|
Hội nghị lần 6 của APT khai mạc tại Đà Nẵng ngày 30/3 Ảnh: HC |
Ngày 31/3, tại Đà Nẵng đã khai mạc hội nghị
Đây là diễn đàn của các nước Châu Á - Thái Bình Dương nhằm chia sẻ thông tin và thảo luận về các công nghệ và dịch vụ thông tin vô tuyến mới; thúc đẩy các giải pháp công nghệ hướng tới hội tụ số; ứng dụng các phương pháp quản lý tần số hiệu quả và hướng tới hài hoà về quy hoạch và sử dụng tần số trong khu vực.
Theo Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, trong bối cảnh hiện nay, việc số hóa để hướng tới hội tụ các dịch vụ cố định và di động, chia sẻ dùng chung tài nguyên tần số, hài hòa phổ tần các công nghệ IMT-2000 cho các ứng dụng băng rộng vô tuyến là rất quan trọng. Do vậy, việc sử dụng hiệu quả phổ tần và vấn đề phân chia tần số trong bối cảnh bùng nổ thông tin vô tuyến, đặc biệt vô tuyến băng rộng là chủ đề được quan tâm nhiều tại diễn đàn lần này.
Nhu cầu của người dùng là kết nối và sử dụng dịch vụ ở mọi nơi, mọi lúc. Các hệ thống di động 2G hiện nay được xem là các hệ thống băng hẹp, chiếm dụng băng thông ít do chỉ cung cấp các dịch vụ không đòi hỏi nhiều băng thông như thoại hay SMS. Tuy nhiên việc phát triển các mạng băng rộng cố định đang gặp khó khăn do vấn đề cơ sở hạ tầng, đặc biệt ở các thành phố lớn. Vì thế, băng rộng vô tuyến dường như đã trở thành xu thế tất yếu.
Để xây dựng hệ thống băng thông rộng, một trong những yếu tố quan trọng là phải có thêm tài nguyên tần số vô tuyến điện. Theo dự báo nhu cầu về tần số của ITU, đến năm 2020, các nước khu vực châu Á có thể cần hơn 1.000 MHz cho các hệ thống di động, trong khi 7 nhà khai thác di động của VN mới chỉ sử dụng hơn 240 MHz, phần phổ tần 3G mà Bộ TT&TT sắp cấp phép cũng mới là 140 MHz. Nhiều ý kiến cho rằng, để có thêm tài nguyên tần số vô tuyến điện cho băng thông rộng vô tuyến, hầu hết các nước trong khu vực đều đẩy mạnh số hóa truyền hình.
Khi đó, mỗi kênh tần số có thể phát đồng thời 6 - 8 chương trình truyền hình chất lượng cao thay vì chỉ phát 1 chương trình như hiện nay. Các băng tần số giải phóng được từ số hóa truyền hình sẽ sử dụng cho các hệ thống băng rộng vô tuyến, hội tụ các dịch vụ viễn thông, Internet và phát thanh truyền hình.
Tại VN, dự kiến hệ thống truyền hình MMDS sẽ ngừng hoạt động trước năm 2010. Các hệ thống truyền hình tương tự hiện nay sẽ được chuyển đổi sang sử dụng công nghệ số. Dự kiến việc chuyển đổi từ truyền hình tương tự sang truyền hình số sẽ cơ bản hoàn thành vào năm 2015 tại các khu vực thành thị và vào năm 2020 trên phạm vi cả nước.
Theo Vietnamnet