Chương trình được bắt đầu bằng một buổi gặp gỡ các phóng viên báo chí lúc 18h30 và chính thức giao lưu lúc 20h00. Cùng tham gia giao lưu trong chương trình có ông Lê Hoàng Quân - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh, Gs Trần Thanh Vân một nhà khoa học đã có nhiều đóng góp đặc biệt đối với ngành Khoa học tự nhiên trong nước thông qua việc tổ chức các buổi Hội thảo “Gặp gỡ Việt Nam”.
Ngay từ những năm 1970, GS Trần Thanh Vân đã thai nghén ý tưởng về việc tạo diễn đàn cho các nhà khoa học vật lý trong nước được tiếp xúc, chia sẻ kiến thức với bạn bè thế giới. Nhưng, mãi đến năm 1993, theo lời mời của GS, VS Nguyễn Văn Hiệu, ông mới có thể tổ chức cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" lần đầu tại Hà Nội, mở ra diễn đàn giao lưu khoa học bằng những vấn đề của vật lý hạt và vật lý thiên văn.
Tiếp đó, "Gặp gỡ Việt Nam" lần II diễn ra ở TPHCM năm 1995, với sự tham dự của hơn 220 nhà khoa học đến từ 40 nước. Các tờ báo lớn ở Pháp như Libération, Le Point... thời đó đã nhắc đến GS Trần Thanh Vân và GS Nguyễn Văn Hiệu như những người kiến tạo nên một "thủ đô" Vật lý thiên văn và Vật lý hạt toàn thế giới. Các cuộc "Gặp gỡ Việt Nam" tiếp theo đã diễn ra vào những năm 1999, 2000, 2004, 2006.
Thật tình cờ và may mắn, Gs Trần Thanh Vân cũng có mặt tại TPHCM trong thời điểm này và đã vui vẻ nhận lời tham dự chương trình giao lưu cùng Gs.Vs Nguyễn Văn Hiệu và các sinh viên ngành CNTT và KHTN của các trường ĐH tại TP HCM.
Đặc biệt, bên cạnh các nhà khoa học, chương trình còn đem đến cho các sinh viên tại TPHCM những lời ca ngọt ngào của 03 ca sĩ Sao mai điểm hẹn ca sĩ Hà Anh Tuấn, ca sĩ Phương Anh và ca sĩ Dương Quốc Hưng.
Ban tổ chức rất hy vọng có thể mang đến cho các bạn sinh viên tại TPHCM những kiến thức, kinh nghiệm và triết lý sống, nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học và những giây phút thoải mái với các ca sĩ nổi tiếng cùng với các phần quà tặng của các nhà tài trợ.
GS Trần Thanh Vân người gốc Đồng Hới, Quảng Bình. Năm 1953, khi mới 17 tuổi, ông qua Pháp học tập. Năm 1956, ông tốt nghiệp Đại học Paris với 2 bằng cử nhân vật lý và toán học. Năm 1958, ông bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và đến 1966 trở thành tiến sĩ về lĩnh vực vật lý hạt cơ bản. Ông đã giảng dạy tại Đại học Paris, là nghiên cứu viên cao cấp của Trung tâm Nghiên cứu KH Quốc gia Pháp, được Chính phủ Pháp tặng Huân chương Bắc đẩu Bội tinh, được Chủ tịch Viện Hàn lâm khoa học Nga tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự. GS Trần Thanh Vân đã có trên 300 công trình khảo luận và 115 đầu sách về vật lý mang tên ông.
|
Theo Dân trí