phục vụ cải cách hành chính trong hệ thống các cơ quan công quyền hiện nay.
Cần phải hiểu ở một góc độ tích cực chuyện công bố “các đơn vị ứng dụng CNTT còn yếu”. Việc công bố này không phải là để “bêu xấu” những đơn vị, tổ chức đó, cũng không thể chỉ là việc công bố danh tính, địa chỉ đơn vị, mà còn cần phải nêu ra cho được những mặt thuận lợi và khó khăn khi ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính ở những đơn vị này, bởi rất có thể việc ứng dụng CNTT phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác nhau như cơ chế, sự quan tâm của cấp trên, sự thiếu thốn đội ngũ nhân lực lành nghề CNTT…, chứ không phải chỉ là do những nguyên nhân chủ quan từ nội tại đơn vị đó. Chỉ khi nào, việc công bố những gương mặt ứng dụng CNTT dở đi kèm với những phân tích, nhận định cụ thể và rút ra những bài học cho ứng dụng CNTT thì khi đó, việc công bố mới có ý nghĩa. Những bài học ở những đơn vị ứng dụng CNTT chưa tốt sẽ giúp ích rất nhiều cho những đơn vị khác đi sau trong ứng dụng CNTT.
Hiện nay, thông thường chúng ta mới chỉ trao giải thưởng hay tôn vinh những gương mặt ứng dụng CNTT hay, ứng dụng tốt, thường rút ra những bài học thành công trong ứng dụng CNTT chứ chưa thực sự để ý đến việc xem xét, đánh giá những đơn vị ứng dụng CNTT chưa tốt hay rút ra những bài học thất bại, bài học kinh nghiệm. Theo nghiên cứu của Ngân hàng Thế giới (WB), có đến 70% các dự án ứng dụng CNTT trong các cơ quan Nhà nước là không thành công (hay thất bại). Rõ ràng, những bài học thất bại chiếm số lượng hơn hẳn và chắc chắn phong phú hơn những bài học gọi là “thành công”.
Trên thế giới, việc chỉ ra những sự việc, hành động thất bại cũng không phải là hiếm. Trong điện ảnh bên cạnh giải Oscar để tôn vinh những đạo diễn, diễn viên hay những bộ phim xuất sắc còn có Giải Mâm Xôi Vàng “chỉ mặt, đặt tên” cho những nhà làm phim, những diễn viên hay những bộ phim dở nhất. Trong khoa học, bên cạnh Giải thưởng cao quý Nobel là Giải thưởng Ig Nobel dành cho những phát minh kỳ quái. Trong lĩnh vực thời trang, bên cạnh sự tôn vinh dành cho những nghệ sĩ ăn mặc đẹp nhất còn có sự “định danh” những nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhất… Rõ ràng, tấm huy chương bao giờ cũng có hai mặt và mặt trái của tấm huy chương nhiều khi cũng cần phải được trưng bày, để từ đó người ta mới thấy mặt phải nó đẹp đẽ và cao quý đến chừng nào.
Đã đến lúc chúng ta cần trao giải “Mâm Xôi Vàng” cho ứng dụng CNTT. Chắc chắn làm như vậy ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính sẽ tạo được sức bật và sự đổi mới mạnh mẽ.
Theo Ictnews