Cập nhật: 17/08/2008 |
Từ Bưu điện đến Thông tin & Truyền thông |
|
"Từ Bưu điện đến Thông tin & Truyền thông - Con đường phát triển gắn liền với xu thế đổi mới và hội nhập của đất nước" - Xin trân trọng giới thiệu bài viết của Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng TT&TT Lê Doãn Hợp điểm lại chặng đường phát triển của ngành nhân Kỷ niệm 63 năm ngày thành lập ngành Bưu điện.
|
|
Mỗi ngành nghề, mỗi lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế đều có những giai đoạn lịch sử phát triển khác nhau, nhưng có một điểm chung là đều song hành cùng với những giai đoạn lịch sử phát triển của đất nước. Ngành Thông tin và Truyền thông (TT&TT) ngày nay cũng thế, nó không nằm ngoài xu thế phát triển của đất nước trong giai đoạn chuyển đổi, tăng tốc, hội tụ công nghệ với thế giới và hội nhập kinh tế toàn cầu.
TT&TT ngày nay là ngành kinh tế, chính trị, kỹ thuật, dịch vụ tổng hợp, đa ngành, đa lĩnh vực, có gốc rễ lịch sử bắt đầu từ Bưu điện, rồi đến Bưu chính, Viễn thông và bây giờ là TT&TT. Nhân dịp kỷ niệm 63 năm thành lập ngành Bưu điện (15/8/1945 - 15/8/2008), chúng ta lại cùng nhau ôn lại những chặng đường phát triển của Ngành.
Hình thành và vững vàng trong chiến tranh
Bưu điện, cái tên thân quen với nhiều thế hệ gia đình công nhân Việt Nam, đã ra đời và trưởng thành từ khi có Đảng, bắt nguồn từ tổ chức giao thông liên lạc phục vụ thời kì bí mật. Cách đây tròn 63 năm, Hội nghị toàn quốc Đảng Cộng sản Đông Dương diễn ra trong 2 ngày 14, 15 tháng 8 năm 1945 tại Tân Trào (Tuyên Quang). Nghị quyết Đại hội đã ghi: "Lập Ban giao thông chuyên môn và giúp đỡ đầy đủ cho họ làm tròn nhiệm vụ". Từ đó, ngày 15/8 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện.
Trong 2 cuộc kháng chiến giải phóng đất nước, các thế hệ CBCNV ngành Bưu điện đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc của Đảng luôn thông suốt. Ngành Bưu điện đã có gần một vạn CBCNV là liệt sỹ và trên 23 nghìn người được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân, huy chương các loại; 45 Bưu điện tỉnh, thành trở thành đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân.
Quyết định táo bạo trong giai đoạn xây dựng và tăng tốc
Trong chiến tranh, lòng yêu nước, ý chí cách mạng, sự dũng cảm của những người con ngành Bưu điện đã được thử thách. Nhưng bước vào giai đoạn sau 10 năm giải phóng, cả đất nước nói chung cũng như ngành Bưu điện Việt Nam nói riêng phải đối mặt với những thử thách mới. Mạng lưới thông tin liên lạc đã nhiều năm bị chiến tranh tàn phá, cơ sở vật chất hết sức manh mún và lạc hậu. Bước vào giai đoạn đổi mới, xuất phát điểm của ngành Bưu điện gần như từ con số 0, mật độ điện thoại chỉ đạt 0,15 máy/100 dân, khoảng 7- 8% số xã có điện thoại.
Đứng trước yêu cầu của sự nghiệp đổi mới đất nước, nhiệm vụ đặt ra lúc bấy giờ là phải làm sao để phát triển, hiện đại hoá nhanh, đi trước một bước, đáp ứng mọi nhu cầu thông tin liên lạc của xã hội, phục vụ sự chỉ đạo của Đảng - Nhà nước, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế, kỹ thuật khác phát triển… Trên cơ sở quán triệt đường lối đổi mới, với tư duy năng động, sáng tạo và đúc rút kinh nghiệm từ các nước phát triển, lãnh đạo Ngành đã định hướng và quyết tâm "đi thẳng vào công nghệ hiện đại theo hướng số hoá, tự động hoá và đa dịch vụ". Quyết tâm thực hiện định hướng đã đề ra, ngành Bưu điện đã thực hiện thành công hai giai đoạn của chiến lược tăng tốc 1993-1995, 1996-2000.
Giai đoạn 2000 đến 2002, tiếp tục hội nhập và phát triển, ngành Bưu điện đã cơ bản chuyển từ giai đoạn lựa chọn công nghệ, tạo nguồn lực để phát triển sang giai đoạn đổi mới tổ chức quản lý - bao gồm quản lý nhà nước và sản xuất - kinh doanh. Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông do Tổng cục Bưu điện trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua (tháng 6/2002) là hành lang pháp lý phù hợp cho thời kỳ mới.
Ngày 05/8/2002, Quốc hội nước CHXH Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ nhất đã ra Nghị quyết số 02/2002/QH11 thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông trên cơ sở Tổng cục Bưu điện. Đây là sự kiện quan trọng trong quá trình phát triển của ngành Bưu điện. Sự ra đời của Bộ Bưu chính, Viễn thông đánh dấu sự trưởng thành vượt bậc của ngành Bưu điện, thể hiện sự lớn mạnh, đủ sức thống nhất quản lí nhà nước về BCVT và CNTT, thúc đẩy quá trình vừa hợp tác vừa cạnh tranh giữa các doanh nghiệp để phát huy nội lực; chủ động mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế…
Hoạt động hiệu quả của Bộ Bưu chính Viễn thông đã tác động tích cực đến sự phát triển bưu chính, viễn thông, CNTT của đất nước. Tháng 4/2003, Bộ Bưu chính, Viễn thông đã trình Ban Bí thư và Chính phủ lộ trình mở cửa thị trường bưu chính, viễn thông. Đó là con đường tốt nhất để huy động nguồn lực các thành phần kinh tế cùng tham gia, hội nhập kinh tế thế giới.
Mạng lưới và dịch vụ bưu chính được đổi mới và tăng cường. Với trên 15.500 điểm phục vụ bưu chính, bán kính phục vụ rút xuống còn 2,5 km. Đến nay, trên 92,5% số xã trên toàn quốc đã có báo Nhân Dân đọc trong ngày. Mô hình Điểm Bưu điện - Văn hóa xã đã triển khai được hơn 8.000 điểm, đạt tỷ lệ gần 84% số xã trong toàn quốc.
Về CNTT, sau 7 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 58/CT-TW năm 2000 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT phục vụ sự nghiệp CNH-HĐH đất nước, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận. CNTT đang ngày càng được ứng dụng rộng rãi và phát huy hiệu quả to lớn trong hoạt động các cơ quan Đảng, Nhà nước, từ Trung ương đến địa phương, trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội...
TT&TT: Nền tảng của Hội nhập và phát triển đất nước
Những kết quả của giai đoạn trước luôn là sức bật cho giai đoạn sau. Có thể nói, thời kỳ 2002 - 2007, bưu chính, viễn thông và CNTT, tiền thân là ngành Bưu điện trước đây đã từng bước phát triển theo hướng mở cửa và bắt đầu hội nhập, thì giai đoạn tiếp theo có ý nghĩa hết sức quan trọng. 5 năm tới sẽ là thời gian mà TT&TT sẽ tiếp tục phát triển rộng rãi với tốc độ cao, có chiều sâu, với sự bùng nổ ở một số lĩnh vực (thông tin di động, Internet băng rộng…), tạo cơ sở vững chắc để bước vào thập niên thứ 2 của thế kỷ 21, tạo động lực quan trọng đưa nước ta trở thành một nước công nghiệp, vững bước tiến vào xã hội thông tin và kinh tế tri thức.
Nắm bắt được qui luật đó, tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản. Bưu điện Việt Nam lại bước sang một trang mới. Việc thành lập Bộ TT&TT không chỉ là sự đổi tên thông thường mà còn thể hiện một tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy quản lý hành chính, tăng tính trách nhiệm và hiệu quả quản lý phù hợp với xu thế phát triển và hội tụ giữa công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Kết thúc 6 tháng đầu năm 2008, cũng là dịp Bộ TT&TT kỷ niệm 1 năm ngày thành lập. Bộ đã tiếp tục hoàn thành một bước công tác xây dựng hành lang pháp lý trong lĩnh vực TT&TT. Ngày 03/6/2008, Quốc hội khoá XII, kỳ họp thứ 3 đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất bản. Các dự án luật khác. Luật Báo chí sửa đổi, Luật Tần số VTĐ, Luật Viễn thông, Luật Bưu chính được nhanh chóng triển khai xây dựng. Việc ra đời của những Luật này sẽ là động lực lớn đưa ngành TT&TT sang giai đoạn mới, tăng tốc, hội nhập. Kế hoạch Ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước năm 2008 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và ban hành.
Tháng 4/2008, vệ tinh VINASAT-1 đã được phóng thành công lên vũ trụ, kết thúc quá trình gần 15 năm nỗ lực, phấn đấu của các thế hệ CBCNV ngành Bưu điện trong việc làm chủ không gian viễn thông của Việt Nam.
Sau 1 năm thành lập Bộ, mạng lưới bưu chính, viễn thông tiếp tục phát triển. Viễn thông và Internet tiếp tục tăng trưởng nhanh, tốc độ phát triển thuê bao điện thoại tăng mạnh với số lượng phát triển mới khoảng12,8 triệu thuê bao, nâng tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng là 61,8 triệu máy, thuê bao di động chiếm 78,8% mật độ điện thoại 69,5 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 5,83 triệu thuê bao Internet quy đổi với gần 19,77 triệu người sử dụng, đạt mật độ 23,2%. Sáu tháng đầu năm 2008, doanh thu các đơn vị viễn thông đã đạt 33.000 tỷ, tăng 32% so cùng kỳ.
Phát huy truyền thống vẻ vang của ngành Bưu điện; ngành Bưu chính, Viễn thông và CNTT với 10 chữ vàng "Trung thành, Dũng cảm, Tận tụy, Sáng tạo, Nghĩa tình", ngành TT&TT Việt Nam kế thừa quá khứ, tiếp nối lịch sử, tiếp bước cha anh, không ngừng phát triển và trưởng thành, thực hiện thành công phương châm hành động "Đoàn kết, Trí tuệ, Đổi mới, Hội nhập và Phát triển" trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.
TS. Lê Doãn Hợp Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông
Mốc tiêu biểu hai giai đoạn của chiến lược tăng tốc:
- Tháng 12/1993, mạng viễn thông liên tỉnh được số hoá trên toàn bộ 53/53 tỉnh, thành phố trong cả nước.
- Năm 1994 lần đầu tiên Việt Nam ứng cử và trúng cử vào Hội đồng điều hành của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU).
- Năm 1994-1995, ngành Bưu điện quyết định đi thẳng vào công nghệ viễn thông di động công nghệ số (GSM).
- Cuối năm 1995, hệ thống tổng đài và truyền dẫn trên toàn mạng viễn thông đã được số hoá hoàn toàn. Việt Nam trở thành một trong những nước có tỷ lệ số hoá mạng lưới cao nhất khu vực. Bưu điện trở thành Ngành đi đầu trong sự nghiệp CNH - HĐH đất nước. Lần đầu tiên mạng lưới viễn thông của Việt nam có tên trên bản đồ thế giới. Đảng và Nhà nước ta quyết định tặng thưởng Huân chương Sao Vàng - Huân chương cao quý nhất của Nhà nước ta cho ngành Bưu điện.
- Cuối năm 1997, Tổng cục Bưu điện đã quyết định mở cổng thông tin Internet quốc tế, cấp phép hoạt động cùng lúc cho 4 nhà cung cấp dịch vụ (ISP) là VNPT, FPT, SPT và NetNam, VNPT chuyển thành Tổng công ty 91.
Năm 1998, Điểm Bưu điện - Văn hoá xã của Tổng Công ty BCVT Việt Nam ra đời và đi vào hoạt động đã góp phần đẩy nhanh quá trình CNH - HĐH nông nghiệp nông thôn.
|
Theo Vnmedia
|
|