|
Sân vận động quốc gia ở Thủ đô Bắc Kinh |
Chuẩn bị hạ tầng IT
Việc triển khai IT cho Olympic Bắc Kinh đã bắt đầu từ năm 2003 với một kế hoạch tổng thể tới từng chi tiết. Khoảng 40-50% hệ thống phục vụ đã được chuyển tới Bắc Kinh để thử nghiệm xem có phù hợp với điều kiện địa phương hay không. Năm 2004, người ta bắt đầu thiết kế các hệ thống dự phòng và thử nghiệm chúng.
Cũng giống như việc luyện tập liên tục của vận động viên, các chuyên gia IT đã phải thử đi thử lại hệ thống nhiều lần (tổng cộng gần 200 nghìn giờ). Một số hệ thống chuyên dụng như quản lý nơi ăn chốn ở của vận động viên, gia đình và thân nhân của họ, được thử nghiệm trước 3 năm. Những hệ thống tình nguyện khác cũng phải thử trước 2 năm.
Trước khi Olympic Bắc Kinh khai mạc, người ta đã phải diễn tập 3 lần để kiểm tra tính chính xác, khả năng ổn định và an toàn của toàn bộ các hệ thống vận hành. Các chuyên gia đã giả lập khoảng 700 tình huống để cho hệ thống và những chuyên gia kỹ thuật xử lý.
Các tình huống này có thể liên quan tới IT, chẳng hạn như một vụ đột nhập vào hệ thống, hoặc một vụ cháy dưới ga điện ngầm, hoặc những vấn đề chẳng liên quan gì tới IT như một số lượng lớn nhân viên bị ngộ độc thực phẩm và không thể thực hiện được công việc giao phó.
Các hệ thống xương sống
Nền tảng IT của Olympic Bắc Kinh bao gồm 2 lõi chính và đều do một công ty CNTT có tên là Atos Origin của Pháp thiết kế: Hệ thống quản lý các bộ môn thi đấu (GMS) và Hệ thống quảng bá thông tin (IDS).
GMS giúp hỗ trợ việc lập kế hoạch và hoạt động của các bộ môn thi đấu như công tác phục vụ, chỗ ở, đi lại, chăm sóc y tế…, còn IDS là hệ thống tính giờ và ghi kết quả (Omega vận hành).
Năm 1992, Atos đã giới thiệu phiên bản đầu tiên của hệ thống này tại Barcelona. Còn tại Bắc Kinh, GMS được phát triển trên nền tảng JAVA, và có một số thành phần nguồn mở khác như máy chủ ứng dụng Jboss, máy chủ Web Apache Tomcat.
Ngoài ra, cũng phải kể đến một hệ thống có tên là CIS (Hệ thống thông tin tường thuật) được phát triển trên nền tảng JAVA, giúp cung cấp những thông tin tức thời (trên màn hình cảm ứng) về vận động viên như tiểu sử, kết quả thi đấu… để ngay lập tức có thể chuyển tải thông tin này tới người xem trên toàn thế giới. Trong hệ thống IDS còn có cả website chính thức của Olympic Bắc Kinh (http://beijing2008.cn) do Sohu.com vận hành.
Có một điểm đáng chú ý là lõi của những hệ thống trên đều chạy trên nền tảng Unix. Linux và Windows không được sử dụng với những lý do được tuyên bố là không an toàn.
Cũng theo Ủy ban Olympic Bắc Kinh thì việc chọn lựa Unix đã được đưa ra cách đây 5 năm, và chính vì vậy Windows Vista không được sử dụng trong bất cứ một hệ thống nào của Olympic 2008 (Windows Vista mới ra mắt được hơn 1 năm), còn XP thì chỉ xuất hiện trên một số chiếc PC để bàn.
Đầu não vận hành toàn bộ hệ thống IT của Olympic Bắc Kinh là một tòa nhà màu xám đặt ở phía Tây Bắc của Công viên Olympic. Chúng có rất ít cửa sổ và hầu hết đều hướng về phía Sân vận động Tổ Chim và cung thể thao dưới nước. Tòa nhà này có tên là DHQ.
Ngoài việc duy trì phần cứng desktop cho 28 bộ môn thể thao trong suốt giai đoạn thử nghiệm và thi đấu, DHQ còn vận hành một trung tâm dữ liệu rộng 300m2 để xử lý thông tin.
Đây chỉ là một trong số 2 trung tâm dữ liệu Olympic 2008, bởi còn một trung tâm dự phòng bí mật nữa đặt tại một nơi không được công bố. Những thiết bị dành cho từng môn thể thao đều có khả năng vận hành riêng biệt, độc lập, và tất nhiên chúng đều được kết nối về trung tâm điều hành.
Triển khai IPv6
Một trong những công nghệ nổi bật mà Bắc Kinh cho triển khai tại Olympic 2008 là hạ tầng IPv6 (giao thức Internet phiên bản 6. IPv6 ưu việt hơn phiên bản IPv4 hiện tại ở chỗ nó cung cấp giải địa chỉ IP rộng hơn, phong phú hơn, và có khả năng hỗ trợ nhiều ứng dụng kiểu như video hội họp, truyền hình độ phân giải cao (HDTV), camera theo dõi, và độ an toàn cũng cao hơn.
Nhờ sử dụng mạng IPv6 kết hợp với Wi-Fi và những công nghệ không dây khác, Bắc Kinh đã có thể mở rộng mạng lưới camera theo dõi đặt tại tất cả các địa điểm cần thiết.
Những chiếc camera theo dõi này không chỉ được đặt tại Công viên Olympic mà trải rộng toàn bộ thủ đô Bắc Kinh. IPv6 cũng đồng thời hỗ trợ hệ thống kiểm soát ánh sáng tại các điểm Olympic và toàn bộ hệ thống an ninh quanh Bắc Kinh.
Trung tâm ứng cứu an ninh cho Olympic
Chỉ riêng năm 2007, tại Trung Quốc đã có gần 1,8 triệu trường hợp máy tính bị virus tấn công. Số virus mới thì nhiều vô số kể, và mức độ nguy hiểm của các cuộc tấn công ngày càng leo thang. Chính vì lý do đó, nước chủ nhà đã cho thành lập Trung tâm Xử lý và Ứng cứu An ninh Thông tin Bắc Kinh (BISERTC).
Trung tâm này bao gồm 10 nhóm ứng cứu có nhiệm vụ ngăn chặn các nguy cơ tấn công của virus, các kỹ thuật xâm nhập và phá hoại của tin tặc, các trục trặc kỹ thuật và bảo vệ khẩn cấp.
Tổ chức này hoạt động 24/24 và vì thế có thể ứng cứu ngay lập tức nếu hệ thống thông tin của thành phố Bắc Kinh bị tấn công, giúp giảm thiểu rủi ro mất mát nếu có.
Công nghệ xanh
Bắc Kinh đã triển khai một loạt các công nghệ thân thiện với môi trường cho giao thông, nguồn cấp điện, hệ thống quản lý nước và rác thải nhằm đảm bảo cho một Olympic “xanh”.
Cụ thể có 100 chiếc xe buýt chạy điện tại tất cả các điểm thi đấu, và hàng trăm phương điện đi lại khác chạy bằng điện tại Làng Olympic và tất cả các sân vận động.
Khoảng 27% trong số diện tích 2 triệu m2 các tòa nhà sử dụng cho Olympics được cấp điện bằng năng lượng mặt trời, sức gió, nhiệt điện. 7 sân vận động chính ở Bắc Kinh được lắp đặt các bộ phát điện mặt trời với công suất tổng cộng 480kw.
90% nguồn điện chiếu sáng bên ngoài sân vận động và nguồn cung cấp nước nóng cho Làng Olympic đều vận hành bằng năng lượng mặt trời.
Tất cả các điểm thi đấu chính đều được lắp đặt thiết bị thu nước mưa để tái chế nước sinh hoạt. Và 90% lượng rác thải ra tại các khu vực Olympic được chuyển tới nhà máy tái chế.
Sử dụng rocket để đuổi mưa
Lễ khai mạc và bế mạc Olympic 2008 đã diễn ra trong trời quang mây tạnh mặc dù đang là mùa mưa ở Bắc Kinh. Để giữ cho bầu trời Bắc Kinh luôn quang đãng trong những ngày đặc biệt này, các nhà khí tượng học Trung Quốc đã phải sử dụng máy bay và rocket để xua tan các đám mây có thể gây mưa.
Ngoài các hóa chất chuyên dụng, Trung Quốc đã bắn 241 quả rocket để đuổi mây trong lễ bế mạc. Còn ở lễ khai mạc, các nhà khí tượng cũng sử dụng hơn 1.000 quả rocket để xua mây.
Vì đang là mùa mưa nên Trung Quốc rất chú trọng tới tình hình thời tiết tại Bắc Kinh. Người ta đã cho bố trí 21 điểm đuổi mưa xung quanh Bắc Kinh để đảm bảo Olympic diễn ra thuận buồm xuôi gió.
Đây là thông tin khá mới về thành quả khí tượng học của Trung Quốc bởi từ trước tới nay người ta mới chỉ biết tới Nga, và một số quốc gia tiên tiến khác sử dụng công nghệ đuổi mưa này.
Theo Tiền phong