Song internet cũng gây nhiều phiền toái. Theo Trung tâm Khảo sát Pew (Mỹ) "nghiện điện tử" là bệnh của không riêng con trẻ khiến nhiều nước hao tiền tốn của tìm thuốc cai. Vấn đề nổi cộm làm nhiều nước phát triển (PT) cũng như đang phát triển (ÐPT) đau đầu là vi-rút máy tính. Công ty An ninh mạng Network Box tại Hồng Công cho biết: Trung Quốc đã vượt Mỹ trở thành nơi xuất phát của nhiều vi-rút máy tính nhất thế giới, tháng 12-2008 chiếm 12% tổng số vi-rút toàn cầu (tháng 10 chiếm 9,9%), nguồn thư rác chiếm 10,7%; Brasil chóng mặt với tỷ lệ vi-rút máy tính tăng từ 3,4% tháng 11 lên 5,2%/tháng 12; trong 10 "quốc gia thư rác" lớn nhất thế giới, Mỹ đứng đầu chiếm 11,5%; Ấn Ðộ chiếm 2,6%. Tệ nạn tin tặc gia tăng đáng lo ngại. Kết quả khảo sát của Tập đoàn phần mềm Microsoft: tỷ lệ máy tính nhiễm vi-rút hoặc bị mất thông tin mật ở các nước ÐPT cao nhất thế giới. Năm 2008, các trang web tiếng Trung Quốc chiếm 47%, tiếng Anh chiếm 23% số trang web bị tiến công. Trung tâm An ninh mạng thuộc Cục Ðiều tra LB Mỹ (FBI) mỗi tháng trong năm qua nhận 20.000 đơn tố giác tội phạm mạng (trước đó nhận 140.000 đơn/năm). Theo FBI, tin tặc gây thiệt hại cho nước Mỹ hàng chục triệu USD/năm; vi-rút máy tính tràn ngập Phố Uôn... Tiểu ban An ninh mạng của Hạ viện Mỹ lo ngại tin tặc có thể đánh sập hệ thống ngân hàng hay điện tử quốc gia, gây hậu quả thảm khốc tương tự vụ khủng bố 11-9. Theo Ủy ban châu Âu (EC), hệ thống tin học của các nước EU mỗi ngày bị "đánh" hàng nghìn lần...
Tìm biện pháp loại trừ tin tặc là vấn đề được nhiều nước quan tâm. Theo cuộc điều tra mang tên "Tình trạng an ninh thông tin 2008", các công ty châu Á đã vượt hoặc đứng ngang nhiều công ty Bắc Mỹ trong việc cải thiện an ninh mạng với 55% số công ty mã hóa cơ sở dữ liệu thông tin; 50% mã hóa dữ liệu trong máy tính xách tay; 47% mã hóa băng lưu trữ; 59% thực hiện "chiến lược an ninh thông tin toàn diện" gồm tăng cường sử dụng phần mềm phát hiện xâm phạm an ninh, lập "bức tường lửa" và loại bỏ phần cứng máy tính lỗi thời; 74% có kế hoạch tăng chi phí cho an ninh thông tin. Ðầu tháng 1-2009, Chính phủ Trung Quốc khởi động chiến dịch "làm sạch mạng internet" bằng việc công bố danh sách "đen" gồm19 trang web, trong đó có Google, Sina, Sohu, Netease... cung cấp và phát tán nội dung khiêu dâm; cam kết tiếp tục bóc trần, xử phạt và đóng cửa các trang mạng có nội dung xấu. Các chuyên gia Hồng Công đề nghị đưa kiểm duyệt internet vào luật. Hàn Quốc với 72% trong số 48 triệu dân sử dụng internet, đã áp đặt cơ chế khai báo nhân thân đối với 37 cổng thông tin lớn nhất trên internet và những trang trực tuyến có hơn 200.000 lượt người truy cập/ngày. Ủy ban Thông tin Hàn Quốc đề xuất siết chặt hơn nữa quản lý mạng: Người sử dụng internet phải khai tên thật và số chứng minh nhân dân khi đưa tin lên trang web hoặc tham gia diễn đàn trực tuyến; các trang web có hơn 100.000 lượt người truy cập/ngày phải khai báo nhân thân; nhà vận hành trang web phải cung cấp thông tin của những người bị cáo buộc tiến công qua mạng; đề nghị QH sửa đổi Luật Thông tin-Truyền thông, trong đó quy định trang web phải gỡ bỏ ngay thông tin vu khống. Liêp hiệp châu Âu (EU) ra Nghị quyết khung về trừng phạt việc tuyên truyền chủ nghĩa khủng bố, hoạt động khủng bố trên mạng. EC soạn thảo chiến lược mới chống tội phạm internet, đề xuất sự phối hợp chặt chẽ hơn giữa cơ quan chức năng, nhà cung cấp dịch vụ, các bên liên quan của các nước EU, cụ thể: xây dựng ngay hệ thống cảnh báo sớm với sự tham gia của Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol); trong vòng năm năm tới lập "lực lượng tuần tra trực tuyến", "nhóm phối hợp điều tra từ xa". QH Ðức thông qua dự luật sửa đổi tăng quyền lực cho cơ quan chống khủng bố, với điểm quan trọng nhất là cho phép lực lượng an ninh giám sát máy tính cá nhân của các đối tượng như nhà báo, bác sĩ,... trong quá trình điều tra hoạt động tội phạm nghiêm trọng.
Chuyên gia nhiều nước chung ý kiến cho rằng, trách nhiệm lớn nhất trong cuộc chiến làm sạch internet thuộc về gia đình và nhà trường; các phụ huynh quản lý tốt việc sử dụng mạng và thầy giáo, cô giáo phải giáo dục học sinh ý thức tự giác khi tiếp cận thông tin trên internet là biện pháp quan trọng nhất bảo vệ an toàn "cư dân mạng", nhất là trẻ em.
Theo Nhân dân