Thứ năm, 01/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 25/04/2009
Alain Teissonnière : 'CPU' đầu tiên của máy tính Việt Nam đã yên nghỉ

Trong bài xin được gọi là Alain như người Pháp kêu tên bạn thân vì một thời tôi đã làm việc dù không trực tiếp nhưng biết về anh tương đối rõ. Tôi coi Alain là CPU (bộ óc) đầu tiên và cha đỡ đầu của ngành vi tính Việt Nam cách đây hơn 30 năm.

GS Phan Đình Diệu và Alain Teissonnière (trái) năm 1977. Ảnh : Nguyễn Chí Công.

Ngày 21/4/2009, trái tim của Alain Teissonnière, người bạn lớn của giới tin học Việt nam, đã ngừng đập tại bệnh viện St Louis, Paris, hưởng thọ 72 tuổi.  Người bạn Pháp ra đi để lại nỗi tiếc thương vô hạn cho thế hệ làm tin học vài thập kỷ kể từ năm 1977. 

Tôi nhớ về Alain, một người gầy, ít nói, sống khiêm nhường, không thích được đăng báo hay cố giơ mặt trước ống kính tivi. Chỉ khi nghe thuyết trình về vi tính mới biết sức mạnh tri thức công nghệ và tầm nhìn xa tiềm ẩn trong anh. Chúng tôi vẫn luôn tự hỏi, tại sao một con người sống ở Paris hoa lệ lại dấn thân vì người nghèo ở xa xôi. 

Những năm cuối 1970 đầu 1980, nhìn cơm trong cặp lồng với vài ngọn rau muống và quả cà của cán bộ trong Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển (VKHTT ĐK - sau này đổi tên là Viện Công nghệ Thông tin), anh quay đi lau nước mắt. Nhưng Alain vẫn cả quyết, công nghệ IT sẽ giúp mang đến thịt cá trong mâm cơm nếu Việt Nam biết giành lấy cơ hội. 

Trong vai trò chuyên gia và cả ở cương vị Tổng thư ký Ủy ban vì Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Viet Nam), Alain đã sang làm việc tại Việt nam rất nhiều lần, tìm tài liệu, học bổng và giới thiệu nơi làm việc tại Pháp cho hàng trăm thực tập sinh hoặc nghiên cứu sinh nước ta. Hàng trăm lượt chuyên gia Pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sang giúp nước ta do anh giới thiệu. Ngoài ra, Alain còn tham gia giúp đỡ các nạn nhân của chất độc mầu da cam. 

Anh được trao tặng giải thưởng năm 2005 của Liên đoàn Thực chứng Pháp (Prix de l’Union Rationaliste) và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. 

Năm 1977, lần đầu Alain đến thuyết trình về kỹ thuật vi xử lý tại Viện, nơi có chiếc máy Odra mua của Ba Lan giá hàng triệu rúp, chiếm mấy gian hầm chống B52 tại Đồi Thông trong làng Liễu Giai (Ba đình, Hà Nội). Chiếc máy ODRA này là niềm tự hào tin học của miền Bắc lúc đó.

Anh tiên đoán kỹ thuật vi tính sẽ thay thế chiếc ODRA cồng kềng kia và sức mạnh tính toán sẽ được đặt trên chiếc bàn làm việc chứ không phải trong một căn nhà đồ sộ, tốn kém. Không ai tin được, kể cả những vị công tác lâu năm. 

Hôm nay, ít người nhớ nước ta đã xuất xưởng chiếc máy vi tính đầu tiên của Châu Á từ phòng thí nghiệm tại Viện KHTTĐK. Có người cãi rằng đó chỉ là lắp ráp theo mẫu. Thôi cứ cho như thế, vì thật ra dân khoa học nhà ta không thích phục người khác. Chiếc máy được thiết kế với chip Intel 8080A nên anh em kỹ sư đặt tên là VT80, VT có nghĩa là vi tính. Người giúp cho VT80 ra đời không ngoài ai khác mà chính là Alain và đội ngũ kỹ sư trẻ của Viện, học trò của anh.

VT80 - Chiếc máy tính đầu tiên của châu Á. Ảnh : Nguyễn Chí Công

Thế hệ sau của VT80 là VT8X được mang đi ứng dụng thử vào quản lý vật tư cho xí nghiệp may Sinco tại Sài gòn vào năm 1981. Phần lập trình đều viết bằng ngôn ngữ bậc thấp assembler. Chiếc máy đó đã chứng minh rằng, vi tính là tương lai của công nghệ thông tin và sức mạnh tính toán có thể đặt trên một chiếc bàn. 

Người viết bài này rất nhớ lần mang chiếc VT8X đến Hội nghị thành ủy Sài gòn để trình diễn vào giờ nghỉ trưa, được các vị Võ Văn Kiệt, Nguyễn Văn Linh và Mai Chí Thọ nghe rất chăm chú qua lời giới thiệu rất PR của PTS trẻ Vũ Duy Mẫn. Ông Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt hỏi đùa một câu “Giá chiếc máy bé xíu này tương đương với mấy tấn lúa?”. 

Khi đó, khu vực Châu Á nói chung, trừ Nhật bản ra, còn rất lạ lẫm với vi xử lý. Các đoàn từ Thái Lan, Nam Triều tiên, Singapore, Malaysia hay Ấn độ đến thăm Viện nườm nượp, một nơi mà dân làng ở khu vực này vẫn dùng phân tươi, nước giải để tưới hoa và rau, đi vệ sinh phải đeo khẩu trang.

Một phần trụ sở Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển, 3 phòng bên phải thuộc Phòng Kỹ thuật tính toán (Ảnh : Nguyễn Chí Công, 1977)

Đại tướng Võ Nguyên Giáp thường xuyên thăm hỏi GS Phan Đình Diệu, vị đứng đầu ngành tin học, hay người chủ trì đề tài vi tính Nguyễn Chí Công về những tiến bộ đạt được. Cuối năm 1980, Thủ tướng Phạm Văn Đồng đến thăm Viện, thấy hoàn cảnh cơ cực của những nhà khoa học nên đã giao cho Phó thủ tướng Đồng Sĩ Nguyên, khi xây Viện Toán học trên Nghĩa Đô, phải dành một phần cho phòng thí nghiệm vi tính, để khách quốc tế đến thăm đỡ thấy đất nước mình quá khổ. 

Quan hệ XHCN với các nước tư bản như Pháp lúc đó rất khó khăn, kèm theo cấm vận của Mỹ nhất là nhập khẩu công nghệ. Từ lãnh đạo đến cán bộ trẻ của Viện, sang Paris thực tập, khi về nước mang trong va li những linh kiện vi tính, dù với số tiền đó, họ có thể mua thêm một cái xe máy, tương đương một căn hộ lắp ghép Thành Công. Không thể nhập khẩu chip theo đường chính thức nên xách tay. Thời nay, nói đến hàng xách tay, chợt lại nhớ đến vụ phi công bị bắt bên Nhật vì mang đồ ăn cắp hay những vụ mang hàng lậu xa xỉ mà thấy chạnh lòng...

Tất cả những thành công sáng chói bước đầu của nền vi tính Việt Nam đều có dấu ấn của Alain và những cán bộ năng động hết lòng vì khoa học của Viện, dù chỉ dừng ở phòng thí nghiệm. Do cấm vận của Mỹ, không thể nhập công nghệ để sản xuất đại trà và do tầm nhìn hạn hẹp hay lợi ích nhóm nên chiếc máy vi tính VT80 không thể bơi ra biển lớn.

Hôm nay chiếc CPU hiệu “Alain Teissonnière” đã ngừng xử lí. Anh đã đi xa, chúng ta mất một người yêu quí trong khi tìm thêm bạn mới lại rất khó. Rất có thể khi trên giường bệnh, Alain nghĩ đến các nước Singapore, Hàn Quốc hay xa hơn là Ấn độ với chút thoáng buồn khi thấy Việt Nam bị bỏ lại phía sau, mà một thời ta đón họ đến học hỏi tại làng Liễu Giai thuở nào.

Nếu nắm bắt được vận hội, có lẽ hôm nay trong cặp lồng cơm có nhiều hơn cả thịt cá. Dịp may hiếm có 30 năm trước để vi tính Việt Nam trở thành thương hiệu quốc tế đã bị phai phí. Dẫu vậy, di sản của Alain Teissonnière để lại cho nền tin học Việt nam, tầm nhìn xa về công nghệ và dấu ấn sâu đậm về tấm lòng của một người bạn Pháp vì người nghèo ở xứ Đông Dương sẽ sống mãi với thời gian.

Giang Công Thế
(Công tác tại Viện Công nghệ Thông tin giai đoạn 1977-1993)

Theo tienphong.vn

Thương tiếc, chia buồn Ông Alain Teissonnière từ giới CNTT Việt Nam:
 

 

“Chúng tôi vô cùng thương tiếc thông báo: do tuổi cao bệnh nặng, Ông Alain eissonnière, nguyên Tổng thư ký Ủy ban vì Hợp tác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam (Comité pour la Coopération Scientifique et Technique avec le Viet Nam) đã từ trần ngày 19/4/2009 tại bệnh viện St Louis, Paris, hưởng thọ 72 tuổi. Lế hoả thiêu cử hành vào 11h20 sáng thứ sáu 24/4/2009 tại nghĩa trang Père Lachaise, sau đó di cốt sẽ được chuyển về mai táng tại quê hương Colognac (Les Cévennes) bên cạnh mộ của cha mẹ và chị.

Ông Alain Teissonnière là chuyên gia tin học Pháp và một người bạn thân thiết lâu đời của giới tin học Việt Nam. Năm 1977, tại Hà Nội, ông đã thuyết trình về kỹ thuật vi xử lý và giúp đỡ một nhóm kỹ sư thuộc Viện Khoa học Tính toán và Điều khiển thực hiện thành công chiếc máy vi tính đầu tiên của nước ta. Từ đó cho đến khi ngã bệnh hiểm nghèo, ông đã sang thăm và làm việc hàng chục lần với nhiều cơ quan giáo dục, khoa học và công nghệ ở cả hai miền Bắc Nam. Trong cương vị Tổng thư ký Ủy ban vì Hợptác Khoa học và Kỹ thuật với Việt Nam ông đã tổ chức tìm tài liệu, học bổng và giới thiệu nơi làm việc tại Pháp cho hàng trăm thực tập sinh hoặc nghiên cứu sinh nước ta, đồng thời đưa hàng trăm lượt chuyên gia Pháp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau sang giảng bài tại Việt Nam. Những công việc nhân đạo cuối cùng của ông là giúp đỡ các nạn nhân chiến tranh vì chất độc dioxine.

Rất nhiều người trong số những ai đã từng gặp ông cho biết đó là một nhà triết học giản dị, trung thực, dũng cảm và không màng danh lợi. Ông từng được trao tặng giải thưởng năm 2005 của Liên đoàn Thực chứng Pháp (Prix de l’Union Rationaliste) và Huy chương Hữu nghị của CHXHCN Việt Nam.

Xin kính cẩn nghiêng mình trước tấm gương sáng Alain Teissonnière, người sống mãi trong tâm hồn chúng tôi.”

TS. Nguyễn Chí Công, Hội Tin học VN 

“Cám ơn Anh Thế vì một bài viết rất hay, xin xem như một lời cám ơn của 
chúng ta tới Alain.

Nhớ hồi ở Paris, hàng tuần chị Phan Minh Tân và Đặng Văn Đức đến nhà 
Alain để cùng nghiên cứu lắp máy. Mình không biết những việc này, chỉ 
làm chân khiêng đồ cho mọi người, rồi ngồi chờ đến lúc xong thì về ...

Nhớ hồi 1988, một lần Alain đến Đồi Thông. Bữa đó anh Công và Mẫn rủ 
mình đi ăn phở trưa ở dốc Tam Đa với Alain. Cái năm còn khổ ấy, quán 
phở nấu cạnh lò than đun nước sôi bán ..., bát nước phở đen và đục, 
trông rất đáng nghi. Ba tên VN ăn được vài thìa rồi bỏ. Riêng Alain 
kiên trì xúc từng thìa ăn đến cùng. Đấy là lần mình có một bài học, vì 
Alain là  người rất sạch sẽ.

Cầu chúc Alain yên nghỉ.

Nhớ mãi một người bạn tốt của CNTT của Việt Nam.”

Hồ Tú Bảo, School of Knowledge Science of JAIST  

“Tôi không may mắn được trực tiếp làm việc cùng Alain Tessonnier ở Pháp nhưng cũng đã chứng kiến những đóng góp to lớn với tình cảm đặc biệt cho sự phát triển rất ấn tượng ban đầu của ngành công nghệ thông tin Việt nam trong những năm 80. Tôi thật sự cảm phục về sự tận tậm và nhiệt huyết của Alain trong việc dẫn dắt và chuyển giao 
công nghệ vi tính hàng đầu của thế giới trong thời gian đó, cho chúng ta một đất nước còn rất nghèo đói, bị cấm vận và ngổn ngang những hậu quả của các cuộc chiến tranh.

 
Đúng Alain đã có tầm nhìn xa như bài viêt của Anh Giang Công Thế trên Tiền phong online mong Việt nam thóat khỏi nghèo đói bắng việc tự mình thiết kế và chế tạo ra những chiếc máy vi tính của Việt nam và áp dụng vào các ngành sản xuất và dịch vụ. Cách hỗ trợ của Alain rất cơ bản và rất chiến lược là Việt nam phải làm chủ và phát triển 
cả phần cứng và phần mềm. Điều này không phải ai cũng thấy được và đáng tiếc ngành Công nghệ thông tin của chúng ta đã quá thiên về phần mềm và nóng vội trong tự 
động hóa quá trình quản lý (tin học hóa).

Cho phép tôi được bày tỏ lòng kính yêu vô hạn tới Alain Tessonnier và ngậm ngùi vì ước vọng của Anh mong muốn Việt nam thóat khỏi nghềo đói từ chip vi xử lý  chưa thành hiện thực.” 
GS. Phạm Thượng Cát Viện Công nghệ Thông Tin, Viện Khoa học và công nghệ Việt nam.  
 

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0