Trao đổi với Dân trí, Ông Nguyễn Long, Tổng thư ký Hội Tin học Việt Nam, Chủ tịch hội đồng chấm thi vòng sơ khảo cuộc thi Nhân tài Đất Việt năm 2008 đã cho biết như vậy.
Thưa ông, xét trên mặt bằng tổng thể thì các sản phẩm dự thi Nhân Tài Đất Việt năm 2008 có gì nổi bật?
So với các năm trước đây thì số lượng sản phẩm dự thi đạt mức kỷ lục với tổng số 204 sản phẩm. Trong đó, có 126 sản phẩm hoàn thiện có tiềm năng ứng dụng và 78 sản phẩm đã có ứng dụng rộng rãi trong thực tế.
Giống như các năm trước đây, lĩnh vực phần mềm chiếm tỷ lệ lớn trong số sản phẩm tham dự. Số lượng sản phẩm tham dự từ các tỉnh thành cũng tăng lên nhiều với 52 tỉnh thành trên toàn quốc dự thi. Hai tỉnh thành chiếm số lượng sản phẩm đông nhất là Hà Nội (65 sản phẩm) và TPHCM (57 sản phẩm).
Điểm đặc biệt năm nay là lĩnh vực sản phẩm ứng dụng cũng đa dạng hơn như Giáo dục, Ngân hàng, Thương mại điện tử, giao thông, Y tế. Có 03 sản phẩm của các lưu học sinh người Việt ở Malaysia, Mỹ, Đức và Singapore.
Có một điều dễ nhận thấy là các sản phẩm dự thi năm nay không có nhiều ý tưởng sáng tạo, hầu hết các sản phẩm đều “bắt chước” những ý tưởng trước đây. Ông nghĩ sao về điều này?
Tôi thấy điều đó cũng dễ hiểu. Người ta thường cho rằng CNTT phát triển như vũ bảo nhưng đó chỉ là ứng dụng mà thôi. Còn về ý tưởng thì theo tôi trong vòng 1 năm rất khó để có những ý tưởng độc đáo mới.
Việc bắt chước các ý tưởng trước đây nhưng nếu được cộng đồng chấp nhận thì đó cũng là một thành công rồi.
Tôi được biết là có một số sản phẩm khá hay nhưng không tham dự cuộc thi Nhân tài đất Việt năm nay. Điều này không phản ánh là do chất lượng cuộc thi đi xuống mà cá nhân tôi đánh giá đó là do chiến lược kinh doanh của các nhóm này mà thôi.
Tính đến thời điểm hiện tại thì tôi thấy cuộc thi Nhân tài Đất Việt là một trong những cuộc thi về CNTT ưu tín nhất hiện nay. Nó uy tín cả về chất lượng lẫn số lượng.
Thưa ông, năm nay cuộc thi có thêm giải thưởng dành cho sản phẩm được đầu tư. Theo BTC thì Ban giám khảo của giải thưởng này là hoàn toàn độc lập. Vậy ông đánh giá như thế nào về cơ hội của những sản phẩm không được vào vòng chung khảo?
Tôi nghĩ cơ hội cho các sản phẩm là như nhau. Đối với giải thưởng dành cho sản phẩm được đầu tư thì tùy từng nhà đầu tư mà người ta có cách đánh giá khác nhau.
Chẳng hạn như có nhà đầu tư đánh giá cao về ý tưởng, nhưng có nhà đầu tư lại đánh giá cao về tính thương mại hóa….
Như chúng ta cũng đã biết, hàng năm Microsoft bỏ ra hàng tỷ USD cũng chỉ nhằm mục đích mua lại các ý tưởng mà thôi.
Nếu các sản phẩm không lọt vào vòng chung khảo nhưng lại được đầu tư, còn sản phẩm lọt vào vòng chung khảo lại không được đầu tư thì ông nghĩ sao?
Như tôi đã nói ở trên là giải thưởng này do từng nhà đầu tư đánh giá. Do đó, tôi nghĩ nếu điều đó xảy ra thì không có gì là bất ngờ.
Là Chủ tịch hội đồng chấm vòng sơ khảo cá nhân tôi cũng như các thành viên giám khảo khác đều đánh giá sản phẩm trên tiêu chí của cuộc thi. Chỉ có những sản phẩm nào thực sự xuất sắc mới có cơ hội vào vòng chung khảo, còn những sản phẩm mới chỉ bắt nguồn từ ý tưởng thì tôi nghĩ thích hợp với giải thưởng đầu tư hơn.
Ở đây là cuộc thi Nhân tài Đất Việt, do đó chúng ta phải chọn được nhân tài dựa trên những sản phẩm mà họ làm ra. Nói cách khác là chúng ta phải đánh giá từ nhiều góc cạnh mới tìm ra được người xứng đáng nhất.
Trong quá trình chấm sơ khảo, cá nhân ông có đánh giá được sản phẩm nào sẽ đạt giải nhất cuộc thi năm nay hay không?
Hội đồng chấm thi sơ khảo chỉ có trách nhiệm lựa chọn những sản phẩm xuất sắc để đề cử vào vòng chung khảo.
Những sản phẩm lọt vào vòng chung khảo sẽ được đánh giá chặt chẽ hơn bởi Hội đồng chấm thi chung khảo.
Ngoài việc nghiên cứu đánh giá lại các sản phẩm, Hội đồng chung khảo còn có trách nhiệm khảo sát thực tế các sản phẩm này bên cạnh đó sẽ cuộc trao đổi “phản biện” giữa Hội đồng chung khảo với các thí sinh.
Chính vì vậy cá nhân tôi cũng không thể đánh giá được sản phẩm nào nổi trội hơn cả. Điều này chỉ có thể biết được trong ngày trao giải mà thôi.
Xin cảm ơn ông.
Theo Dân trí