Sáng tạo nên “Kỹ nghệ phần mềm” bao gồm các quy trình quản lý sản xuất phần mềm cụ thể, trường đại học này có giáo trình mang định hướng nghề nghiệp thực dụng đối với những người theo học và cung cấp số liệu nghiên cứu cập nhật của ngành công nghệ toàn cầu. Thiết kế bài giảng của Carnegie Mellon hoàn toàn ngược với cách học truyền thống. Theo đó, sinh viên sẽ được thi ngay vào đầu giờ rồi thảo luận, sửa sai, thuyết trình, đúc rút bài học với sự hướng dẫn của giảng viên, huy động sức tập trung từ đầu đến cuối.
Ngay năm đầu tiên, kỹ năng “mềm” như thuyết trình và làm việc theo nhóm đã được chú trọng để phát huy khả năng của mọi học viên. Năm thứ 2, sinh viên bắt đầu được tham gia làm dự án của các công ty lớn một cách nghiêm túc như nhân viên chính thức. Nhờ phương pháp coi người học là trung tâm này, Carnegie Mellon trở thành “cái nôi” phát triển nhân tài và óc sáng tạo, trong đó có Kai Fu Lee – người đã khiến hai “gã khổng lồ” Google và Microsoft phải giành giật bằng vụ kiện hồi năm 2005.
“Nhân lực phần mềm ở Việt Nam mới như lực lượng khâu giày mà thôi”, ông Nguyễn Thế Trung, Tổng giám đốc DTT-HanoiCTT, đơn vị đối tác của Carnegie Mellon, ví von. “Họ cần phải có cái nhìn vĩ mô hơn và thành thạo hơn trong các quy trình sản xuất phần mềm, bao gồm rất nhiều công đoạn quản lý khác nhau. Xuất phát từ người chuyên làm outsourcing, chúng tôi thấy cần phải thay đổi cách nhìn của thế giới về người Việt Nam”.
Hiện tại, nhân lực phần mềm Việt Nam được coi là có sức cạnh tranh với thế giới ở khía cạnh giá rẻ. “Nhưng khi chứng kiến các lực lượng sẵn sàng chấp nhận giá rẻ hơn mới nổi lên đến từ Bangladesh, Mexico, Philipinnes…, tôi thấy phải nhìn nhận lại cách suy nghĩ đó”, ông Trung nói. “Người Việt Nam cần phải có mức thu nhập tương đối chứ không thể chịu thấp kém mãi được. Điều này có nghĩa là chất lượng công việc và chất lượng con người phải được nâng cao để cạnh tranh”.
Trong khi Việt Nam còn thiếu tiêu chuẩn đánh giá nhân lực CNTT, các chuẩn của Nhật Bản mà Trung tâm sát hạch và hỗ trợ đào tạo VITEC thuộc Bộ Khoa học Công nghệ áp dụng cho thấy một kết quả đáng “nản” (trong 2.285 kỹ sư thì chỉ có 367 người đạt chứng chỉ, giai đoạn 2001-2005). "Trong xu hướng hội nhập WTO và mong muốn đưa nhân lực CNTT Việt Nam ra thị trường thế giới, chúng ta cần tham khảo các chuẩn quốc tế và có thể áp dụng theo những quy chuẩn này", ông Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, bày tỏ.
Dù vậy, những đơn vị trong Liên hiệp các trường đại học và doanh nghiệp đào tạo CNTT Việt Nam (SEG) mà Carnegie Mellon chọn làm đối tác (bao gồm DTT-HanoiCTT, đại học Duy Tân, Văn Lang, Cần Thơ) cũng cho biết sự hợp tác này vừa là niềm vui, vừa là thách thức vì nếu không đảm bảo chất lượng sinh viên theo yêu cầu, họ sẽ bị cắt mất cơ hội.
“Mời được Carnegie Mellon vào Việt Nam là một chặng đường khó khăn vì họ hợp tác với rất ít trường ngoài Mỹ’, ông Trung cho biết. “Chúng tôi may mắn là có hãng máy bay Boeing hỗ trợ và đảm bảo tài chính để làm việc này, tuy vậy, chi phí vẫn ở mức nhiều triệu USD. Chính phủ Australia từng phải chi 59 triệu USD cho việc hợp tác”.
Vì vậy, trong khóa đầu tiên 2008-2009, Học viện DTT-HanoiCTT sẽ chỉ tuyển khoảng 40 sinh viên thực sự có khả năng với môn thi đầu vào là tiếng Anh và CNTT để đào tạo theo bộ chứng chỉ của Carnegie Mellon. Học phí là 5.000 USD/ năm, học trong vòng 2 năm. Sinh viên có cơ hội được vay 50% tổng học phí toàn khoá học từ DTT-HanoiCTT và nhận học bổng 1.000 USD. Đây sẽ là lứa sinh viên “cam kết” để Carnegie Mellon quyết định hợp tác đào tạo cấp bằng đại học ở Việt Nam trong khoảng 5 năm tới.
Theo Vnexpress