|
TS Đỗ Bá Phước |
Từ việc đưa chữ quốc ngữ hiện hữu trên Unicode khi làm việc trên máy tính, đến việc chữ Nôm được công nhận trên thế giới, đưa vào chuẩn Unicode, rồi gần đây là chữ Chăm, chữ Thái, có thể nói, tất cả các hệ chữ của các dân tộc Việt Nam đã và sẽ được đưa vào chuẩn Unicode.
Thành công đó không thể không kể tới những đóng góp thầm lặng của những người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có tiến sĩ Đỗ Bá Phước.
Hành trình quốc tế hóa chữ Việt trên máy tính
Ngay từ những năm 90 của thế kỷ trước, khi máy tính mới được phổ cập được vài năm và bắt đầu phổ biến khắp thế giới, các “hiệp sỹ” công nghệ thông tin Việt Nam trong và ngoài nước đã tính tới việc chuẩn hóa chữ Việt trên máy tính.
Khi bắt tay làm việc, các chuyên gia nhận thấy, Việt Nam có nhiều bộ chữ và có nhiều cách giải quyết khác nhau trên máy tính, nên dẫn đến việc rất khó để trao đổi thông tin với nhau. Lúc đó, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới cũng nhận ra những bất cập đó và đặt ra vấn đề làm thế nào để chuẩn hóa các ngôn ngữ trên thế giới cùng một lúc.
Năm 1992, tiến sỹ Đỗ Bá Phước cùng GS Ngô Thanh Nhàn đã tham dự cuộc họp nhóm nghiên cứu hỗn hợp Trung - Nhật - Hàn tại Hawaii để bảo vệ cho sự tồn tại của chữ Nôm dù chữ này ngày nay ít được sử dụng.
Để được quốc tế công nhận, các anh đã liên hệ chặt chẽ với các đồng nghiệp trong nước bảo vệ đến cùng sự tồn tại của chữ Nôm và đưa chữ Nôm vào bộ chữ chuẩn quốc tế Unicode. Những ngày đầu còn khó khăn về kinh phí, đoàn cán bộ Việt Nam sang Mỹ dự hội thảo đều được TS Đỗ Bá Phước tự tay lái xe đưa đi lại và bố trí ăn ở.
TS Đỗ Bá Phước cho biết: “Khi bắt đầu làm việc, chúng tôi khám phá ra chữ quốc ngữ trên máy tính bị thiếu 6 ký tự. Chúng tôi đã làm việc sao cho bổ sung cho tất cả chữ Việt hiện hữu trên Unicode. Vừa qua, chúng tôi đã giải quyết được chữ Chăm và chữ Thái”.
Vốn là chuyên gia về công nghệ thông tin, lại làm việc ngay tại thung lũng Sillicon, nơi tập trung các hãng máy tính hàng đầu thế giới, nên vấn đề kỹ thuật không có gì khó khăn đối với TS Đỗ Bá Phước. Dù không rành chữ Nôm nhưng những giải pháp kỹ thuật của anh đã hỗ trợ GS Ngô Thanh Nhàn cùng các cộng sự hoàn thiện việc đưa 4.232 chữ thuần Nôm vào bộ mã chuẩn quốc tế Unicode/ISO 10646.
Trong một thời gian dài, anh Đỗ Bá Phước và GS Ngô Thanh Nhàn thường xuyên trao đổi bằng email để bàn bạc, tìm giải pháp cho công cuộc số hóa chữ Nôm. Với những đóng góp đó, Đỗ Bá Phước là một trong 30 người đầu tiên được trao tặng biểu tượng Hiệp sỹ công nghệ thông tin của tạp chí Echip năm 2003.
Chàng Việt kiều tiêu biểu của 30 năm trước
- TS Đỗ Bá Phước là chuyên gia trong các lĩnh vực phát triển thuật toán, kỹ nghệ phần mềm và kiến trúc để tự động hóa thiết kế điện tử các VLSI và các hệ thống bó mạch.
-Đã từng là Giám đốc Kỹ nghệ phần mềm tại hãng Mentor Graphics.
- Là thành viên của nhiều tổ chức khoa học quốc tế và trong nước, như nhóm báo cáo viên về mã hóa các chữ biểu ý của ISO JTC1/SC2/WG2, Hiệp hội máy tính IEEE, Hội Tin học Việt Nam, Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, Tiểu ban mã hóa chữ Việt của UBKHNN Việt Nam; Ban kỹ thuật CNTT của Tổng cục TCĐLCL Việt Nam, các tiểu ban xây dựng dự thảo TCVN5712.TCVN 5773.
- Đồng sáng lập và là Phó Chủ tịch Tổ chức Bảo tồn chữ Nôm Việt tại Mỹ.
- Đồng sáng lập và là Giám đốc chương trình công nghệ thông tin của Tổ chức Vòng tay Thái Bình.
|
Sang Mỹ từ năm 1965 theo bố mẹ đi du học, Đỗ Bá Phước may mắn được tiếp cận với những thông tin tích cực và đã sớm tham gia vào các phong trào yêu nước. Từ những năm 70, khi phong trào Việt kiều yêu nước hoạt động mạnh mẽ ở Mỹ, chàng trai trẻ Đỗ Bá Phước cũng là một trong số những người tham gia tích cực.
Đất nước giải phóng được ba năm, Đỗ Bá Phước là một trong số những Việt kiều tiêu biểu được Ủy ban Việt kiều (nay là Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài) mời về nước dự Quốc khánh. Lúc đó, anh mới tốt nghiệp đại học.
Nhìn đất nước mới giải phóng còn gặp muôn vàn khó khăn, chàng trai trẻ này đã tâm nguyện rằng: Sẽ cố gắng làm hết sức mình để giúp quê hương phát triển. Và giờ đây, anh vui sướng vì sau bao nỗ lực, chữ Nôm đã được quốc tế công nhận và dần sẽ phổ cập trên Internet.
Một sự tình cờ, sau đúng 30 năm, dịp Quốc khánh năm nay, anh lại là một trong những thành viên của đoàn kiều bào tiêu biểu được Bộ Ngoại giao Việt Nam mời về nước. Nhìn lại chặng đường đã qua, anh tự hào: “Mặc dù sống xa đất nước nhưng chúng tôi luôn có sự liên hệ mật thiết với quê hương.
Con cái được thường xuyên trở về thăm quê nên có sự gắn kết với quê hương và nói tiếng Việt rất tốt. Con trai cả của tôi hiện đã tốt nghiệp ở Mỹ và tình nguyện trở về nước giảng dạy cho một trường đại học trong nước”.
Ngoài những người bạn trong Hội Bảo tồn di sản chữ Nôm tại Mỹ, vợ chồng anh còn tích cực tham gia tổ chức từ thiện Vòng tay Thái Bình, một tổ chức đã liên kết được 28 tổ chức từ thiện lớn nhỏ của người Việt tại Mỹ để chung tay cho các hoạt động nhân đạo tại Việt Nam như đào tạo cô nuôi dạy trẻ, xây trường học, trao học bổng...
Hiện nay, Vòng tay Thái Bình đang có nhiều hoạt động tích cực tại An Giang, Long Xuyên, Đồng Tháp trong việc chống buôn bán trẻ em.
Một năm trở lại đây, anh trở về nước làm việc cho một công ty trong nước với hy vọng đem tri thức có được ở nước ngoài giúp cho ngành công nghệ thông tin nước nhà mạnh lên.
Theo Tiền phong