Thứ ba, 30/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 12/06/2009
Nhập khẩu “dế” tăng chóng mặt

Tiêu thụ điện thoại di động (ĐTDĐ) trên toàn cầu đầu năm 2009 giảm mạnh, nhưng lượng hàng nhập khẩu về Việt Nam vẫn tăng, đặc biệt là loại máy dưới 100 USD.

Hàng giá rẻ tăng trên 200%

Theo Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại của Bộ Công Thương, trong khoảng thời gian từ ngày 20-27/5/2009, lượng nhập khẩu ĐTDĐ tăng trưởng “chóng mặt”, đạt hơn 800.000 chiếc, tăng tới 143% so với cùng kỳ năm 2008. Trong đó, riêng loại ĐTDĐ giá thấp (dưới 100 USD) đã chiếm gần 88,6%, tăng tới 193% so với cùng kỳ năm ngoái. Nếu chia nhỏ hơn thì loại ĐTDĐ có giá dưới 50 USD chiếm 66%, tăng 215% so với cùng kỳ năm ngoái và là phân khúc điện thoại tăng trưởng cao nhất.

Về phía các nhà phân phối, ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile, nhà phân phối chính thức ĐTDĐ Samsung và Motorola, cũng cho biết lượng nhập khẩu của phân khúc dòng máy giá rẻ tăng mạnh, trong khi đó các dòng máy tầm trung và cao cấp giảm nhẹ.

Dạo qua một số siêu thị, cửa hàng bán ĐTDĐ tại Hà Nội, dòng điện thoại “noname” (giá rẻ, nhãn hiệu lạ) bày bán khá phong phú. Tại cửa hàng của Thế giới di động trên phố Thái Hà, gian hàng “nhãn hiệu khác” (những ĐTDĐ nhãn hiệu lạ, chưa có tiếng) được trang trí khá bắt mắt, với những mẫu điện thoại có hình dáng đẹp, thời trang, tính năng phong phú như xem TV, 2 sim 2 sóng… Một nhân viên bán hàng của Thế giới di động cho hay, khá nhiều khách hàng quan tâm đến dòng điện thoại này. Trong khi đó, đại diện hãng Viễn thông A cũng cho biết bên cạnh các sản phẩm nổi tiếng Nokia, Samsung, LG… tại Viễn Thông A có bán các mẫu điện thoại hiệu Mobell (Singapore), eTouch (Hong Kong), WellcoM (Thái Lan), Bavapen, Konka… Chỉ từ 1,5 – 2 triệu đồng, khách hàng có thể sở hữu ngay chiếc điện thoại 2 sim 2 sóng, quay phim, nghe nhạc, chụp hình, có tính năng Bluetooth, màn hình cảm ứng…

Đại diện Viễn thông A cho rằng, việc xuất hiện của những dòng máy giá rẻ đã mở rộng phân khúc thị trường nhóm người tiêu dùng có thu nhập thấp, đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thoại với nhiều chức năng hơn cho khách hàng.

Ngày 12/6/2008, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 37/2008/QĐ-BTC về việc sửa đổi mức thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đối với một số nhóm mặt hàng trong Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Theo đó, tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với các mặt hàng mỹ phẩm, ĐTDĐ, phụ tùng ô tô… với các mức tăng từ 3 - 10%. Cụ thể, thuế suất nhập khẩu ĐTDĐ tăng từ 5% lên 8%. Tuy nhiên, từ sau thời điểm tăng thuế, lượng nhập khẩu ĐTDĐ vẫn không giảm.

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy trong quý II/2008, mức nhập khẩu ĐTDĐ là trên 2,9 triệu chiếc. Sang quý III/2008, tức sau thời điểm chính thức tăng thuế nhập khẩu ĐTDĐ, số lượng nhập khẩu giảm mạnh xuống chỉ còn 2,1 triệu chiếc. Song đến quý IV/2008, nhập khẩu ĐTDĐ lại tiếp tục tăng, đạt trên 3 triệu chiếc. Và đến quý I/2009, mức nhập khẩu vọt trên 3,8 triệu chiếc. Thực tế, nhu cầu sử dụng ĐTDĐ của người tiêu dùng vẫn tăng cao, do đó lượng nhập khẩu điện thoại không hề giảm.

Ít hàng nhập lậu

Lượng ĐTDĐ nhập khẩu vào thị trường Việt Nam liên tục tăng mạnh. Trong khi đó trên thị trường thế giới, thống kê của hãng nghiên cứu IDC cho thấy lượng ĐTDĐ bán ra toàn cầu quý I/2009 giảm gần 16% so với quý I/2008. Doanh số của hầu hết các thương hiệu nổi tiếng như Samsung, LG, Nokia đều giảm sút mạnh mẽ. Thậm chí, số lượng bán ra của ĐTDĐ Nokia trong 3 tháng đầu năm nay giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 2 năm qua.

2.jpg
Các loai di động giá rẻ được quan tâm.

Ngày 21/5/2009, Văn phòng Chính phủ đã ra Công văn số 515/VPCP-KGVX, thông báo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ TT&TT, Bộ Tài chính hướng dẫn và tổ chức thực hiện các biện pháp kỹ thuật thích hợp để hạn chế nhập khẩu ĐTDĐ trong tháng 6/2009. Đến nay, vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra. Tuy vậy, hầu hết các doanh nghiệp nhập khẩu và phân phối ĐTDĐ trong nước đều nói lượng nhập khẩu ĐTDĐ sẽ không bị ảnh hưởng bởi những biện pháp hạn chế nhập khẩu. Một mặt vì hiện nay vẫn chưa có biện pháp cụ thể nào được đưa ra nên chưa biết mức độ ảnh hưởng sẽ ra sao.

Song mặt khác, theo ông Lê Hoàng Hải, Phó Tổng Giám đốc FPT Mobile, hiện tại ĐTDĐ là mặt hàng đã trở nên phổ thông và hỗ trợ không nhỏ trong việc giao tiếp hàng ngày của người dùng, do đó sức mua hầu như không giảm. Ngoài ra, với một thị trường đang phát triển mạnh mẽ như Việt Nam, lại tập trung vào dòng điện thoại cấp thấp (trung bình khoảng 1 triệu đồng/máy), nên giá trị tính thuế khi cộng vào giá bán sẽ không nhiều. Vì vậy, lượng ĐTDĐ nhập khẩu vào Việt Nam được dự đoán vẫn tăng mạnh và thực tế thời điểm hiện tại đã chứng tỏ điều đó.

Ông Nguyễn Sơn Trường, một đại diện của Samsung Vina, cũng thừa nhận cho đến nay các biện pháp hạn chế nhập khẩu chưa ảnh hưởng nhiều đến lượng nhập khẩu ĐTDĐ vào Việt Nam.

Một tín hiệu vui là nhiều người nhận định dù gia tăng các biện pháp hạn chế nhập siêu ĐTDĐ song số sản phẩm nhập lậu trên thị trường sẽ không cao. Đại diện Samsung Vina cho rằng ít có sản phẩm lậu. “Thường các hãng nhập khẩu với quy mô lớn được ưu đãi về giá cả, do đó mức giá không chênh lệch nhiều so với giá hàng nhập lậu”, ông Trường nói.

Theo đánh giá chủ quan của ông Lê Hoàng Hải, lượng ĐTDĐ nhập lậu tại Việt Nam hiện chiếm khoảng 10% thị trường. Dự đoán lượng hàng lậu sẽ không tăng vì các dòng ĐTDĐ phổ biến tại Việt Nam có giá thành trung bình thấp, mức chênh lệch giữa hàng nhập chính thức và hàng nhập lậu không quá nhiều nên người tiêu dùng vẫn tin tưởng mua hàng chính thức hơn, vì chất lượng và các dịch vụ bảo hành, hậu mãi. Tuy nhiên, đối với mặt hàng cao cấp, mức chênh lệch giá giữa hàng lậu và hàng chính thức sẽ lớn. Do đó, nguy cơ hàng cao cấp bị nhập lậu nhiều hơn.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0