Xây dựng CSDL: Cần tri thức của chuyên gia
Dữ liệu của quốc gia rất đa dạng, phong phú liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực hoạt động của xã hội, muốn hiểu được một lĩnh vực nào đó cần phải có tri thức của cả một đời chuyên gia! Trong kế hoạch của bộ TTTT đưa ra tập trung xây dựng 4 CSDL quốc gia bao gồm: Dữ liệu công dân; Dữ liệu đầu tư, tài chính và kinh doanh; Dữ liệu địa chính; Và dữ liệu tư pháp. Mỗi CSDL sẽ do nhiều bộ phối hợp thực hiện. Ví dụ: Dữ liệu công dân sẽ do bộ Công An, bộ Y Tế, bộ Giáo Dục và ĐT và bộ Lao Động, Thương Binh và Xã Hội thực hiện. Các ngành phải chịu trách nhiệm xây dựng CSDL quốc gia về những đối tượng thuộc ngành đó quản lý. Chẳng hạn, bộ Nội Vụ chịu trách nhiệm về CSDL công dân, bộ Tài Chính xây dựng dữ liệu tài chính…
Trong mỗi ngành, hiện nay đã có một kho tàng dữ liệu phong phú được tích lũy từ nhiều thế kỷ và cũng đã có một đội ngũ chuyên gia của ngành để xây dựng, khai thác kho tàng này. Bước đầu chưa nên vội xây dựng một CSDL gồm nhiều đặc trưng nhằm đáp ứng nhiều yêu cầu khai thác khác nhau mà chỉ nên gồm những đặc trưng cơ bản nhất để làm nền, về sau sẽ được mở rộng. Vấn đề cần quan tâm là phải chọn lựa công nghệ thích hợp cho việc phát triển. Tìm lời giải một bài toán gồm nhiều yếu tố mục tiêu: Đáp ứng yêu cầu người khai thác sử dụng, có khả năng mở rộng, phát triển và chi phí hợp lý… Với tư cách là cơ quan chỉ đạo, CP (thông qua bộ TTTT) sẽ có đánh giá về các CSDL của các ngành. Ngành nào không có được CSDL đáp ứng yêu cầu của CP sẽ phải chịu trách nhiệm trước CP. Bộ chủ quản phải có biện pháp áp dụng những công nghệ thích hợp và bằng mọi cách đào tạo chuyên gia có trình độ tri thức về ngành, mặt khác có khả năng nắm bắt CNTT để tìm biện pháp xây dựng CSDL ngành mình. CP (thông qua bộ TTTT) cần đặt yêu cầu đầu ra cho các CSDL của các ngành địa phương. CP phải hoạch định rõ ràng các tiêu chuẩn, định dạng và cấu trúc chuyển đổi để các ngành, các địa phương tự xây dựng CSDL cho ngành, địa phương mình. Sau đó, sẽ tiến hành lọc và tích hợp thành CSDL quốc gia.
Một câu hỏi đặt ra: Tại sao lại gọi là CSDL quốc gia?! Tính chất quốc gia thể hiện ở chỗ nào?! Chắc chắn, CSDL gọi là quốc gia sẽ không phải chỉ có 4 hay 5 như dự định trong kế hoạch mà có đến hàng chục, hàng trăm, nhưng bước đầu chỉ nên đưa ra từng ấy! Tuy nhiên, nét đặc trưng quốc gia ở giai đoạn này thể hiện chủ yếu ở chỗ: là cái nền, gốc, cấp bách nhất (và cũng có thể là cái có khả năng làm được). Trên cơ sở nền này, các ngành bổ sung thêm đặc trưng của ngành mình nhằm tạo CSDL cho ngành. Chẳng hạn, về CSDL công dân, trước hết phải là chứng minh thư, giấy khai sinh, sau đó mới mở rộng ra cho y tế, giáo dục… Không nên xây dựng ngay một CSDL công dân gồm tất cả đặc trưng cho y tế hay cho giáo dục… Ngành tài nguyên môi trường xây dựng CSDL địa chính. Ngành đầu tư khai thác trên nền này để quản lý đầu tư… Có thể ở một nước nào đó, qua một quá trình dài người ta đã hình thành được một CSDL có tính tổng hợp cho nhiều ngành mà người dân có thể truy cập vào để tìm được thông tin cần thiết cho mình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Nhưng phải nghiên cứu thật kỹ sự hình thành đó diễn ra như thế nào, từng bước đi ra sao, đừng nhầm lẫn cái cuối cùng có được là sản phẩm của việc thiết kế xây dựng trực tiếp!
Định hướng chưa có tính đột biến
Bộ TTTT đưa ra lộ trình ứng dụng CNTT trong các cơ quan nhà nước để phát triển CP điện tử Việt Nam đến năm 2020 theo các bước như sau: Từ nay đến năm 2010, tập trung chủ yếu vào việc ứng dụng CNTT trong nội bộ các cơ quan để hình thành các cơ quan điện tử, đồng thời xây dựng một số dịch vụ công trực tuyến phục vụ người dân và DN; Từ 2010 đến 2015, tập trung xây dựng môi trường làm việc điện tử giữa các cơ quan cùng ngành, giữa các cơ quan thuộc CP, cung cấp các dịch vụ cơ bản trực tuyến phục vụ người dân và DN; Từ 2015 đến 2020, tập trung tạo lập được môi trường mạng rộng khắp phục vụ hoạt động của các cơ quan CP, cung cấp tất cả các dịch vụ công trực tuyến, hình thành CP điện tử rộng khắp phục vụ người dân và DN mọi lúc, mọi nơi, dựa trên nhiều phương tiện khác nhau.
Để triển khai thành công kế hoạch đề ra, bộ TTTT chỉ rõ 6 nhóm giải pháp: Tăng nguồn vốn đầu tư cho ứng dụng CNTT; Kết hợp chặt chẽ giữa kế hoạch ứng dụng CNTT với việc thực hiện chương trình cải cách hành chính; Tăng cường công tác giám sát, đánh giá thực hiện kế hoạch; Đa dạng hóa các hình thức ứng dụng CNTT và tập trung đầu tư; Tăng cường quan hệ giữa các cơ quan nhà nước và các DN; Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về ứng dụng CNTT.
Có ý kiến cho rằng, mục tiêu đặt ra cho những năm sắp tới là quá thấp, chưa gắn kết và thiếu tham vọng. Tuy nhiên, xét kỹ thì thấy mục tiêu đến năm 2010 như vậy là hợp lý. Nếu xét mục tiêu đến năm 2020 còn ngợp với những thuật ngữ: rộng khắp, cung cấp tất cả dịch vụ công trực tuyến, mọi lúc, mọi nơi… Cần xác định cụ thể hơn những chỉ tiêu. Đưa ra một tỷ lệ phần trăm nào đó của chỉ tiêu là cần thiết nhưng chưa đủ để phản ảnh bản chất của thực trạng.
Theo ý kiến riêng của tôi, nhóm 6 giải pháp quá cổ điển, không có gì sai nhưng không thấy có tính đột biến. Không đột biến sẽ khó có khả năng vượt qua được tình trạng trì trệ, làm cho qua chuyện để lấy kinh phí chia nhau cùng hưởng, nhiều bên đều có lợi! Liệu chúng ta có đặt ra những mục tiêu cụ thể có tính đột phá như: Đến 2015, CSDL công dân được đưa vào phục vụ? Từ năm 2010 thực hiện quy trình quản lý các đề tài, chương trình, dự án khoa học công nghệ trên mạng ở tất cả các khâu, kể cả khâu cấp phát kinh phí, thanh quyết toán? Từ năm 2010 việc đăng ký sáng chế, bản quyền sở hữu công nghiệp đều thực hiện trên mạng?...
Theo Pcworld