Thứ năm, 09/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/06/2009
Tài chính công điện tử mới ở mức... "nguyên thủy"

 Việc ứng dụng CNTT trong các dịch vụ tài chính công như: khai báo hải quan, thu nộp thuế hiện chỉ được xếp ở mức sơ khai, mức độ hưởng lợi của người dân từ các dịch vụ này chưa nhiều... là đánh giá chung của các chuyên gia tài chính và CNTT tại Hội thảo "Giải pháp số hóa thông tin và cơ sở dữ liệu cho phát triển các dịch vụ tài chính công" tại Hà Nội sáng 23/6/2009.

Ứng dụng CNTT vào thuế: chưa phục vụ được người dân

Ông Đặng Đức Mai: "Chúng tôi đã phải gửi công văn sang Bộ TT&TT đề nghị khẩn trương cấp phép cho 1 DN nào đó đủ điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực công cộng..". (Ảnh: Kiều Trang)

Trao đổi với VietNamNet, ông Đặng Đức Mai, Cục trưởng Cục Tin học Thống kê, Bộ Tài chính cho biết, trước đây, công tác tin học hóa trong quản lý thuế mới chỉ ở mức phục vụ nội bộ ngành thuế, tạo điều kiện làm việc điện tử cho cán bộ trong ngành, chứ chưa đề cập đến đến những tiện ích phục vụ người dân trong nghĩa vụ nộp thuế.

Mới đây, Tổng cục Thuế triển khai chương trình khai thuế điện tử, đầu tiên áp dụng thí điểm đối với các DN Hàn Quốc đang kinh doanh ở VN và dự kiến sẽ mở rộng triển khai với tất cả các DN vào năm 2010. Sử dụng kê khai thuế điện tử, người nộp thuế có thể tải biểu mẫu và ngồi tại cơ quan của mình khai báo, sau đó gửi nộp qua mạng Internet.

Tuy nhiên, khi triển khai thực tế, việc kê khai điện tử này cũng gặp không ít khó khăn, chẳng hạn: các quy định cụ thể, biểu mẫu thống nhất, việc quản lý và lưu trữ các tờ khai thuế điện tử... và quan trọng hơn là các biện pháp bảo mật, chứng thực.

Ông Đặng Đức Mai cho biết, để hoàn tất những công đoạn này, cơ quan thuế và hải quan vẫn phải chờ một dịch vụ chứng thực điện tử được cấp phép từ Bộ TT&TT. Hiện tại, Bộ TT&TT chưa duyệt công nhận một DN nào được phép cung cấp dich vụ chứng thực điện tử.

Đã khai báo điện tử, thông quan nhưng vẫn chờ... xác thực

Một buổi đào tạo về hải quan điện tử cho các DN xuất nhập khẩu tại Hà Nội. (Ảnh: HS)

Hải quan điện tử là nhiệm vụ mà ngành hải quan Việt Nam đặt ra và đã bắt đầu triển khai thí điểm từ 5 năm nay tại các chi cục hải quan địa phương như: Hải Phòng, Tp. HCM, Đồng Nai, Bình Dương, bắt đầu từ những thủ tục đơn giản nhất của nghiệp vụ hải quan như: khai báo bằng phương tiện điện tử, khai báo từ xa...

Theo ông Đặng Đức Mai, mới đây, Tổng cục hải quan đã trình Chính phủ kết quả thí điểm thủ tục hải quan điện tử, và đã được đóng gói thành một mô hình rõ ràng, chuyển xuống thực thi hàng loạt tại tất cả các chi cục hải quan, thay vì chỉ có một chi cục hải quan điện tử duy nhất như trước đây. Đây có thể gọi là một thành tựu của việc thí điểm thực hiện hải quan điện tử trong một thời gian dài.

Theo kế hoạch của ngành hải quan, đến tháng 7/2009, ngành này sẽ thực hiện thông quan điện tử tại một số chi cục như Đồng Nai, Bình Dương. Tháng 9/2009 dự kiến sẽ thông quan điện tử tại các chi cục hải quan Hà Nội, Lạng Sơn và Đà Nẵng. Tuy nhiên, không phải hoạt động này không tồn tại những yếu điểm gì, chẳng hạn: chậm triển khai một số nội dung trong thủ tục hải quan điện tử, chỉ triển khai được với một số lượng DN nhất định và địa bàn hạn chế, mô hình bó hẹp khó mở rộng, phần mềm chưa đạt độ chuẩn xác, hạ tầng thiết bị chưa đầy đủ...

Việc thông quan điện tử hiện tại cũng mới chỉ dừng lại đối với các hàng hóa được phân luồng xanh. Còn những hàng hóa thuộc luồng vàng và luồng đỏ thì vẫn cần phải tra cứu hồ sơ giấy tờ và kiểm tra thực tế hàng hóa. .

Theo ông Mai, thủ tục hải quan điện tử vẫn còn mắc ở khâu xác thực các chứng từ khai báo. Ngành hải quan cùng với Bộ Tài chính hiện đã xây dựng được hạ tầng chữ ký số. Sau khi hồ sơ điện tử có chữ ký số, được chứng thực bởi một dịch vụ chứng thực (CA), thì mới hoàn toàn thông quan điện tử và bỏ được hết các hồ sơ giấy.

Trong khi đó, cũng theo ông Mai, ngành hải quan đã phải gửi công văn sang Bộ TT&TT đề nghị khẩn trương cấp phép cho 1 DN nào đó đủ điều kiện cung cấp dịch vụ xác thực công cộng, để những hoạt động cần dịch vụ chứng thực chữ ký số như hải quan điện tử được sớm hoàn thành. 

Xã hội hóa là cách đi nhanh hơn?

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Hoàng Lê Minh cho biết, xã hội hóa là cách làm nhanh và hiệu quả hơn trong việc triển khai các dịch tài chính công. (Ảnh: Kiều Trang)
Đánh giá về tình hình triển khai thực tế các dịch vụ tài chính công, trong đó có hải quan điện tử, ông Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện Công nghiệp Phần mềm và Nội dung số cho rằng, các cơ quan quản lý đối với những hoạt động này thì rất nỗ lực, huy động được nhiều tiềm lực để làm. Tỷ lệ giải ngân để triển khai trong lĩnh vực tài chính công so với các dịch vụ khác của công cuộc chính phủ điện tử là khá lớn. Tuy nhiên, so với nhu cầu đáp ứng mong muốn của DN và người dân hiện nay, thì những hoạt động này vẫn còn ở mức khá xa.

Đề cập đến việc triển khai mạnh mẽ các dịch vụ tài chính công ứng dụng CNTT, ông Hoàng Lê Minh cho rằng, 2 vấn đề quan trọng trong việc đưa các dịch vụ tài chính công đến rộng rãi người dân là: Truy cập thông tin và khi dữ liệu thông tin được cung cấp theo hình thức các Call Center, Contact Center và đẩy mạnh việc thanh toán phi tiền mặt, bắt đầu từ những thiết bị nhập dữ liệu đơn giản nhất là các máy tính tiền bán lẻ (POS).

Ông Minh cho rằng, nếu để Nhà nước giải quyết những vấn đề này thì sẽ cần một nguồn ngân sách lớn và trong một thời gian rất dài. Vì thế, biện pháp xã hội hóa, giao cho các DN làm dịch vụ sẽ đi nhanh và hiệu quả hơn. Ông Minh lấy ví dụ, hiện Cục thuế TP.HCM đã cho phép 1 số công ty đứng ra làm dịch vụ khai thuế thuê cho các DN, và làm việc trực tiếp với cơ quan thuế.

Với nhiệm vụ được giao nghiên cứu, triển khai các chiến lược, đề án, dự án phát triển trong lĩnh vực phần mềm và nội dung số, ông Hoàng Lê Minh cho biết, trong năm 2009, Viện CNPM và NDS sẽ triển khai một số dự án thí điểm mô hình dịch vụ số hóa thông tin, tạo lập cơ sở dữ liệu nội dung số cho lĩnh vực tài chính công, cụ thể như: hỗ trợ các chi cục thuế trong việc kiểm soát các chứng từ giao dịch từ các đối tượng đóng thuế, nhằm làm giảm thất thu thuế...

Theo Vietnamnet

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0