Đây thường là những người tiêu dùng trẻ tuổi, khá am hiểu công nghệ và cả kỹ năng lướt web. Tuy vậy, cũng không ít người rơi vào tình cảnh “tiền mất, tật mang”, mua phải hàng rởm, hàng giả.
Chợ “cóc” online
Diễn đàn HHVN (handheld.com.vn) là một trong những điểm đến khá nổi tiếng của những người yêu thích đồ kỹ thuật số. Anh Đặng Thanh Phong, quản trị của HHVN cho biết, HHVN dự định mở dịch vụ trung gian giao dịch. Theo anh Phong, dịch vụ này có lợi cho các thành viên mới. “Thành viên cũ đã mua-bán quen, có uy tín”, anh Phong nói. “Song với các thành viên mới, họ mới tham gia nên chưa tạo lập được uy tín nên họ cần đến một sự “bảo đảm” trong giao dịch mua-bán”. Tuy nhiên, về lâu dài anh Phong cho biết HHVN sẽ thành lập nhóm kiểm tra các sản phẩm được rao bán, nhằm đảm bảo lời quảng cáo, rao hàng đúng với chất lượng sản phẩm. Trong tương lai, dịch vụ này có thể hoạt động như một mô hình chợ điện tử.
Tuy nhiên, mua bán trên diễn đàn, người mua cần có sự hiểu biết về sản phẩm cao hơn khi mua hàng trực tiếp, vì môi trường trên mạng chỉ căn cứ vào lời nói, hình ảnh sản phẩm... Anh Phong cho biết, các thành viên của diễn đàn HHVN vẫn thường mua bán theo hình thức chuyển tiền qua tài khoản cho người bán, sau đó chuyển hàng qua đường bưu điện cho người mua.
“Một số tin tưởng đến mức chuyển hàng trước cho người mua xem rồi sau đó mới nhận tiền”, anh Phong nói và cho biết tỷ lệ mua bán kiểu chuyển hàng trước, chuyển tiền sau chiếm đến 50% các vụ giao dịch trên HHVN. Tuy nhiên, đây là phương thức mua bán khi các thành viên đã có quãng thời gian giao dịch dài, mức độ uy tín cao.
Thực tế, quyết định mua hàng hay bán hàng là trách nhiệm của từng cá nhân, các thành viên khác chỉ có thể hỗ trợ bảo vệ lẫn nhau. Và ban quản trị các diễn đàn cũng chỉ can thiệp khi có trường hợp xấu xảy ra, cách can thiệp chỉ là xóa nick, khuyến cáo, đưa vào “danh sách đen”.
“Nhiều người đến mua không cần xem hàng, không cần thử sản phẩm, chỉ nói tên mẫu sản phẩm và mua luôn”, một người quản lý tại chi nhánh 35 Hàng Khay (Hà Nội) của công ty bán lẻ thiết bị số TechLand, cho biết.
Cẩn thận kẻo “tiền mất, tật mang”
Anh Nguyễn Hoàng, nhân viên kinh doanh một công ty ở Hà Nội kể, mặc dù tự cho mình là “có kinh nghiệm”, song mới đây anh Hoàng cũng bị “ăn quả lừa” khi quyết định mua chiếc ĐTDĐ Motorola E6 second-hand được quảng cáo là “còn mới đến 98%”. Sau khi trao đổi về món hàng và giá cả khá kỹ càng, người bán cũng đã cung cấp đầy đủ họ tên, số chứng minh nhân dân, số tài khoản, anh quyết định chuyển số tiền 1,6 triệu đồng.
Tuy nhiên, chuyển tiền được hai ngày mà vẫn chưa thấy hàng, anh gọi điện lại theo số điện thoại hai bên từng giao dịch thì chỉ thấy “số máy này hiện không liên lạc được….”. Nén chờ nhưng càng chờ càng biệt tăm. Anh Hoàng chỉ còn biết cách đăng tin cảnh báo lừa đảo lên diễn đàn và nhờ các thành viên khác hiến kế giúp đỡ. Một số người khuyên báo công an, vì có cả họ tên, số tài khoản và số chứng minh thư. Nhưng cũng có người bảo chi phí theo kiện có khi còn nhiều hơn số tiền đã mất.
Anh Chu Kỳ Long, công tác tại Đài Truyền hình Hà Nội, cũng đã từng mua ĐTDĐ, máy ảnh qua các diễn đàn. Anh Long thừa nhận không rành về chuyên môn, nên “cũng không yên tâm lắm” khi mua qua diễn đàn. Theo anh, các diễn đàn là “đất làm ăn” của rất nhiều người, song cũng gây ra không ít bức xúc.
Anh Thanh H, một thành viên trên diễn đàn mua sắm 5Giây cho biết đã tham gia vào các “chợ diễn đàn” từ 4-5 năm nay. Thời gian đầu, anh cũng từng bị “vố” lừa, mặc dù đã gặp trực tiếp người bán hàng. Anh H cho biết anh đã bị lừa khi mua điện thoại, mặc dù cách mua của anh là tìm hiểu khá kỹ về món hàng trên diễn đàn, sau đó liên lạc và gặp trực tiếp người bán để xem hàng. “Tuy nhiên, người ta (bên bán – PV) chọn thời điểm xem hàng là buổi tối, ngày đó tôi còn chưa có kinh nghiệm mua bán cũng như xem hàng, nên bị lừa mua phải hàng nhái của Trung Quốc”. Mặc dù vậy, anh cho biết cũng rất khó tránh trường hợp mua phải hàng giả, kém chất lượng. “Chẳng hạn mua một chiếc điện thoại, không được mở máy nên rất khó biết bên trong thế nào”, anh nói và cảnh báo mua bán theo kiểu chuyển tiền trước, gửi hàng sau thì rất nhiều người bị lừa.
Theo anh, kinh nghiệm mua hàng qua mạng là phải tìm hiểu kỹ người bán qua mạng Internet. Chẳng hạn, người mua nên yêu cầu người bán cung cấp ít nhất là những thông tin ban đầu như số điện thoại, nickname, email, sau đó nên tìm kiếm số điện thoại, nickname và email đó trên mạng Internet. Nếu một người mà dùng nhiều số điện thoại, hoặc nhiều nickname hay email, nghĩa là rất đáng nghi ngờ. Ngoài ra, cần tìm hiểu kỹ trong diễn đàn về số lượng bài viết cũng như nhận xét của các thành viên khác về “đối tượng”.
Nhìn chung, phương thức mua bán qua diễn đàn cần có sự hiểu biết về món hàng và sự cẩn trọng cao hơn rất nhiều so với việc mua trực tiếp tại các cửa hàng, siêu thị. Ngoài ra, một số người khuyên nên chọn những diễn đàn uy tín, có các điều khoản quy định chặt chẽ.
Mua bán trên diễn đàn đôi lúc mang lại cơ hội mua được các món hàng rẻ, độc cho các thành viên. Tuy nhiên, anh H cho biết ngày trước cơ hội này nhiều hơn, vì mới chỉ một số ít người tham gia phương thức mua sắm này. Hiện nay, rất nhiều người tham gia, lập ra các gian hàng trên Internet, và đó gần như là công việc chính của họ, nên họ cứ ngồi “canh” trên các diễn đàn, để “lùng” người mua, người bán, và mua đi bán lại các mặt hàng nhằm kiếm lời.
Theo Ictnews