Thứ ba, 30/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/05/2009
3G: "Đẩy và kéo"

Sau thời gian dài chờ đợi, cuối cùng 3G đã được triển khai ở Việt Nam và sẽ chính thức được cung cấp trong vài tháng tới. Tuy nhiên, liệu 3G có thành công như người ta kỳ vọng không vẫn là câu hỏi để mở!

3G (viết tắt của cụm từ third-generation wireless – mạng không dây thế hệ thứ 3) vừa được bộ Thông Tin và Truyền Thông (TTTT) Việt Nam cấp phép hợp chuẩn cho 4 doanh nghiệp viễn thông (DN VT) cung cấp ở băng tần 1900-2100 MHz. Đây là công nghệ có khả năng hỗ trợ các dịch vụ đa phương tiện tốc độ cao như video, Internet băng rộng, thoại có hình... đặc biệt vượt trội đối với những vùng nông thôn, nơi địa hình bị hạn chế không thể kéo đường cáp tới được. Sự kiện này vốn được trông ngóng từ nhiều tháng nay, do người ta kỳ vọng nó có thể tạo nên bước đột phá lớn đối với chất lượng dịch vụ viễn thông, đồng thời tạo cơ hội để Việt Nam thu hẹp khoảng cách số ở các vùng kém phát triển.

Tại cuộc tọa đàm về chủ đề 3G do bộ TTTT tổ chức ngày 22/4/2009, thứ trưởng bộ TTTT Lê Nam Thắng cũng đã nhận định: “Chúng ta không thể dùng con mắt hiện tại để đánh giá sự phát triển của 3G, mà phải đặt ở thì tương lai để đánh giá. Với 3G có một cơ chế gọi là “đẩy và kéo”, nghĩa là khi chúng ta đi trước một bước về công nghệ nó sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt các dịch vụ, ngành công nghiệp nội dung, ứng dụng, và ngược lại. Khi các dịch vụ nội dung, ứng dụng phát triển nó sẽ thúc đẩy sự phát triển của hạ tầng 3G”.

Đầu tư mạnh

Thông tin từ bộ TTTT cho biết, tổng số tiền 4 DN VT gồm Viettel, MobiFone, Vinaphone và liên doanh EVN Telecom/HanoiTelecom trúng tuyển cam kết đầu tư cho 3G trong 3 năm tới là khoảng 33.822 tỷ đồng. Còn số tiền mà 4 DN này cam kết đặt cọc ngay sau khi trúng tuyển là 8.100 tỷ đồng. Trong đó, Viettel có mức cam kết cao nhất với số tiền đầu tư là 12.789 tỷ đồng trong 3 năm để xây dựng hạ tầng 3G, và cam kết đặt cọc 4.500 tỷ đồng. Về lâu dài, Viettel dự kiến đầu tư khoảng 1,5 đến 1,8 tỷ USD trong thời hạn 15 năm của giấy phép 3G. Tuy thế, Viettel sẽ khó cung cấp 3G sớm hơn các DN khác. Viettel cho biết, sẽ triển khai 3G sau khoảng 9 tháng kể từ ngày nhận được giấy phép với vùng phủ sóng tới 86,5% dân số và khoảng 5000 trạm thu phát sóng tại thời điểm cung cấp dịch vụ.

Theo kế hoạch, DN đầu tiên sẽ cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam là MobiFone. Ông Đỗ Vũ Anh, phó giám đốc công ty MobiFone cho biết sẽ tiến hành cung cấp dịch vụ 3G đầu tiên trong vòng 3 tháng sau khi được cấp phép và cam kết sẽ phủ sóng 3G tới 100% các đô thị trên 63 tỉnh thành một năm sau đó. Lí do khiến MobiFone có thể đẩy nhanh tiến độ triển khai với mức đầu tư thấp hơn DN khác là do trong năm đầu tiên MobiFone sẽ dùng chung 100% cơ sở hạ tầng mạng 2G hiện có như nhà trạm, cột ăng ten, thiết bị truyền dẫn kết nối mạng lõi của 2G.

Liên doanh EVN Telecom và Hanoi Telecom cũng cho biết sẽ đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng cho 3G trong ba năm đầu tiên, và dự kiến sẽ cung cấp dịch vụ sau 9 tháng kể từ ngày được cấp phép với vùng phủ sóng khoảng 50% dân cư. Còn theo VinaPhone, mạng này đã có kế hoạch chuẩn bị triển khai mạng 3G từ cuối năm 2008, do đó các kế hoạch triển khai đều đã sẵn sàng cả về mặt hạ tầng và dịch vụ cung cấp.

“Nếu các DN viễn thông chỉ tập trung phát triển hạ tầng mà không có chính sách phối hợp để phát triển nội dung và các dịch vụ cuối thì sẽ rất khó thành công. Để 3G thành công, cần sự phối hợp chặt chẽ của 4 đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước, các DN cung cấp thiết bị (mạng lưới và đầu cuối), các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và các DN cung cấp dịch vụ viễn thông”, ông Lê Nam Thắng.

Triển vọng phát triển

Theo ước tính của ông Tống Viết Trung, phó tổng giám đốc Viettel, số thuê bao 3G ở Việt Nam trong năm đầu tiên sẽ đạt khoảng 5% tổng thuê bao di động. Con số này sẽ tăng lên 20-30% sau 5 năm. Trong đó Viettel hy vọng sẽ có được 2,8 triệu thuê bao 3G trong năm đầu tiên và 20 triệu thuê bao sau 5 năm cung cấp. Cũng theo ông Trung, tốc độ phát triển thuê bao 3G ở Việt Nam có thể sẽ cao hơn các nước đã triển khai trước đó, do dân số nước ta trẻ nên nhu cầu sử dụng các dịch vụ gia tăng nhiều hơn. Tuy nhiên, khi đánh giá về nguồn thu, các mạng đều cho rằng trong năm đầu doanh thu của 3G sẽ chủ yếu là từ dịch vụ thoại. Ông Hoàng Trung Hải, phó giám đốc VinaPhone tiên lượng trong năm đầu tiên doanh thu từ 3G sẽ chiếm khoảng 5-10% tổng doanh thu của các mạng di động, sau 3 năm sẽ tăng lên khoảng 20%.

Ở góc độ cơ quan quản lý nhà nước, thứ trưởng Lê Nam Thắng phân tích: “3G phát triển sẽ kéo theo sự phát triển của ngành công nghiệp CNTT, bao gồm cả DN kinh doanh, sản xuất thiết bị đầu cuối, DN cung cấp thiết bị mạng lưới và đặc biệt là ngành công nghiệp nội dung số. Với 2G chúng ta có 137 nhà cung cấp dịch vụ nội dung cùng khoảng 5.000 lao động, doanh thu khoảng 5.000 tỷ. Với việc phát triển băng rộng và 3G, số lượng DN, số lượng lao động cũng như doanh thu của ngành này sẽ phát triển rất nhanh. Trong kế hoạch phát triển của hai DN là VNPT và Viettel trong năm tới sẽ có doanh thu khoảng 120.000 tỷ. Nếu doanh thu từ dịch vụ cung cấp nội dung chỉ cần đạt bằng 10% con số thì tốc độ phát triển của ngành này ít nhất cũng gấp đôi con số hiện nay, nghĩa là đạt mức tăng trưởng khoảng 50%”. Theo ông Thắng, 3G còn là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng thương mại điện tử và chính phủ điện tử, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển GDP của Việt Nam.

Ông Trung, Viettel nhận định: trước mắt, 3G được coi là giải pháp chia sẻ lưu lượng hiện tại với mạng 2G. Triển khai 3G sẽ giúp các DN giải quyết vấn đề về dung lượng và tốc độ truy cập cao cho các thuê bao di động. 3G cũng là cơ hội để đưa Internet đến mọi người dân. Trong những năm qua, dù Việt Nam đã rất cố gắng đưa Internet băng rộng đến các gia đình, nhưng tiến triển rất chậm trong khi nhu cầu còn rất nhiều. Với 3G, đây là khả năng tăng cường độ phủ của Internet và giảm giá thành dịch vụ.

Hợp tác để thúc đẩy

Dễ thấy rằng, nếu 3G được triển khai chỉ để phục vụ cho dịch vụ thoại sẽ là sự lãng phí lớn cho toàn xã hội. Triển khai 3G phải đi kèm với việc phát triển hàng loạt các dịch vụ tiện ích và dịch vụ nội dung trên di động, cùng dịch vụ truy cập Internet băng rộng như: Internet di động, các dịch vụ đa phương tiện (tải nhạc, mobile tivi, tải phim, tải game…) các dịch vụ tiếp thị di động, thanh toán di động… Đại diện của Gapit Telecommunications và VNG, hai nhà cung cấp dịch vụ nội dung cho di động đều cho rằng hầu hết các nhà cung cấp dịch vụ nội dung đều đang hoạt động “cầm chừng”, chỉ có một số ít là có lãi. Do đó có thể xem 3G là điều kiện “vàng” để ngành công nghiệp nội dung số và dịch vụ di động phát triển. Tuy vậy, hiện tại đang thiếu một chính sách chia sẻ giữa các nhà mạng và các DN cung cấp dịch vụ nội dung.

Về khả năng thành công của 3G tại Việt Nam, ông Thắng cho rằng: “Với thị trường VN, thu nhập còn thấp, nếu không đưa ra được mức giá phù hợp thì rất khó triển khai rộng khắp cho người dân. Do đó, để đảm bảo cho 3G phổ biến cần phải xem xét yếu tố giá thành, làm sao để hạ giá thành thiết bị và giá cước dịch vụ.” Đồng quan điểm này, một chuyên gia viễn thông khác nhấn mạnh: “Vấn đề cót lõi để 3G thành công là: nội dung dịch vụ, chất lượng, chi phí và sự dễ dàng sử dụng, phong phú thiết bị đầu cuối”. Có thể nói, đây chính là bài toán cơ chế “kéo và đẩy” mà thứ trưởng Lê Nam Thắng đã nói.

“Băng rộng di động có ảnh hưởng tích cực tới GDP của một quốc gia cũng như ảnh hưởng tới công ăn việc làm, cuộc sống và xã hội. Hơn nữa, Việt Nam đang trong thời điểm thích hợp để ứng dụng những công nghệ tiên tiến trong băng rộng di động, mang tới những dịch vụ di động chất lượng cao, hấp dẫn cho người tiêu dùng”, Ông Nigel Waters, tổng giám đốc, Nokia Siemens Networks Việt Nam.
“Khi bộ TTTT quyết định việc cấp phép 3G ở Việt Nam, mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng. Ở các nước phát triển như Mỹ, Úc, chính phủ ngoài việc tạo điều kiện cho các DN phát triển hạ tầng băng rộng còn dùng nguồn lực của nhà nước đầu tư hàng tỷ USD. Điều này cho thấy lợi ích băng rộng mang lại cho xã hội là rất lớn”, thứ trưởng Lê Nam Thắng.
“Phổ biến 3G vấp phải khó khăn ở thiết bị đầu cuối. Tỷ lệ máy điện thoại 3G còn thấp và giá thành cao. Ngoài ra cũng cần tính tới sự phát triển của máy tính giá rẻ nếu muốn thị trường Internet băng rộng di động có sự bùng nổ”, ông Tống Việt Trung, phó tổng giám đốc Viettel Telecom.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0