Thứ tư, 15/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 27/02/2009
Kinh nghiệm chuyển sang nguồn mở

Việc chuyển đổi sang phần mềm nguồn mở (PMNM) cần chuẩn bị những gì? Cần tổ chức đào tạo như thế nào? Quá trình chuyển đổi có thể có những khó khăn gì?

Thực tế chuyển đổi sang PMNM thường có hai bước: Bước một là chuyển đổi một phần, tức là chỉ chuyển đổi một số phần mềm như từ bộ phần mềm văn phòng Microsoft Office (MSO) sang OpenOffice.org (OOo), trình duyệt web từ Microsoft Internet Explorer (IE) sang Mozilla Firefox (FF), phần mềm thư điện tử cho máy trạm từ Microsoft Outlook hoặc Outlook Express sang Mozilla Thunderbird và phần mềm bộ gõ tiếng Việt Unikey. Trong bước chuyển đổi này, hệ điều hành máy trạm Microsoft Windows và các ứng dụng khác, kể cả các ứng dụng nghiệp vụ của các đơn vị là không thay đổi.

Bước hai là chuyển đổi toàn phần, tức là chuyển đổi cả hệ điều hành Windows sang một trong những hệ điều hành GNU/Linux như Ubuntu. Bước chuyển đổi này đòi hỏi phải chuyển cả các ứng dụng chạy trên Windows sang Linux.

Tuy nhiên, bài viết này chưa đề cập tới bước chuyển đổi toàn phần mà chỉ giới hạn trong bước một. Điều này phù hợp với nội dung  Chỉ thị số 07 của Bộ TT&TT chỉ yêu cầu các cơ quan nhà nước chuyển đổi sang bốn PMNM: gồm OOo, trình duyệt FF, phần mềm thư điện tử Mozilla Thunderbird và bộ gõ tiếng Việt Unikey.

Những thuận lợi

Với chuyển đổi theo bước một, môi trường Windows vẫn được giữ nguyên không có thay đổi, nên sẽ không có bất kỳ lo ngại nào về tính tương thích sau chuyển đổi đối với các phần cứng và thiết bị ngoại vi trong hệ thống như máy in, máy photocopy, kết nối mạng cục bộ (LAN), mạng không dây, mạng Intranet hay Internet…

Sau khi cài đặt các PMNM nêu trên, trên máy trạm có thể cùng một lúc tồn tại cả MSO lẫn OOo, cả IE lẫn FF, cả Outlook lẫn Thunderbird (dù khi sử dụng thì chỉ nên sử dụng Thunderbird), còn với bộ gõ Unikey, thì hiện đã có nhiều đơn vị đã và đang sử dụng nó trong công việc hàng ngày, nó không khác gì so với bộ gõ Vietkey mà nhiều người vẫn thường sử dụng. Unikey, cũng như OOo, FF và Thunderbird đều có khả năng chạy được trong môi trường hệ điều hành GNU/Linux, chúng là một sự chuẩn bị tốt nếu sau này việc chuyển đổi được tiếp tục thực hiện theo bước hai (chuyển đổi toàn phần).

Hầu hết tất cả các tệp văn bản, bảng tính hay trình chiếu mà đã được tạo ra trong bộ phần mềm văn phòng MSO từ các phiên bản MSO 2000/XP/2003 đều sử dụng được trong OOo, hiện đang phổ biến với phiên bản OOo v2.x và v3.0, cho dù tại thời điểm hiện tại đã có OOo v3.1.

Việc chuyển sang sử dụng FF thay vì IE cần lưu ý để nhập các thông tin lịch sử, mật khẩu và các dữ liệu khác, ví dụ như các đường dẫn ưa thích mà ta lưu trong Favorites của IE chẳng hạn. Có thể sử dụng lệnh File > Import trong FF để mở hộp thoại Import Wizard và sau đó thực hiện các bước hướng dẫn của nó để nhập tự động các dữ liệu, thông tin từ IE hoặc các trình duyệt web khác sang FF.

Khi cài đặt phần mềm thư điện tử máy trạm Thunderbird để thay thế MS Outlook hoặc Outlook Express thì có thể nhập tự động tất cả các dữ liệu, thông tin được lưu trữ trong Outlook hoặc Outlook Express. Cụ thể là tất cả các dữ liệu thông tin trong Inbox, Outbook, Send Items và sổ địa chỉ Address Book, kể cả nếu trong các mục trên ta có tạo các thư mục con thì những thứ đó đều có thể được nhập sang Thunderbird một cách tự động. Để làm được việc này một cách tự động, khi được nhắc trong quá trình cài đặt, cần phải nhấn nút chấp nhận. Nếu không làm trong quá trình cài đặt, thì vẫn có thể làm sau khi cài đặt nhưng sẽ phức tạp hơn vì phải chọn đúng thư mục chứa các thông tin trên để nhập tự động vào Thunderbird (chúng thường nằm ở thư mục C:\Documents and Settings\Administrator\Local Settings\Application Data\Indentities\....\Microsoft\Outlook Express).

Những khó khăn có thể nảy sinh

Khi chuyển sang sử dụng các PMNM nêu trên, giao diện và một số chức năng của chúng có khác biệt nhưng không nhiều so với những phần mềm tương tự của Microsoft. Tuy nhiên, cần hết sức lưu ý một số vấn đề kỹ thuật như sau:

Nếu có các macro (một loại chương trình trình con được viết bằng ngôn ngữ VBA nhúng trong các ứng dụng của MSO) được sử dụng trong MSO thì sẽ phải viết lại nó nếu muốn sử dụng lại những chức năng được viết cho nó trong môi trường của OOo.

Nếu có các ứng dụng trong cơ quan, đơn vị mà xuất các dữ liệu ra các bảng tính Excel thì phải được viết lại để có thể xuất được sang Calc, ứng dụng của OOo tương đương với Excel trong MSO.

Tuyệt đối không sử dụng bộ mã tiếng Việt theo tiêu chuẩn TCVN5712:1993 với các phông chữ như .VNTimes hay .VNTimesH trong bộ phông chữ ABC, mà phải sử dụng bộ mã tiếng Việt theo TCVN6909:2001 – hỗ trợ tiêu chuẩn Unicode.

Như trên đã nêu, vì sau khi chuyển đổi từ MSO sang OOo, trên máy tính vẫn có thể tồn tại cả MSO lẫn OOo nên các vấn đề trên sẽ không có ảnh hưởng gì, vì chúng vẫn chạy được trong các ứng dụng của MSO. Tuy nhiên, để có thể chuyển đổi triệt để, nhất là sau này tiếp tục tiến hành với bước chuyển đổi thứ hai là thay thế hệ điều hành Windows bằng một hệ điều hành Linux thì vẫn cần phải tính tới việc viết lại các macro và phần xuất các dữ liệu sang Excel kể trên.

Phương tiện chuyển đổi

Có thể sử dụng các phương tiện thông dụng sau đây để tiến hành chuyển đổi:

Bằng các đĩa CD cài đặt. Là phương thức cài đặt và nâng cấp chủ yếu đối với người sử dụng. Đây sẽ là cách chính để cài đặt, nhất là những phần cơ bản.

Phần cơ bản được cài đặt bằng các đĩa CD, sau đó cài bổ sung các phần khác thông qua mạng Internet. Yêu cầu cho việc này là có đường truyền kết nối Internet tối thiểu là ADSL.

Thông qua mạng Internet. Là phương thức cài đặt và nâng cấp tuỳ chọn. Đường truyền tối thiểu là ADSL.

Thông qua bất kỳ phương tiện lưu trữ nào, như các ổ USB chẳng hạn.

Đào tạo sử dụng các PMNM

Do sự khác biệt giữa các tính năng thông dụng sử dụng hàng ngày và giao diện giữa các PMNM nêu trên với các phần mềm nguồn đóng không nhiều, việc đào tạo để sử dụng các PMNM chỉ cần một khoá đào tạo không quá một ngày. Việc đào tạo chỉ nên tập trung vào những khác biệt giữa các phần mềm nguồn mở và nguồn đóng tương đương.

Hiện nay, các tài liệu chuyển hướng dẫn sử dụng của các phần mềm như OOo, FF, Thunderbird và Unikey đều đã có bằng tiếng Việt mặc dù không phải là các phiên bản mới nhất của các phần mềm nêu trên. Các tài liệu hướng dẫn các phần mềm này có thể tìm thấy trên các trang web về PMNM của Bộ KH&CN hoặc trên một số website tiếng Việt khác.

Nhân sự và hỗ trợ kỹ thuật cho quá trình chuyển đổi

Ngoài việc đào tạo nêu trên, việc hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình thực hiện chuyển đổi, bao gồm cả những việc như bảo trì và nâng cấp sau này đối với các PMNM là cần thiết và có thể được thực hiện theo các cách sau:

Hỗ trợ kỹ thuật thông qua các hợp đồng với các công ty cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp về đào tạo, hỗ trợ kỹ thuật về PMNM. Một cách tốt là đào tạo chuyên sâu về sử dụng các PMNM trên cho các nhân viên kỹ thuật của đơn vị để họ đi đào tạo tiếp cho những nguời khác trong đơn vị.

Ngoài ra, các cơ quan nhà nước cũng có thể nhận hỗ trợ kỹ thuật thông qua các nhân viên kỹ thuật của các đơn vị chuyên trách về CNTT của các bộ và địa phương như Sở TT&TT hoặc Cục/trung tâm tin học. Trong pha chuyển đổi lần này, khi chưa có thay đổi về hệ điều hành, lực lượng này là lực lượng rất quan trọng để hướng dẫn việc chuyển đổi tại thực địa, trong các đơn vị trực thuộc tại các tỉnh, bộ, ngành.

Sử dụng các trang web, nhóm thảo luận, nhóm tin, blog, hệ thống thư điện tử và/hoặc các công cụ giao tiếp khác trên Internet do đơn vị mình quản lý để làm phương tiện hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các thông tin về các phần mềm, các tài liệu ở các dạng khác nhau ngay tại chỗ.

Một trong những cách thức đặc trưng và quan trọng khác của các PMNM là hỗ trợ kỹ thuật từ cộng đồng, được thực hiện thông qua các nhóm thảo luận, các danh sách thư điện tử của các nhóm người sử dụng Linux như HanoiLUG, SaigonLUG, VietLUG, (chữ LUG là viết tắt của từ “Nhóm người sử dụng Linux” - Linux User Group), hoặc thông qua các nhóm thảo luận, trang web, nhóm tin, blog và các công cụ khác trên mạng Internet của các công ty, tổ chức và cá nhân có quan tâm tới PMNM. Để thực hiện việc này, trực tiếp người sử dụng hoặc các nhân viên kỹ thuật của các đơn vị chuyên môn về CNTT nên đăng ký vào các nhóm thảo luận và/hoặc các danh sách thư điện tử nêu trên.

Trong mọi trường hợp, sự quyết tâm, ủng hộ và trực tiếp tham gia chỉ đạo chuyển đổi, nêu gương trong sử dụng PMNM của người đứng đầu cơ quan, đơn vị chuyển đổi đóng một vai trò tối quan trọng trong thành công của việc chuyển đổi.

Chuẩn bị cho bước chuyển đổi toàn phần

Để chuẩn bị tốt cho việc chuyển đổi toàn phần, ngay trong giai đoạn chuyển đổi ở bước một này, cần chú ý một số vấn đề kỹ thuật sau:

Các ứng dụng nghiệp vụ được viết theo công nghệ máy trạm/máy chủ phục vụ (Client/Server) nên xem xét viết lại theo công nghệ web (web-based) và có khả năng chạy được ít nhất là trên cả 2 loại trình duyệt phổ biến nhất hiện này là IE và FF.

Ứng dụng đặc biệt không thể chạy được trong môi trường Linux ở bước 2 như phần mềm kế toán, cần có sự chuẩn bị trước để xây dựng. Trong trường hợp không thể, thì phải tính tới các phương án khác, như sử dụng các phần mềm mô phỏng như Wine, Mono hay các phần mềm tạo máy chủ ảo như VMWare để chạy các ứng dụng trên Windows ở những máy tính có cài đặt hệ điều hành Linux trong thời gian tìm giải pháp nâng cấp hoặc xây mới các phần mềm ứng dụng đặc biệt chạy được trong môi trường Linux để thay thế. Dành một số máy đặc biệt chạy Windows để chạy các ứng dụng như vậy trong trường hợp bất khả kháng.

Cần yêu cầu các nhà cung cấp lựa chọn các máy tính và các thiết bị tin học liên quan hỗ trợ đa hệ điều hành, bao gồm cả hệ điều hành Linux.

Thay lời kết

Vấn đề cuối cùng, cũng là vấn đề đầu tiên – tiền đâu? Việc chuẩn bị kinh phí là cần thiết không những để tiến hành triển khai các các dịch vụ liên quan tới việc chuyển đổi nêu ở trên. Các PMNM miễn phí về giấy phép bản quyền phần mềm, nhưng không miễn phí đối với các dịch vụ đi kèm theo nó. Trong bước đầu chuyển đổi, nhiều khi còn cần nhiều hơn so với việc mua giấy phép của các phần mềm sở hữu độc quyền tương ứng, nhưng tổng chi phí sở hữu của việc chuyển đổi sang PMNM này sẽ nhỏ hơn nếu tính về lâu dài, bên cạnh những lợi ích mà PMNM sẽ mang lại như khả năng tự chủ công nghệ, an ninh an toàn, tạo cơ hội cho các công ty CNTT trong nước phát triển và nhiều lợi ích khác.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0