Theo Thứ truởng, hiểu một cách ngắn gọn nhất, Chính phủ điện tử là Chính phủ ứng dụng CNTT để hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn, minh bạch hơn, phục vụ nhân dân tốt hơn và phát huy vai trò làm chủ của người dân mạnh mẽ hơn.
Hiện nay, nhờ có ứng dụng CNTT, người dân có thể truy nhập vào Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và website của các cơ quan nhà nước để tìm hiểu về cơ chế, chính sách, văn bản chỉ đạo điều hành nhanh chóng, kịp thời; tìm hiểu quy trình thủ tục hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức 1), tải về và in ra các biểu mẫu hồ sơ hành chính trên mạng (dịch vụ hành chính công mức độ 2), gửi hồ sơ xin phép qua mạng một số địa phương (dịch vụ hành chính công mức độ 3); đóng góp ý kiến trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ; giao lưu trực tuyến với các cán bộ lãnh đạo cao cấp của Nhà nước; trao đổi ý kiến, kiến nghị trực tuyến với các CQNN....
Để phát triển Chính phủ điện tử, Việt Nam cần phải tích cực triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm như: Nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp về tầm quan trọng của Chính phủ điện tử; Hoàn thiện môi trường pháp lý; Phát triển nguồn nhân lực phụ vụ phát triển Chính phủ điện tử, đặc biệt là đội ngũ giám đốc CNTT, cán bộ chuyên trách về CNTT; Phát triển cơ sở hạ tầng thông tin phục vụ Chính phủ điện tử và tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước và hình thành văn hóa chia sẻ thông tin trong các cơ quan nhà nước.
Với vai trò là cơ quan nhà nước quản lý lĩnh vực CNTT, Bộ Thông tin và Truyền thông đang tổ chức triển khai Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010. Sau hai Kế hoạch này, theo quy định của Luật CNTT, Bộ sẽ xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011-2015.
Theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ nay đến 2010, sẽ có 2 kế hoạch ứng dụng CNTT trong hoạt động của CQNN cần được triển khai đó là Kế hoạch năm 2008 đã được ban hành bởi Quyết định số 43/2008/QĐ-TTg ngày 24/3/2008. Bản kế hoạch thứ hai là kế hoach ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2009-2010 hiện đang được Bộ hoàn thiện và có thể sẽ được Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt trong tháng 12/2008 với mục tiêu và định hướng ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước hướng tới Chính phủ điện tử đến năm 2010 và định hướng đến 2015.
Mục tiêu đến cuối năm 2010 đặt ra trong việc nâng cao năng lực quản lý, điều hành của các cơ quan nhà nước đó là bảo đảm trung bình 60% (năm 2009 là 30%) các thông tin chỉ đạo, điều hành (Thông báo kết luận của Lãnh đạo tại các cuộc họp, hội nghị, một số văn bản do lãnh đạo ký gửi trả lời, hướng dẫn các cơ quan,…) của các cấp lãnh đạo từ các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được đưa lên cổng thông tin điện tử hoặc trang thông tin điện tử của các cấp;
Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử cho công việc ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các thành phố trực thuộc Trung ương là 80% (năm 2009 là 70%), ở các tỉnh là 60% (năm 2009 là 50%), trong đó đối với các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa (tới cấp huyện) là 30% (năm 2009 là 20%).
Tỷ lệ số Văn phòng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các thành phố trực thuộc Trung ương triển khai sử dụng phần mềm ứng dụng quản lý văn bản và điều hành trên môi trường mạng là 90% (năm 2009 là 80%), đối với Văn phòng Ủy ban nhân dân các tỉnh là 90% (năm 2009 là 70%) và Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp quận, huyện là 50% (năm 2009 là 30%).
Với nhiệm vụ phục vụ người dân và doanh nghiệp, bảo đảm 100% các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) với đầy đủ thông tin theo quy định tại Điều 28 của Luật Công nghệ thông tin; Bảo đảm 80% (năm 2009 là 60%) số cổng thông tin điện tử (hoặc trang thông tin điện tử) của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh và 100% số cổng thông tin điện tử của các thành phố trực thuộc Trung ương có cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 2 cho người dân và doanh nghiệp; Đẩy mạnh triển khai cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 trên cổng thông tin điện tử của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Giai đoạn 2009-2010 cũng là giai đoạn Việt Nam xây dựng nền tảng cho Chính phủ điện tử. Việc xây dựng các thành phần nền tảng cho Chính phủ điện tử nhằm hướng tới từng bước triển khai các ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước đồng bộ, thống nhất, với một hạ tầng thông tin hiện đại, tốc độ cao và môi trường pháp lý phù hợp. Trong đó, tập trung vào việc phát triển hạ tầng truyền thông, cơ sở dữ liệu, kiến trúc và chuẩn, các mô hình điểm; triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn thông tin; hoàn chỉnh môi trường pháp lý.
Theo Vnmedia