Đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao
Theo ông Phạm Hồng Hải, Vụ trưởng Vụ Viễn thông của Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), nếu đúng như kế hoạch và thực tế triển khai, phải đến năm 2010, VNPT mới phải tiến hành đổi số điện thoại cố định. Tuy nhiên, hiện nay, ngoài VNPT, còn có nhiều doanh nghiệp nữa cung cấp dịch vụ.
Kho số điện thoại cố định cho dải 6 số của các doanh nghiệp đều đã bắt đầu “cháy số” và cần phải nâng lên 7 số để giải quyết tình trạng này. Bộ TT&TT quyết định tiến hành đổi số cùng một lúc cho tất cả các doanh nghiệp lên 7 số, riêng hai thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là 8 số.
Mục đích của đổi số lần này để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có đủ kho số phát triển dịch vụ điện thoại cố định. Bên cạnh đó, Bộ tạo điều kiện phân bổ kho số hợp lý, công bằng cho các doanh nghiệp tham gia cung cấp dịch vụ này.
Kinh nghiệm của các quốc gia cho thấy, thông thường cứ khoảng 5 năm doanh nghiệp viễn thông sẽ đổi số điện thoại cố định một lần để tối ưu hiệu quả sử dụng. Mỗi một lần tiến hành đổi số, kho số của doanh nghiệp sẽ được nâng lên gấp 10 lần.
Với điều kiện thực tế của Việt Nam, việc đổi số lần này nhiều khả năng sẽ còn rất lâu mới phải thực hiện tiếp bởi mỗi tỉnh đã có 10 triệu số điện thoại cố định và tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có tới 100 triệu số cho mỗi nhà khai thác.
Với riêng VNPT, năm 1995, Tổng cục Bưu điện khi đó đã quy hoạch đánh số điện thoại cố định đến năm 2012 mới phải tiến hành đổi số. Song ở thời điểm đó, vẫn chỉ có VNPT là doanh nghiệp duy nhất cung cấp dịch vụ điện thoại cố định trên phạm vi toàn quốc.
Đến thời điểm này Việt Nam đã có tới 7 doanh nghiệp được cấp phép cung cấp dịch vụ điện thoại cố định và đã có 6doanh nghiệp đã chính thức cung cấp dịch vụ. Ngoài dải số phân bổ cho doanh nghiệp chủ lực là VNPT, dung lượng quỹ số còn lại chỉ còn khoảng 300.000 số, không thể đáp ứng nhu cầu phát triển thuê bao điện thoại cố định của các doanh nghiệp khác.
Trong khi đó, Hà Nội vừa được mở rộng với việc sáp nhập toàn tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc và 4 xã thuộc huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình. Ông Trần VĨnh Phúc, Phó Trưởng ban Viễn thông của VNPT cho biết, theo dự báo với số dân của Hà Nội mở rộng, khu vực này sẽ đạt 10 triệu thuê bao trong vài năm tới. Vì vậy, với tầm nhìn chiến lược phát triển 10 năm, VNPT đồng thời tiến hành nâng độ dài số thuê bao từ 7 số lên 8 số tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.
Sau khi đổi số, tổng kho số thuê bao cố định của thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội sẽ lên 80 triệu số cho mỗi địa phương và kho số các tỉnh cũng tăng lên tương ứng khoảng 8 triệu số. “Việc đổi số này là cần thiết để đảm bảo nhu cầu trước mắt phân bổ kho số cho các nhà khai thác viễn thông mới cũng như để đáp ứng cho việc phát triển các loại hình dịch vụ mới trong tương lai” - ông Phúc khẳng định.
Khách hàng bị ảnh hưởng, nhưng không nhiều
“Khó tránh khỏi sự phiền phức mà người dùng sẽ gặp phải sau mỗi lần đổi số” - cả đại diện của cơ quan quản lý nhà nước cùng phía doanh nghiệp đều thừa nhận điều này. Theo ông Phạm Hồng Hải, việc đổi số điện thoại cố định lần này ở một chừng mực nào đó có thể gây cảm giác không thuận tiện cho người sử dụng do phải quay số dài hơn, thậm chí sẽ phải thông báo lại về số liên lạc của mình... Nhưng xét về lâu dài, việc làm này đem lại nhiều lợi ích cho khách hàng và cho toàn xã hội nên đây là vấn đề cần thiết.
Cùng quan điểm đó, ông Trần Vĩnh Phúc cho rằng, việc nâng độ dài số thuê bao sẽ giúp việc quy hoạch mạng thuận tiện hơn, góp phần đảm bảo cho sự phát triển của ngành viễn thông Việt Nam, và cũng chính là phục vụ mục tiêu đảm bảo thông tin liên lạc cho nhân dân và cho quốc gia.
Trước đây, việc đổi số đơn giản hơn bởi chỉ cần thêm số 3 vào trước số thuê bao hiện hành. Tuy nhiên, trong lần đổi số này, các thuê bao và các doanh nghiệp sẽ liên tục nâng nâng độ dài quay số với thời gian khác nhau. Cụ thể VNPT sẽ tiến hành đổi số từ ngày 5/10/2008, còn các doanh nghiệp khác sẽ triển khai từ ngày 26/10/2008 và mỗi doanh nghiệp sẽ được cấp đấu số riêng chứ không đồng loạt sử dụng đầu số 3 theo quy hoạch.
Để đảm bảo quyền lợi của khách hàng Bộ Thông tin và Truyền thông khuyến nghị các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ điện thoại cố định là đánh số song song trong thời gian nhất định để cho khách hàng quen dần với việc đổi số.
Theo chỉ đạo đó, VNPT sẽ áp dụng song song 2 cách quay số mới và cũ trong thời gian 2 tuần và áp dụng cách quay số duy nhất (7 chữ số tại 53 tỉnh, thành và 8 chữ số tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh) từ thời điểm 0h00 ngày 19/10 (không kể các thuê bao G-Phone, sẽ áp dụng cách quay số mới ngay từ 5/10). Sau ngày 19/10, nếu khách hàng gọi đến số máy cũ, sẽ được tổng đài nhắc bằng lời thoại hoặc bằng tiếng tone (tiếng tút ngắn).
Thời gian qua, bên cạnh việc thông báo đến từng thuê bao cố định qua hóa đơn cước điện thoại, VNPT cũng triển khai thông báo việc đổi số rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Đại diện của VNPT cho biết, với việc chuẩn bị kỹ cho việc đổi số, chất lượng dịch vụ vẫn được bảo đảm, hy vọng khách hàng sẽ thông cảm và chia sẻ với nhà khai thác trong thực hiện việc đổi số này.
Theo Vnmedia