Chủ nhật, 28/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/04/2009
3G - Tiền đề để phát triển một xã hội thông tin

Việc triển khai 3G sẽ tạo ra cơ chế “đẩy - kéo” đối với các ngành công nghiệp dịch vụ CNTT và các ứng dụng, đồng thời là tiền đề cho sự phát triển của thương mại điện tử và chính phủ điện tử.

Đó là nhận định của Thứ trưởng Thường trực Bộ TT & TT Lê Nam Thắng tại buổi toạ đàm “Triển vọng 3G ở Việt Nam” do báo Bưu điện Việt Nam tổ chức tại Hà Nội ngày 22/4.

Tham dự tọa đàm có lãnh đạo các Vụ, Viện thuộc Bộ, các doanh nghiệp di động, cung cấp nội dung số, nhà cung cấp thiết bị viễn thông, nhà phân phối di động… cùng đại diện của hơn 60 cơ quan báo chí - truyền hình… Buổi tọa đàm do Bộ TT&TT bảo trợ và sự tài trợ của Viettel, Qualcomm, Gapit Communications. Nhiều vấn đề “nóng” liên quan đến việc triển khai mạng lưới di động băng rộng tốc độ cao (3G), dịch vụ 3G đã lần đầu tiên được đề cập.

Hạ tầng phát triển nhanh bất chấp khó khăn

Ông Tống Viết Trung, Phó Tổng giám đốc Viettel cho rằng trong 2 năm tới Việt Nam sẽ có khoảng 5% thuê bao di động dùng 3G, trong đó Viettel có khoảng 2,8 triệu thuê bao. “Số thuê bao 3G sẽ chiếm khoảng 30% tổng số thuê bao di động trong 5 năm tới. Trong đó, 20-30% số thuê bao 3G chủ yếu dùng các dịch vụ dữ liệu, truy cập Internet qua đường truyền không dây”, ông Trung nói.

Không đưa ra bất kỳ một dự báo cụ thể nào về triển vọng thuê bao 3G như Viettel, nhưng MobiFone, một mạng di động cũng chạy đua quyết liệt trong triển khai cung cấp dịch vụ 3G, cho hay họ kỳ vọng doanh thu từ 3G không thua kém 2G. “Dự báo thuê bao tùy vào giải pháp mà doanh nghiệp đưa ra cho khách hàng. Cái đích mà MobiFone đang hướng tới là cung cấp dịch vụ chất lượng cho khách hàng”, ông Đỗ Vũ Anh, Phó giám đốc MobiFone nói.

VinaPhone, doanh nghiệp đạt điểm cao thứ hai trong cuộc thi tuyển 3G đưa ra dự đoán về thuê bao 3G một cách thận trọng. “Về doanh thu, những năm đầu dự kiến tăng 5%-10% doanh thu nhờ 3G, sau 3 năm tăng lên 20%. Bước đầu là để người dân làm quen, chưa thể đột biến được nhưng tốc độ 3G ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh”, ông Hoàng Trung Hải, Phó giám đốc VinaPhone nói.

Ông Võ Quang Lâm, PGĐ EVN Telecom cho biết liên danh EVN Telecom - Hanoi Telecom đặt mục tiêu chiếm 15% thị phần 3G trong năm đầu tiên cung cấp dịch vụ. Sau đó chiếm được 20 - 25% thị phần trong 3 năm.

Tuy lạc quan về thị trường, các doanh nghiệp cũng nêu ra những khó khăn về phát triển 3G tại Việt Nam. Ngoài thời gian triển khai nhanh theo đúng cam kết trong hồ sơ thi tuyển, còn có những cản trở khác. Trước hết là giá điện thoại di động 3G còn đắt so với đại đa số người tiêu dùng; các dịch vụ nội dung số dành cho 3G còn nghèo nàn; triển khai lắp đặt trạm phát sóng di động gặp khó…

Mặc dù vậy, theo ông Tống Viết Trung, trong ba năm tới, dự báo thuê bao 3G ở Việt Nam sẽ nhanh hơn với một số nước đi trước. Ngoài ra, sự tham gia của các thành phần trong chuỗi giá trị tại thời điểm này tương đối chín muồi, từ các đơn vị cung cấp chipset đến các đơn vị cung cấp thiết bị cầm tay, thiết bị mạng đến các nhà cung cấp dịch vụ. “Các thành phần đều nỗ lực triển khai 3G, sẽ tạo nên giá thành người dân chấp nhận được. Đây là cơ hội để cất cánh cho 3G ở Việt Nam”, ông Trung nói.

Đóng góp trực tiếp vào phát triển kinh tế

Ông Bùi Quốc Việt, Giám đốc Trung tâm thông tin và Quan hệ công chúng (Tập đoàn VNPT) đặt vấn đề liệu có nguy cơ lãng phí khi phải đầu tư lớn cho 3G? Cái giá phải trả nếu triển khai 3G thất bại là gì? Đáp lại băn khoăn này, Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định khi Bộ TT&TT quyết định triển khai việc cấp phép 3G, mục tiêu quan trọng nhất là thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng băng rộng. Hạ tầng 3G không chỉ phục vụ cho các ứng dụng di động mà còn cả cho các dịch vụ cố định và giúp cho việc phổ cập Internet ở các vùng sâu, vùng xa.

“Chúng ta không thể dùng con mắt hiện nay của mạng băng hẹp để đánh giá thị trường, tương lai của 3G. Chúng ta phải đặt chúng ta ở trong tương lai để đánh giá sự phát triển của 3G. Vì nếu nhìn vào hạ tầng 2G hiện nay chúng ta sẽ không thể nghĩ được trong 3 năm tới 3G sẽ phát triển thế nào”, Thứ trưởng Lê Nam Thắng nói.

 

1.jpg
Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng.

Theo Thứ trưởng Lê Nam Thắng, việc triển khai 3G tạo ra cơ chế “đẩy kéo”, tức là khi công nghệ đi trước một bước, nó sẽ kéo theo sự phát triển của một loạt các ngành công nghiệp, dịch vụ nội dung, ứng dụng. Và ngược lại, khi các dịch vụ nội dung phát triển nó sẽ kéo theo sự phát triển của hạ tầng 3G.

Đặc biệt, việc cấp phép 3G sẽ tạo điều kiện cho sự phát triển của ngành công nghiệp nội dung số phát triển. Hiện với công nghệ di động 2G, Việt Nam có 137 nhà cung cấp dịch vụ nội dung, tạo 4.000-5.000 chỗ làm việc và cho doanh thu 5.000 tỷ đồng… Với việc phát triển băng rộng và 3G, Thứ trưởng Lê Nam Thắng dự đoán, “trong kế hoạch phát triển của hai doanh nghiệp là VNPT và Viettel trong năm tới sẽ có doanh thu khoảng 120.000 tỷ đồng, trong đó 70% là doanh thu từ di động. Nếu chỉ lấy 10% con số phát triển này là của nội dung thì chúng ta cũng sẽ hình dung được tốc độ phát triển của ngành này, chắc chắn ít nhất cũng là gấp đôi con số hiện nay. Trong năm 2008, mặc dù chỉ với băng hẹp 2G, ngành công nghiệp này cũng đã có tốc độ tăng trưởng từ 30- 35%. Khi hạ tầng băng rộng phát triển, tôi tin là ngành nội dung số sẽ có tốc độ tăng trưởng lên đến 50%”.

Cuối cùng và không kém phần quan trọng là 3G sẽ là tiền đề cho sự phát triển của các ứng dụng thương mại điện tử và chính phủ điện tử để từng bước hình thành một xã hội thông tin. Từ đó, mục tiêu cuối cùng là sự phát triển của 3G sẽ đóng góp cho sự phát triển của kinh tế Việt Nam, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của tăng trưởng kinh tế.

Nhà mạng – nhà cung cấp nội dung số: “Môi hở, răng lạnh”

Tất cả các mạng di động sắp triển khai mạng lưới 3G đều khẳng định, nội dung đóng vai trò quan trọng đối với việc phát triển thuê bao 3G của họ. Còn các nhà cung cấp nội dung số (CP) nóng lòng chờ đợi 3G hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, theo một số ý kiến tại buổi tọa đàm thì mối quan hệ hiện tại giữa hai bên chưa thực sự “ngọt ngào” cho lắm. Vấn đề cốt lõi chính là tỷ lệ “ăn chia” giữa hai bên. Một số nguồn tin cho hay hiện nay các nhà mạng đang thu đến 50% doanh thu từ nội dung của các CP. Tỷ lệ này, theo các CP là quá cao.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc công ty VMG (chuyên cung cấp nội dung), cho rằng đối với 3G cần có cơ chế phân chia doanh thu, cơ chế hợp tác rõ ràng hơn. “Doanh thu sẽ gồm có 3 phần: Doanh thu hạ tầng, doanh thu cho content [nội dung] (đây là phần đóng góp của các CP) và thứ 3 là phần doanh thu đặc biệt lớn đó là doanh thu từ quảng cáo. Các nguồn doanh thu này có sự đóng góp của ba nhà cung cấp hạ tầng mạng, điện thoại và nội dung thông tin. Từ đó đòi hỏi cần phải có sự phân chia rõ ràng từ đó khuyến khích các bên cùng phát triển”, ông Hà nói.

Ông Tống Viết Trung cho biết quan điểm của Viettel là sẽ tiếp cận một cách có lựa chọn với một số nhà cung cấp dịch vụ nội dung, ưu tiên với các CP có cách tiếp cận mới, các nội dung mới mang lại nhiều lợi ích cho cộng đồng. Với những CP này, Viettel sẽ có hình thức chia sẻ khác với các CP chỉ sử dụng hình thức sao chép từ website này sang website khác mà không mang lại nhiều lợi ích cho người dùng.

VinaPhone hứa tạo điều kiện cho các CP trong vấn đề chia sẻ doanh thu nhưng sẽ có các chính sách riêng biệt đối với các CP tự xây dựng hệ thống, mạng lưới hay các CP sử dụng hệ thống sẵn có của VinaPhone. “Mục đích của chúng tôi là tạo ra được sự phong phú nhất cho mạng 3G cũng như tạo hứng khởi cho các CP”, ông Hoàng Trung Hải nói.

Thứ trưởng Lê Nam Thắng khẳng định việc phát triển các dịch vụ nội dung, ứng dụng trên di động, đồng bộ với việc phát triển hạ tầng mạng. Vì vậy, cần phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa 4 đối tượng: cơ quan quản lý nhà nước (xây dựng cơ chế chính sách phát triển 3G), các doanh nghiệp cung cấp thiết bị (mạng lưới và đầu cuối) với giá cả hợp lý, chủng loại phong phú, chất lượng tốt, các nhà cung cấp dịch vụ nội dung và các mạng di động.

Nhóm phóng viên ICT

 

Bộ TT&TT yêu cầu DN giảm giá thành để giảm giá cước 3G

Trong bài phát biểu của mình, Thứ trưởng Lê Nam Thắng đã một lần nữa khẳng định quan điểm của Bộ TT&TT: “Để triển khai 3G thành công có một yếu tố quyết định đó là giảm chi phí, giảm giá thành và dẫn đến giảm cước dịch vụ. Định hướng của Bộ trong việc quản lý giá cước cũng yêu cầu các doanh nghiệp làm sao tiếp tục giảm chi phí, giảm giá thành và xây dựng giá cước trên giá thành đó tạo điều kiện cho các dịch vụ khác phát triển”. Ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông cho biết thêm rằng Bộ TT&TT sẽ chỉ có chính sách quản lý chặt chẽ đối với những dịch vụ có sự ảnh hưởng lớn và sống còn đến toàn ngành viễn thông.  

 

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0