Cập nhật: 05/02/2009 |
Trường tiểu học Thái Phiên: Xây “trường điện tử” bằng nhiệt huyết |
|
Nằm khiêm tốn cuối một con ngõ sâu, ngân quỹ không lớn, nhưng trường tiểu học Thái Phiên, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng lại rất nổi tiếng trong ngành giáo dục về việc ứng dụng CNTT trong giảng dạy, quản lý.
|
|
Từ lạ đến thích
Năm 2001, trường tiểu học (TH) Thái Phiên, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng được phòng Giáo Dục và Đào Tạo (GDĐT) quận cấp một bộ máy tính. Khi đó, đối với toàn trường, kể cả hiệu trưởng, bộ máy như một "vật thể lạ”, không ai biết sử dụng, nên nằm lay lắt mất hơn một năm. Nhưng cũng từ đó, hiệu trưởng Đỗ Thị Nụ bắt đầu để ý tìm hiểu về tác dụng của CNTT và thấy được những khả năng mạnh mẽ của công cụ này trong công tác giảng dạy và học tập, và cô không muốn trường Thái Phiên bị chậm chân.
Do đó, từ năm 2003, trường Thái Phiên đã chủ động đề nghị phòng GDĐT của quận hỗ trợ kinh phí, đồng thời kêu gọi sự ủng hộ về vật chất của phụ huynh học sinh để lập phòng máy tính. Trường cũng mời cán bộ phòng, sở GDĐT về phổ cập tin học cho giáo viên (GV), nhất là tập huấn sử dụng phần mềm (PM) để thiết kế giáo án điện tử (GAĐT). Ngay trong năm 2003, trường đã tiến hành một số giờ dạy và học bằng GAĐT.
Đến nay, 100% các lớp 3-4-5 của trường được học tin học, 100% GV đã sử dụng thành thạo máy tính để soạn thảo văn bản, và đa số đã tích cực sử dụng để thiết kế GAĐT. Có GV đã soạn và sử dụng hơn 300 bài giảng điện tử. Đặc biệt, với các bài giảng mang tính chuyên đề thì nhiều GV thích dạy bằng GAĐT hơn.
Dáng dấp "trường điện tử"
Giáo viên trường TH Thái Phiên đang tra cứu tại thư viện điện tử |
Để phục vụ việc soạn bài bằng GAĐT, trường TH Thái Phiên đã xây dựng thư viện điện tử với trên 2.000 dữ liệu và đang tiếp tục bổ sung. Các GAĐT của GV cũng được đưa vào thư viện này để chia sẻ. Ngoài nguồn dữ liệu từ thư viện, tìm kiếm trên mạng, GV có thể dùng máy ảnh, máy quay để làm tư liệu riêng, giúp bài giảng thêm sinh động, hấp dẫn.
Hiện tại, trường Thái Phiên đã có 80 máy vi tính, trong đó 60 máy đặt trong 2 phòng tin học dành cho học sinh, 20 máy đặt tại thư viện, các phòng chức năng, phòng quản lý. Các máy tính được nối mạng nội bộ, kết nối Internet. Thái Phiên cũng là trường đầu tiên ở Hải Phòng trang bị ti-vi và đầu đĩa hình cho 100% các phòng học. Trường có 2 GV tin học, đều tốt nghiệp đại học về CNTT, trong đó có một người là thạc sĩ giáo dục tiểu học (duy nhất trong toàn quận).
Cùng với đầu tư trang thiết bị, tập huấn cho GV, trường TH Thái Phiên cũng bước đầu sử dụng một số PM để quản lý tài chính, quản lý điểm, quản lý công chức. Sổ y tế, sổ học bạ của học sinh nay cũng được số hóa, rất tiện cho lưu trữ và tra cứu. Phụ huynh học sinh có thể tra điểm của con em mình trên website của nhà trường. Website này do các GV tin học của trường tự xây dựng từ năm 2007, trước khi UBND quận yêu cầu các đơn vị trong quận làm website. Các GV tin học của trường cũng vừa viết xong 2 PM học tập: "Sách điện tử tiếng Anh lớp 5" và "Kiểm tra trắc nghiệm môn toán".
Với những cố gắng đó, trường TH Thái Phiên đã gặt hái nhiều thành tích: giải sáng tạo cấp thành phố, đứng đầu về CNTT toàn quận, là trường đầu tiên của Hải Phòng đạt chuẩn quốc gia mức độ 2...
Giải thích về những gì đã làm được, cô Đỗ Thị Nụ chỉ nói gọn: "Đó là do tâm huyết nghề nghiệp". Cô cho biết sẽ gắng thực hiện đề án xây dựng "trường học điện tử" trong học kỳ 2 năm học 2008-2009. Khi đó, trường sẽ có thêm một phòng học CNTT, mỗi lớp sẽ được trang bị một máy tính và một máy chiếu, 100% GV thiết kế và giảng dạy bằng GAĐT. Theo đề án này, trường đề xuất quận hỗ trợ 2/3 kinh phí và phụ huynh học sinh đóng góp 1/3.
Kinh nghiệm vượt khó
Đa số gia đình học sinh trường TH Thái Phiên không khá giả, nhưng cô Nụ khẳng định: "Chúng tôi sẽ cố gắng vận động". Ví dụ 100% ti-vi trong các phòng học hiện nay là do phụ huynh học sinh đóng góp.
Thực ra, thời gian đầu, việc vận động không đơn giản, vì cách đây 5 năm, rất hiếm phụ huynh học sinh nhận thức được về tầm quan trọng của CNTT. Trường phải thuyết phục để họ thấy máy tính có những lợi ích thiết thực với con em mình, như dùng để học tập, kích thích các hoạt động trí tuệ, soạn thảo văn bản... Mặt khác, trường thử nghiệm những giờ giảng bằng máy chiếu, GAĐT khiến học sinh thấy thích thú, về "tuyên truyền" cho bố mẹ.
"Lượng kiến thức trong một giờ giảng bằng GAĐT tăng lên rõ rệt do GV không phải mất thời gian ghi bảng. Học sinh cũng tiếp thu được nhiều hơn, do tính trực quan, sinh động của bài giảng. Nhờ có thêm thời gian, GV có thể quan tâm nhiều hơn đến từng học sinh, do đó thân thiện với học sinh hơn. Sắp tới, trường TH Thái Phiên sẽ tổ chức học theo nhóm để khuyến khích học sinh trao đổi và phát biểu ý kiến" Cô Đỗ Thị Nụ, Hiệu trưởng trường tiểu học Thái Phiên
|
|
"Điều quan trọng là các trang thiết bị phải thật sự mang lại lợi ích, và khi có được kinh phí ủng hộ thì phải sử dụng đúng mục đích và quyết toán công khai, minh bạch. Đó là cả quá trình làm cho dân hiểu dân tin", cô Nụ nói.
Nhưng như thế chưa hết khó khăn. Chẳng hạn, theo cô Nụ, việc thiết kế GAĐT thường tốn thời gian gấp 5 lần so với giáo án truyền thống, khiến GV phải làm thêm ngoài giờ. GV nhiều khi phải tự bỏ tiền để mua đĩa và những phụ kiện lẻ để cho bài giảng phong phú. Với GV cao tuổi, họ có thể dạy bằng GAĐT, nhưng soạn GAĐT với họ là việc rất khó khăn. Ngành giáo dục hiện chưa có chính sách phù hợp giải quyết những khó khăn này.
Trong khi chờ chính sách, trường Thái Phiên chủ động vận động, thuyết phục để tạo ra sự đồng thuận trong hội đồng GV, đồng thời đưa việc ứng dụng CNTT vào chỉ tiêu thi đua, theo từng cá nhân và theo tổ (chủ yếu áp dụng với những người dưới 50 tuổi). Điểm ứng dụng CNTT được đánh giá rất cao. Trường có bộ phận theo dõi và hằng tuần biểu dương những người làm tốt trước hội đồng... Các GV tin học được trả lương và hưởng các chế độ đãi ngộ cao hơn so với nhiều trường khác. Cô Nụ kết luận: "Nếu mình trân trọng công sức của GV, đánh giá đúng khả năng của họ thì họ sẽ cố gắng".
Theo Pcworld |
|