Hôm nay, ngày 17/12/2008, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử Việt Nam tiếp tục diễn ra tại Hà Nội với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp và đại diện các Bộ như Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ… cùng đại diện các tỉnh, thành phố và các tổ chức, doanh nghiệp. Nội dung buổi Hội thảo tập trung vào ứng dụng CNTT trong CPĐT, cải cách hành chính tại Việt Nam.
“Tin học hóa hoạt động các cơ quan Đảng, Nhà nước là một phần hữu cơ quan trọng của cải cách hành chính quốc gia”, Bộ trưởng Bộ TT&TT Lê Doãn Hợp khẳng định. Tuy về thứ hạng Chính phủ điện tử Việt Nam do các tổ chức quốc tế xếp hạng đã tăng, nhưng Bộ trưởng Lê Doãn Hợp không hài lòng với kết quả này, vì “nó vẫn chưa đáp ứng mong đợi của nhân dân, doanh nghiệp để xây dựng một CPĐT, cải cách hành chính hiệu quả”.
Theo thống kê, mật độ sử dụng Internet của Việt Nam hiện ở mức 24%. Tỷ lệ này, ông Nguyễn Thành Phúc, Cục trưởng Ứng dụng CNTT (Bộ TT&TT) cho là khá cao bởi theo các chuyên gia cho rằng nếu mật độ Internet dưới 10%, một quốc gia sẽ không thể triển khai cung cấp dịch vụ công hiệu quả. Ông Phúc cho biết, trong năm 2009 Bộ TT&TT sẽ xây dựng chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT phát triển CPĐT từ 2011-2015, với mục tiêu hầu hết các dịch vụ hành chính công sẽ thực hiện trực tuyến như đăng ký cấp phép, thanh toán qua mạng, nhận giấy phép qua mạng.
|
Các đại biểu đang trao đổi bên lề Hội thảo. Ảnh: Thanh Hải |
Chủ đề chính của Hội thảo quốc gia về Chính phủ điện tử năm nay là “Cải cách hành chính gắn với Chính phủ điện tử”, cho nên sự hiện diện của diễn giả đến từ Bộ Nội vụ được nhiều người trông đợi.
Nên có chế tài việc trả lời email người dân
Theo ông Đinh Duy Hòa, Vụ trưởng Vụ Cải cách hành chính, Bộ Nội vụ, mục tiêu của cải cách hành chính là xây dựng một nền hành chính dân chủ, trong sạch, vững mạnh. Tuy nhiên, trao đổi bên lề Hội thảo, ông Hòa chỉ “chấm điểm” cho ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính của Việt Nam mức điểm 3, trong tháng điểm 10.
Theo ông Hòa, nguyên nhân yếu kém nằm ở nhận thức của lãnh đạo, của bản thân cán bộ công chức; sự kết hợp giữa cải cách hành chính với việc sử dụng các giải pháp kỹ thuật của CNTT; và một nguyên nhân nữa mà theo ông Hòa nhiều địa phương cũng kêu là “tiền đâu”, là khó khăn về kinh phí.
Giao tiếp giữa người dân và các cấp lãnh đạo qua môi trường Internet (email, trao đổi trực tuyến...) là một phần của việc ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính. Theo ông Hòa, nên đặt ra quy định cơ quan chức năng cần có trách nhiệm trả lời email của dân như các văn bản khác, nếu không, tùy theo trách nhiệm của cán bộ công chức mà xử lý hành chính.
Ngân hàng Thế giới: Nên học hỏi doanh nghiệp ứng dụng
Là định chế cung cấp nguồn vốn cho ứng dụng CNTT lớn cho các cơ quan chính phủ Việt Nam như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính..., Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cũng có chung nhận xét kết quả ứng dụng CNTT trong cải cách hành chính còn xa so với mong đợi.
Đại diện WB tại Việt Nam có mặt tại Hội thảo, ông Nguyễn Thế Dũng, nói điều kiện để người dân tiếp cận được CPĐT vẫn còn hạn chế mặc dù Việt Nam đã đạt tiến bộ lớn về chỉ số sẵn sàng chính phủ điện tử. Ông Dũng cho biết 70% website các tỉnh còn kém về ứng dụng CNTT, còn nội dung thì nghèo nàn, số liệu lạc hậu. Tính đến năm 2006, số tỉnh cung cấp hướng dẫn đăng ký kinh doanh trên mạng là khoảng 6 tỉnh, nhưng số tỉnh cung cấp đang ký kinh doanh là con số không.
Theo ông Dũng, vấn đề cản trở chính ở đây không phải từ công nghệ, mà là từ thể chế. Kinh nghiệm xây dựng chính phủ điện tử thành công, như ông Dũng nói là nên áp dụng kiến trúc doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp lấy mục tiêu lợi nhuận rõ ràng, thì mục tiêu của chính phủ điện tử là lợi ích của người dân.
Theo Ictnews