Ồ ạt “nguồn mở hóa” cơ quan nhà nước
Trao đổi bên lề hội thảo “Chính sách thúc đẩy ứng dụng PMNM tại Việt Nam” diễn ra sáng nay tại Hà Nội, ông Nguyễn Kim Hòa, Giám đốc Sở TT&TT Khánh Hòa cho biết địa phương này đang thử nghiệm cài đặt hệ điều hành Ubuntu, phần mềm văn phòng OpenOffice và ứng dụng văn phòng di động chạy trên trình duyệt FireFox tại ủy ban huyện Cam Lâm.
Theo ông Hòa, việc thử nghiệm các PMNM đã được thực hiện tại huyện Cam Lâm từ hai tháng nay. Bên cạnh đó, Sở TT&TT cũng đang thí điểm sử dụng các PMNM gồm bộ phần mềm văn phòng OpenOffice, hệ điều hành Ubuntu, trình duyệt Firefox và bộ gõ Unikey.
Ông Hòa cho biết việc triển khai tại hai đơn vị này sẽ kéo dài đến tháng 6 năm nay, sau đó Sở TT&TT sẽ tiến hành tổng kết, rút kinh nghiệm để nhân rộng sang các cơ quan khác. Đây là một phần trong “Đề án sử dụng phần mềm hợp pháp trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa” do Sở TT&TT làm đầu mối triển khai.
Để chuẩn bị cho việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn mở, Sở TT&TT Khánh Hòa phối hợp với nhóm nghiên cứu nguồn mở của Đại học Sư phạm TP.HCM trong tháng 3 tới sẽ tổ chức khóa đào tạo ứng dụng nguồn mở cho các quản trị mạng. Theo ông Hòa, những quản trị mạng này sau này sẽ là đội ngũ cán bộ nầng cốt cho việc triển khai nguồn mở ở địa phương. Hiện nay, mỗi sở ban ngành và các quận/huyện ở Khánh Hòa đều có một kỹ sư CNTT phụ trách việc quản trị hệ thống mạng.
Không chỉ Khánh Hòa, nhiều địa phương trên cả nước đang chuẩn bị cho công cuộc chuyển đổi sang nguồn mở sau khi Bộ TT&TT ra chỉ thị (số 07 ngày 30/12/2008) về việc đẩy mạnh sử dụng phần mềm nguồn mở trong hoạt động của các cơ quan, tổ chức nhà nước.
Theo chỉ thị của Bộ TT&TT, đến giữa năm nay 100% máy tính tại các đơn vị chuyên trách về CNTT và các Sở TT&TT trên cả nước phải chuyển đổi sang sử dụng một số PMNM, gồm các phần mềm văn phòng OpenOffice, thư điện tử trên máy trạm Mozilla ThunderBird, trình duyệt web Mozilla FireFox và bộ gõ tiếng Việt Unikey. Đối với các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ, ngành và các tỉnh, chậm nhất đến cuối năm 2009, đảm bảo 70% máy trạm trong các cơ quan được cài đặt các phần mềm nguồn mở trên.
Thực hiện chỉ thị này, ông Trần Thanh Trường, Phó giám đốc Sở TT&TT Quảng Ngãi cho biết sở này đang làm đề án chuyển đổi sang sử dụng nguồn mở theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Theo dự kiến, Sở TT&TT sẽ thử nghiệm trước, sau đó sẽ tiếp tục việc thử nghiệm ở hai huyện Lý Sơn và Tây Trà trên địa tỉnh nhằm đúc rút kinh nghiệm nhân rộng sang cơ quan khác.
Tuy nhiên, khác với Khánh Hòa, theo ông Trần Thanh Trường, Quảng Ngãi chỉ ứng dụng các phần mềm nguồn mở theo chỉ số 07, chưa có kế hoạch chuyển đổi cả hệ điều hành máy trạm từ Windows sang hệ điều hành nguồn mở như Ubuntu.
Không “tẩy chay” hoàn toàn nguồn đóng
Việc chuyển đổi sang sử dụng phần PMNM có hai mức độ: chuyển đổi một phần và chuyển đổi toàn phần. Mức độ chuyển đổi một phần chỉ chuyển đổi bộ phần mềm văn phòng (từ Microsoft Office sang OpenOffice), từ trình duyệt (phổ biến là Internet Explorer) sang Firefox, phần mềm thư điện tử (ví dụ Outlook của Microsoft) sang Thunderbird, còn hệ điều hành Windows và các ứng dụng thông thường chạy trên hệ điều hành này vẫn giữ nguyên.
Chuyển đổi toàn phần là chuyển đổi sang dùng hệ điều hành Linux như Ubuntu. Điều này sẽ dẫn đến việc chuyển đổi tất cả các ứng dụng chạy trên Windows sang chạy trên Linux.
Có thể thấy việc chuyển đổi sang PMNM theo chỉ thị số 07 của Bộ TT&TT mới dừng ở mức độ chuyển đổi một phần. Nhưng có những địa phương như Khánh Hòa đang thử nghiệm chuyển đổi ở mức cao hơn là chuyển đổi toàn phần, gồm cả hệ điều hành.
|
PMNM bắt đầu song hành cùng các phần mềm nguồn đóng trong khối cơ quan nhà nước ở Việt Nam. |
Mặc dù đang thử nghiệm chuyển đổi hoàn toàn sang nguồn mở, nhưng ông Nguyễn Kim Hòa cho rằng Khánh Hòa sẽ không tẩy chay hoàn hoàn phần mềm nguồn đóng của Microsoft. “Những đơn vị mà có nhiều ứng dụng ngành dọc và ứng dụng lõi chạy trên Windows như ngành thuế hay Sở Tài chính sẽ chỉ chuyển đổi sang dùng nguồn mở với các phần mềm văn phòng, trình duyệt, phần mềm duyệt mail và bộ gõ, còn hệ điều hành vẫn giữ nguyên”, ông Hòa nói.
Qua thời gian thử nghiệm, ông Hòa cho rằng việc chuyển đổi sang nguồn mở về kỹ thuật không khó khăn mặc dù đã có những vấn đề nảy sinh như nhiều máy in không tương thích với máy tính dùng Ubuntu. Các vấn đề kỹ thuật có thể xử lý bằng cách kiến nghị lãnh đạo tỉnh khuyến cáo các cơ quan khi mua sắm thiết bị CNTT phải chọn loại phù hợp với nguồn mở.
Tuy nhiên, theo ông khó khăn lớn nhất cần vượt qua là thói quen của người dùng đã quá quen thuộc với các phần mềm nguồn đóng. “Điều này cần thời gian và sự quyết tâm của các đơn vị”, ông Hòa nói.
Vì sao vừa mua phần mềm Microsoft vừa thúc đẩy nguồn mở?
Tuy nhiên, tại hội thảo “Chính sách thúc đẩy ứng dụng phần mềm nguồn mở tại Việt Nam” vừa diễn ra, có một số ý kiến băn khoăn về việc gói bản quyền phần mềm Microsoft Chính phủ mua cho các cơ quan nhà nước vừa mới được cài đặt và có thời hạn sử dụng đến giữa năm 2010, trong khi chỉ thị 07 của Bộ TT&TT lại yêu cầu chuyển đổi sang PMNM OpenOffice. Ông Tô Trọng Tôn, Giám đốc Sở TT&TT Lào Cai nói việc này khiến “Sở TT&TT là cơ quan chuyên trách việc ứng dụng CNTT tại địa phương bối rối như đứng giữa ngã ba đường”.
Trả lời về vấn đề này, ông Nguyễn Trọng Đường, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ thông tin (Bộ TT&TT) nói rằng Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo phải đi bằng cả hai chân, vừa dùng phần mềm thương mại vừa phải có sự chuẩn bị những phần mềm nguồn mở thay thế nhằm tiết kiệm chi phí và giảm tỷ lệ vi phạm bản quyền.
Bên cạnh đó, ông Đường cho biết Bộ TT&TT đang xây dựng cơ chế khoán chi phần mềm cho các cơ quan nhà nước, nhằm tăng cường sự tự chủ của các cơ quan trong việc quản lý mua sắm phần mềm đồng thời cũng tạo ra động lực thúc đẩy các cơ quan hướng đến PMNM để tiết kiệm. Cơ chế khoán chi phần mềm này cũng sẽ bổ sung quy định đầu tư cho việc triển khai, cài đặt, duy trì và chuyển đổi sang PMNM.
Ông Nguyễn Trung Quỳnh, Giám đốc Dự án PMNM Quốc gia (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho rằng “việc ra đời cơ chế khoán chi phần mềm này sẽ là động lực cho các cơ quan nhà nước chuyển đổi sang PMNM nhằm tiết kiệm chi phí”.
Theo Ictnews