Theo báo cáo, so với các năm trước, tỷ lệ doanh nghiệp có website năm 2008 vẫn tiếp tục tăng nhanh. Tuy nhiên tỷ lệ doanh nghiệp dự định xây dựng website trong tương lai gần cũng giảm đi đáng kể. Có thể thấy việc xây dựng website hiện nay là tương đối đơn giản nên trong các năm gần đây số lượng doanh nghiệp có nhu cầu đã tiến hành xây dựng website, còn lại là các doanh nghiệp chưa có nhu cầu. Tuy chưa thể kết luận chắc chắn song có thể dự đoán trong ngắn hạn tỷ lệ doanh nghiệp có website sẽ đạt đến độ ổn định ở mức 45 tới 50%.
Năm 2008, Cục Thương mại điện tử và CNTT, Bộ Công thương gửi phiếu điều tra tình hình “Doanh nghiệp ứng dụng thương mại điện tử” tới hơn 3.000 doanh nghiệp trên cả nước. Các phân tích và thống kê chủ yếu dựa trên kết quả xử lý thông tin từ 1.638 phiếu hợp lệ trong số 1.802 phiếu thu về.
|
Lĩnh vực kinh doanh ảnh hưởng khá lớn đến nhu cầu xây dựng website của doanh nghiệp. Trong các lĩnh vực kinh doanh, Du lịch đứng đầu với 85% doanh nghiệp có website, tiếp theo là Dịch vụ CNTT và thương mại điện tử (56,5%), Ngân hàng tài chính, tư vấn, luật, bất động sản (50%).
Trong tổng số 1.638 doanh nghiệp tham gia trả lời phiếu điều tra, 12% doanh nghiệp đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước, so với tỷ lệ 10,2% của năm 2007 và 7,9% của năm 2006.
Cùng với việc ngày càng nhiều doanh nghiệp mở các kênh đặt hàng qua phương tiện điện tử, tỷ trọng doanh thu có được nhờ thương mại điện tử trong các năm qua cũng đã có những chuyển biến tích cực. Năm 2008, 25,7% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử dưới 5%, trong khi đó 38,7% doanh nghiệp có tỷ trọng này từ 5-15% và 35,6% có tỷ trọng trên 15%. Như vậy, có gần 75% doanh nghiệp có tỷ trọng doanh thu từ thương mại điện tử chiếm trên 5% tổng doanh thu.
Cũng theo kết quả điều tra, 48% doanh nghiệp được khảo sát dành dưới 5% tổng chi phí hoạt động cho ứng dụng CNTT và thương mại điện tử, 38% doanh nghiệp có tỷ lệ đầu tư từ 5-15% và 13% doanh nghiệp có tỷ lệ này đạt trên 15%.
Mặc dù tỷ trọng đầu tư không có nhiều thay đổi song cơ cấu đầu tư lại cho thấy những chuyển biến đáng kể. Phần mềm ngày càng chiếm vị trí quan trọng và chiếm đến 46% chi phí đầu tư cho CNTT và thương mại điện tử của doanh nghiệp. Tổng tỷ trọng đầu tư cho phần cứng và duy trì bảo dưỡng hệ thống đã giảm từ 55% năm 2007 xuống còn 39% năm 2008.
Ông Trần Hữu Linh, Cục phó Cục Thương mại điện tử và CNTT cho biết, tiếp theo các Báo cáo Thương mại điện tử từ năm 2003 đến 2007, Báo cáo Thương mại điện tử Việt Nam 2008 phản ánh những bước tiến của ứng dụng thương mại điện tử trong doanh nghiệp so với các năm trước đó.
Những vấn đề quan trọng đối với sự phát triển lâu dài và bền vững của thương mại điện tử như bảo vệ dữ liệu cá nhân và ứng dụng các tiêu chuẩn công nghệ hỗ trợ thương mại điện tử, sự phát triển các dịch vụ công hỗ trợ thương mại điện tử, và các mô hình ứng dụng thương mại điện tử điển hình trong cộng đồng doanh nghiệp là những điểm nhấn của Báo cáo năm nay.
Theo nhân dân