Thứ sáu, 26/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 10/03/2009
“Suy thoái là lúc doanh nghiệp nên đầu tư”

Thời điểm khăn chính là lúc các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà khi kinh tế phục hồi, họ sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn.

Báo Bưu điện Việt Nam đã phỏng vấn ông Bùi Tiến Dzũng, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh toàn cầu của IBM nhân chuyến thăm Việt Nam của đoàn cán bộ cao cấp của Tập đoàn IBM toàn cầu đầu tháng 3/2009.

Ông Bùi Tiến Dzũng quê gốc làng Trình Phố, thuộc huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình nhưng lớn lên tại Sài Gòn. Năm 17 tuổi, ông rời Việt Nam sang Mỹ du học. Năm 24 tuổi, tốt nghiệp thạc sỹ ngành Kỹ thuật Điện tử tại ĐH Minnesota, ông vào làm việc tại IBM với vị trí là 1 kỹ sư thiết kế điện tử tại phòng thí nghiệm Rochester. Hiện nay, với cương vị là Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh toàn cầu của IBM, ông Dzũng quản lý hơn 3 ngàn nhân viên, phụ trách hoạt động bán hàng của IBM trên toàn thế giới.

Ông có thể cho biết mục đích chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này của đoàn cán bộ cấp cao IBM?

Nhiệm vụ của chúng tôi đến Việt Nam lần này là để tìm hiểu, nghiên cứu thêm về thị trường CNTT Việt Nam bằng cách tiếp xúc với các cơ quan quản lý Việt Nam và quan trọng hơn cả là trao đổi với các khách hàng, đối tác của chúng tôi tại đây. Mặt khác, chúng tôi cũng tìm hiểu xem bộ phận IBM ở Việt Nam cần giúp đỡ gì. Sau khi chúng tôi trở lại Mỹ, chúng tôi sẽ cùng bàn bạc để thống nhất phương án giúp đỡ bộ phận IBM ở Việt Nam cũng như cùng họ xây dựng, thiết kế các chương trình hỗ trợ cho sự phát triển CNTT tại Việt Nam. Song cần khẳng định là trách nhiệm của chúng tôi sẽ không chỉ dừng lại ở một hay hai chuyến thăm mà là sự hỗ trợ lâu dài. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với với các cấp quản lý, với bộ phận IBM ở Việt Nam để có thể hỗ trợ nhiều hơn cho Việt Nam trong tương lai.

Trên cương vị là Phó chủ tịch phụ trách hoạt động kinh doanh toàn cầu của IBM, ông đánh giá như thế nào về thị trường Việt Nam?

1.jpg
Ông Bùi Tiến Dzũng, Phó chủ tịch phụ trách kinh doanh toàn cầu của IBM. Ảnh Thanh Hải.

Thị trường Việt Nam có vai trò đặc biệt quan trọng đối với tập đoàn IBM. Bởi lẽ, mặc dù trên toàn cầu đang có những khó khăn kinh tế, tài chính song thị trường Việt Nam, nhất là thị trường CNTT vẫn đang trên đà phát triển. Qua những cuộc nói chuyện, tiếp xúc với Chính phủ, với các Bộ, các đối tác, khách hàng, chúng tôi nhận thấy tại Việt Nam hiện vẫn có nhiều dự án CNTT đang được tiến hành dù không được nhanh và nhiều như trước đây. Ngoài ra, Việt Nam còn là nguồn cung cấp nhân lực tốt không những cho trong nước mà cho cả các thị trường khác trên thế giới.

Chúng tôi cũng nhận thấy rằng, Chính phủ cũng như các công ty thương mại tại Việt Nam có lối suy nghĩ về CNTT rất tân tiến. Ví dụ như, đã ứng dụng CNTT để phục vụ cho hoạt động ngành thuế; dùng CNTT để giúp Chính phủ phục vụ nhiều nhất cho người dân…

Năm 2009 được dự báo là một năm khó khăn của kinh tế toàn cầu. Vậy theo ông, các doanh nghiệp CNTT cần làm gì để có thể vượt qua khó khăn?

Trong khó khăn, thử thách cũng có rất nhiều cơ hội!  Đối với những doanh nghiệp có lối suy nghĩ tân tiến, giai đoạn kinh tế khó khăn không phải là lúc họ ngừng hoạt động mà họ phải hoạt động theo cách khác. Cũng có nhiều hãng khi gặp khó khăn về kinh tế, họ ngừng đầu tư nhưng tôi cho rằng đó không phải là điều nên làm. Thời điểm khó khăn mới chính là lúc các doanh nghiệp cần tập trung đầu tư vào những lĩnh vực mà khi kinh tế phục hồi, họ sẽ có cơ hội phát triển nhanh hơn. Mặt khác, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp cải tổ lối làm việc bên trong doanh nghiệp mình.

Một cơ hội nữa là, trong giai đoạn khó khăn sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhiều cơ sở sản xuất tìm cách giảm chi phí sản xuất. Đây chính là thời cơ để các doanh nghiệp, tập đoàn CNTT tư vấn cho họ các giải pháp IT nhằm giúp giảm thiểu chi phí. Hãng IBM hiện đang rất chú tâm đến vấn đề này. Ngay trong tập đoàn IBM cũng áp dụng biện pháp này. Ví dụ như, chúng tôi đẩy mạnh việc họp qua cầu truyền hình, qua web, qua hệ thống điện thoại toàn cầu... để giảm chi phí; chúng tôi cũng có các giải pháp CNTT nhằm giảm thiểu, tiết kiệm năng lượng dùng trong các trung tâm dữ liệu (Data Centre) của IBM. Đây không chỉ là một biện pháp mà IBM thực hiện trong giai đoạn khó khăn mà đã thực hiện từ trước và sẽ tiếp tục nằm trong chiến lược phát triển lâu dài của IBM.

Được biết, trong chuyến thăm Việt Nam lần này, ông đã có dịp giao lưu với các bạn sinh viên. Ông nhận định thế nào về các bạn trẻ Việt Nam hiện nay?

Các bạn trẻ Việt Nam hiện nay có lối suy nghĩ tân tiến hơn thế hệ chúng tôi trước đây. Họ nghĩ xa hơn, có nhiệt huyết và lúc nào cũng có sự ham hỏi. Khi bằng tuổi họ, tôi cũng ấp ủ mơ ước, cũng tràn đầy nhiệt huyết song thế hệ chúng tôi không có được sự mạnh dạn trong cách thể hiện niềm say mê, lòng nhiệt tình như các bạn sinh viên Việt Nam ngày nay.

Theo tôi, người Việt mình nhất là các bạn trẻ rất thông minh, rất giỏi về khoa học cơ bản: toán, vật lý… Cái chúng ta yếu hơn chủ yếu là các kỹ năng mềm. Do đó, tôi cho rằng nếu các bạn trẻ Việt Nam chú tâm hơn đến việc bổ túc, rèn luyện thêm về các kỹ năng mềm thì người Việt sẽ không thua kém bất cứ ai.

Vậy để được “đầu quân” vào các tập đoàn lớn như IBM, các sinh viên Việt Nam cần đáp ứng được những điều kiện gì, thưa ông?

Tùy thuộc vào từng vị trí công việc cụ thể, IBM sẽ lựa chọn những ứng viên có kiến thức và kỹ năng phù hợp. Trong đội ngũ nhân viên khoảng 3 ngàn người mà tôi chịu trách nhiệm quản lý, có rất nhiều người hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau: có người có bằng về CNTT, cũng có nhiều người có bằng về quản trị, về tiếp thị bán hàng, về marketting, truyền thông… Đặc biệt, với những hãng lớn như IBM, họ không chỉ đòi hỏi về kĩ năng chuyên môn mà còn xem xét ứng viên đó có khả năng lãnh đạo không. Do đó, các bạn trẻ muốn vào làm việc tại các tập đoàn lớn không những phải chứng minh mình có khả năng chuyên môn, có nhiệt huyết mà còn phải chứng tỏ rằng mình có điều kiện để trở thành người lãnh đạo trong tương lai.

Ông từng nói một môi trường doanh nghiệp tốt, cần có các chiến lược đúng đắn về nhân lực. Ông có thể nói rõ hơn về điều này?

Chiến lược về nhân lực là một trong những chiến lược rất quan trọng đối với các doanh nghiệp. Bởi lẽ, ngay cả khi doanh nghiệp có công nghệ, phần mềm, phần cứng... tốt nhưng nếu họ không có đội ngũ nhân lực tốt thì cũng không thể thành công được. Đào tạo, bồi dưỡng nhân lực là việc mà các doanh nghiệp phải nghĩ xa, phải có chiến lược dài hạn. Không những đào tạo nhân lực cho thời điểm hiện tại mà phải chú trọng đào tạo cho tương lai. IBM chính là một trong những doanh nghiệp rất quan tâm đến bồi dưỡng, đào tạo nhân lực. Câu chuyện của tôi là một ví dụ. Trong thời gian làm việc tại IBM, từ một nhân viên kỹ thuật, xin chuyển sang làm nhân viên bán hàng, ngay khi đạt được hiệu quả làm việc tốt và trình bày mục đích muốn được làm ở vị trí cao hơn, tôi đã được cử đi làm việc tại Nam Mỹ và châu Âu trong 4 năm để có thêm kinh nghiệm tại nhiều thị trường khác nhau. Sau đó tôi đã được giao quản lý các thị trường rộng hơn của IBM.

Mặt khác, chính sách đào tạo nhân lực phải chú tâm cả vào việc đào tạo khả năng lãnh đạo, đào tạo những người lãnh đạo trong tương lai. IBM rất chú trọng đến vấn đề này, họ luôn có kế hoạch để bồi dưỡng những người lãnh đạo tương lai cho tập đoàn. Tại Việt Nam, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi là giúp đào tạo, bồi dưỡng những “lãnh tụ” tương lai cho IBM Việt Nam.

Là người gốc Việt giữ vị trí lãnh đạo cấp cao trong một tập đoàn lớn như IBM, ông là niềm tự hào, là tấm gương của nhiều bạn trẻ Việt Nam. Ông có thể chia sẻ “bí quyết” thành công của mình?

Có bốn điểm luôn thường trực trong đầu tôi từ khi tôi vào làm việc tại IBM, giúp tôi thành công trong sự nghiệp.

Thứ nhất, làm bất cứ việc gì cũng phải chú trọng đến hiệu quả. Khi đã xác định làm việc gì thì luôn tính đến kết quả công việc. Rất nhiều người quan niệm cố gắng là đủ nhưng tôi nghĩ rằng cố gắng chỉ là một phần, quan trọng là công việc mình làm phải có hiệu quả.

Thứ hai, lúc nào cũng phải trau dồi và tìm cách bổ sung, nâng cao các kỹ năng làm việc của bản thân. Đó phải là những kỹ năng phù hợp với môi trường làm việc. Bên cạnh những kỹ năng chuyên môn, cần đặc biệt quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện các kỹ năng mềm như: thuyết trình, làm việc nhóm...

Thứ ba, phải có mục tiêu rõ ràng cho con đường sự nghiệp của bản thân và có kế hoạch, chương trình, lộ trình để thực hiện mục tiêu đó. Nếu như không có chương trình, kế hoạch cụ thể thì những điều muốn làm, những mục tiêu đặt ra sẽ mãi chỉ làm những “giấc mơ”.

Thứ tư, là không ngừng tạo dựng các mối quan hệ, hình thành mạng lưới những người hỗ trợ con đường thăng tiến, phát triển của bản thân bằng cách chứng minh rằng mình có khả năng làm tốt công việc, tạo ra được những giá trị thực sự. Ví dụ, làm kỹ sư thì những sáng chế của mình phải là những sáng chế tốt, thiết thực; làm nhân viên bán hàng thì doanh số hàng bán được phải cao...

Bốn điểm trên cũng chính là những lời khuyên tôi muốn gửi gắm tới các bạn trẻ Việt Nam. Tôi nghĩ rằng các bạn ấy sẽ làm tốt hơn tôi rất nhiều.

Xin cảm ơn ông!

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0