Nhiều công ty phần mềm của Việt Nam có tỷ trọng doanh thu lớn từ thị trường Nhật Bản như Công ty FPT 56%, Luvina, NCS, Vĩnh Nam 100%... Các công ty phần mềm nổi tiếng của Nhật Bản NEC, Hitachi, Soft,... đã đầu tư, mở chi nhánh tại Việt Nam. Hitachi, Soft hiện có tới một phần tư tổng sản lượng phần mềm gia công toàn cầu được thực hiện ở Việt Nam.
Một trong những nguyên nhân thành công là hai bên đã thiết lập được sự hợp tác với lực lượng "xung kích" là Hiệp hội DN phần mềm của Việt Nam (VINASA) và của Nhật Bản (VJC). Hai bên đã lập Câu lạc bộ VINASA - VJC, với 50 hội viên, trong đó phía Việt Nam là các doanh nghiệp FPT, CMC, Luvina, NCS...; phía Nhật Bản là các công ty NEC, Fujitsu, Hitachi. Hai bên còn hợp tác trong lĩnh vực kiểm tra sản phẩm phần mềm và kiểm tra gia công quy trình nghiệp vụ (BPO). Nhật Bản đào tạo kỹ sư và cử chuyên gia tình nguyện sang làm việc tại VINASA.
Tuy vậy, kết quả chưa đạt như mong muốn, chủ yếu là quy mô của doanh nghiệp phần mềm Việt Nam hầu hết nhỏ bé lại thiếu liên kết; nhân lực vừa thiếu vừa yếu; chưa tương đồng về văn hóa kinh doanh...
Chính vì vậy "Ngày Hội thông tin của Nhật Bản" tổ chức thường niên tại Việt Nam được xem là một trong những điểm nhấn, luôn được sự quan tâm của doanh nghiệp, Hiệp hội hai bên, của các cấp quản lý. "Ngày hội CNTT Nhật Bản năm 2008" được tổ chức vào dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản càng nhân lên ý nghĩa của sự kiện này. Tới Việt Nam trong dịp này có 30 doanh nghiệp phần mềm của Nhật Bản, trong đó có đoàn Hiệp hội CNTT Nhật Bản với nhiều doanh nghiệp lớn và đoàn của TP Ki-ta-ki-su với 11 doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Xuyên suốt sự kiện này là các cuộc giao lưu, hội thảo với bốn chủ đề: Về môi trường và chính sách; về doanh nghiệp; về nhân lực; về Công nghệ và về hợp tác phát triển CNTT Việt Nam - Nhật Bản. Tại các cuộc hội thảo, doanh nghiệp hai nước chia sẻ kinh nghiệm nhằm đẩy nhanh việc xây dựng nhịp cầu hợp tác bền chặt; mong muốn chính phủ hai nước ký kết chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phần mềm của Việt Nam của Nhật Bản; phát triển nguồn nhân lực CNTT của Việt Nam đạt chuẩn mực chuyên môn, kỹ thuật, văn hóa, ngoại ngữ; xây dựng trang web/cổng thông tin hợp tác doanh nghiệp phần mềm hai nước.
"Ngày hội thông tin Nhật Bản 2008" đã kết thúc, cần có thời gian để những ý tưởng trở thành hiện thực. Song ấn tượng về sự kiện này là những người tâm huyết về CNTT, về công nghệ phần mềm giữa hai nước đã có tiếng nói chung trong việc phát triển hợp tác phần mềm Việt Nam - Nhật Bản lên tầm mức mới, hướng tới mục tiêu tăng xuất khẩu phần mềm của Việt Nam vào Nhật Bản để thị trường này thành bạn hàng lớn nhất nhập khẩu loại sản phẩm trí tuệ này của nước ta.
Theo Nhân dân