Thứ bảy, 27/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 15/12/2008
Lý Nam Đế: Phố nhà binh, phố tin học

Nói đến các “chợ máy tính”, không thể không nói đến phố Lý Nam Đế - một con phố nhỏ ở phía đông Thành cổ Hà Nội. Nhưng vì sao phố này trở thành chợ máy tính sầm uất?

Mối "hàng độc" của con nhà binh

Vào thời điểm những năm 1986 - 1989, cũng như tất cả các phố khác ở Hà Nội, ai có nhà mặt đường đều tranh thủ cho thuê hoặc bán hàng để cải thiện cuộc sống. Phố nhà binh Lý Nam Đế cũng vậy. Thêm nữa là cuối năm 1988, nhân Tuần lễ Tin học lần đầu tiên được tổ chức, Hội Tin học Việt Nam (VAIP) đã chính thức tổ chức đại hội thành lập và văn phòng của VAIP đóng ở phố Lý Nam Đế. Nguyên nhân vì TS. Nguyễn Quý Sơn, sĩ quan Bộ Tổng Tham mưu được bầu làm Tổng thư ký đầu tiên của VAIP là công dân của phố Lý Nam Đế. ông đã được quân đội cho mượn 2 gian nhà công vụ trong số nhà 36C để làm trụ sở VAIP. Bản thân gia đình ông cũng sống trong số nhà này cùng với nhiều sĩ quan quân đội khác và trong đó có cả gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn mà một trong các con trai của vị tướng này cũng là người của làng tin học.

Vào thời điểm những năm 1990, phố Lý Nam Đế vắng lặng như tờ. Máy tính cũng chưa thấy đâu mà có chăng mới chỉ là các cửa hàng bán và sửa chữa máy giặt, tủ lạnh, tivi… Xuất phát điểm, người đến thuê cửa hàng cũng chưa nhiều và chủ yếu là chính các gia đình sống tại đây trổ cửa ra để bán hàng. Tuy nhiên, cái duyên với con nhà binh có lẽ phù hợp hơn chính là với máy tính. Mà điểm ra thì con nhà binh làm về điện tử và máy tính cũng chiếm một số lượng kha khá do xuất phát điểm thì đây là công việc cơ mật mà dân sự thì ít có điều kiện tiếp cận. Anh Nguyễn Trường Long - một sĩ quan quân đội làm việc trong ngành CNTT và sống ở khu tập thể 16 Lý Nam Đế là con trai một vị tướng đã cho biết như vậy.

Cũng cần nói thêm là mua cái máy tính không giống như mua cái tivi nên chẳng mấy ai dám tự đi mua mà phải qua người quen. Chính vì thế mới có việc cho đám làm kỹ thuật của quân đội và con nhà binh. Nhờ đó, Lý Nam Đế càng trở nên đắc địa để trở thành phố tin học. Thay vì cho thuê cửa hàng hoặc tự kinh doanh hàng điện máy, các chủ kinh doanh con nhà binh đã dần chuyển hẳn sang lĩnh vực máy tính. Rồi chẳng ai bảo ai, các cá nhân, cơ quan có nhu cầu trang bị máy tính đều kéo nhau lên phố Lý Nam Đế để lựa chọn, tìm mua. Thế rồi cái phố nhỏ này bắt đầu nhộn nhịp về tin học kể từ những năm 1995 và đến nay đã trở nên sầm uất với khoảng hơn 100 công ty và cửa hàng máy tính. Khách hàng kéo đến đây cũng đủ loại người và cái tiện cho họ là có thể gửi xe một chỗ rồi dạo khắp phố để tìm được món hàng ưng ý với giá phải chăng.

Phố xá nhộn nhịp

"Buôn có bạn, bán có phường", dân kinh doanh máy tính ở phố nhà binh vẫn nói như vậy mặc dù bản thân họ lúc nào cũng mong khách đến với mình nhiều hơn các cửa hiệu khác. Thế nhưng khi khách đã tín nhiệm mà hết hàng thì trông chờ vào ai nếu không phải là các bạn hàng vốn cùng kinh doanh ngành hàng máy tính. Cạnh tranh thì đúng là phải cạnh tranh nhưng các chủ kinh doanh máy tính vẫn phải cùng san sẻ cơ hội, san sẻ khách hàng với nhau. ông Nguyễn Trường Xuân, Giám đốc Công ty UBS ở số nhà 34 vẫn nói như vậy. Hàng tháng, các doanh nghiệp, cửa hàng ở đây vẫn có những cuộc hẹn (phần nhiều là tại quán bia hơi! - PV) để giao ban cùng thống nhất về mặt bằng giá cả, phương thức bán hàng. Số đông các doanh nghiệp, cửa hàng ở đây đều là bán lẻ. Và rõ ràng cũng cần có những đầu mối lớn để phân phối hàng cho họ. Vì thế các doanh nghiệp lớn cũng có mối quan hệ chặt chẽ với dân Lý Nam Đế để bỏ mối. Đã có thời, nhà phân phối chip AMD là Silicom đóng trụ sở chính tại đây để vừa tiện giao dịch, vừa tiện bỏ mối cho chợ máy tính lớn nhất Hà Nội. Sau này, khi đã có cơ ngơi lớn, đàng hoàng ở chỗ khác, Silicom vẫn duy trì văn phòng tại Lý Nam Đế để vừa kinh doanh bán lẻ vừa tiện phục vụ các bạn hàng. Là một nhà phân phối lớn của nhiều hãng máy tính có tên tuổi, Công ty Phát triển Tin học Hà Nội (IDC) sau nhiều lần chuyển văn phòng lại quay trở về thuê nhà ở phố Lý Nam Đế để làm trụ sở chính. Và dĩ nhiên khi chuyển văn phòng chính đi chỗ khác thì họ vẫn duy trì cửa hàng bán lẻ tại đây. ông Nguyễn Kiên Cường - Tổng giám đốc IDC cho biết, cũng là vì các "thượng đế" thì phải quay về Lý Nam Đế. Các khách hàng lớn từ tỉnh xa lên Hà Nội thường chỉ đến phố Lý Nam Đế chứ không muốn đi chỗ khác. Vì thế, văn phòng chính của ông dù có ở cách đó không xa thì cũng là bất tiện cho họ.  Cũng cần phải nói thêm,  linh kiện máy tính Trung Quốc đã và đang chiếm một thị phần không nhỏ trong thị trường máy tính nên cũng có những doanh nghiệp chuyên doanh mặt hàng này. Tuy nhiên, họ ẩn dật hơn các bạn hàng của mình là thuê nhà trong ngõ và thậm chí chẳng buồn treo biển công ty. Dẫu vậy, cả phố vẫn biết đến để lấy hàng về cho mình. 

Không phải là ngành hàng có tên trên bản đồ lịch sử như Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Khoai... của Hà Nội 36 phố phường xưa nhưng có lẽ phố Lý Nam Đế ngày nay cũng được nhiều người gọi là Hàng Tin. Đến nay, Hà Nội còn có một địa chỉ nữa với ngành hàng máy tính là phố Lê Thanh Nghị chạy xuyên từ khu tập thể ĐH Bách Khoa ra đường Giải Phóng với phần nhộn nhịp không kém nhưng có lẽ với nhiều khách hàng có nhu cầu mua máy tính thì Lý Nam Đế vẫn là địa chỉ mà họ nhớ tới hơn. Đương nhiên, với những người kinh doanh mặt hàng này thì Lý Nam Đế vẫn là nơi đắc địa.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0