Thứ bảy, 28/12/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 08/09/2008
Làm theo “đề nghị” của Cục là…"Đi lùi"

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình - phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội)

Trả lời phòng vấn của E-Chíp, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, phó hiệu trưởng Đại học Công nghệ (Đại học quốc gia Hà Nội), đã nhận xét thẳng thắn như vậy về công văn 273/CNTT của Cục CNTT, Bộ Giáo dục Đào tạo. E-Chíp xin ghi lại có hệ thống các ý kiến của ông để bạn đọc tiện theo dõi:

Làm lại từ đầu?

Việc kết nối mạng Internet tại nhiều trường đại học, nhất là các trường đại học lớn, trọng điểm, như các Đại học Quốc gia, Đại học vùng, Đại học Bách Khoa Hà Nội,… đã được triển khai từ khá lâu (có trường thực hiện từ năm học 1997-1998). Nên, theo tôi, công văn số 273/CNTT, ngày 12/8/2008, của Cục CNTT (Bộ GDĐT) về việc kết nối cáp quang Internet sẽ không có tác động gì lớn với các trường đại học, cao đẳng đã có kết nối Internet.

Cách đây năm năm, ngay Bộ Giáo dục–Đào tạo (GD-ĐT) kết hợp với Bộ Bưu chính-Viễn thông (BC-VT) cũng đã… làm. Như mạng Edunet của Bộ GD-ĐT vào đầu năm 2002 với kinh phí 445 triệu USD, được Bộ BCVT và Bộ GD-ĐT hồi ấy phối hợp chỉ đạo triển khai, nhằm hợp tác xây dựng mạng giáo dục thống nhất trong phạm vi cả nước kết nối với nhau và với Internet. Rất tiếc, không rõ dự án này đến nay được triển khai thế nào, kết quả ra sao, tận dụng lại thế nào khi ra công văn 273/CNTT này? 

Một trong những mục tiêu quan trọng trong Bản ghi nhớ về việc trên là “Trong năm 2003, Bộ BC-VT sẽ chịu trách nhiệm chỉ đạo các doanh nghiệp viễn thông và Internet triển khai các đường kết nối mạng đến tận cổng các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và trung học phổ thông”. Cũng theo Bản ghi nhớ này, Bộ GD-ĐT chịu trách nhiệm trang bị máy tính, các thiết bị đầu cuối, xây dựng mạng nội bộ cho các trường, xây dựng nội dung thông tin và triển khai các ứng dụng trên mạng.

Cuối năm 2003, Tổng Công ty Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tuyên bố “đã hoàn thành đưa Internet đến 100% trường học ở tất cả các tỉnh, thành”. Có nghĩa là Bộ GD-ĐT và Bộ BCVT đã hoàn thành mục tiêu và đã có kết nối Internet tới tất cả các trường từ năm 2003!? Bây giờ, với việc ban hành công văn 273/CNTT thì coi như… làm lại từ đầu cho các trường đại học, cao đẳng?

Nên chăng liên thông với Vinaren ?

Một dự án khác là mạng VinaREN (viết tắt tiếng Anh từ Vietnam Research & Education Network – Mạng Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam), do Bộ Khoa học-Công nghệ (KHCN) quản lý. Mạng này hoạt động từ năm 2006 (thông tin về VinaREN có tại www.vinaren.vn), do Chính phủ chỉ đạo các Bộ liên quan thiết lập và giao cho Bộ KH-CN chủ trì triển khai, trong khuôn khổ các nước ASEM, và được châu Âu hỗ trợ 80% kinh phí đường truyền quốc tế đến tháng 9/2008 và 70% cho đến hết năm 2011.

Đến nay, đã có 41 trường đại học, viện nghiên cứu trong nước nối với mạng này và thông qua Mạng thông tin liên Á-Âu (TEIN2, www.tein2.net ) và Mạng tiên tiến châu Á–Thái Bình Dương (APAN, http://www.apan.net/) có thể truy cập trực tiếp đến hơn 3.700 trường đại học, viện nghiên cứu trên thế giới, có rất nhiều tài nguyên và học liệu hữu ích. 

Mạng VinaREN của Việt Nam có dung lượng đường truyền trong nước nối trục Bắc-Nam là 155Mbps, dung lượng kết nối quốc tế trực tiếp giữa Hà Nội và Hồng Kông là 45Mbps, từ tháng 10/2008 sẽ được nâng lên 155Mbps. Hiện nay, các viện, trường của ta đang dùng thử nghiệm nên được miễn phí.

Từ năm học này, mỗi đơn vị (trường, viện, bệnh viện) kết nối sẽ phải trả 25 triệu đồng/năm để duy trì, khai thác cho mọi nhu cầu về nghiên cứu, đào tạo của mình trên mạng, trong đó có videoconferencing (hội nghị từ xa qua truyền hình) có thể sử dụng tối đa toàn bộ đường truyền trong nước và quốc tế (45/155Mbps). Việc video-conferencing ở VinaREN được làm với công nghệ DVTS tốc độ cao (trên 30Mbps), đáp ứng cả những ca phẫu thuật tinh xảo từ xa giữa các bệnh viện trong và ngoài nước, và hoàn toàn miễn phí.

Xin lưu ý hướng dẫn tại công văn 273/ CNTT quy định Internet 2Mbps đã là khoảng 22 triệu đồng (nhưng không nêu rõ cho một tháng hay cho một năm?). Nếu đó là kinh phí cho một tháng thì kinh phí cho một năm sẽ là khoảng 250 triệu đồng. Theo tôi được biết, Cục CNTT (Bộ GD-D0T) đã được nối với VinaREN, Bộ GD-ĐT có tham gia trong Ban điều hành Dự án VinaREN được kiện toàn năm 2007.

Nên chăng Bộ GD-ĐT sớm chỉ đạo và hướng dẫn các đơn vị vào cuộc với VinaREN? Nếu có Edunet rồi và được hình thành theo đúng mục tiêu, thì chỉ việc liên thông với VinaREN sẽ có một mạng quốc gia đến tất cả các trường, viện, bệnh viện của Việt Nam.

Thiếu tầm nhìn chiến lược về mạng thông tin

PGS. TS Nguyễn Ngọc Bình: “Kết nối với VinaREN là kết nối rẻ và chuyên dụng cho các trường, viện.”

Nhưng… Chúng tôi không thấy Cục CNTT đề cập đến những dự án trên khi ban hành công văn 273/CNTT. Hơn nữa, trong công văn này chưa/không thấy đề cập đến việc phát triển, sử dụng và chia sẻ nội dung thông tin – vấn đề quan trọng hàng đầu trong một mạng thông tin giáo dục.

Một điều tôi muốn nêu thêm: trong công văn trên, Cục CNTT chỉ nói đến việc kết nối với Viettel, thậm chí đề nghị các trường “chuyển tên miền của trường về Viettel để nhận được hỗ trợ miễn phí đăng ký tên miền hằng năm”.

Các nhà cung cấp khác chỉ lấy phí đăng ký một lần, có lấy phí đăng ký hằng năm đâu! Có lẽ là vấn đề phí duy trì tên miền? Vậy Viettel có cung cấp tên miền miễn phí để các trường tiếp tục duy trì hoạt động với nhà cung cấp khác không? Nếu trường nào đàm phán được với nhà cung cấp khác với giá rẻ hơn, chất lượng tốt hơn so với Viettel thì có được phép kết nối không?

Liệu trước đây Bộ GD-ĐT đã tuyên bố “gắn kết” với VNPT, rồi VNPT tuyên bố “hoàn thành” năm 2003 như nêu trên, nay Cục CNTT lại “đề nghị” các trường kết nối với Viettel vì ưu đãi (!) thì hiểu sao về chính sách và phát triển bền vững ở đây? Vậy VNPT đã “bỏ cuộc” (thôi các đường Internet đã kết nối cuối 2003 về các trường, hoặc tăng giá, giá cao hơn Viettel?) hay sao mà quay sang Viettel? Liệu vài năm nữa, Cục CNTT có lại “đề nghị” các trường phải kết nối với Công ty X vì rẻ hơn hay không? 

Nói như thế, để thấy chúng ta thiếu một quy hoạch, một tầm nhìn, một chiến lược về mạng thông tin (information network) của giáo dục theo đúng nghĩa, và ta vẫn đang “đẩy” các trường ra tự xoay sở với các doanh nghiệp viễn thông vì giá cả chứ không/chưa vì phát triển một mạng thông tin giáo dục thực sự (mới chỉ “loay hoay” với đường truyền, mà vấn đề này Chính phủ đã chủ động giải quyết một phần qua VinaREN rồi). 

Vì sao các trường, viện chúng ta không kết nối trực tiếp với nhau mà phải thông qua doanh nghiệp không liên quan đến giáo dục?

Vì sao VinaREN được nhà nước đầu tư để kết nối trực tiếp giữa các trường đại học, viện nghiên cứu, bệnh viện của Việt Nam và với các cộng đồng nghiên cứu và đào tạo trên thế giới thì Cục CNTT hầu như không/chưa có hướng dẫn cho các trường, viện tham gia?

Kết nối với Vinaren: Rẻ và chuyên dụng cho các trường, viện 

Các nước có hệ thống mạng nối các trường, viện với nhau như SINET (Nhật Bản), UniNet/ThaiREN (Thái Lan), MyREN (Ma-lai-xia), SingaREN (Xinhga- po), CERNET (Trung Quốc),… Còn Việt Nam tuy đã có VinaREN nhưng, rất tiếc, các cơ quan chức năng không/chưa hướng cho các trường, viện sử dụng.

Phải chăng vì VinaREN chỉ truy cập được vào các trường, viện nghiên cứu trên thế giới và hạn chế (thậm chí là không/ chưa cho) truy cập đến các website thương mại (như Google, Yahoo!, *.com, …) nên không/chưa được quan tâm?

Chưa kể là VinaREN có cung cấp dịch vụ tư liệu và tài nguyên KHCN của Trung tâm Thông tin KHCN quốc gia (www.vista.gov.vn ) đến các thành viên và kết nối với các trường, viện trên thế giới với tốc độ băng thông tối đa (không lẫn với các dịch vụ khác cùng đường truyền như các nhà cung cấp hiện nay). Phải chăng các trường, viện ở Việt Nam chúng ta chưa quan tâm đến tư liệu KHKT, đến nguồn học liệu dồi dào của các trường, viện trên thế giới?

Tôi được biết Bộ KHCN cũng đã thuê kênh thương mại để có thể đi kèm kết nối VinaREN, các đơn vị có nhu cầu có thể đăng ký chia sẻ kênh thương mại này cùng với việc sử dụng VinaREN, khi đó các dịch vụ sẽ đầy đủ hơn.

Theo tôi, một trường có thể có nhiều kết nối để bổ sung cho nhau, nhưng kết nối với VinaREN là kết nối rẻ và chuyên dụng cho các trường, viện, vì thế nên là ưu tiên hàng đầu với các trường ở năm tỉnh, thành có các trung tâm vận hành mạng (NOC) của VinaREN - Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế và Cần Thơ. Sắp tới, sẽ triển khai thêm các NOC tại Thái Nguyên, Hải Phòng, Vinh, Nha Trang, Đà Lạt và An Giang. Xin xem topology của VinaREN kèm theo bên cạnh.

Nên phân biệt Internet, Intranet 

Cục CNTT “đề nghị lãnh đạo các trường đôn đốc triển khai việc lập e-mail, hoàn toàn miễn phí trên nền Google, theo tên miền của trường”. 

Các trường trên thế giới không khuyến khích việc này, mà mỗi nước nên chủ động lựa chọn công nghệ cho mình, các trường nên chủ động tổ chức các dịch vụ CNTT cho đào tạo, nghiên cứu và quản lý đại học. Trường Đại học Công nghệ đã cấp e-mail cho sinh viên mang tên miền của trường từ năm 2007 và đảm bảo các dịch vụ e-mail, e-learning, forum,… Sinh viên muốn sử dụng các địa chỉ tại Google, Yahoo!, Hotmail,… và những dịch vụ đi kèm của họ là hoàn toàn tùy ứng.

Việc khuyến khích sử dụng dịch vụ nội dung (miễn phí, nguồn mở,…) của các nhà cung cấp là điều nên làm, nhưng những gì liên quan đến riêng tư cá nhân, đến an toàn thông tin về đào tạo, nghiên cứu của một tổ chức trong nước Việt Nam thì cần cẩn trọng. Nên phân biệt Internet, Intranet. Làm không đúng, có thể chúng ta biến một số dịch vụ chỉ trong Intranet lại sử dụng Internet một cách lạm dụng và hoang phí.

Việc kết nối Internet của các trường sẽ càng thêm... "Rối" ?

Còn vài điều nữa, tôi chưa rõ. Ví dụ, Cục CNTT “đề nghị” các trường như thế theo công văn 273/CNTT, nhưng kinh phí cho việc kết nối này (nối mới, hoặc bỏ cũ nối mới, duy trì từng tháng,…) sẽ lấy từ đâu? Cục CNTT sẽ chi trả hay tự từng trường? Đã chắc gì Viettel là ưu đãi hơn so với các nhà cung cấp khác chưa? Năng lực công nghệ có đáp ứng được nhu cầu kỹ thuật của các trường, viện như của VNPT không (IPv6, DVTS,…)? 

Chưa làm rõ những điều trên thì việc kết nối Internet của các trường vốn đang “mờ nhạt” sẽ lại thêm “rối” về sau. 

Về mặt tích cực, công văn này thể hiện sự chỉ đạo và hoạt động của Cục CNTT nhằm thúc đẩy các trường sử dụng Internet. Với những trường chưa có kết nối Internet bằng cáp quang thì có thể đây là một cơ hội (nhưng e là không nhiều trường như thế, vì 100% các trường đã kết nối từ VNPT từ cuối năm 2003 rồi!).

Có thể chúng tôi thiếu thông tin về những vấn đề nêu trên mà Cục CNTT, Bộ GD-ĐT và Bộ BCVT (nay là Bộ Thông tin-Truyền thông) đã công bố lâu nay về những dự án và kế hoạch liên quan. Để các trường thực hiện được công văn 273/CNTT, rất cần sự hướng dẫn và kế hoạch, lộ trình tổng thể hơn nữa của Cục CNTT để các trường an tâm với việc phát triển và ứng dụng CNTT-TT của mình. 

Cũng cần để ý tới hiện trạng kết nối Internet hiện nay ở các trường là rất khác nhau, không thể làm đồng loạt một cách như nhau. Các trường lớn có hoạt động đào tạo, nghiên cứu và nhu cầu hợp tác quốc tế mạnh thì nên ưu tiên xem xét đăng ký kết nối với VinaREN rồi hãy kết hợp với những kết nối khác. 

Công văn này nên được xem như một khuyến cáo của Cục CNTT, chứ nếu làm theo những “đề nghị” của công văn thì lại là… “đi lùi” đối với các trường lớn và so với thế giới! Chúng tôi rất mong được Cục CNTT xem xét, điều chỉnh và ban hành những hướng dẫn hợp lý, có tầm nhìn và lộ trình rõ ràng hơn, hướng tới một mạng thông tin giáo dục thực sự cho/giữa các trường.

Theo Tuổi trẻ

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0