Một số doanh nghiệp đã triển khai dịch vụ thanh toán qua mạng, nhưng chưa được phát triển lắm vì người dân còn lo ngại về tính an toàn của các giao dịch này.
Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Hồng đã yêu cầu các ban ngành chức năng khẩn trương soạn thảo kế hoạch thực hiện chương trình đào tạo và quảng bá thương mại điện tử (TMĐT).
Theo đó, các cán bộ quản lý nhà nước và cả doanh nghiệp sẽ được đào tạo nghiệp vụ quản lý lĩnh vực mới mẻ này. Việc đào tạo này nhằm đảm bảo nhân lực quản lý đủ kiến thức để thực thi hữu hiệu việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng, phòng, chống tội phạm; nâng cao năng lực giải quyết tranh chấp về TMĐT.
Đồng thời, TPHCM sẽ huy động hết các phương tiện truyền thông, như Cổng thông tin điện tử của UBND TP, các sở ban ngành liên quan như Công thương, Thông tin Truyền thông, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư, Đài Truyền hình TP, Đài Tiếng nói Nhân dân TP… nhằm quảng bá rộng rãi, để quần chúng nhân dân hiểu hơn về TMĐT và tham gia hoạt động này.
Dự kiến từ nay đến hết năm 2015, TPHCM sẽ hoàn thiện môi trường pháp lý và ban hành các cơ chế, chính sách thuận lợi, nhằm thu hút công nghệ tiên tiến và khuyến khích doanh nghiệp ứng dụng TMĐT.
Chậm nhất là đến năm 2010, TPHCM sẽ hoàn thành dự án xây dựng Trung tâm Chứng thực điện tử và triển khai thực hiện chữ ký số để đảm bảo cho các giao dịch trên nền công nghệ số.
Ngoài ra, TPHCM cũng sẽ hỗ trợ các ngân hàng và các tổ chức tín dụng triển khai ứng dụng công nghệ mới vào hoạt động ngân hàng và các loại hình dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là dịch vụ thanh toán điện tử; xây dựng mạng kinh doanh điện tử cho một số ngành công nghiệp chiếm tỷ trọng lớn của thành phố.
Mục tiêu của chương trình phát triển TMĐT của TPHCM là đến năm 2010, 100% doanh nghiệp biết đến tiện ích của TMĐT, 20% gia đình hộ gia đình thực hiện các hoạt động mua bán giao dịch TMĐT qua mạng.
Theo Dân trí