Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/06/2009
Ứng dụng phần mềm trong doanh nghiệp

Hiện nay, việc ứng dụng các phần mềm (PM) trực tiếp vào sản xuất chủ yếu trong các doanh nghiệp cần tự động hóa và sản xuất công nghệ cao. Số doanh nghiệp có ứng dụng PM vào hoạt động sản xuất thật ra như đếm trên "đầu ngón tay".

Công ty cổ phần Ðồng Tâm và Công ty CP sữa Việt Nam (Vinamilk), là hai công ty vừa nhận Giải thưởng Sao Khuê năm 2008 trong lĩnh vực triển khai và ứng dụng PM và CNTT. Trong quá trình ứng dụng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ðồng Tâm Võ Quốc Thắng nói: "Việc ứng dụng CNTT vào tất cả các quy trình, nghiệp vụ đã đem lại nhiều lợi ích về kinh tế và xã hội. Ðồng Tâm đã áp dụng CNTT cho những khâu đòi hỏi phải cần có những công nghệ hiện đại nhằm tối ưu hóa những quy trình nghiệp vụ, giảm bớt những sai sót khách quan đem lại từ khâu bán hàng, sản xuất đến kế toán, giúp lãnh đạo công ty nắm rõ tình hình hoạt động để từ đó có những phương thức kinh doanh phù hợp". Giám đốc IT, Công ty cổ phần sữa Việt Nam Trần Nguyên Sơn cho biết: Vinamilk là đơn vị đầu tiên triển khai thành công hệ thống ERP Oracle EBS 1li và SAP CRM, BI tại Việt Nam. Hiệu quả từ việc áp dụng những công nghệ hiện đại vào quá trình hoạt động giúp cho tất cả các thao tác nghiệp vụ được thực hiện một cách chặt chẽ và có hệ thống, tránh được những rủi ro ngoài ý muốn từ những khâu như: Kế toán, phân phối, quản lý điều hành doanh nghiệp đều được vận hành một cách trôi chảy. Trong tương lai, Vinamilk sẽ xây dựng tính linh hoạt cho hệ thống CNTT và nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ CNTT để phù hợp sự phát triển của nền CNTT và kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hiện đại hóa, hội nhập.


Phần lớn trình độ ứng dụng PM của các doanh nghiệp ở mức "sơ khai", chủ yếu dừng ở việc sử dụng các PM về ứng dụng văn phòng Microsoft Office như Words, Excel, Outlook... để soạn thảo văn bản, thiết lập bảng biểu tính toán đơn giản hay gửi email báo giá, trao đổi thông tin, giao dịch với đối tác... hay là các PM kế toán "nội địa" phổ biến và dễ dùng như Misa, Asia, Fast... Chưa kể, trong thực tế, nhiều doanh nghiệp cũng không khai thác hết các tính năng sẵn có của các PM phổ thông. Kinh nghiệm của Hàn Quốc cho thấy, chỉ với PM Excel, họ đã giải quyết tốt rất nhiều công việc tính toán trong doanh nghiệp một cách tiết kiệm và hiệu quả mà không cần tới những PM chuyên dụng khác.


Phó Viện trưởng Viện Tin học doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Lê Văn Lợi cho rằng: "Với điều kiện nhân lực và tài chính hiện có, các doanh nghiệp Việt Nam nên tận dụng cơ sở vật chất về CNTT để tối ưu hóa công việc sản xuất kinh doanh và tiết kiệm chi phí, nhất là ở hai mảng ứng dụng văn phòng và kế toán tài chính. Xu hướng sắp tới là sử dụng các dịch vụ công với các công cụ tìm kiếm trên in-tơ-nét để phục vụ sản xuất kinh doanh, tiến dần tới thương mại điện tử một cách hiệu quả hơn. Về phía VCCI, Viện Tin học doanh nghiệp sẽ tiếp tục kết hợp các ban, ngành liên quan, đẩy mạnh việc hỗ trợ cho các DN trong ứng dụng CNTT theo Ðề án 191 của Chính phủ...


Một câu hỏi đặt ra, các doanh nghiệp đã đầu tư cho CNTT như thế nào? ở các thành phố lớn, hầu hết các doanh nghiệp đã đầu tư máy tính, các thiết bị ngoại vi khác và bước đầu phổ cập in-tơ-nét tới đội ngũ văn phòng, nhưng sử dụng chúng như thế nào cho thiết thực, cho hiệu quả thì vẫn chưa có lời giải. Phần lớn các doanh nghiệp không có bộ phận chuyên trách về CNTT, ít chú trọng cử nhân viên đi đào tạo về CNTT và ít đầu tư thời gian và tiền bạc để được tư vấn chuyên sâu về các ứng dụng CNTT. Tình trạng chung là khi thấy thiếu mới... mò mẫm tìm hiểu, mua về rồi sử dụng một cách rời rạc, thiếu tính liên kết hệ thống. Một dẫn chứng cụ thể: Công ty CP Thương mại và Ðầu tư công nghệ Anh Em, một doanh nghiệp chuyên kinh doanh phân phối các sản phẩm CNTT mới thành lập, ngoài việc sử dụng các PM văn phòng thông thường để quản lý, giao dịch thì hiện tại, công ty chỉ sử dụng thêm PM kế toán Fast, gặp trục trặc thì lại gọi người của bên cung cấp PM đến để hướng dẫn và khắc phục sự cố.


Theo khảo sát mới đây của UBND tỉnh Yên Bái, có khoảng 70% số doanh nghiệp trong tỉnh chưa kết nối mạng thông tin toàn cầu in-tơ-nét và chỉ có hai doanh nghiệp trong tỉnh có website riêng, nhưng cũng chỉ dừng ở mức độ quảng bá hình ảnh và sản phẩm của công ty chứ chưa tiếp cận được thương mại điện tử, giao dịch mua bán trực tuyến nên rõ ràng đã không tận dụng triệt để tiện ích mà CNTT đem lại trong khả năng có thể. Một thực tế khách quan nữa là khả năng tài chính của doanh nghiệp, chính sự hạn hẹp về ngân quỹ đã khiến họ không thể đầu tư có chiều sâu vào các ứng dụng CNTT. Phần mềm ERP (Enterprise Resources Planning) là giải pháp quản lý tổng thể doanh nghiệp hiệu quả nhất nhưng lại là "bài toán khó" đối với doanh nghiệp Việt Nam. Sản phẩm nhập khẩu giá thành lên tới vài chục nghìn USD, chưa kể khó triển khai do quy trình quản lý chưa tường minh và thống nhất, chưa có mô hình chung. Còn những PM kế toán hay quản lý nhân sự "made in" Việt Nam thì cũng có giá khoảng vài chục triệu đồng, dễ triển khai.


Một số doanh nhân và chuyên gia CNTT Việt Nam khi tiếp xúc các đối tác kinh doanh Hoa Kỳ đã rất buồn khi nghe phàn nàn rằng, khi họ search cụm từ "doing business with Vietnam" nếu may mắn tìm thấy một địa chỉ nào đó thì khi liên lạc sang bằng điện thoại lại xảy ra tình trạng "bất đồng ngôn ngữ", hoặc có biết diễn đạt bằng tiếng Anh thì lại khiến họ chẳng hiểu là các bạn Việt Nam đó đang sản xuất và kinh doanh... cái gì? Thành ra, trong trường hợp này,  CNTT chẳng giúp ích được gì! Ngay cả lãnh đạo các doanh nghiệp, mặc dù cũng đã ít nhiều hiểu được lợi ích của ứng dụng CNTT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh nhưng kỹ năng quản lý và nắm bắt CNTT của họ nhiều hạn chế...
Theo Nhân Dân
  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0