Nguồn lực CNTT viễn thông luôn đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế của đất nước. (Ảnh: VNN) |
Theo yêu cầu của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, đến tháng 12/2008, tất cả các trường ĐH đều phải công bố chuẩn đầu ra của quá trình đào tạo, nếu không thì phải có chế tài về tuyển sinh. Ngoài ra, các trường còn được yêu cầu nâng chuẩn đào tạo theo hướng chủ động phối hợp với nhau, có thể hình thành các hội đồng trưởng khoa, hội đồng các hiệu trưởng của từng ngành để rà soát các chuẩn đào tạo...
Chuẩn đầu ra của Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông được áp dụng cho 4 ngành: CNTT, Viễn thông, Kỹ thuật điện - điện tử và Quản trị kinh doanh, bắt đầu dành cho sinh viên từ khóa 2008. Việc công bố chuẩn đầu ra như vậy là một cách để xã hội giám sát và đánh giá chất lượng đào tạo sinh viên tại các trường đào tạo.
Chất lượng nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam lâu nay vẫn được phản ánh bằng nhiều câu ví von như: "vừa yếu vừa thiếu", "vừa thiếu lại vừa thừa", "số lượng át chất lượng"... Cá biệt, đã có đại diện một DN phần mềm bức xúc cho rằng: sinh viên CNTT của ta rất "chảnh", trình độ thì hạn chế nhưng cứ tưởng mình sẽ trở thành Bill Gates hết...
Tựu trung lại, có một thực tế không thể phủ nhận là nguồn nhân lực CNTT hiện còn chưa đáp ứng tương xứng với nhu cầu và tiềm năng phát triển của ngành CNTT, khi làm phép so sánh đơn giản và học hỏi kinh nghiệm của những nước có phát triển đột biến về CNTT trong khu vực như Ấn Độ, Trung Quốc.
Vì vậy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực bằng cách chuyên nghiệp hóa phương pháp đào tạo là một trong những hướng đi phần nào giải quyết hạn chế trên.
Theo Vietnamnet