Cập nhật: 22/05/2009 |
Đề án tăng tốc đưa Việt Nam thành QG mạnh về CNTT&TT: Cả 4 trụ cột đều... yếu |
|
|
Nhân lực CNTT của Việt Nam còn thiếu về số lượng và yếu về trình độ.
|
Bộ TTTT đã thông qua Dự thảo đề cương "Đề án tăng tốc sớm đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về CNTT&TT". Nhưng cả 4 trụ cột chính (hạ tầng CNTT-TT; ứng dụng CNTT; công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT-TT) để tăng tốc đều còn rất... yếu.
|
|
Từ thực tế đến ý tưởng
Sau gần 1 thập kỷ thực hiện Chỉ thị 58 Bộ Chính trị (ban hành năm 2000 về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước), kết quả vẫn chưa thực sự được như mong muốn. Năm 2007, khi sơ kết thực hiện chỉ thị này thì hầu hết các mục tiêu lớn đều không đạt.
Cụ thể, mục tiêu: "Đến năm 2005, trình độ và hiệu quả ứng dụng CNTT đạt mức trung bình các nước trong khu vực" đã thất bại khi trình độ CNTT của VN đã bị xếp vào hàng tụt hậu xa so với mức trung bình thế giới. Đặc biệt, mục tiêu máy tính trong nước đáp ứng 80% nhu cầu nội địa thì chỉ đạt 30%... Các chuyên gia đánh giá: CNTT vẫn chưa trở thành một trong những động lực quan trọng nhất của phát triển kinh tế - xã hội.
Chủ trương xây dựng đề án trên thực sự là ý tưởng mạnh bạo và cũng là tham vọng lớn của VN. Về nội dung tăng tốc, mục tiêu tổng thể của đề án là mục tiêu đến giai đoạn 2015 - 2020, mọi gia đình, công dân VN đều sẽ sử dụng thiết bị thông tin và kết nối băng thông rộng để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần; sử dụng các dịch vụ công của hành chính điện tử tới các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.
Đặc biệt đến năm 2015, VN sẽ phải là một trong 70 nước phát triển CNTT-TT hàng đầu thế giới. Tầm nhìn đến năm 2020: CNTT-TT sẽ làm nòng cốt để VN chuyển đổi cơ cấu kinh tế - xã hội, trở thành nước có trình độ tiên tiến về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin.
Tăng tốc được không?
Chính phủ và mọi thành viên chủ chốt của Bộ TTTT đã thống nhất cao chủ trương này. Vì thế, vấn đề chính hiện nay là VN sẽ phải tăng tốc như thế nào? Và tăng tốc được bao nhiêu từ nay đến năm 2015? Theo Bộ TTTT, 4 trụ cột chính của một nền CNTT-TT mạnh được xác định bao gồm: Hạ tầng CNTT-TT, ứng dụng CNTT, công nghiệp CNTT và nhân lực CNTT-TT. Đây cũng chính là những vấn đề then chốt phải tăng tốc. Mặc dù xác định rõ được những trụ cột này, song trên thực tế, cả 4 trụ cột này của VN đều đang rất yếu.
Cụ thể theo đánh giá của Liên minh Phần mềm DN BSA về hạ tầng CNTT, VN vừa bị tụt hạng từ 60 xuống 61, trong đó đứng sau Thái Lan, Philippines và Malaysia. Ngoài ra, số lượng máy tính cá nhân của VN chỉ đạt 1,4/100 người; kết nối băng rộng chỉ đạt 0,8 điểm. Về nhân lực, mặc dù có tiến bộ nhưng VN cũng xếp sau Thái Lan, Philippines, Indonesia và Malaysia. Trong đó chỉ có 30% sinh viên đại học, cao đẳng và trên đại học.
Đặc biệt hơn, đào tạo nhân lực CNTT của VN bị đánh giá là số lượng không theo kịp nhu cầu và chất lượng không đáp ứng được yêu cầu với tỉ lệ tuyển chọn là 1/10. Về công nghiệp CNTT, khả năng nghiên cứu và phát triển (R&D) tụt hạng từ 52 xuống 61; trong đó số lượng sáng chế được đăng ký hầu như không có. Bên cạnh đó, cả công nghiệp phần cứng và phần mềm đều đang tụt dốc nghiêm trọng do suy thoái và do tự VN không thể đạt được mục tiêu. Về ứng dụng CNTT của VN cũng đang ở mức độ rất thấp, trong đó chỉ có vài website đạt mức 3 trong tổng số 4 mức về dịch vụ công...
Với tất cả những khó khăn trên, VN đang thừa quyết tâm nhưng thiếu nhiều sức mạnh tiềm lực để tăng tốc. Dự kiến, Bộ TTTT sẽ hoàn thành việc soạn thảo đề án trước ngày 30.6, sau đó sẽ xin ý kiến góp ý của các bộ, ngành liên quan, hoàn thiện để trình Ban Chỉ đạo quốc gia về CNTT và Thường trực Chính phủ trong tháng 7.2009.
Theo Lao động |