Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 01/06/2009
“Viettel: minh chứng cho chính sách mở cửa thị trường”

“Thực tế trong gần 10 năm qua đã chứng minh quá trình chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh là rất thành công và Viettel là một ví dụ điển hình”, ông Mai Liêm Trực nói.

Phải mở cửa thị trường để người dân Việt Nam được sử dụng dịch vụ bưu chính - viễn thông (BC-VT) với giá rẻ và chất lượng tốt, đồng thời mở đường cho cạnh tranh khi vào WTO là trăn trở của ông Mai Liêm Trực trong thời gian đảm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Bưu điện (TCBĐ). Phóng viên báo BĐVN đã có phỏng vấn ông Mai Liêm Trực, nguyên Tổng cục trưởng TCBĐ về thời kỳ lịch sử đó.

Cho đến thời điểm này, có thể nói chính sách mở cửa thị trường viễn thông của Việt Nam đã thành công. Vậy tư duy về chính sách mở cửa thị trường viễn thông đã hình thành và được TCBĐ triển khai ra sao thưa ông?

Những tư duy đầu tiên về mở cửa viễn thông được hình thành từ khoảng 1991 - 1992, khi TCBĐ mở rộng hợp tác song phương với nước ngoài và tham gia tích cực vào Tổ chức viễn thông quốc tế (ITU), nhất là từ 1994 khi Việt Nam được bầu vào Hội đồng điều hành của ITU. Thời kỳ này, nhiều nước cũng đang tìm cách chuyển độc quyền doanh nghiệp viễn thông sang cạnh tranh song mỗi nước làm một cách, quá trình cũng rất khó khăn, thông thường phải mất khoảng 10 năm mới chuyển được sang thị trường thực sự có cạnh tranh.

Bên cạnh đó, lợi ích nhóm với các công ty độc quyền viễn thông cũng cản trở quá trình chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh ở nhiều nước. Ở Việt Nam, viễn thông được coi là lĩnh vực rất nhạy cảm, có nhiều lo ngại kể cả ở cấp cao về việc đảm bảo an ninh quốc phòng khi mở ra cạnh tranh.

Mặt khác, Tập đoàn BC-VT Việt Nam (VNPT) tách ra khỏi TCBĐ từ 1990 cũng đang thực hiện chiến lược số hóa, tăng tốc thành công nên nhiều ý kiến muốn tiếp tục duy trì độc quyền. Cuối năm 1995, Thủ tướng Võ Văn Kiệt đồng ý về nguyên tắc cho Công ty Điện tử - Thiết bị thông tin (tiền thân của Viettel) và Công ty cổ phần BCVT Sài Gòn (SPT) được tham gia kinh doanh dịch vụ BC-VT. Tuy nhiên, cả hai đều còn quá nhỏ, vốn chỉ vài tỷ đồng với mấy chục CBCNV chưa bao giờ kinh doanh viễn thông. TCBĐ cũng lúng túng không biết cho mở dịch vụ gì trước: nội hạt, đường dài trong nước hay quốc tế, cố định hay di động?

Năm 1997, khi Chính phủ mở Internet, TCBĐ quyết định cấp phép cho 4 doanh nghiệp một lúc, áp dụng cạnh tranh ngay từ đầu; đồng thời với việc tham gia mạng Internet toàn cầu, Việt Nam cũng bắt đầu đàm phán Hiệp định thương mại Việt - Mỹ và WTO. Từ kinh nghiệm thành công trong việc mở cửa thị trường Internet, TCBĐ quyết tâm tìm cách mở cửa thị trường viễn thông, chuyển từ độc quyền sang thị trường cạnh tranh. Hơn nữa, dư luận xã hội cũng bắt đầu than phiền giá cước viễn thông cao, thái độ phục vụ của nhân viên bưu điện nhiều nơi tỏ ra cửa quyền.

Tại sao TCBĐ lại chọn Viettel làm nhân tố đột phá thực hiện chính sách mở cửa thị trường viễn thông với dịch vụ VoIP? Có ý kiến cho rằng TCBĐ chọn Viettel vì muốn dựa vào sức mạnh của quân đội?

Mr-truc-1.jpg
Ông Mai Liêm Trực - nguyên Tổng cục trưởng Tổng Cục Bưu điện

Đến năm 1999, Viettel và SPT đều quá nhỏ, Viettel với số vốn 2,3 tỷ đồng và gần 100 cán bộ làm việc trong một dãy nhà cấp 4, SPT có vài chục tỷ đồng nhờ buôn bán thiết bị và Internet. Nhận thấy các doanh nghiệp mới rất khó khăn, TCBĐ quyết định cho mở cạnh tranh dịch vụ điện thoại đường dài trong nước và quốc tế bằng công nghệ VoIP (Voice Over Internet Protocol) với đầu tư ít và doanh thu tăng nhanh. TCBĐ thông báo cho các doanh nghiệp (kể cả VNPT) xây dựng và trình đề án thử nghiệm làm VoIP. TCBĐ chọn Viettel không phải vì Viettel là một doanh nghiệp quân đội mà bởi đây là doanh nghiệp trình đề án trước tiên, trình bày rất rõ ràng và quyết tâm cao. Công tác quản lý Nhà nước phải công khai, minh bạch và công bằng. Đương nhiên nước nào khi mở cửa thị trường cũng có chính sách ưu tiên cho các doanh nghiệp mới tham gia thị trường. Vì vậy, ngày 3/2/2000, TCBĐ cấp phép cho Viettel là đơn vị duy nhất làm thí điểm VoIP và đến ngày 15/10/2000, Viettel chính thức mở dịch vụ 178 kinh doanh điện thoại đường dài giữa Hà Nội - TP.HCM và sau đó đi các tỉnh. Khi giao cho Viettel đi tiên phong, TCBĐ cũng yên tâm hơn về vấn đề an ninh quốc phòng, Viettel lúc đó số lượng cán bộ ít nhưng có những người lãnh đạo rất quyết tâm, có kinh nghiệm từ Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc chuyển sang; ý chí và kỷ luật quân đội cũng là một nhân tố quyết định thành công.

Sau gần 8 tháng Viettel đưa dịch vụ điện thoại đường dài 178 vào khai thác, các vấn đề lớn về công nghệ, kết nối, giá cước, phân chia cước giữa các doanh nghiệp, ghi và thu cước, xử lý khiếu nại của khách hàng… đã được giải quyết. Dịch vụ VoIP 178 được người dân sử dụng nhiều, lưu lượng tăng nhanh. Đến 7/2001, TCBĐ đã cấp phép chính thức cho Viettel, VNPT, SPT và một số doanh nghiệp mới khai thác điện thoại đường dài trong nước và quốc tế bằng công nghệ VoIP.

Khi quyết định mở cửa thị trường viễn thông, TCBĐ có chịu nhiều sức ép hay không?

Khi quyết định cấp phép VoIP cho Viettel, TCBĐ không chịu bất kỳ sức ép nào của Bộ Quốc phòng. Tôi thường xuyên gặp lãnh đạo Bộ Quốc phòng trong các cuộc họp nhưng không ai nói với tôi lời nào là phải cấp phép cho Viettel dịch vụ này nọ. Khi gặp nhau tại các cuộc họp Chính phủ hàng tháng, Bộ trưởng Phạm Văn Trà thường nói với tôi là Bộ Quốc phòng tập trung cho sự nghiệp quốc phòng, còn các đơn vị quân đội làm kinh tế kết hợp quốc phòng phải theo sự quản lý của Nhà nước. TCBĐ có trách nhiệm quản lý Nhà nước phải quản lý Viettel, đừng để làm gì sai mang tiếng cho quân đội.

Về phía VNPT cũng có những phản ứng nhất định khi TCBĐ mở cửa thị trường và ép giảm cước mạnh khi chưa có cạnh tranh. Dù vậy, có không ít cán bộ VNPT ủng hộ mở cửa thị trường và hiểu rằng chỉ như vậy VNPT mới trở nên năng động.

Lúc đặt bút ký cho Viettel cung cấp dịch vụ VoIP, ông có băn khoăn hay không? Ông có tin tưởng vào sự thành công của doanh nghiệp này không?

Tôi không băn khoăn gì khi ký cho Viettel làm VoIP vì mình làm đúng luật, đúng chủ trương chung của Nhà nước và có bàn bạc trong tập thể lãnh đạo Tổng cục cũng như ý kiến của các vụ chức năng. Mặc dù công nghệ VoIP thời kỳ đầu chất lượng chưa thật tốt song tôi tin rằng dịch vụ này sẽ thành công vì người Việt Nam còn nghèo, chỉ cần Tổng cục quy định giá cước VoIP thấp là dân sử dụng.

Giá cước là bao nhiêu? Phân chia cước giữa VNPT và Viettel thế nào? Rồi quy định kết nối giữa các mạng để đảm bảo kỹ thuật và chất lượng dịch vụ, xử lý khiếu nại của người sử dụng khi cuộc gọi kết nối giữa các mạng... Có lúc VNPT kêu Tổng cục ép mình quá, cũng có khi Viettel kêu thủ tục chưa hỗ trợ đúng mức cho doanh nghiệp mới. Tôi rất trăn trở, chia sẻ vốn kinh nghiệm với các nước, có người nói với tôi rằng: “Ông yên tâm, nếu các doanh nghiệp đều phản ứng là ông làm đúng đấy, còn khi một doanh nghiệp hay tất cả các doanh nghiệp đồng ý hoàn toàn là ông đã sai lầm, vì lúc đó người tiêu dùng sẽ bị thiệt”. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn của người mở đường nhưng Viettel đã nỗ lực hết mình, thực hiện xuất sắc chính sách của Nhà nước, lớn mạnh nhanh ngoài sức tưởng tượng của tôi cũng như cả Thiếu tướng Hồ Tri Liêm lúc đó là Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thông tin liên lạc, anh Hoàng Anh Xuân, Tổng giám đốc và anh Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Tổng giám đốc Viettel. Có thể nói Viettel là một “hiện tượng”! Tôi khâm phục và cảm ơn họ.

Có được Viettel như ngày hôm nay đó là nhờ chính sách mở cửa thị trường và tầm nhìn của TCBĐ nhưng cá nhân ông cũng đã từng làm Tổng giám đốc của VNPT. Vậy giờ đây tình cảm ông dành cho hai doanh nghiệp này ra sao?

Những ngày đầu TCBĐ công bố chính sách mở cửa thị trường viễn thông, báo Lao Động có đăng ảnh tôi trên trang nhất với hàng tít “Bưu điện tự chống độc quyền” nhiều người nghĩ rằng VNPT tách ra từ TCBĐ, tôi cũng như hầu hết cán bộ TCBĐ đều làm việc nhiều năm trong ngành, đã làm ở VNPT nên chắc sẽ không khách quan, níu kéo để giữ độc quyền cho VNPT. Nhưng thực sự không phải vậy. Ở vị trí nào cũng phải làm đúng chức năng của mình vì lợi ích chung. Tuy có người phản ứng hoặc hiểu lầm song cũng có nhiều người ủng hộ.

Thực tế triển khai mở cửa thị trường trong gần 10 năm qua đã chứng minh quá trình chuyển từ độc quyền sang cạnh tranh trong lĩnh vực viễn thông ở Việt Nam là rất thành công (kể cả so với một số nước). Người dân được hưởng lợi từ giá dịch vụ rẻ và chất lượng tốt hơn. Nhà nước huy động được các nguồn nội lực phát triển đất nước và thu thuế được nhiều hơn. Viettel đã phát triển vượt bậc, là đội quân xung kích của quá trình mở cửa thị trường. Bản thân VNPT có công lớn trong thời kỳ đầu thực hiện chiến lược số hoá, hợp tác với nước ngoài và tăng tốc phát triển. Cũng có vài năm VNPT hơi say sưa với thành tích, chậm đổi mới tổ chức sản xuất kinh doanh và có biểu hiện trì trệ chủ quan nhưng gần đây với thị trường cạnh tranh mạnh đã năng động hơn rất nhiều và đang phát triển tốt. Tôi tin rằng với lộ trình WTO khi các doanh nghiệp nước ngoài vào lập Công ty liên doanh viễn thông thì VNPT và Viettel đều sẽ cạnh tranh tốt và tiếp tục phát triển.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0