Theo Bộ TT&TT, tính đến tháng 6/2009, mật độ điện thoại của Việt Nam đạt 117,6 máy/100 dân. Con số thống kê của Bộ TT&TT cho thấy lĩnh vực viễn thông và Internet của Việt Nam vẫn đang tiếp tục tăng trưởng mạnh ở mức bùng nổ. Tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng hiện có là 101,7 triệu máy, trong đó thuê bao di động chiếm 86,7%.
Thế nhưng, một số hãng nghiên cứu thị trường độc lập lại cho rằng trên thực tế, con số mật độ điện thoại của Việt Nam thấp hơn rất nhiều so với con số này.
Trên thực tế, thị trường viễn thông Việt Nam tuy phát triển ở mức bùng nổ nhưng vẫn còn nhiều nguy cơ “ăn xổi ở thì”. Các nhà khai thác dịch vụ viễn thông chỉ tập trung “quét” mạnh ở những dịch vụ sinh lời cao là di động. Trong khi đó, dịch vụ cố định hữu tuyến được cho là nền tảng tương lai cho phát triển băng rộng để Việt Nam bước qua “cái thuở ăn đong” sang kỷ nguyên băng rộng “ăn ngon mặc đẹp” đang bị “bỏ quên”.
Các mạng di động chạy đua cạnh tranh nên tình trạng “mua SIM thay thẻ” đã trở nên khá phổ biến và dẫn đến tình trạng các mạng di động chìm đắm trong thành tích ảo. Đằng sau những con số phát triển được các mạng di động đưa ra đã lộ rõ sự lãng phí về tài nguyên kho số và cao hơn nữa là sự lãng phí tiền của chính doanh nghiệp và Nhà nước. Cho dù mấy năm gần đây, đông đảo người dân Việt Nam đã được sử dụng dịch vụ di động nhưng cũng nên nhớ rằng vẫn còn một bộ phận không nhỏ người dân chưa bao giờ được sử dụng một loại dịch vụ viễn thông nào. Như vậy, mục tiêu mỗi người dân được sử dụng hơn 1 thuê bao điện thoại trên thực tiễn là chuyện còn khá xa.
Những con số thống kê trên gây nỗi lo hơn là sự vui mừng bởi đó không phải là phát triển thực sự. Thông thường ở những thị trường phát triển như Hồng Kông, Hàn Quốc… thì chuyện mật độ điện thoại ở mức 110% là điều bình thường. Nhưng sẽ là điều “bất thường” khi mật độ này lại rơi vào một thị trường như Việt Nam. Vì vậy, đã đến lúc chúng ta cần phải có “liều thuốc đặc trị” mạnh để giải “căn bệnh” này của viễn thông Việt Nam, dẫu có biết rằng “thuốc đắng giã tật…”.
Liệu pháp đầu tiên Bộ TT&TT đưa ra được nhận định là khá mạnh tay với Thông tư số 22/2009/TT-BTTTT hướng dẫn về quản lý thuê bao di động trả trước. Thông tư này quy định mỗi cá nhân chỉ được sử dụng số chứng minh thư, hộ chiếu của mình để đăng ký tối đa 3 số thuê bao di động trả trước của mỗi mạng thông tin di động, trừ trường hợp là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức. Thông tư này còn nghiêm cấm các hành vi sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của người khác để đăng ký thông tin thuê bao hoặc sử dụng chứng minh thư hoặc hộ chiếu của mình để đăng ký thông tin thuê bao cho người khác (trừ trường hợp cá nhân là người đứng tên đại diện cho cơ quan tổ chức). Đồng thời, thông tư cũng nghiêm cấm lưu thông trên thị trường những SIM đã được kích hoạt sẵn dịch vụ di động trả trước.
Liệu pháp này cho thấy nếu được thực thi tốt sẽ hạn chế được tình trạng “dùng SIM thay thẻ cào” vốn đang rất phổ biến hiện nay. Hơn nữa, việc hạn chế số lượng SIM cho mỗi thuê bao sẽ chấm dứt được tình trạng chuyển lưu lượng quốc tế lậu về Việt Nam qua số thuê bao trả trước và tránh được tình trạng các đại lý kích hoạt hàng loạt SIM rồi bán ra thị trường. Thế nhưng, để ngăn chặn tình trạng thuê bao ảo thì vẫn cần những “liều thuốc” khác quyết liệt hơn nữa. Rất có thể những “liều thuốc” này sẽ gây những “phản ứng phụ” đối với các doanh nghiệp viễn thông, song đó chắc chắn sẽ là việc phải làm và cần phải làm nhanh để đảm bảo một thị trường viễn thông Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.
Theo Ictnews