Thứ bảy, 03/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/09/2006
Thương mại điện tử: Cơ hội lớn, vấn đề là tận dụng

Khai trương Cổng thương mại điện tử quốc gia ECVN.

 Theo các chuyên gia, việc phát triển thương mại điện tử đã đem lại rất nhiều cơ hội kinh doanh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp đã không biết tận dụng điều đó.

B2B – Con đường khai thông hội nhập

Cổng Thương mại Điện tử quốc gia (ECVN) – sàn giao dịch B2B hàng đầu Việt Nam vừa tổ chức lễ “sinh nhật” 1 tuổi với những thành tích đáng nể. Kể từ ngày 26/8/2005 đến nay, ECVN đã có gần 1.000 thành viên trong đó có hàng trăm thành viên vàng là những doanh nghiệp xuất khẩu uy tín do Bộ Thương mại xét chọn và không ít các thành viên là doanh nghiệp nước ngoài.

Tính đến cuối tháng 8/2006, ECVN cũng đã tạo ra được trên 3.000 cơ hội kinh doanh cho các doanh nghiệp thành viên. Điều đáng mừng là, lượng truy cập từ nước ngoài đang tăng mạnh và cao hơn lượng truy cập trong nước. Theo đánh giá của Vụ Thương mại Điện tử, đây là biểu hiện của việc các nhà nhập khẩu nước ngoài ngày càng chú ý đến những sản phẩm của các doanh nghiệp thành viên ECVN.

Điểm nhấn cụ thể và nổi bật nhất là thông qua sàn B2B này, nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm và ký kết được hàng loạt những hợp đồng kinh tế có giá trị lớn. Tại một cuộc khảo sát từ 181 thành viên ECVN, có 16 doanh nghiệp đã ký được 32 hợp đồng mới với tổng trị giá lên đến trên 8 tỷ đồng, 114 doanh nghiệp tìm được bạn hàng tiềm năng…

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử, cho rằng việc hội nhập kinh tế quốc tế chắc chắn sẽ đem đến những thách thức nhưng đồng thời cũng đem đến những cơ hội kinh doanh lớn cho doanh nghiệp. Trong đó, các sàn B2B như ECVN được coi là một con đường khai thông để doanh nghiệp tìm đến các bạn hàng quốc tế.

Trường hợp Tổng công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) là một ví dụ. Hapro vừa được Bộ Thương mại thưởng thành tích xuất khẩu với 4/5 tiêu chí xét chọn.

Phó tổng giám đốc Vũ Thanh Sơn cho biết, Hapro chuyên xuất khẩu các mặt hàng thủ công mỹ nghệ, nông sản… nên số lượng lớn trong khi giá trị thấp. Mỗi năm Hapro xuất khẩu khoảng 5.000 container, mỗi container có giá trị khoảng 5.000 USD. Năm 2005 tổng công ty đã cử một số nhân viên chuyên trách việc truy cập, chào bán và giao dịch qua trang web của Hapro tại ECVN và đã ký được rất nhiều hợp đồng xuất khẩu có giá trị. Nhận thức được cơ hội và lợi ích từ thương mại điện tử, Hapro cũng đang chuẩn bị cho ra đời một công ty thành viên chuyên về thương mại điện tử E-Hapro với suất đầu tư khoảng 2 triệu USD.

Khi cơ hội được san bằng

Trong cuốn sách bán chạy The world is flat (Thế giới phẳng - bản dịch tiếng Việt xuất bản tháng 5/2006), nhà báo Mỹ Thomas l. Friedman đã nhiều lần khẳng định “sân chơi đã được san phẳng” do toàn cầu hóa và thương mại điện tử đem lại.

Ở đây, sự san phẳng được hiểu là cơ hội kinh doanh đã được trao cho mọi quốc gia và vùng lãnh thổ, cho mọi doanh nghiệp và thậm chí là mọi cá nhân. Chỉ cần một thao tác click trên máy tính, mỗi người, mỗi doanh nghiệp đều có thể tự tìm kiếm, tự tạo cho mình những cơ hội làm giàu.

Trong một buổi nói chuyện với các doanh nghiệp xuất khẩu, Thứ trưởng Thường trực Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ có kể một câu chuyện ông học được trong chuyến công du Hàn Quốc mới đây, và ông coi đó như một bài học mà các doanh nghiệp Việt Nam cần học hỏi.

Ai cũng biết Hàn Quốc nổi tiếng về sâm, nhưng không phải ai cũng biết một huyện chuyên trồng sâm ở nước này, với 80% thu nhập từ sâm, biết tận dụng thương mại điện tử thế nào để tự tạo cơ hội cho mình.

Ở đây, từ người nông dân, người thu mua, doanh nghiệp đến chính quyền địa phương đều bình đẳng về thông tin, đều nắm bắt được thông tin và có khả năng ký hợp đồng kinh tế như nhau. Trong các cuộc đấu giá, người nông dân cũng tham gia như một doanh nghiệp.

Tại sao họ có thể làm được như vậy? Đơn giản, mỗi người đều biết rõ rằng, thông tin chính là của cải và họ tìm mọi cách để nắm bắt được thông tin một cách chính xác và nhanh nhất. Thương mại điện tử đã đem lại cơ hội ấy cho họ.

Còn ở Việt Nam, tham gia vào các tổ chức kinh tế quốc tế, trong đó trước mắt là WTO, thương mại điện tử ngày càng phát triển… chính là những điều kiện để các doanh nghiệp tự tìm kiếm, tự tạo cơ hội cho mình. Vấn đề là hiểu và tận dụng thế nào.

Ông Nguyễn Thanh Hưng, Vụ trưởng Vụ Thương mại Điện tử, cho rằng mặc dù nhận thức của các doanh nghiệp về một “thế giới phẳng” đã có những tiến bộ đáng kể song thật sự chưa xứng tầm và rất có thể sự tiến bộ đó chưa đủ để mỗi doanh nghiệp tự đứng vững (chưa nói là phát triển) trong cuộc cạnh tranh toàn cầu.

“Khi chúng tôi đi khảo sát về ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp, chúng tôi thấy có một điểm đáng quan ngại tại khá nhiều các doanh nghiệp. Đơn cử ngành dệt may, đây là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam nhưng việc ứng dụng thương mại điện tử để bước vào thị trường thế giới lại đang có vấn đề.

Chẳng hạn như Dệt Thành Công, Dệt Phong Phú. Hai doanh nghiệp này có đến 500 máy tính và các công đoạn sản xuất được tự động hóa rất nhiều. Thế nhưng, họ lại tận dụng thương mại điện tử rất yếu. Chính họ đang để mất dần thương hiệu, uy tín của mình khi đăng tin trên cổng ECVN, một cổng thương mại điển tử chính thức của quốc gia, lại đăng toàn những sản phẩm tồn kho.”, ông Hưng bức xúc.

Nói như Thứ trưởng Phan Thế Ruệ, không ít doanh nghiệp Việt Nam vẫn mắc một điểm yếu là “nước đến chân mới nhảy”. Trong xu thế hội nhập hiện nay, nếu không sửa được điểm yếu này, cụ thể là chủ động thông tin và tận dụng cơ hội, thì đây sẽ chính là một trong những nguyên nhân dẫn đến thất bại.

Theo vneconomy

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0