Một số mô hình CNTT cho nông dân
Tại hội thảo, một số mô hình ứng dụng CNTT phục vụ nông thôn được các địa phương giới thiệu. Thí dụ, Tiền Giang có mô hình trung tâm thông tin nông thôn. Theo Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Thanh Cẩn, mô hình này là dự án xây dựng trang web cung cấp thông tin từ thông tin thị trường nông sản đến thông tin về giống, hướng dẫn canh tác nhằm giúp người dân chủ động trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa.
Theo thống kê sơ bộ, dự án này đã thu hút hơn 4.400 lượt truy cập liên quan chăn nuôi, 3.500 lượt liên quan trồng trọt và hơn 2.000 lượt tìm kiếm thông tin về giá cả thị trường, y tế giáo dục.
Phó giám đốc Sở NN và PTNT TP Cần Thơ Phạm Văn Quỳnh, cũng đã giới thiệu về mô hình ứng dụng hệ thống thông tin địa lý (GIS) phục vụ nông nghiệp tại tỉnh này.
Theo đồng chí Quỳnh, chương trình này đã thử nghiệm thành công quản lý dữ liệu cảnh báo trên hệ thống bảo vệ thực vật. Trên cơ sở này, hệ thống xây dựng các biểu mẫu thu thập thông tin theo định kỳ trong bảy ngày và xử lý các yêu cầu của nông dân, từ đó sẽ chọn lọc ra những thông tin cụ thể và hiệu quả đối với thông tin được yêu cầu. Từ những kết quả này, dự án còn kết hợp với Ðài Truyền hình Cần Thơ để cảnh báo nguy cơ dịch hại có thể ảnh hưởng đến các khu vực nông nghiệp.
Bên cạnh đó, còn nhiều dự án CNTT cho nông nghiệp được giới thiệu tại hội thảo như dự án hệ thống thông tin khuyến nông và thị trường nông nghiệp của Bộ NN và PTNT; dự án mỗi nhà nông một trang web của Sở NN và PTNT TP Hồ Chí Minh; dự án ứng dụng công nghệ phần mềm quản lý hệ thống thủy nông của Bộ NN và PTNT; dịch vụ tra cứu thông tin nông nghiệp qua tin nhắn di động của Viettel...
Cần đầu tư kinh phí
Tuy có nhiều chương trình và dự án CNTT phục vụ nông nghiệp, nông thôn nhưng kết quả vẫn còn hạn chế. Một nghiên cứu được tiến hành trên phạm vi 13 tỉnh nông nghiệp của Viện Nghiên cứu và Phát triển đồng bằng sông Cửu Long (thuộc Ðại học Cần Thơ) kết luận: "Ða số dân nông thôn vẫn chưa thể tiếp cận các thông tin cần thiết phục vụ cho nông nghiệp."
Theo nghiên cứu này, 30% số nông dân được phỏng vấn cho rằng nhiều thông tin về nông nghiệp chất lượng dưới trung bình, không thực tế. Nghiên cứu này cũng đã chỉ ra những khó khăn, hạn chế trong việc đưa thông tin đến người dân nông thôn. Ðó là nguồn thông tin nông nghiệp ít, hạ tầng mạng internet chưa bao phủ hoặc tốc độ hạn chế, trình độ và khả năng sử dụng tin học của người dân để khai thác thông tin yếu, đầu tư CNTT trong nông nghiệp thấp.
Ðể thúc đẩy ứng dụng CNTT phục vụ nông dân, đồng chí Nguyễn Ngọc Ðệ, Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long, đề xuất cần mở rộng các điểm truy cập thông tin cho người dân, nâng tốc độ đường truyền hoặc sử dụng mạng không dây ở những vùng xa, tăng đầu tư phát triển thông tin nông nghiệp, xây dựng đội ngũ kỹ thuật mạng ở cấp xã, hỗ trợ kinh phí lắp đặt và sử dụng dịch vụ internet ở vùng nông thôn.
Tại hội nghị này, Thứ trưởng Bộ TT và TT Nguyễn Minh Hồng nhìn nhận thành tích đạt được trong việc ứng dụng CNTT trong nông nghiệp còn hạn chế. Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng đưa ra bốn yếu tố cần triển khai trong thời gian tới để đưa CNTT về phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Ðó là: nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của ứng dụng CNTT phục vụ cho nông nghiệp và nông thôn; tăng cường đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực ứng dụng CNTT phù hợp trình độ của người dân; xây dựng kế hoạch và phát triển nội dung thông tin cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, trong đó mỗi cấp quản lý, doanh nghiệp tại địa phương cần mạnh dạn đề xuất và số hóa nội dung phục vụ thông tin tại địa phương; xây dựng các mô hình và giải pháp với chi phí thấp, phù hợp nhu cầu và khả năng chi trả của người dân vùng nông thôn.
Theo Nhân dân