- Phó thủ tướng có thể cho biết tại sao Bộ GD&ĐT lại chọn chủ đề của năm học này là "Đẩy mạnh triển khai ứng dụng Công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy và học"?
- Để nâng cao hiệu quả giáo dục, từng thời điểm phải chọn biện pháp ít tốn kém nhưng lại hiệu quả nhất. Hai năm trước ngành không chọn Công nghệ thông tin làm chủ đề năm học bởi lúc đó quan trọng nhất là thiết lập môi trường sư phạm. Sau khi thực hiện "Hai không", nền tảng giáo dục được thiết lập, ý chí học tập cũng tăng lên, chúng ta mới có điều kiện để đưa công cụ vào giảng dạy để người học tiếp thu tốt hơn.
- Trước thực trạng thiếu thốn về cơ sở hạ tầng, cũng như giáo viên Tin học, vậy làm thế nào để giáo viên và học sinh nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin?
- Hồi xưa, giáo viên không dùng máy tính nhưng chúng tôi vẫn thành học sinh giỏi. Học bằng đèn dầu, dưới nửa tầng hầm, vậy mà vẫn làm được Tiến sĩ. Vấn đề cốt yếu chính là động lực người học và phương pháp dạy học.
Phương pháp là gốc còn công cụ công nghệ thông tin là cái đi kèm. Nếu dạy theo phương pháp thụ động thì tôi có thể chiếu lên tường tất cả các thứ nhưng học trò cũng chỉ nhìn chứ không thảo luận, không phân tích. Còn nếu tôi khuyến khích các em thảo luận mà không có máy tính thì tôi vẫn có thể viết lên bảng hoặc vẽ ra giấy cho các em xem. Nhưng nếu, có công nghệ thông tin thì việc giảng dạy tăng tốc độ hơn nhiều. Trong một giờ có thể đưa ra nhiều ví dụ mà nếu viết những thứ đó lên bảng sẽ rất lâu. Hoặc có thể đưa dữ liệu để các em cùng suy nghĩ, gợi mở mà lúc đó không cần nói.
Như vậy, công nghệ thông tin làm cho công nghệ giáo dục tăng tốc độ và tăng hiệu quả hơn. Về lâu dài, bản chất của việc học sẽ ngắn đi bởi khối lượng và nội dung truyền đạt trong một giờ học tăng lên. Thay vì học 4 năm, sau này có thể học 3 năm đại học. Nhiều nước đã học 3 năm rồi. Dùng công nghệ thông tin, lúc đầu sẽ hơi vất vả nhưng cuối cùng công việc hiệu quả thì nhà giáo và học sinh sẽ chọn.
- Bộ GD&ĐT đã chuẩn bị như thế nào cho mục tiêu này?
- Bộ xác định, để thực hiện hiệu quả phải có 4 chuẩn. Về chuẩn nhận thức, sau 2 năm vận động chung, hy vọng năm nay nhận thức sẽ chuyển biến. Về chuẩn kỹ năng, hiện còn hạn chế nhưng nếu sớm hướng dẫn sẽ đạt được và giáo viên ở mỗi cấp đều dùng được máy tính.
Chuẩn thứ ba cũng là chuẩn rất khó là chuẩn hạ tầng kèm theo chi phí. So với 2 năm trước, dịch vụ viễn thông hiện rẻ hơn, nhiều công ty đưa ra các gói cước rất rẻ nên mới có điều kiện áp dụng toàn quốc. Chuẩn thứ tư là có các công cụ phần mềm thực hiện. Ngoài các phần mềm mua, hiện còn có các phần mềm mở miễn phí và chúng ta có thể vận động giáo viên dùng các phần mềm này.
Với mục tiêu sau 2010, toàn ngành phải bước vào tư thế hội nhập, nếu chúng ta khởi động bây giờ thì vẫn có 2 năm chuẩn bị để đạt trình độ như vậy. Tuy nhiên, Bộ đã phải chuẩn bị trước một năm để Cục Công nghệ Thông tin nghiên cứu thực tiễn, tìm đối tác cung cấp hạ tầng nên năm nay mới triển khai được. Ngày 1/9, tôi sẽ ký chỉ thị về tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học đến năm 2012.
|
Cục trưởng Quách Tuấn Ngọc. Ảnh: Tiến Dũng |
Tiến sĩ Quách Tuấn Ngọc, Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin (Bộ GD&ĐT): Đối với môn Tin học, chương trình phải rất mềm dẻo, không nên cứng nhắc. Ví như, soạn chương trình lớp 12 mới được học Internet, nhưng thực chất, học sinh lớp 5 có thể ra ngoài cửa hàng, một lúc đã học xong kiến thức này. Hơn nữa, về soạn thảo văn bản, không nhất thiết phải dạy Microsoft Word (có bản quyền) mà có thể dạy bộ Writer của Open Office (miễn phí).
Cách học môn Tin cũng rất khác so với các môn học khác. Thông thường, các môn đều phải học tuần tự mà tiến còn Tin học lại học nhảy cóc, cái gì cần thì học. Học sinh đâu cần biết kiến thức cơ bản về công nghệ thông tin, chỉ cần ngồi vào máy, biết mấy thao tác cơ bản là có thể ngồi tìm kiếm thông tin.
Thứ hai, đặc tính của Công nghệ thông tin là không phải học theo vòng xoáy trôn ốc, những kiến thức sau sâu hơn kiến thức trước. Các em chỉ cần học một lần, năm sau không cần nâng cao bởi học xong là có thể tự nâng cao kiến thức.
Hơn nữa, cần phải có chuẩn chung cũng như cơ chế bắt buộc cho việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục. Ví dụ, kỹ năng của một giám đốc Sở về Công nghệ thông tin như thế nào là đạt chuẩn? Kỹ năng soạn thảo văn bản, bảng tính điện tử và Internet là đương nhiên, nhưng phải còn những kỹ năng khác như quản lý giáo dục trên mạng, xử lý thông tin...
Sắp tới, công tác thi đua, đánh giá cũng được chú trọng. Thí dụ, sẽ phải đánh giá xếp hạng website của các trường đại học. Đẳng cấp các trường đại học thế nào sẽ được thể hiện trên website. Tất cả các thông tin, hoạt động của trường phải đầy đủ, chính xác, kịp thời trên website...
|
Theo Vnexpress