"Tôi nghĩ Chính phủ Việt Nam đã rất tích cực trong việc phát triển ngành công nghiệp IT cũng như có một kế hoạch rõ ràng trong tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử nên các bạn sẽ thành công", ông Hwang nói.
Dưới đây là những chia sẻ của ông Hwang về kinh nghiệm xây dựng Chính phủ điện tử của Hàn Quốc:
Kinh nghiệm của Hàn Quốc hay một số nước khác đã cho thấy, việc xây dựng Chính phủ điện tử không nên huy động quá nhiều các cơ quan khác nhau vì điều đó chỉ làm cho quá trình bị chậm đi, thậm chí là rối hơn mà thôi. Trong quá trình này ở Hàn Quốc chỉ có một cơ quan duy nhất hoặc nếu có cơ quan khác thì cũng phải được hợp nhất để dễ dàng trong công tác triển khai, ông Hwang nói.
Một vấn đề nữa cũng rất quan trọng đó là yếu tố con người. Trong quá trình xây dựng, bộ máy đó phải có đầy đủ cán bộ được đào tạo cơ bản và có kiến thức về Chính phủ điện tử để điều hành nó hoạt động ổn định.
Thứ hai là khả năng sử dụng của người dân. Xây dựng được một hệ thống Chính phủ điện tử đã khó nhưng để nó tồn tại và hoạt động được thì nó phải nhận được sự ủng hộ của chính người dân. Nếu chỉ muốn nhanh chóng hình thành một chính phủ điện tử để rồi người dân trong quốc gia đó không biết sử dụng thì cũng coi như thất bại. Nói một cách đơn giản là Chính phủ phải tạo cho người dân một thói quen sử dụng web, sử dụng máy tính trong các công việc hàng ngày và trong các công việc liên quan đến dịch vụ hành chính nhà nước. Phải bắt đầu bằng việc chuẩn bị về con người, tiến hành các khóa học, các chương trình đào tạo tại các trung tâm máy tính giúp người dân có cơ hội thực nghiệm dùng Internet. Khi người dân đã cảm thấy thoải mái, thuận tiện để tiếp cận và sử dụng Internet, chúng ta có thể phát triển hệ thống, và để họ sử dụng hệ thống ấy. Đó là những kinh nghiệm giúp cho các vấn đề trục trặc sẽ không phát sinh.
Nhưng làm thế nào để người dân ủng hộ Chính phủ điện tử? Có rất nhiều cách nhưng tựu chung lại là làm sao để người dân có thể nhìn thấy được lợi ích của họ trong đó. Ví dụ như ở Hàn Quốc đã phải tiến hành quá trình này theo 3 giai đoạn.
Giai đoạn thứ nhất (từ năm 1987 đến 1995), Hàn Quốc chỉ chú trọng vào xây dựng một hệ thống thông tin quốc gia tạo thành một cơ sở dữ liệu nền tảng và hình thành thói quen tra cứu thông tin liên quan đến Chính phủ qua mạng.
Giai đoạn thứ 2 (từ 1995 đến 2001), các dịch vụ hành chính công của Chính phủ đã được dưa dần lên mạng Internet và tập cho người dân thói quen làm việc theo các cơ chế “một bước” và phong cách làm việc không giấy tờ (paperless service). Nền tảng quan trọng của giai đoạn này là Luật khuyến khích tin học hóa dịch vụ hành chính (Infomatization Promotion Act – năm 1995).
Giai đoạn thứ 3 (từ năm 2001 trở đi), Hàn Quốc đi sâu vào việc biến các dịch vụ và thủ tục có thể tương tác với nhau và tương tác với người dân và hình thành một mối quan hệ mật thiết giữa các thành tố: G2C (Government to Citizen – Chính phủ với người dân), G2B (Chính phủ với doanh nghiệp) và G2G (Chính phủ với các cơ quan của Chính phủ).
Theo Ictnews