Nhân rộng mô hình
Thôn Hữu Lễ 4, xã Thọ Xương có 205 hộ, 809 nhân khẩu, bình quân mỗi người được giao 10 thước ruộng. Do sản xuất theo kinh nghiệm truyền thống nên năng suất, hiệu quả lao động ở đây còn thấp. Từ ngày có TTTTNT, người dân Hữu Lễ có điều kiện tìm hiểu và ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập bình quân đầu người từng bước nâng lên, đời sống được cải thiện rõ rệt.
Thọ Xương và Xuân Hòa là hai xã đầu tiên của tỉnh Thanh Hóa được thí điểm thực hiện dự án do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý. Bộ chủ quản đã hỗ trợ xây dựng TTTTNT nhằm phát triển và xác định mô hình phù hợp, bền vững về kỹ thuật, tài chính, có khả năng cung cấp thông tin nhanh nhất, hỗ trợ phát triển sản xuất, tăng thu nhập cho nông dân. Mỗi xã được đầu tư gần 150 triệu đồng thiết bị gồm máy tính, máy ghi hình kỹ thuật số, điện thoại, máy và màn chiếu... cùng hơn 300 triệu đồng cho hoạt động thường xuyên trong thời hạn hai năm. Ngoài tiếp thu, sử dụng 40 đầu sách báo, 210 tài liệu, ấn phẩm định kỳ, các băng đĩa hình do ban điều hành dự án cung cấp, đội ngũ cán bộ TTTTNT xã Thọ Xương còn khai thác thêm thông tin, in sao tài liệu, viết tin, bài tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh cơ sở nhằm phổ biến kiến thức khoa học - kỹ thuật, chủ trương, chính sách của Ðảng về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn cho nông dân.
Qua hai năm hoạt động có 1.068 lượt người đến trung tâm khai thác thông tin về chính sách pháp luật, kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, giá vật tư, nguyên liệu đầu vào, hoạt động thu hoạch, chế biến nông sản. Trung tâm còn tổ chức các lớp tập huấn, hội nghị đầu bờ chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho hơn 1.300 lượt người, hỗ trợ nhân rộng nhóm cùng sở thích đồng thời xây dựng cơ chế thỏa thuận, hợp tác với các cơ quan, ban ngành các cấp về xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và phổ biến thông tin. Hoạt động của TTTTNT đã góp phần nâng cao trình độ nhận thức, kỹ năng thực hành cho nông dân nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng đất đai, nhân, vật lực ở địa phương, tăng thu nhập cho người lao động.
Ðồng chí Trần Duy Bình, Phó Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Thanh Hóa khẳng định: Qua khảo sát, hoạt động hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin ở khu vực nông nghiệp, nông thôn đem lại hiệu quả thiết thực, bổ ích. Hiện nay, TTTTNT đang trở thành điểm đến của nông dân, nơi cung cấp thông tin tin cậy, cần thiết cùng các loại hình dịch vụ công tiện lợi. Từ hai mô hình này, Thanh Hóa triển khai nhân rộng ở 15 xã thuộc các huyện Ðông Sơn, Quảng Xương, Yên Ðịnh, Triệu Sơn, Nga Sơn, Cẩm Thủy, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống cho đại bộ phận dân cư.
Phát triển mạng lưới thông tin cơ sở
Thanh Hóa có hơn 70% dân số là nông dân làm nông nghiệp nhưng giá trị sản xuất chỉ chiếm 22% GDP của tỉnh. Ðời sống nông dân, hộ làm nông nghiệp còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính của tình trạng này vẫn là do người nông dân thiếu thông tin, thiếu kiến thức khoa học - kỹ thuật. Sự ra đời của các TTTTNT đã đáp ứng tốt hơn nhu cầu cung cấp thông tin cho nông dân. Song cái khó hiện nay là năng lực vận hành của đội ngũ cán bộ phụ trách các trung tâm và chế độ đãi ngộ. Ngoài ra, phần lớn các TTTTNT đặt trụ sở tại văn phòng UBND xã, chưa thật thuận lợi cho nhân dân đến khai thác thông tin. Một số trung tâm đặt tại điểm Bưu điện văn hóa xã, nặng về khai thác dịch vụ, nên hiệu quả chưa cao do số lượt người trực tiếp truy cập, khai thác thông tin còn thấp. Khi kết thúc dự án hỗ trợ xây dựng TTTTNT, thời gian khai thác, nội dung hoạt động của các trung tâm cũng dần thu hẹp. Ấy là chưa kể cơ sở vật chất nghèo nàn, kinh phí hoạt động hạn chế, chế độ phụ cấp thấp nên hoạt động của các TTTTNT thiếu nền nếp...
Ðể TTTTNT phát triển bền vững, ngoài tranh thủ nguồn hỗ trợ của tổ chức quốc tế và cân đối ngân sách..., tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo năm công ty được phân bổ, sử dụng Quỹ Viễn thông công ích quan tâm đầu tư phát triển mạng lưới thông tin cơ sở nói chung và các TTTTNT nói riêng. Thông qua các doanh nghiệp, Nhà nước hỗ trợ người dân thuộc khu vực viễn thông công ích mua thiết bị phát triển điện thoại cố định, in-tơ-nét, hỗ trợ ngư dân mua máy thu phát sóng vô tuyến điện HF phục vụ vươn khơi, bám biển dài ngày. Ðến nay khách hàng ở 21 huyện thuộc 479 xã trong tỉnh được hưởng lợi từ chương trình viễn thông công ích nêu trên. Riêng Viễn thông Thanh Hóa - đơn vị chủ đạo thực hiện chương trình này - trong ba năm đã tạo điều kiện cho 326 nghìn khách hàng được hưởng lợi các dịch vụ viễn thông công ích. Viễn thông Thanh Hóa đã tiến hành khảo sát và đang triển khai 187 điểm truy cập in-tơ-nét công cộng ở các xã hưởng lợi của chương trình, tập trung chủ yếu khu vực miền núi, biên giới, đồn biên phòng, đơn vị kinh tế quốc phòng.
Hiện Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh đang đề xuất xây dựng mô hình cổng thông tin phục vụ xây dựng Trung tâm thông tin cơ sở. Theo mô hình này, các ngành liên quan cùng có trách nhiệm cung cấp thông tin tăng cường cơ sở dữ liệu và các dịch vụ cung cấp thông tin cần thiết cho bà con nông dân trên các lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, tài chính - tín dụng. Cổng thông tin cấp tỉnh sẽ tích hợp các dịch vụ, lĩnh vực phục vụ nông thôn hoặc xây dựng một trung tâm dữ liệu lớn có quan hệ với một công ty viễn thông bằng đường truyền dung lượng lớn, kết nối với các trung tâm thông tin cơ sở qua các điểm truy cập in-tơ-nét công cộng. Dự kiến, mỗi điểm có từ năm đến 10 máy tính cùng các thiết bị truyền thông đặt ở vị trí tiện lợi, có cán bộ hỗ trợ kỹ thuật và quản trị mạng giúp đỡ bà con khai thác. Ðể biến ý tưởng này thành hiện thực, nhiều ý kiến cho rằng Bộ Thông tin - Truyền thông cần hỗ trợ kinh phí xây dựng một số dự án hợp phần trên cổng thông tin cấp tỉnh và nâng cao năng lực hoạt động của TTTTNT. Cùng đó, UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí tổ chức hoạt động, nhân rộng mô hình ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ đạo các ngành liên quan tham gia thiết kế quy trình nghiệp vụ chuyên ngành theo các giai đoạn phát triển, cấp vốn đối ứng xây dựng các phần mềm, dịch vụ công, duy trì phát triển cổng thông tin. Theo chúng tôi, trong khi chờ đợi nguồn kích cầu, nhân rộng mô hình thông tin từ Nhà nước, trước mắt cần hướng nguồn kinh phí phát triển Viễn thông công ích vào phát triển TTTTNT. Trên cơ sở đó thực hiện minh bạch tài chính, công khai diện hưởng lợi từ chương trình này, tránh lẫn lộn nội dung thực hiện viễn thông công ích với chương trình khuyến mại, chăm sóc khách hàng của bản thân doanh nghiệp. Các nguồn hỗ trợ phát triển công nghệ thông tin và dịch vụ Viễn thông công ích cần thống nhất về một đơn vị quản lý, điều hành. Trọng tâm là ưu tiên phát triển Trung tâm thông tin cơ sở ở các xã, cơ quan, đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Những địa phương có điều kiện từng bước chuyển dần Trung tâm thông tin cơ sở sang mô hình dịch vụ công ích có thu và có thể phát triển mô hình này theo hướng xã hội hóa.
Theo Nhân dân