Hội thảo Hợp Tác - Phát Triển CNTT-TT VN lần thứ XII tại Cần Thơ ngày 15,16/8/2008 tập trung vào chủ đề “CNTT-TT phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn” với rất nhiều báo cáo, tham luận, khảo sát, giải pháp đề xuất... nhằm trả lời câu hỏi: “Làm sao đưa CNTT-TT đến với người nông dân”.
Những nội dung được trình bày tại hội thảo, mà phần lớn liên quan đến thực tế tại đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL) - trung tâm nông nghiệp của cả nước, cho thấy người nông dân rất cần đến CNTT-TT. Tuy nhiên, quan trọng hơn, để đến được với người nông dân thì CNTT-TT phải đáp ứng được những nhu cầu đơn giản và đảm bảo các tiêu chí: thông tin thiết thực, sản phẩm – dịch vụ phải có giá rẻ và phải dễ dùng.
|
Tiến hành đồng bộ 5 giải pháp Tại hội thảo "CNTT-TT phục vụ phát triển NN&NT" tại Cần Thơ, ngày 15/8/2008, phái viên của Thủ Tướng Chính Phủ về CNTT - ông Đỗ Trung Tá - phó trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT đã dành cho tạp chí TGVT sê-ri B buổi phỏng vấn về vai trò của CNTT-TT với sự nghiệp phát triển tam nông theo tinh thần nghị quyết số 26-NQ/T.Ư " Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân" của hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ VII.
|
|
CNTT tại Tiền Giang Phóng viên TGVT – PC World sê-ri B đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Yên, giám đốc sở TTTT tỉnh Tiền Giang về ứng dụng CNTT tại tỉnh.
|
|
Mô hình trung tâm kết nối mạng cấp xã Không “Tắt đèn, đóng cửa” hậu dự án! Bộ NN&PTNT cùng chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đang thí điểm 13 trung tâm thông tin nông thôn (TTTTNT) kết nối mạng cấp xã. Tỉnh Tiền Giang được tham gia 2 trung tâm. Ông Bùi Hữu Huynh, phó chánh văn phòng sở NN&PTNT Tiền Giang trực tiếp điều hành thực hiện đã trao đổi với phóng viên TGVT về quá trình triển khai..
|
|
Nhà khoa học với ĐBSCL Nông dân cần thông tin phù hợp “Nên có trung tâm đầu mối cung cấp thông tin KHCN phù hợp và đầy đủ cho nông dân ĐBSCL! Tại các tỉnh, sở KHCN chịu trách nhiệm chính cung cấp thông tin, sở TTTT chịu trách nhiệm “phần cứng, đường truyền”. Các xã xây dựng điểm truy cập Internet”, ông Nguyễn Ngọc Đệ, phó giám đốc viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL, ĐH Cần Thơ.
|
|
Thông tin khuyến nông – thông tin thị trường Hệ thống (HT) thông tin khuyến nông và thị trường của bộ NN&PTNT đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2006. Hiện mỗi ngày, HT cập nhật 70 – 85 tin từ 232 điểm thu thập trải khắp trên 23 tỉnh, thành và được cung cấp miễn phí trên http://pmard.mard.gov.vn/pmard.
|
|
DN CNTT với ĐBSCL Bám sát thị trường, căn chỉnh mục tiêu Trong nhiều năm qua và sau này, các DN đã và sẽ tiếp tục bám sát thị trường để đưa CNTT về ĐBSCL. Phóng viên đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Liên, giám đốc công ty Điện Toán và Truyền Số Liệu (VDC), đại diện cho tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông VN (VNPT).
|
|
Lướt net trên sông... Thực tế đưa CNTT-TT về ĐBSCL không ít khó khăn. Thế nhưng, CNTT với ĐBSCL không phải không có tương lai.
|
|
Những việc tiếp theo... Hội thảo tại Cần Thơ được đánh giá là lớn nhất từ trước tới nay, quy tụ đông đảo các nhà quản lý, nhà khoa học, DN, bàn thảo sâu, rộng, trọng tâm hàng loạt vấn đề trong việc đưa CNTT về nông thôn, nổi bật là ĐBSCL.
|
TIẾN HÀNH ĐỒNG BỘ 5 GIẢI THƯỞNG
Tại hội thảo "CNTT-TT phục vụ phát triển NN&NT" tại Cần Thơ, ngày 15/8/2008, phái viên của Thủ Tướng Chính Phủ về CNTT - ông Đỗ Trung Tá - phó trưởng Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT đã dành cho tạp chí TGVT sê-ri B buổi phỏng vấn về vai trò của CNTT-TT với sự nghiệp phát triển tam nông theo tinh thần nghị quyết số 26-NQ/T.Ư " Về nông nghiệp, nông thôn, nông dân" của hội nghị Trung Ương Đảng lần thứ VII.
Ông vui lòng cho biết khả năng và vai trò của CNTT-TT trong thúc đẩy thực hiện, góp phần đưa nghị quyết "Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn" vào cuộc sống?
Ngay từ 2007, bộ BCVT (nay là bộ TTTT) đã có chỉ thị về ứng dụng CNTT-TT cho NN&PTNT bên cạnh những chỉ thị về ứng dụng CNTT-TT trong các cơ quan nhà nước cũng như phát triển TMĐT. Nông thôn có ứng dụng CNTT sẽ dễ tiếp cận với tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ (như công nghệ sinh học). Lúc đó, nông thôn cũng dễ dàng kết nối với thị trường trong và ngoài nước, sẽ có đầu ra! Đây là yếu tố quyết định của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Nông thôn Việt Nam đã có điện, điện thoại và Internet từ nhiều năm nay. Học sinh và thanh, thiếu niên nông thôn là lực lượng tiếp cận nhanh nhất với CNTT. Các em có thể học bài, ôn thi trên mạng. Chính các em đang và sẽ là đội ngũ chính truyền thụ kỹ năng ứng dụng cho nông thôn và nông dân, các bậc cha mẹ... Theo tôi, không nên quá lo lắng về việc đào tạo nông dân sử dụng CNTT. Vấn đề là đưa được CNTT về với nông thôn, nhất là các vùng sâu, vùng xa. Khi có CNTT, giải quyết các vấn đề của nông thôn như giáo dục cộng đồng hay y tế từ xa... cũng dễ.
Cả nước hiện có hơn 60% bác sĩ ở nông thôn. Họ cần Internet để tham gia hội chẩn, học hỏi, cập nhật kiến thức... Nông dân hiện hầu như không có cách nào tiếp cận đến Văn Phòng Chính Phủ! Nếu Chính Phủ triển khai thành công dịch vụ công trên mạng, nông dân có thể gửi kiến nghị đến các cơ quan liên quan, thậm chí lên tận Thủ Tướng và chính Thủ Tướng có thể sẽ trực tiếp trả lời. Chủ đề của hội thảo là "CNTT-TT phục vụ phát triển NN&NT". Xin nói thêm về chữ "nông thôn". Người dân nông thôn luôn có nguyện vọng biết việc chính quyền xã làm. Có Internet và các dịch vụ công trên mạng, mọi thứ trở nên minh bạch, tiến trình dân chủ hóa ở nông thôn sẽ thấm đến từng hộ dân. Việc này rất quan trọng. Tuy nhiên, để đưa được CNTT về với nông thôn, nhất là về với địa bàn tương đối khó như ĐBSCL, cần thực hiện đồng bộ một loạt giải pháp...
Ông có thể giới thiệu đó là những giải pháp gì?
Thứ nhất vẫn là "Nâng cao nhận thức". Xóa dần khoảng cách thông tin giữa nông thôn và thành thị, góp phần xóa dần khoảng cách nông thôn – thành thị. CNTT và Internet cũng góp phần đáng kể vào xóa đói giảm nghèo! Việc tạo các phần mềm (PM) ứng dụng, các nội dung số để đáp ứng nhu cầu người dân nông thôn cần được cơ quan nhà nước và DN nhận thức kịp thời, đứng hướng.
Thứ hai, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực; động viên, triển khai mạnh mẽ phong trào thanh niên, sinh viên, học sinh tình nguyện phổ cập CNTT-TT cho nông dân.
Thứ ba, nhanh chóng phát triển nội dung thông tin cần thiết, phù hợp: Bộ NN&PTNT chuẩn bị nội dung chọn lọc, còn bộ TTTT đẩy nhanh tin học hóa...
Thứ tư, triển khai các chương trình, đề tài nghiên cứu, xây dựng các giải pháp công nghệ và triển khai mô hình CNTT-TT phù hợp với nông thôn.
Cuối cùng là phải liên tục hiện đại hóa hạ tầng CNTT-TT, chính sách, cơ chế đặc thù cho nông thôn, tạo điều kiện cho nông dân tiếp cận dịch vụ CNTT-TT nhanh hơn, rẻ hơn...
Phái viên của Thủ Tướng Chính Phủ nói phải triển khai đồng bộ cả 5 giải pháp. Tuy nhiên, vẫn sẽ có một công việc nào đó được ưu tiên thực hiện trước tiên...?
Với vai trò là cơ quan tham mưu cho Chính Phủ và Thủ Tướng Chính Phủ về các chủ trương và giải pháp chiến lược nhằm thúc đẩy ứng dụng và phát triển CNTT, Ban Chỉ Đạo Quốc Gia về CNTT coi việc ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại nông thôn là một trong các chương trình trọng điểm! Việc phải ưu tiên làm trước là kích cầu! Công nghiệp nội dung số phải được đẩy mạnh, phải đưa ra được những nội dung thông tin thiết thực và chất lượng nhất về giống cây trồng, vật nuôi; các chương trình dạy và học trực tuyến... nhằm thu hút nông dân và con em họ tương tác thường xuyên với Internet.
Dĩ nhiên, giá cước phải thật rẻ! Hiện đang có một số chương trình thí điểm cho nông dân sử dụng Internet miễn phí. Đó cũng là kích cầu. Cũng không nên "khó khăn hóa" vấn đề. Ví dụ, nhiều người cứ nghĩ nông dân nghèo thì không có điều kiện và khả năng tiếp cận với email(!) Chỉ cần đổi cách nghĩ là thấy dễ ngay: Nông dân vẫn có thể nhận thư in ra từ thư điện tử qua các bưu điện văn hóa xã (BĐVHX) xã rất nhanh! Trước đây, các DN ngại đến ĐBSCL vì sông nước cách trở, kéo cáp khó. Bây giờ, đã có vệ tinh, vấn đề địa hình đã được khắc phục. Trước, mọi người phải dùng dial-up và chịu không nổi cước phí, tốc độ nhưng nay thì ADSL đã trở thành phổ cập. Đã đến lúc chúng ta chỉ sử dụng băng rộng để đưa CNTT-TT về nông thôn, kể cả ĐBSCL.
Ông Bùi Bá Bổng, thứ trưởng bộ NN&PTNT: "Hội Nghị Trung Ương 7 Trong Tháng 7/2008 đã ra nghị quyết "Về nông nghiệp, nông dân và nông thôn". Điều này thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà Nước đến sự phát triển NN&NT và trung tâm của sự phát triển này là nông dân. Việc tổ chức hội thảo CNTT-TT phục vụ NN&NT ngay sau nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt, là hành động thiết thực đưa nghị quyết vào cuộc sống.
Trong những năm qua, bộ NN&PTNT đã phối hợp thường xuyên và chặt chẽ với bộ BCVT (nay là bộ TTTT) và chỉ đạo các sở NN&PTNT xây dựng, thực hiện các chiến lược, kế hoạch, đề án, dự án về CNTT phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, trong đó có lĩnh vực NN&PTNT.
Mục tiêu của ngành nông nghiệp thời gian tới là ứng dụng rộng rãi CNTT trong các cơ quan ngành gắn với cải cách hành chính, giúp người dân và DN làm việc với các cơ quan quản lý thuận tiện, hiệu quả hơn. Đồng thời, ngành nông nghiệp cũng chú trọng đẩy mạnh quá trình giúp dân tiếp cận với CNTT để sản xuất hiệu quả, nắm bắt thông tin thị trường.
Bộ NN&PTNT sẽ tăng cường cơ sở hạ tầng CNTT, chuẩn hóa thông tin, xây dựng hệ thống thông tin quản lý điều hành. Đặc biệt, cải tiến và tích hợp các dịch vụ công lên cổng thông tin điện tử của Bộ, tăng giao dịch 2 chiều trực tuyến giữa các nhà quản lý, khoa học, nông dân, DN và chỉ đạo các sở NN&PTNT đẩy mạnh ứng dụng CNTT phục vụ NN&NT".
|
CNTT TẠI TIỀN GIANG
Phóng viên TGVT – PC World sê-ri B đã có buổi phỏng vấn ông Nguyễn Văn Yên, giám đốc sở TTTT tỉnh Tiền Giang về ứng dụng CNTT tại tỉnh.
Xin ông giới thiệu đôi nét về tình hình ứng dụng và phát triển CNTT-TT tại Tiền Giang...
Với địa bàn gần TP.HCM, truyền thống hiếu học của đất Mỹ Tho - Gò Công, Tiền Giang là tỉnh sớm nắm bắt, đưa các tiến bộ KHKT vào quản lý, sản xuất. Tiền Giang sớm ứng dụng CNTT: từ những năm 1986 – 1990, một số đơn vị, trường học tại tỉnh đã sử dụng máy tính trong quản lý; từ 1995 - 2000, hầu hết các sở, ngành, UBND cấp huyện bắt đầu ứng dụng CNTT vào quản lý, một số DN cũng trang bị máy tính phục vụ hoạt động DN. Các cơ sở đào tạo tin học (chủ yếu liên kết với các trường TP.HCM), các cơ sở dịch vụ CNTT... ra đời.
Hạ tầng CNTT các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện ở mức trung bình khá. Một số sở quan trọng có hệ thống máy chủ tương đối tốt, triển khai các ứng dụng chuyên ngành. Hệ thống mạng diện rộng của tỉnh hình thành và hoạt động với hệ thống thư điện tử trên 1000 địa chỉ cấp cho công chức, viên chức và gần 100 cơ quan đơn vị hoạt động khá ổn định. Trang thông tin điện tử của tỉnh từng bước hoàn thiện và xếp thứ 18/56 về số lượt truy cập và đứng thứ nhất về số lượng dịch vụ công cung cấp mức độ 1 trong số các trang thông tin của các tỉnh, thành theo đánh giá gần đây nhất của bộ TTTT. Các trang thông tin điện tử GDĐT, KHCN hoạt động rất hiệu quả... Hạ tầng CNTT trong giáo dục rất tốt, 100% THPT có kết nối mạng LAN và Internet.
Trong các cơ quan Đảng, bước đầu xây dựng và hình thành kho thông tin điện tử và hệ thống CSDL phục vụ lãnh đạo, thống nhất sử dụng các PM dùng chung trong các cơ quan Đảng: thư điện tử, gửi nhận văn bản, văn kiện Đảng được cập nhật và khai thác thường xuyên. Xây dựng được quy chế, quy trình khai thác và sử dụng mạng thông tin diện rộng của Đảng an toàn, bí mật.
Đa số công chức được đào tạo, bồi dưỡng tin học cơ bản và sử dụng hiệu quả các thiết bị văn phòng. Nhiều cơ sở đào tạo tin học liên kết với các trường ĐH tại TP.HCM và Cần Thơ đào tạo chứng chỉ A, B đến trình độ TC, CĐ, ĐH. Từ năm nay, ĐH Tiền Giang sẽ đào tạo cử nhân tin học hệ ĐH đầu tiên. Các DN cũng ứng dụng CNTT để quản lý, kinh doanh. Một số DN đã có website. Sàn giao dịch điện tử Tiền Giang đã hoạt động từ 2 năm nay và có một số kết quả đầu tiên. Bắt đầu xuất hiện các DN CNTT, cơ sở dịch vụ mặc dù quy mô và tính chuyên nghiệp chưa cao.
Đánh giá của ông về sự sẵn sàng của khối cơ quan nhà nước, cộng đồng DN CNTT-TT và các đơn vị ứng dụng?
Sự sẵn sàng thể hiện qua nhận thức ý nghĩa và tầm quan trọng của CNTT-TT. Các DN đã đầu tư nhân lực, tài lực cho CNTT-TT. Tuy nhiên, việc ứng dụng CNTT ở tỉnh còn một số hạn chế như: Hạ tầng mạng trong cơ quan nhà nước cấp xã, phường, thị trấn còn yếu; hệ thống các dịch vụ công trực tuyến của tỉnh chủ yếu mới chỉ ở mức 1, rất ít dịch vụ công mức 2, chưa có dịch vụ công mức 3 trở lên; phần lớn thiết bị hạ tầng CNTT đã lạc hậu cần được nâng cấp và mở rộng. Các DN chưa nhận thức đầy đủ về tác dụng của CNTT nên đầu tư ứng dụng CNTT còn rời rạc, cục bộ... Nhân lực CNTT-TT thiếu về số lượng, hạn chế về năng lực: Đa số đơn vị thiếu chuyên trách phụ trách kỹ thuật CNTT nên việc sử dụng, bảo trì hệ thống chưa tốt. Công nghiệp CNTT chưa phát triển, còn rất ít DN đầu tư về dịch vụ CNTT, phần cứng, PM và nội dung số. Chính vì vậy, Tiền Giang đang bắt tay xây dựng quy hoạch CNTT đến năm 2020 nhằm đánh giá, phân tích một cách chính xác thực trạng ứng dụng CNTT, từ đó xây dựng định hướng tốt nhất và đề ra các giải pháp thực hiện cho các nội dung, các phát triển ứng dụng CNTT...
Thực trạng và triển vọng ứng dụng CNTT trong dân tại Tiền Giang?
Chúng tôi chưa có điều kiện thống kê, khảo sát một cách chính xác tình hình ứng dụng trong dân. Chỉ có thể nhận xét sơ bộ như sau: Đối với người dân, việc ứng dụng CNTT-TT hiện tại không xa lạ, khó tiếp nhận như cách đây 5 – 10 năm mà đã rất gần, thuận tiện. Nhiều nông dân đã tiết kiệm, mua máy tính để tra cứu thông tin kỹ thuật, thông tin về chính sách, pháp luật, hoặc trang bị máy tính cho con em học tập. Một số hợp tác xã, tổ hợp tác có website riêng... Triển vọng ứng dụng trong dân lớn nhưng việc ứng dụng vẫn còn một số hạn chế.
Cần giải quyết 2 vấn đề: Làm thế nào để có điều kiện trang bị máy tính, PM và phải làm gì để có thể ứng dụng tốt nhất CNTT-TT phục vụ sản xuất và đời sống khi đã có điều kiện? Vấn đề thứ nhất cần sự quyết tâm của từng cá nhân, hộ gia đình; cần hỗ trợ về chính sách, về việc tăng cường đầu tư hạ tầng... từ phía cơ quan quản lý và sự hợp tác hỗ trợ (như tài trợ) của DN. Vấn đề thứ hai: trách nhiệm chính thuộc về cơ quan quản lý, trong đó có sở TTTT, sở NN&PTNT. Phải có cơ chế quản lý, tạo điều kiện, hướng dẫn, định hướng để người dân khai thác tốt nhất các ứng dụng CNTT-TT.
Đề xuất của sở TTTT Tiền Giang về đưa CNTT tới ĐBSCL?
Phải đưa nhanh Internet băng rộng đến tất cả các xã, xây dựng các điểm truy cập Internet tại trung tâm xã, BĐVHX và nơi đông dân cư. Khuyến khích mọi thành phần tham gia cung cấp điểm truy cập Internet. Tổ chức, triển khai đào tạo, phổ cập kiến thức CNTT cho nông dân. Đặc biệt, sử dụng PM nguồn mở (bản tiếng Việt) để tập huấn cho nông dân. Cùng các phương tiện truyền thông, đặc biệt là tivi, radio chuyển giao KH, những tiến bộ KT và vận động nông dân tích cực ứng dụng CNTT vào phát triển sản xuất. Nhà nước hỗ trợ đào tạo, cập nhật kiến thức CNTT, vận động nông dân tích cực đưa các ứng dụng CNTT, ưu đãi các đơn vị, cá nhân đầu tư cung cấp điểm truy cập dịch vụ Internet tại vùng nông thôn, vùng sâu và vùng xa.
Ông Trần Hoàng Quân, giám đốc công ty TNHH công nghệ TGN (Westcom), tỉnh Tiền Giang:
"Từ năm 2000 đến nay, số người dùng máy tính, kết nối Internet tại Tiền Giang tăng trưởng trung bình 30% – 40%/năm. Các DN Tiền Giang đa số đều đã ứng dụng CNTT, nhiều DN đã có website giao dịch, giới thiệu sản phẩm, một số đang tiếp cận TMĐT. Tỉnh có nhiều website về nông sản như: xoài cát Hòa Lộc, vú sữa Vĩnh Kim, Thanh Long Chợ Gạo. Nhu cầu sử dụng máy tính, Internet của các DN ở Tiền Giang vẫn còn rất cao. Riêng với hộ gia đình, số hộ có máy tính, có kết nối Internet vẫn thấp (chỉ mới hơn 15%), tập trung chủ yếu ở các thị trấn; tỷ lệ các hộ gia đình nông thôn có máy tính rất thấp do thu nhập (khoảng 25% số hộ có mức thu nhập dưới 300.000đ/người/tháng). Nhà Nước cần hỗ trợ đồng bộ để phát triển kinh tế, nhất là nông nghiệp. Khi thu nhập khá lên thì người dân, nhất là nông dân mới có điều kiện tiếp cận CNTT.
Tiền Giang có khá nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực CNTT, mỗi DN có thế mạnh riêng. Nếu tập hợp các DN lại trong một tổ chức hội nghề nghiệp, có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, chắc chắn sẽ phát huy được thế mạnh của các DN, tập hợp được lực lượng kỹ thuật CNTT của Tỉnh".
|
Mô hình trung tâm kết nối mạng cấp xã
KHÔNG “TẮT ĐÈN, ĐÓNG CỬA” HẬU DỰ ÁN!
Bộ NN&PTNT cùng chương trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) đang thí điểm 13 trung tâm thông tin nông thôn (TTTTNT) kết nối mạng cấp xã. Tỉnh Tiền Giang được tham gia 2 trung tâm. Ông Bùi Hữu Huynh, phó chánh văn phòng sở NN&PTNT Tiền Giang trực tiếp điều hành thực hiện đã trao đổi với phóng viên TGVT về quá trình triển khai...
Ông có thể sơ kết tính hiệu quả của chương trình thí điểm 13 TTTTNT kết nối mạng cấp xã?
Nghe đến ứng dụng CNTT là nông dân ngại. Tuy nhiên, sau khi được tuyên truyền, tổ chức hội thảo, tập huấn, nông dân bắt đầu hiểu rõ công dụng và sự cần thiết. Tại các xã thí điểm, nông dân hiểu nhờ có CNTT mà đời sống của họ được nâng cao. Chính quyền các cấp cũng hiểu rõ hơn sự cần thiết đưa CNTT đến với nông dân...
Xin ông giới thiệu về việc chọn 2 vị trí thí điểm tại Tiền Giang...
Bộ NN&PTNT tham gia xác định các vị trí tham gia chương trình. Tiền Giang được 2/13 vị trí: Bình Phục Nhứt và Thanh Bình thuộc huyện Chợ Gạo, đều là vùng sâu, vùng xa. Trong dự án, bộ NN&PTNT và bộ TTTT hợp tác chặt chẽ, giám đốc sở TTTT tỉnh Tiền Giang cũng tham gia với sở NN&PTNT lặn lội kéo cáp, lắp đặt... Sản xuất chủ yếu của 2 xã là trồng lúa, màu và chăn nuôi bò, heo, gà. Tại đây, đã có một số gia đình có trang trại nuôi gà sản xuất hàng hoá. Địa bàn các xã này đã có sự chuyển dịch cơ cấu cây trồng – vật nuôi tương đối hiệu quả...
Từng vị trí, nội dung của dự án thế nào?
Mỗi TTTTNT biên chế 5 người gồm chủ tịch xã làm giám đốc, 1 cử nhân CNTT làm quản đốc, 1 kỹ sư nông nghiệp kiêm trung cấp vi tính vận hành; trưởng phòng nông nghiệp huyện là thành viên và 1 phó văn phòng sở NN&PTNT là thành viên. Lúc đầu, mỗi TTTTNT có 3 máy tính (nay là 5, 6), 1 máy photocopy, 1 máy fax, 1 máy chiếu, 1 MTXT, 1 máy ảnh số. Thời gian hoạt động 2 năm, dự án đã hoạt động từ tháng 12/2006. Sau 12/2008, dự án sẽ được bàn giao cho địa phương quản lý. Tại các điểm này, chính quyền địa phương mong muốn có thêm kinh phí triển khai mô hình xuống tận ấp (thôn). UBND tỉnh Tiền Giang trực tiếp chỉ đạo thực hiện.
Việc khai thác thông tin diễn ra thế nào? Thông tin nào được nông dân quan tâm nhiều nhất?
Trong dự án, nông dân không phải trả phí truy cập thông tin. Các điểm còn tổ chức các lớp dạy vi tính cho người dân không thu tiền. Lúc đầu, cũng đã có toan tính bán một phần dịch vụ trang trải phần nào nhưng hiện tại, dự án được bao cấp. Thông tin được khai thác phần nhiều có liên quan đến nghề nông... Thời gian qua, chúng tôi đã tổ chức khai thác từ Internet các thông tin: chăn nuôi (4.400 lượt); trồng trọt (3.500 lượt); giá cả thị trường (1.550 lượt); y tế - giáo dục (350 lượt); pháp luật (250 lượt). Chúng tôi cũng đã phát ra 5.100 tài liệu hướng dẫn, 4.500 tờ bướm, tờ rơi. Đã có nhiều hội thảo được tổ chức quanh mô hình TTTTNT: về tình hình dịch cúm gia cầm (1.650 người dự); về bệnh vàng lùn, lùn xoắn lá trên cây lúa (1.895 người); về chăn nuôi cá theo mô hình VAC (450 người); về "3 giảm 3 tăng" (giảm lượng giống gieo sạ, phân đạm, thuốc trừ sâu; tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả) có 1.480 người dự... Ngoài ra, chúng tôi còn có các hướng dẫn cho nông dân xây dựng và sử dụng hầm khí sinh học...
Khó khăn trong quá trình triển khai dự án? Dự án có kịp thời không? Khi dự án kết thúc, các TTTTNT được tiếp tục thế nào?
Không tính các khó khăn trước khi lắp đặt xong các trung tâm, nhìn lại, chúng tôi thấy còn nhiều khó khăn tiếp theo. Mô hình chưa có tiền lệ nên không khỏi lúng túng khi triển khai. Các nhân viên cơ hữu của TTTTNT chưa có kinh nghiệm giao tiếp với nông dân nên việc trao đổi hai chiều, chia sẻ thông tin còn khó khăn. Thông tin nông dân thực cần chưa đủ... Dự án được tiến hành sớm khoảng mươi năm thì tốt. Tuy nhiên, dự án chưa phải là chậm. Nếu duy trì và phát triển tốt các TTTTNT, tôi chắc chắn kinh tế địa phương sẽ lên rất nhanh. 2 trung tâm trên đây đã có kế hoạch kinh phí và nội dung hoạt động cho những năm hậu dự án. Sở NN&PTNT Tiền Giang đã trình UBND tỉnh cấp kinh phí duy trì hoạt động, từ đó nhân rộng mô hình. UBND tỉnh đã có văn bản giao sở NN&PTNT phối hợp sở Tài Chính lên phương án.
Nhà khoa học với ĐBSCL
NÔNG DÂN CẦN THÔNG TIN PHÙ HỢP
“Nên có trung tâm đầu mối cung cấp thông tin KHCN phù hợp và đầy đủ cho nông dân ĐBSCL! Tại các tỉnh, sở KHCN chịu trách nhiệm chính cung cấp thông tin, sở TTTT chịu trách nhiệm “phần cứng, đường truyền”. Các xã xây dựng điểm truy cập Internet”, ông Nguyễn Ngọc Đệ, phó giám đốc viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL, ĐH Cần Thơ.
Theo ông, việc gì cần ưu tiên làm ngay?
Tôi muốn chia việc ra thành 2 nhóm: cho bên cung và bên cầu. Bên cung đảm trách phát triển cơ sở hạ tầng... và các sở TTTT ở ĐBSCL phải thực hiện. Bên cung có cả đảm bảo nội dung thông tin. Thông tin rất nhiều nhưng phải chọn để cung ứng đúng đích. Ví dụ, thông tin về nuôi trồng thủy sản nước mặn thì chỉ cung ứng cho các tỉnh có bờ biển... Thông tin phải tin cậy, tránh tình trạng tung tin sai nhưng rất tác hại như kiểu "ăn bưởi bị ung thư” vậy!
Vì sao ông khuyến cáo lấy các sở KHCN làm đại diện tốt nhất cho bên cung?
Những sở ngành sau đều liên quan đến cung cấp thông tin cho nông dân: sở TTTT, sở VH-TT-DL, sở NN&PTNT, sở KHCN. Sau đợt nghiên cứu hiện trạng và nhu cầu thông tin KHCN phục vụ phát triển sản xuất và đời sống nhân dân khu vực nông thôn vùng ĐBSCL tại 26 xã, đại diện 13 tỉnh, thành ở ĐBSCL trong 6 tháng (tổng kết trong 2 tháng 7-8/2008), chúng tôi thấy sở KHCN là phù hợp nhất trong vai trò chính của bên cung ứng thông tin KHCN cho nông dân. Cũng có thể sở KHCN kết hợp với các sở để thực hiện nhưng nên là sở KHCN giữ vai trò chính!
Loại hình thông tin nào đang cần kíp nhất với bà con nông dân?
Thông tin về sản xuất, quy trình nuôi trồng... nói chung đã tạm đủ. Thông tin mà nông dân đang cần nhất là thông tin về chính sách, tiếp theo là thông tin về thị trường, đầu ra, đầu vào...
Ý kiến của ông về vị trí đặt trung tâm đầu mối cung cấp thông tin KHCN cho ĐBSCL...
TP.Cần Thơ có một lợi thế là trung tâm của toàn vùng ĐBSCL. Tại đây có ĐH Cần Thơ là một trong các cơ sở nghiên cứu và đào tạo về nông nghiệp lớn. ĐH Cần Thơ có thư viện điện tử với nội dung thông tin rất phong phú, đa dạng, do Úc tài trợ thông qua ĐH RMIT. Thư viện điện tử này có khả năng kết nối mạnh, có các bộ phận chuyên môn hùng hậu, có thể phục vụ việc học trực tuyến với các giáo trình phù hợp nhất. Trong quá trình nghiên cứu, khảo sát, chúng tôi phát hiện nhu cầu rất cao với các biên tập vì không phải nội dung nào cũng dễ dàng đến với nông dân. Nội dung phải ngắn gọn, dễ hiểu, thậm chí trực quan. Thiết bị tiếp nhận thông tin cũng phải đơn giản, dễ dùng (như điện thoại di động). Nên đặt trung tâm tại Cần Thơ và kết nối nó với ĐH Cần Thơ.
Theo ông, mức độ sẵn sàng của bên cầu hiện đang ở đâu?
Rất thấp, nhưng không đáng ngại vì có thể xoay chuyển. Qua các thí điểm đưa Internet về nông thôn tại ĐBSCL, chúng tôi thấy không hề có khó khăn trong việc tập huấn nông dân sử dụng Internet. Chỉ cần sau một buổi là nông dân có thể tự xoay xở (như thực tế đã diễn ra tại cuộc thí điểm tại 7 xã ở tỉnh Vĩnh Long). Có một cản trở cần nhấn mạnh là cước Internet. Chúng tôi đã đề xuất giải quyết vấn đề này theo 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, miễn phí sử dụng Internet cho nông dân; Giai đoạn 2, "lấy thu bù chi", cung cấp dịch vụ phi lợi nhuận; giai đoạn 3, thương mại hoá...
Dự trù của ông về thời hạn cho từng giai đoạn?
Giai đoạn 1 phải mất từ 4 – 5 năm! Nhưng, giai đoạn 2 có thể ngắn hơn, khoảng 3 năm...
Hiện trạng CNTT tại ĐBSCL
"Hạ tầng kỹ thuật: Bình quân mỗi tỉnh có khoảng 125.000 điện thoại cố định (10 người hay 2-3 hộ dân/1 máy). ĐTDĐ 6 dân hay 1-2 hộ/ máy. Mỗi tỉnh bình quân có 15.157 máy tính (83 dân hay 18 hộ/1 máy), tỷ lệ kết nối Internet gần 400 dân hay 86 hộ/máy (tập trung chủ yếu tại các thành phố, thị xã, thị trấn). Khu vực nhà nước có khoảng 5.000 máy/tỉnh, trên 52% được nối mạng, gần 60% kết nối Internet. Khoảng 32,3% DN có kết nối Internet băng rộng và không đều giữa các tỉnh thành (Bến Tre, Cần Thơ có số DN kết nối Internet lớn nhất; thấp nhất là Bạc Liêu).
Nguồn nhân lực: 96% THPT, 26% THCS và một số TH có giảng dạy tin học. Bình quân mỗi tỉnh có 2 trường ĐH, CĐ, TC. Số sinh viên chuyên ngành CNTT tốt nghiệp khoảng 350 (1 sinh viên/3.500 dân hay 760 hộ (số liệu năm 2006)). Tỷ lệ công chức biết sử dụng máy tính 54,9%.
Mức độ ứng dụng: Tổng ngân sách bình quân mỗi tỉnh đã chi cho CNTT-TT năm 2006 là 8,5 tỷ đồng (7.000 đồng/người hay gần 32.000 đồng/hộ). Tỷ lệ các sở ban ngành có website gần 20%. Số đơn vị kinh doanh CNTT-TT còn quá mỏng.
Dịch vụ Internet: Số máy tính trung bình/mỗi cơ sở 17 (cao nhất 80; thấp nhất 4), đầu tư trung bình 59 triệu đồng/cơ sở (cao nhất 130 triệu; thấp nhất 12 triệu), trong đó mua máy tính 66%, cửa hàng 15%, lắp ráp hệ thống 4%, bàn ghế 15%. Hiệu suất sử dụng trung bình 5giờ/máy/ngày (cao nhất 10 giờ, thấp nhất 2,5 giờ). Người lớn (16-55 tuổi) 65%, trẻ em (dưới 15 tuổi) 33,5%, và người già 1,5%. Mục đích sử dụng: game (64,4%), chat + email (29%), truy cập thông tin (6,6%). Khi duy trì và mở rộng dịch vụ Internet, thuận lợi lớn nhất là có chuyên môn về Internet (38,5%) và có khách hàng quen nhiều (30,8%). Ngoài ra, còn có thu nhập ổn định, đường truyền nhanh và ổn định, khách hàng có nhận thức tốt. Khó khăn lớn nhất là thủ tục truy cập (53,8%), mạng không ổn định và chậm (53,8%), cạnh tranh trong nghề (46,2%). Một số khó khăn khác như điện không ổn định, thiếu kỹ năng truy cập Internet, ý thức chưa tốt của khách hàng, thuế và cước phí cao.
(Trích "Báo cáo của trung tâm Tư Vấn Phát Triển, viện Nghiên Cứu Phát Triển ĐBSCL, ĐH Cần Thơ”).
|
Cần Thơ: Thiếu nội dung số
Ứng dụng CNTT-TT tại Cần Thơ đã có nhiều tiến bộ so với 5 năm trước, nhất là ở khối cơ quan nhà nước (CQNN). Hạ tầng CNTT của khối CQNN thuộc UBND Cần Thơ đã hoàn thành, phát huy tác dụng: Trung tâm Tích Hợp Dữ Liệu, mạng nội bộ kết nối đến mạng cục bộ của tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện; tất cả máy tính kết nối hệ thống đều truy cập được Internet, sử dụng các dịch vụ thư điện tử, trang tin điều hành, dịch vụ trao đổi trực tuyến... Việc ứng dụng CNTT trong DN và nhân dân khu vực đô thị chuyển biến mạnh nhưng mới có những ứng dụng khởi đầu: văn phòng, học tập, đọc báo, giải trí, ít ứng dụng cao hơn cho SXKD, TMĐT, CPĐT...
Cộng đồng DN CNTT-TT Cần Thơ đã nỗ lực nhưng còn yếu, là các DN nhỏ: bán lẻ và lắp ráp máy tính quy mô nhỏ. Một số trung tâm như trung tâm Công Nghệ Phần Mềm Cần Thơ (CSP), trung tâm Phần Mềm ĐH Cần Thơ (CUSC), trung tâm Tin Học Bưu Điện (ITC) có số lượng lập trình viên khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu phát triển công nghiệp phần mềm của một thành phố trực thuộc Trung Ương và là trung tâm ĐBSCL. Ngoài Báo Cần Thơ điện tử, website học tập trực tuyến của ĐH Cần Thơ, lĩnh vực nội dung số ở Cần Thơ hầu như chưa có gì. Khối các DN lớn đã ứng dụng mạnh CNTT trong quản lý, điều hành, nhưng các DN nhỏ mới chỉ ứng dụng văn phòng.
Sở TTTT và hội Tin Học Cần Thơ đã nỗ lực đẩy mạnh ứng dụng, phát triển CNTT-TT ở Cần Thơ và khu vực ĐBSCL, bước đầu đạt một số kết quả khiêm tốn: hội thi Tin Học Trẻ, hội thi Trí Tuệ Việt Nam khu vực ĐBSCL; triển lãm CNTT; hội thảo chuyên đề ứng dụng CNTT-TT khu vực ĐBSCL; hướng dẫn tin học trên truyền hình; phổ cập tin học cho thanh niên nông thôn...
Theo ông Nguyễn Hồng Vân, chủ tịch hội Tin học Cần Thơ.
|
THÔNG TIN KHUYẾN NÔNG – THÔNG TIN THỊ TRƯỜNG
Hệ thống (HT) thông tin khuyến nông và thị trường của bộ NN&PTNT đã đi vào hoạt động từ cuối năm 2006. Hiện mỗi ngày, HT cập nhật 70 – 85 tin từ 232 điểm thu thập trải khắp trên 23 tỉnh, thành và được cung cấp miễn phí trên http://pmard.mard.gov.vn/pmard.
Ông Trần Lâm Đường, phó giám đốc trung tâm Tin Học và Thống Kê bộ NN&PTNT, đơn vị chủ đầu tư dự án "Tăng cường công tác thông tin khuyến nông và thị trường tại 20 tỉnh và 100 huyện" và xây dựng HT cho biết: Ban đầu, dự án có tổng mức đầu tư 37 tỷ đồng thuộc chương trình phát triển ngành nông nghiệp ASDP (nguồn vốn vay của ngân hàng Phát Triển Châu Á ADB) và thực hành trên địa bàn 20 tỉnh gồm 9 tỉnh, thành phía Bắc là Hà Nội, Hà Tây (cũ), Hà Tĩnh, Hưng Yên, Lào Cai, Sơn La, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc, Bắc Giang; 11 tỉnh thành phía Nam gồm TP.HCM, Cần Thơ, An Giang, Vĩnh Long, Cà Mau, Bình Định, Bình Phước, Đắc Lắc, Lâm Đồng, Ninh Thuận, Tây Ninh. Có tất cả 215 điểm thu thập thông tin tại 100 huyện.
"Hiện, HT được bổ sung thêm 3 tỉnh là Yên Bái, Hà Giang, Quảng Trị thuộc dự án SIDA CHIASE do Thuỵ Điển tài trợ", ông Đường nói. Toàn HT hiện có hơn 380 nhân viên cơ hữu, cộng tác viên cùng tham gia cập nhật thông tin từ 232 điểm chọn trên 23 tỉnh, thành. Nguồn nhân lực chính là nhân viên trong lĩnh vực NN&PTNT. Sử dụng PM dùng chung, trao đổi thông tin nhờ Internet và bằng phương pháp thống nhất, HT phổ biến kết quả trên Internet, báo đài, Tivi, SMS, Teletext... Đối tượng phục vụ là người sản xuất, kinh doanh, quản lý, nghiên cứu. "Tin ở cấp tỉnh cập nhật 330 lần/tháng từ 10 - 12 điểm đầu mối/tỉnh. Trong liên kết từ cấp tỉnh với trung ương, HT quyết định khi nào thì cập nhật tin nào, từ đâu", ông Đường giải thích.
HT như sau: mạng lưới thông tin khuyến nông và thị trường được thiết lập từ trung ương đến địa phương gồm những điểm thu thập (chợ đầu mối, trung tâm thương mại, cơ sở chế biến, DN...); HT ngành hàng (nông, lâm, thuỷ sản chính và vật tư nông nghiệp); HT thông tin DN; HT đội ngũ nhân viên cơ hữu làm thông tin; PM hệ thống và quy định (quy trình) thu thập thông tin. Quy trình gồm phổ biến thông tin với tần suất 3 ngày/lần; với các mặt hàng rau quả hoặc vào thời điểm chính vụ thu hoạch thì tần suất hàng ngày; với hàng vật tư nông sản, tần suất hàng tuần. Nhân viên cơ hữu hay cộng tác viên cập nhật từ cấp xã lên huyện, ở huyện thông tin được số hoá cung cấp lên cấp tỉnh (ở sở NN&PTNT). Từ tỉnh, thông tin được phổ biến qua cơ quan truyền thông, tương tác với trung ương (bộ NN&PTNT).
Ngoài PM dùng chung, trung tâm Tin Học và Thống Kê bộ NN&PTNT còn xây dựng PM quản lý thông tin thị trường, PM quản lý thông tin khuyến nông, thiết lập mô hình HT trao đổi thông tin khuyến nông và thông tin thị trường. Trung tâm cũng đào tạo gần 700 lượt người sử dụng HT theo 2 bước cơ bản và nâng cao. Trung tâm đang triển khai ứng dụng dịch vụ cung cấp thông tin khuyến nông và thị trường bằng công nghệ teletext: Đã thử nghiệm tại Vĩnh Long và Phú Thọ, sau một số chỉnh sửa nhỏ sẽ triển khai mở rộng.
Đáng kể nhất là loại hình phổ biến thông tin qua mạng ĐTDĐ. Hiện có các loại dịch vụ như thông tin giá, địa chỉ mua bán nông sản, tin mới về tình hình sản xuất nông nghiệp, thông tin khuyến nông, thông tin KHCN. Các thông tin này đều cung cấp qua WAP, riêng giá, nơi mua bán và tin khuyến nông có thêm hình thức SMS.
Khó khăn chính trong xây dựng những hệ thống thông tin cho nhà nông là duy trì cập nhật. Để có thông tin đầu ra tốt, các hệ thống thu thập, xử lý và phổ biến thông tin phải có thông tin đầu vào tốt. Ai là người sẽ thường xuyên, liên tục cung cấp thông tin liên quan? "Mỗi khi dự án hay thí điểm nào đó khép lại, các hệ thống cứ như bị tắt điện", các diễn giả cho biết. Cần có cơ chế thích hợp nhằm phát triển bền vững các hệ thống thông tin phục vụ NN&NT. Theo một số diễn giả, chính nông dân nên là đối tượng tốt nhất cung cấp thông tin đầu vào cho các hệ thống trên.
DN CNTT với ĐBSCL
BÁM SÁT THỊ TRƯỜNG, CĂN CHỈNH MỤC TIÊU
Bám sát thị trường
Trong nhiều năm qua và sau này, các DN đã và sẽ tiếp tục bám sát thị trường để đưa CNTT về ĐBSCL. Phóng viên đã phỏng vấn ông Vũ Hoàng Liên, giám đốc công ty Điện Toán và Truyền Số Liệu (VDC), đại diện cho tập đoàn Bưu Chính Viễn Thông VN (VNPT).
Chào ông, như một DN luôn gắn bó và hỗ trợ phát triển CNTT ở ĐBSCL, ông nghĩ thế nào về tính kịp thời của hội thảo Cần Thơ 2008?
Ông Vũ Hoàng Liên: Từ hàng chục năm nay, ta đã nói đến việc ứng dụng CNTT cho NN&PTNT, đặc biệt với ĐBSCL. VNPT nói chung và VDC nói riêng từ hàng chục năm đã hiện diện sâu, phát triển mạnh ở ĐBSCL nhưng về mặt kinh tế, hiệu quả chưa rõ. Đây là vấn đề lớn của đất nước nhưng ta cũng không thể nôn nóng: Các nước phát triển cũng đụng vấn đề này. Mong hội thảo sẽ góp phần chuyển biến nhận thức chung.
Vậy, theo ông, sẽ tiếp tục từ đâu để giải quyết vấn đề này?
Phát triển và ứng dụng CNTT không thể tiến hành như thể "cho có”. CNTT phải được đặt trong bài toán kinh tế. Nếu cùng thực sự quan tâm thì công việc mới dừng ở mức động viên! Cần phải có kế hoạch cụ thể, trước hết là thiết thực với nông thôn nhưng cũng phải thiết thực với DN là những người trực tiếp làm. Chúng ta chưa tìm được giải pháp cho bên cung. Nông thôn, đặc biệt là ĐBSCL có những đặc điểm bất lợi hơn nhiều so với thành thị trong triển khai CNTT. Giới DN chúng tôi cũng không muốn chấp nhận thực trạng. Cần có giải pháp chung để thực hiện đồng bộ các trách nhiệm với phát triển xã hội... Theo tôi, khối các cơ quan nhà nước phải chịu trách nhiệm về đảm bảo nội dung thông tin nhằm kích cầu CNTT...
Ngay sau hội thảo, các ông sẽ có động thái tích cực nào với vùng ĐBSCL?
Chúng tôi vẫn tiếp tục những công việc đều đặn, thường xuyên từ hàng chục năm nay. Về cơ bản, chúng tôi đã đưa được mô hình BĐVHX, Internet về ĐBSCL. Chúng tôi cũng có những chương trình khuếch trương, kích cầu như "1 triệu giờ đồng hành cùng Internet"... Công việc đầu tư phát triển diễn tiến theo kế hoạch. Có thể kể đến việc VDC phân phối và phát triển băng rộng rất đều khắp ở ĐBSCL. VNPT chưa có kế hoạch riêng nào cho các địa phương mà thường cùng địa phương kết hợp thực hiện các chương trình. Với ĐBSCL, tỉnh/thành nào có chương trình cụ thể thì chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ, tham gia.
VNPT cũng phải giữ thế chủ động với các chương trình đưa CNTT về nông thôn chứ?
Dĩ nhiên, với những công nghệ mới, VNPT thường hay chủ động nêu đề tài. VDC thường đi trước và chấp nhận rủi ro. Hoặc như, tôi nói ví dụ, vào thời điểm mà TP.Cần Thơ thiếu dung lượng thì VNPT sẵn sàng ứng cứu. Chúng tôi có những hoạt động như liên kết đào tạo, thường là cho khối các bưu điện địa phương trước. Công tác đào tạo của VNPT đã về tận tuyến xã...
Xin ông đôi lời về khối bưu chính ở ĐBSCL, họ có thể góp phần đẩy mạnh CNTT ở khu vực?
Sau khi chia tách, hiện trạng của khối bưu chính có khó khăn hơn so với khối viễn thông nhưng cơ hội để khối bưu chính kinh doanh tốt là rất tiềm tàng. Bưu chính ở ĐBSCL có nhiều cơ hội như trở thành mạng lưới chuyển hàng, chuyển thư, một kênh bán hàng, phân phối lớn rất nhiều loại hình sản phẩm, đặc biệt là sản phẩm CNTT-VT vì có nhiều lợi thế từ trước. Nếu hệ thống bưu chính ĐBSCL quán xuyến được khách hàng (ví dụ, họ nên ứng dụng PM quản lý quan hệ khách hàng CRM) thì với hệ thống cửa hàng sẵn có của bưu chính khu vực, họ sẽ có cơ hội rất lớn. Theo tôi, hiện tại, khối bưu chính chỉ thiếu những khóa đào tạo ngắn hạn, các quy trình thương mại, quy chế bán sản phẩm đặc thù, nhất là các sản phẩm CNTT-VT. Phi thương bất phú, ngành bưu chính nên kết hợp nhiều việc, một chuyến phà chở nhiều sản phẩm...
Căn chỉnh mục tiêu
Ông Phạm Thiện Nghệ, tổng thư ký HCA, chủ nhiệm CLB Các Nhà Sản Xuất Máy Tính VN (VCM) trả lời phóng viên về chương trình "Máy tính cho nông thôn" của các nhà sản xuất máy tính VN.
Ông Phạm Thiện Nghệ: "Máy tính cho nông thôn" (MTCNT) mang khả năng tính toán cá nhân đến cho nông dân là những người thu nhập thấp, khó mua máy tính cá nhân thông thường. Sáng kiến "Kết nối cộng đồng" mà hạt nhân là MTCNT bao gồm các máy tính có giá hợp lý, đầy đủ tính năng, dễ dùng; những máy tính cộng đồng phù hợp với mục đích sử dụng chung tại các điểm truy cập Internet hay các kiểu máy tính được thiết kế riêng cho giáo dục, cho các trường học...
MTCNT sẽ thuộc về nhóm máy tính giá rẻ?
MTCNT không phải máy tính giá rẻ. Đó là loại máy tính phù hợp với nông thôn. Khi đặt vấn đề thiết kế, sản xuất MTCNT, chúng tôi đã khảo sát điều kiện sử dụng tại nông thôn Việt Nam. Nguồn điện nông thôn chưa ổn định nên nguyên tắc thiết kế số 1 là MTCNT phải chạy bền bỉ với nguồn điện này. MTCNT cũng phải đáp ứng các nhu cầu sử dụng hiện đại như truy cập Internet nhưng không cần quá mạnh và xử lý phức tạp. MTCNT không cần quá nhiều chức năng nhưng phải tuân thủ bản quyền. Dĩ nhiên, giá MTCNT cũng phải phù hợp với khả năng nông dân.
Xin ông giới thiệu chi tiết hơn về cấu hình cũng như giá bán dự kiến...
MTCNT sử dụng chip Atom của Intel là dòng chip tối ưu vì hiện đại, đủ mạnh và đáp ứng khả năng kết nối WiFi, WiMax, nhất là WiMax có nhiều hứa hẹn ở nông thôn. Ngoài các công nghệ do Intel đề xuất, VCM còn vận động nhiều nhà cung cấp cung ứng màn hình, các phụ kiện... Do PM đóng gói với PM nguồn mở bây giờ hầu như không còn cách biệt, chúng tôi đề xuất sử dụng các PMNM như hệ điều hành Há Cảo Linux và PM văn phòng OpenOffice. Còn một phần không thể thiếu với nông dân là nội dung số! Kèm theo máy, chúng tôi muốn chuyển đến tận tay nông dân những nội dung số bản quyền, phù hợp, ích lợi...
Như những dòng sản phẩm dành cho các phân khúc thị trường khác, MTCNT sẽ được thiết kế phong phú thỏa sự lựa chọn của nông dân. Sẽ có 4 dòng gồm Entry (Khởi đầu - cho người mới sử dụng); Good (Tốt); Better (Tốt hơn) và Best (Tốt nhất). Giá dự kiến sẽ từ 250 đến 300 USD/máy để bàn chưa gồm màn hình; 450 USD/máy xách tay; 390 USD/máy netbook...
Ông Nguyễn Trung Quỳnh (giám đốc Dự Án PMNM Quốc Gia, bộ KHCN):
"PM nguồn mở (PMNM) giúp chúng ta dễ làm chủ công nghệ, phát huy tính sáng tạo, đảm bảo tính mở của hệ thống và tuân thủ bản quyền... PNNM trên thế giới đã phát triển rất mạnh với nhiều ứng dụng phổ cập thân thiện, dễ dùng. Khó khăn chuyển đổi sang PMNM không phải do công nghệ mà vấn đề là thay đổi thói quen, ý thức của người dùng. Chuyển sang PMNM không phải là chuyển đổi toàn bộ, việc chuyển đổi được thực hiện từng phần. Phải có sự ủng hộ, chỉ đạo và quyết tâm của các cấp lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu.
Lộ trình thay đổi: Đối với máy chủ: tùy vào từng đơn vị, có thể chủ động theo nhu cầu phát triển hệ thống CNTT; Chuyển đổi sử dụng hệ soạn thảo văn phòng PMNM Open Office cùng với các trình duyệt web như Mozilla Firefox, Mozilla Thunderbird, bộ gõ Unikey...; Từng bước chuyển đổi sang hệ điều hành nguồn mở (Ubuntu, Fedora, Suse...). Tuy nhiên, cần thận trọng việc này".
|
Theo Pcworld