Chủ nhật, 28/07/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 30/10/2008
"Đội quân máy tính" tiếp quản Sài Gòn

Su-ky-tin-hoc.jpg

Nhờ có sự tiếp nhận kịp thời của "đội quân máy tính" nên hầu hết số máy tính ở Sài Gòn đã được bảo quản ngay từ những ngày đầu giải phóng.

Vào thời điểm diễn ra chiến dịch Hồ Chí Minh, Viện Kỹ thuật Quân sự (KTQS), Bộ Quốc phòng đã đề xuất cấp trên tổ chức những đoàn cán bộ vào miền Nam trước ngày giải phóng Sài Gòn để chuẩn bị tiếp quản những cơ sở khoa học kỹ thuật (lúc đó Viện chưa biết chắc miền Nam có máy tính không)...

Về đội quân máy tính

Ở tuổi 78, GS. TS Nguyễn Lãm vẫn nhớ rõ nhiệm vụ mang tính lịch sử từ Viện KTQS: Tiếp quản máy tính ở miền Nam sau ngày giải phóng. Ông kể:

Được tham gia những đoàn này là một vinh dự lớn! Không phải ai muốn đi cũng được. Đại tá Hoàng Đình Phu (Viện trưởng Viện KTQS lúc đó) trong hồi ức "Từ nhà trường đi vào hai cuộc kháng chiến" kể: Tháng 3/1975, Viện KTQS được Bộ Tổng tham mưu cho phép vào tiếp quản cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ và quân đội Sài Gòn cũ tại các nơi mà ta vừa giải phóng. Đoàn có 3 người: Đại tá Hoàng Đình Phu, anh Nguyễn Đăng Đắc, đại diện Bộ Tổng tham mưu, Tổng cục Kỹ Thuật (Bộ Quốc Phòng) và anh Bùi Quang Độ, cán bộ nghiên cứu phòng Điện Tử, Viện KTQS. Thật ra, lúc bấy giờ Viện KTQS chủ yếu quan tâm đến những thiết bị điện tử, đặc biệt là hệ thống thông tin đối lưu ICS, là hệ thông tin hiện đại nhất của Mỹ mà Phòng Thông tin Khoa học Kỹ thuật Quân sự của Viện trước đây đã bỏ ra khá nhiều công sức sưu tầm tài liệu về nó.

Khi anh Phu đang ở Đà Nẵng thì Bộ Quốc phòng và Tổng cục Kỹ Thuật chỉ thị Viện KTQS cử thêm một đoàn cán bộ do anh Ngô Đình Liêu, cán bộ Viện, làm trưởng đoàn, đi theo các đơn vị chiến đấu của ta ven biển miền Trung để tiếp quản các cơ sở vật chất kỹ thuật các vùng mới giải phóng. Hồi ức ghi: "Đến Phan Rang, đoàn anh Liêu rẽ lên Đà Lạt, tiếp quản lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt. Tiếp quản xong lò phản ứng hạt nhân, đoàn của anh Liêu để lại một bộ phận ở đó để quản lý và quay xuống Sài Gòn. Tôi (đại tá Phu) gặp anh Liêu và nhiều cán bộ của Viện ở Tân Sơn Nhất mới tiếp quản xong hai trung tâm máy tính IBM360/40 và IBM360/50 trong niềm hân hoan phấn khởi của mọi người".

Sau khi tiếp quản Sài Gòn, anh Hoàng Đình Phu quay ra Bắc chuẩn bị thêm lực lượng bổ sung cho tiếp quản và nhanh chóng trở lại Sài Gòn. Lần này, vì có tiếp quản máy tính nên tôi được cử đi.

Để cho các sĩ quan quân đội Sài Gòn đang ở lại làm việc với ta tại Trung tâm IBM360/40 yên tâm, tôi xin gặp Thượng tướng Trần Văn Trà, Chủ tịch Ủy ban Quân quản Thành phố đề nghị Thượng tướng đến nói chuyện với số sĩ quan này, trong đó có đại tá Chu Văn Hồ. Thượng Tướng Trần Văn Trà nhận lời ngay và đã đến nói chuyện. Trước đó, sau khi giải phóng Sài Gòn, ngày 7/5/1975, Thượng tướng Trần Văn Trà đã thay mặt Ủy ban Quân quản đọc diễn văn ra mắt trước đông đảo đồng bào ở sân Dinh Độc Lập, kêu gọi: "Tất cả mọi người Việt Nam yêu nước thương nòi hãy cùng nhau đồng tâm hiệp lực xây dựng lại quê hương, mau chóng băng bó lại những vết thương chiến tranh". Khi tiếp xúc với số sĩ quan cũ ở Trung tâm IBM360/40, Thượng tướng Trần Văn Trà đã nhắc lại những ý chủ yếu của bài diễn văn trên. Nhờ thế, số sĩ quan cũ ở lại làm việc tại trung tâm yên tâm hơn và đã cùng với anh em ta khai thác máy rất hiệu quả.

Sài Gòn 1975 đã có khá nhiều máy tính

Người đầu tiên chiếm giữ các trung tâm máy tính (TTMT) của Mỹ và quân đội Sài Gòn là bộ đội chủ lực. Nhưng, nhờ có "đội quân máy tính" tiếp nhận kịp thời nên hầu hết các TTMT ở Sài Gòn đã được bảo quản. Ngoài những máy tính kể trên trong các bài viết đã công bố, còn một số máy khác như IBM360/20 của Bộ Tư lệnh Hải quân mà trước đây họ dùng để nắm quân số, vật tư, trang bị; máy Univac của Bộ Tư lệnh Không quân sử dụng để nắm trang bị vật tư trong không quân. Sau khi tiếp quản ít lâu, máy Univac được tháo dỡ đưa từ Biên Hoà về Tân Sơn Nhất giao Bộ Tư lệnh Phòng không của ta quản lý.

Đại tá quân đội Sài Gòn Chu Văn Hồ, Chỉ huy trưởng Trung tâm Máy tính của Bộ Tổng Tham mưu quân đội Sài Gòn kể: Hai cha con ông giữ toàn bộ chìa khoá các phòng máy và đã nằm suốt đêm ở trung tâm để chờ đợi quân giải phóng vào. Ngày hôm sau, bộ đội giải phóng vào, cha con ông Hồ đã giao chìa khoá từng phòng máy cho bộ đội. Mọi thiết bị, tài liệu thuộc Trung tâm này hầu như nguyên vẹn. Về sau, chúng tôi chẳng những khai thác máy IBM360/40 của trung tâm này rất chủ động, phục vụ được nhiều yêu cầu mà còn cung cấp cho quân đội ta nhiều dữ liệu về quân đội Sài Gòn cũ lưu trữ ở đây.

Riêng khu sân bay Tân Sơn Nhất, vào dịp này, ngoài 3 cơ sở IBM360/40, IBM360/50, Univac đã tiếp quản và quân đội đang quản lý, tôi đến khu máy tính IBM360/30 chưa ai đến. Đó là cơ sở máy tính của hãng PACIFIC (Mỹ) chuyên dùng IBM360/30 để quản lý vật tư xây dựng công trình quân sự của chế độ cũ.

Trung tâm IBM360/50 ở khu vực MACVI/DAO, Tân Sơn Nhất gọi là Trung tâm Điện toán Tiếp vận, là trung tâm xử lý số liệu hậu cần của Mỹ và quân đội Sài Gòn mà toàn bộ vật tư của kho Long Bình, từ cái kim sợi chỉ đều được cập nhật số liệu thường xuyên. Trước đây, vào khoảng cuối những năm 60 đầu những năm 70, Mỹ dùng máy IBM360/50 này để phục vụ cho chỉ huy không quân trên cả khu vực Đông Nam Á. Đây là máy tính có năng lực lớn nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nói rộng ra thì ở miền Nam vào thời điểm đó có một trình độ ứng dụng tin học cao hơn tất cả các quốc gia khác trong khu vực và máy IBM360/50 cũng là máy có năng lực lớn nhất khu vực.

Ngọc Tuấn - Nguyễn Lãm

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0