Cập nhật: 25/03/2009 |
Phát triển phần mềm nguồn mở: còn thiếu quy định - Nếu biết tận dụng... |
|
Qua 5 năm triển khai dự án tổng thể phát triển, ứng dụng phần mềm nguồn mở (PMNM) Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008, chúng ta đã xây dựng được một liên minh châu Á về phát triển PMNM Asianux, một số doanh nghiệp (DN) cũng đã tham gia Việt hóa các PMNM và hình thành các cộng đồng nguồn mở như: Hanoilug, Vietlug, VNOSS...
|
|
Việc ứng dụng PMNM ở Việt Nam thời gian qua vẫn còn hạn chế vì thiếu các quy định cụ thể về việc áp dụng các chuẩn mở, chính sách, cơ chế tài chính, định mức, các quy định cụ thể về ứng dụng PMNM cũng như chính sách ưu tiên sử dụng PMNM trong các cơ quan nhà nước.
“Đi bằng hai chân”
Kế hoạch về ứng dụng PMNM đã được Chính Phủ thông qua từ cách đây 5 năm. Cụ thể, quyết dịnh 235 do Thủ Tướng Chính Phủ ban hành ngày 2/3/2004 đã phê duyệt dự án tổng thể về phát triển, ứng dụng PMNM tại Việt Nam giai đoạn 2004 – 2008. Đây là một quyết định sớm và đúng đắn bởi việc phải thực thi quyền sở hữu trí tuệ theo các điều ước quốc tế là bắt buộc khi Việt Nam hội nhập với thế giới. Ông Nguyễn Trung Quỳnh, giám đốc dự án PMNM quốc gia 2003 – 2008, bộ Khoa Học Công Nghệ bày tỏ quan điểm đối với vấn đề bản quyền PM với hai phương án giải quyết: Hoặc mua PM có bản quyền hoặc sử dụng PMNM. Nhưng nếu chọn cách thứ hai ta sẽ chủ động được về công nghệ, như thế các nhà cung cấp PM thương mại không thể ép ta về giá. Bên cạnh đó, vấn đề về an ninh, an toàn thông tin cũng sẽ được đảm bảo hơn. Ông Nguyễn Anh Tuấn, vụ trưởng vụ CNTT bộ TTTT cho biết chính sách của rất nhiều quốc gia cũng theo xu hướng “đi bằng hai chân”, vừa phát triển PMNM, vừa sử dụng PM thương mại. Vì vậy, ta cũng không nên nghiêng về một bên nào.
Cần vai trò đầu tàu
“Chính sách của nhiều quốc gia cũng theo xu hướng “đi bằng hai chân”, vừa phát triển PMNM, vừa sử dụng PMTM. Vì vậy, chúng ta cũng không nên nghiêng về một bên nào”, ông Nguyễn Anh Tuấn, vụ trưởng vụ CNTT, bộ TTTT |
Thực tế thời gian qua cũng đã có nhiều cơ quan, DN trong nước mua bản quyền PM của hãng Microsoft. Theo ông Quỳnh, do PMNM xuất hiện sau, khi mà các PM của hãng Micrsoft đã được ứng dụng nhiều ở Việt Nam. Tuy nhiên, bộ GDĐT đã có chỉ thị về việc đưa PMNM vào các cấp. Theo ông Quỳnh, đây là bước thành công đảm bảo việc sử dụng, nghiên cứu sau này và phát triển lâu dài của PMNM ở Việt Nam.
Ông Nguyễn Lâm Thanh, giám đốc phát triển Kinh Doanh của Intel nhấn mạnh, vai trò của bộ GDĐT rất quan trọng. Đối với PM, giá và chi phí hỗ trợ sẽ giảm đi khi số người sử dụng tăng lên. Do đó, nếu được đào tạo ngay từ trong trường, học sinh sẽ quen với PMNM.
Ông Quách Tuấn Ngọc, cục trưởng cục CNTT, bộ GDĐT cũng thừa nhận vai trò của bộ GDĐT trong vấn đề này. Ông cho rằng “bộ GDĐT chiếm một tỷ trọng lớn”. Tuy nhiên, theo ông Ngọc để PMNM thực sự phổ biến, cần vai trò đầu tàu của Chính Phủ. Ngoài ra, phổ biến PMNM cần thực hiện từng bước. Nếu chuyển ngay sang hệ điều hành nguồn mở sẽ ảnh hưởng đến các ứng dụng trên đó, nên trước mắt, có thể phổ biến phần mềm văn phòng (Open Office) trước. Tiếp đó, dần dần thay đổi nhận thức của học sinh thông qua các hoạt động ngoại khóa trong nhà trường.
Ông Nguyễn Anh Tuấn, đơn vị cũng đồng quan điểm cho rằng, Chính Phủ phải tạo thu hút ban đầu đối với người dùng.
Nhằm đẩy mạnh sử dụng các PMNM, góp phần hạn chế vi phạm bản quyền PM, bộ trưởng bộ TTTT đã ra chỉ thị 07/2008/CT-BTTTT, ngày 30 tháng 12 năm 2008 về đẩy mạnh sử dụng PMNM trong hoạt động của cơ quan, tổ chức nhà nước: 1. Các đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính Phủ và các sở TTTT tỉnh, thành phố cần thực hiện: - Triển khai cài đặt và tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng các PM: Văn phòng OpenOffice, thư điện tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey cho cán bộ, nhân viên trong cơ quan, đơn vị: Chậm nhất đến ngày 30/6/2009, đảm bảo 100% máy trạm của đơn vị chuyên trách về CNTT và các sở TTTT được cài đặt, 100% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, trong đó tối thiểu 50% cán bộ, nhân viên có thể sử dụng thành thạo trong công việc và có khả năng hướng dẫn trợ giúp các cơ quan, đơn vị khác; Đến ngày 31/12/2009 phải đảm bảo 70% máy trạm được cài đặt, 70% cán bộ, nhân viên được tập huấn, hướng dẫn sử dụng, trong đó tối thiểu 40% cán bộ, nhân viên sử dụng các PM nêu trên trong công việc; Nâng dần số văn bản, tài liệu, thông tin trao đổi trong các cơ quan nhà nước được soạn thảo, xử lý bằng các PM nêu trên; đảm bảo đến ngày 31/12/2010 hầu hết cán bộ, nhân viên sử dụng các PM này trong công việc. 2. Các hiệp hội và DN CNTT: - Các hiệp hội CNTT tổ chức các hoạt động thiết thực, tạo điều kiện cho các thành viên trao đổi thông tin, kinh nghiệm để nâng cao năng lực khai thác, cung cấp sản phẩm, dịch vụ PMNM; Phối hợp, hỗ trợ các đơn vị chuyên trách về CNTT, các sở TTTT thực hiện nhiệm vụ nêu trên; Hỗ trợ phát triển các cộng đồng PMNM của Việt Nam; Thúc đẩy hợp tác quốc tế về PMNM và các hoạt động liên kết giữa cộng đồng PMNM Việt Nam với các tổ chức, cộng đồng PMNM thế giới. - Các DN cung cấp máy tính: Cài đặt các PM trên vào các máy tính khi cung cấp cho các cơ quan, tổ chức nhà nước; Không được cung cấp ra thị trường các máy tính với những PM không có bản quyền hợp pháp. - Các cơ sở, DN cung cấp dịch vụ đào tạo CNTT: Tích cực, chủ động xây dựng các chương trình, giáo trình và tổ chức các khóa đào tạo về PMNM; Đưa nội dung đào tạo sử dụng các sản phẩm PMNM vào các chương trình đào tạo về tin học cơ bản, tin học văn phòng, tin học nâng cao. - Các DN PM, các DN cung cấp dịch vụ CNTT: Cung cấp dịch vụ PM nói chung và PMNM nói riêng cho các cơ quan nhà nước theo hướng coi PM như là dịch vụ (SaaS); Khuyến khích phát triển các ý tưởng, sản phẩm, dịch vụ dựa trên PMNM.
|
Theo Pcworld
|
|