Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/05/2009
Chống vi phạm bản quyền phần mềm: Sự khó hiểu trong thực thi

Mặc dù các quy định pháp luật đã rất rõ ràng song do bị hiểu khác đi nên việc thực thi, chống vi phạm bản quyền PM trở nên chồng chéo, phức tạp và lãng phí.

Giẫm chân lên nhau

Hiện tại, có hai cơ quan thuộc Chính phủ có thẩm quyền thanh tra, xử phạt vi phạm bản quyền phần mềm. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn thực hiện thanh tra “theo nếp cũ” từ thời Bộ Văn hóa Thông tin. Còn Bộ Thông tin và Truyền thông có thẩm quyền thanh tra bản quyền phần mềm theo chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ giao từ khi thành lập Bộ năm 2007.

Với hai cơ quan quản lý nhà nước cùng thanh tra một nội dung, không ai dám đảm bảo tỷ lệ vi phạm bản quyền phần mềm ở Việt Nam sẽ giảm một nửa nhưng điều chắc chắn là nguồn lực nhà nước đang bị lãng phí vì lực lượng thực thi giẫm chân lên nhau còn doanh nghiệp tăng thêm gánh nặng thanh tra.

Khi được hỏi về vấn đề này, nhiều doanh nghiệp CNTT, cũng là người sử dụng phần mềm tham dự Lễ trao giải Sao khuê 2009 vừa qua tại Hà Nội đã từ chối bình luận. GS.TS Đặng Hữu, nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ và Môi trường, cho rằng nên thống nhất một đầu mối về sở hữu trí tuệ về phần mềm. Ông Hữu nói “Bản quyền phần mềm hiện thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong khi Bộ này không phải là chuyên ngành là không hợp lý. Tôi cho rằng nên để quản lý bản quyền phần mềm về Bộ chuyên ngành sẽ tốt hơn”.

Theo ông Đặng Hữu, bảo vệ bản quyền phần mềm là động lực hàng đầu thúc đẩy sáng tạo của đất nước. Tuy nhiên, với các nước thu nhập thấp như Việt Nam thì cần có chính sách song hành để vừa đảm bảo phát triển phần mềm trong nước, vừa tuân thủ yêu cầu của hội nhập quốc tế. Vì vậy, “việc thống nhất đầu mối quản lý bản quyền phần mềm về cơ quan chuyên ngành sẽ tiện hơn cho ngành phần mềm”, ông Hữu nói.

Theo kế hoạch, trong hai tháng 5-6/2009, Thanh tra Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ tiến hành thanh tra bản quyền phần mềm đối một số công ty lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Thanh tra đột xuất được tiến hành khi phát hiện tổ chức, cá nhân có dấu hiệu vi phạm pháp luật, theo yêu cầu của việc giải quyết khiếu nại, tố cáo hoặc được giao.

Trong khi đó, ông Vũ Xuân Thành, Chánh thanh tra Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lại có quan điểm khác. Trao đổi nhanh qua điện thoại, ông Thành nói thanh tra bản quyền phần mềm chỉ tiến hành đột xuất, không thể có kế hoạch, thông báo trước “vì như thế, đến nơi họ xóa đi rồi thì sao?”.

“Ai cũng hiểu, chỉ một người không hiểu”

Trong buổi làm việc với Bộ Thông tin và Truyền thông sáng 21/8/2007 về bộ máy tổ chức, chức năng, nhiệm vụ của Bộ ngay sau khi được thành lập, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định “… bản quyền báo chí, phần mềm, xuất bản, Bộ Thông tin và Truyền thông phải quản lý”.

Nghị định 187 quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Thông tin và Truyền thông có nêu rõ Bộ Thông tin và Truyền thông “chỉ đạo và tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về quyền tác giả đối với sản phẩm báo chí, xuất bản, bản quyền về sản phẩm và dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông; quyền sở hữu trí tuệ các phát minh, sáng chế thuộc ngành lĩnh vực quản lý của Bộ; thực hiện các biện pháp bảo vệ hợp pháp của nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quyền tác giả, bản quyền sản phẩm, sở hữu trí tuệ theo thẩm quyền”.

Bộ Thông tin và Truyền thông được thành lập có thẩm quyền quản lý nhà nước trong các lĩnh vực Viễn thông, CNTT, Báo chí, Xuất bản, Bưu chính.

Còn ở Nghị định số 185 có nêu rõ chức năng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là “Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong lĩnh vực quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học nghệ thuật”.

Mặc dù quy định rõ ràng như vậy, nhưng từ khi thành lập đến nay, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vẫn khẳng định thẩm quyền thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về quyền tác giả đối với báo chí, xuất bản, phần mềm. Theo công văn số 965/BVHTTDL-TTr ngày 20/3/08, giải thích là do Luật Sở hữu trí tuệ quy định Bộ Văn hóa Thông tin chịu trách nhiệm về quyền tác giả, quyền liên quan (bao gồm loại hình được sử dụng dưới hình thức xuất bản, báo chí, chương trình máy tính), bất chấp thực tế là mảng báo chí, xuất bản đã được chuyển sang Bộ Thông tin và Truyền thông.

Giữ nguyên quan điểm của mình, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là ý kiến duy nhất trong 27 thành viên Chính phủ đề nghị dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông bỏ cụm từ “bản quyền phần mềm máy tính” (chứ không có thêm báo chí, xuất bản như theo công văn số 965 vừa nêu trên).

Dự thảo Nghị định này đã được Bộ Thông tin và Truyền thông lấy ý kiến các Bộ, ngành và trình Chính phủ từ năm ngoái. Ngoại trừ Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các Bộ khác hoặc không có ý kiến hoặc đồng tình với việc trách nhiệm quản lý nhà nước về bản quyền phần mềm thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Bộ Tư pháp, cơ quan thẩm định các văn bản quy phạm pháp luật, khẳng định nội dung thanh tra chuyên ngành bản quyền phần mềm của Thanh tra Thông tin và Truyền thông tại dự thảo Nghị định là phù hợp với hệ thống pháp luật hiện hành và không trùng lắp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (theo công văn số 1341/BTP-PLHS-HC ngày 7/5/08).

Do còn ý kiến khác (của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) về thanh tra bản quyền phần mềm nên dự thảo Nghị định về tổ chức và hoạt động của Thanh tra Thông tin và Truyền thông được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đưa vấn đề này ra thường trực Chính phủ cho ý kiến. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định này vẫn còn “treo” cho đến nay.

Trong khi đó, mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa ra dự thảo Nghị định về thanh tra Bộ với nội dung thanh tra chuyên ngành gồm có Quyền tác giả, quyền liên quan. Nếu dự thảo này được thông qua và sự bất cập của Luật Sở hữu trí tuệ về bản quyền phần mềm (Báo Bưu điện Việt Nam số 54) không được sửa đổi, thì Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch với nhiệm vụ được giao về Bảo vệ quyền tác giả, quyền liên quan đối với tác phẩm văn học nghệ thuật sẽ “lấn sân” sang bản quyền phần mềm.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0