Số hoá kiến thức trồng lúa
www.caylua.vn là trang thông tin điện tử thuộc một phần của dự án “Liên kết giữa nghiên cứu và khuyến nông bằng CNTT” do Viện Lúa quốc tế tài trợ, được xây dựng với 12 mục khá công phu như thông tin tình hình sản xuất lúa gạo của Việt Nam, bài học từ xa, kỹ thuật cho lúa, bác sĩ của cây lúa… Ngoài những kiến thức diễn đạt qua văn phong gần gũi, dễ hiểu dành cho người nông dân, web còn đưa lên hình ảnh trực quan sinh động nhằm minh họa cho từng kiến thức, kinh nghiệm thực tế, giúp bà con tự học hỏi tích lũy thêm kinh nghiệm để nâng cao trình độ trồng lúa…
Sự xuất hiện thêm “ngân hàng số” với hàng loạt kiến thức mới hướng đến hỗ trợ người trồng lúa tại www.caylua.vn cho thấy sự nỗ lực, quan tâm đầu tư kịp thời của Nhà nước trong vấn đề ứng dụng CNTT, thúc đẩy nông nghiệp trồng lúa vốn “mang tiếng” lạc hậu đã tồn tại lâu nay. Tuy nhiên, để chủ trương tốt đẹp này đi vào đời sống thực tế thì chặng đường còn quá dài. Việc lập ra trang web cho dù được đầu tư công phu, khoa học đến đâu chăng nữa cũng không thể nan giải bằng vấn đề ứng dụng. Vậy, phải làm gì để những kiến thức nằm trong “cái màn hình” đến được với người nông dân?
Nguy cơ… “hoang hoá”
Việt Nam hiện có khoảng 70% dân số là nông dân, hạ tầng mạng Internet cho nông nghiệp chưa phủ được hết đến các vùng miền (nhất là vùng sâu, vùng xa), thiếu thốn máy tính và lượng người nông dân hiểu biết về CNTT quá ít ỏi (dù chỉ là cơ bản nhất với lướt net). Trước thực trạng ấy, câu chuyện sử dụng hiệu quả website thực sự trở thành thách thức quá lớn.
Tại làng Giang Thượng (xã Tân Dân, huyện Chí Linh, Hải Dương), khi được phóng viên báo BĐVN hỏi thông tin về website caylua.vn, thì cả 5 người nông dân từ 20 tuổi cho tới ngoài 50 đều lắc đầu trả lời: “Không biết!”. Thậm chí, họ còn chưa bao giờ được cầm đến chuột máy tính chứ đừng nói tới việc ngồi ung dung trước máy tính online truy cập web. Chị Nguyễn Thị Hoàn, 48 tuổi, đại diện cho nhóm nông dân khẳng định: “Chúng tôi bận việc đồng áng tối ngày, chưa thấy ai phổ biến là có cái “goét” ấy cả. Mà nếu có được giới thiệu đi nữa, biết gì đâu mà dùng! Còn chuyện hướng dẫn cách trồng lúa thì chúng tôi đã có sách, thỉnh thoảng cũng được tập huấn”.
Cũng cần nói thêm ở câu chuyện trên, Giang Thượng không phải là làng lạc hậu của huyện Chí Linh. Tại đây đã xuất hiện tụ điểm kinh doanh truy cập Internet tư nhân, giới trẻ đã lướt Net “nhoay nhoáy”; nhưng với người nông dân, chuyện dùng chính đôi bàn tay chai sần vì phân tro, bùn đất mà ngồi gõ địa chỉ “caylua.vn” và nhấp chuột khó hơn… bắt chuột ngoài đồng, thì vẫn còn quá “xa xỉ” và xa xôi… Máy tính đâu đơn giản như cát-sét, tivi, và như thế không hiểu khoảng cách giữa web và người nông dân tại những vùng quê lạc hậu còn “xa tít mù tắp” đến bao nhiêu?
Thời gian qua, rất nhiều trang web của các ngành như công nghiệp, thương mại dịch vụ… được đầu tư tốn kém số tiền lên tới 500 - 700 triệu nhưng rồi cũng nhanh chóng rơi vào lãng phí do không người ghé thăm. Còn với ngành nông nghiệp, vấn đề càng trở nên đáng lo ngại hơn khi cơ hội của người nông dân Việt Nam được tiếp xúc với máy tính còn quá ít ỏi. Đây là cảnh báo website www.caylua.vn đang đứng trước nguy cơ bị lãng phí lớn nếu việc ứng dụng chỉ có thể bó hẹp trong phạm vi số ít giới lãnh đạo đến cấp xã các địa phương.
Lời giải nào?
Trước hết, tại những địa phương có điểm Bưu điện văn hoá xã đã kết nối Internet, chính quyền cần đẩy mạnh tuyên truyền về caylua.vn tại đây. Nhưng nếu vì điều kiện không có máy tính để nông dân online, các địa phương (nếu nhận thức đây là trang tin hữu ích, quan trọng cần cho người dân) phải đưa ra được kế hoạch chuyển hoá thông tin phù hợp như cử cán bộ theo dõi website, rồi với những tài liệu quan trọng nên in ra thành văn bản, photocopy phát tới tay các hộ gia đình dưới dạng bản tin phát triển nông thôn. Ngoài ra, phải phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thanh để chuyển tải nội dung trên web tới các thôn, làng.
Theo Ictnews