Thứ ba, 06/08/2024

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 04/08/2008
“CNTT Việt Nam không được miễn dịch...”

Kinh tế khó khăn, thay vì sắm một chiếc PC mới, người dùng sẽ nâng cấp nó. Đó là bức tranh chung và ngành CNTT Việt Nam không được “miễn dịch” trước suy thoái kinh tế.

Ông Nguyễn Lâm, Giám đốc hãng nghiên cứu thị trường IDC tại Việt Nam, đã chia sẻ với Báo BĐVN những xu hướng của thị trường CNTT Việt Nam trong thời gian tới, tác động của những biến động kinh tế tới thị trường này cũng như những hoạt động mà IDC đang triển khai tại Việt Nam...

Theo kết quả nghiên cứu thị trường máy tính cá nhân của IDC, trong quý I/2008, thị trường máy tính cá nhân tại Việt Nam tăng trưởng 21% so với cùng kỳ năm trước. Theo ông, với tình hình kinh tế còn khó khăn như hiện nay, liệu tốc độ tăng trưởng của thị trường trong quý II/2008 và cả năm 2008 có thể được giữ vững?

Chắc chắn là khó có thể giữ được. Chu kỳ thị trường máy tính tại Việt Nam thường đi theo mùa, trước Tết bán rất tốt, sau Tết hoạt động yếu đi, nên thường quý II thì chậm, quý III lấy lại đà tăng và quý IV thì tăng mạnh vì đó là thời điểm cuối năm, ngân sách cũng dồi dào và nhiều đơn vị cần giải ngân. Do đó, tốc độ tăng trưởng quý II, quý III năm nay sẽ giảm nhiều.

Nhìn rộng ra, theo ông, những tác động của suy thoái kinh tế Việt Nam hiện nay đang và sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới ngành CNTT Việt Nam?

Chắc chắn là chi tiêu từ những dự án công của Chính phủ sẽ giảm nhiều. Bên cạnh đó, các cá nhân sẽ dè dặt hơn trong việc mua sắm thiết bị CNTT. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay, thay vì việc sắm một chiếc máy tính mới người tiêu dùng sẽ nâng cấp chiếc máy tính mà họ đang sử dụng, còn nếu không thực sự cần thiết nữa thì họ vẫn duy trì sử dụng sản phẩm đó.

Đó là bức tranh chung và ngành CNTT Việt Nam cũng không phải là ngành được “miễn dịch” trước suy thoái kinh tế.

Liệu có cơ hội nào cho các doanh nghiệp CNTT Việt Nam trong bức tranh kinh tế “tương đối xấu” hiện nay không?

Cơ hội còn khá nhiều vì đầu tư FDI vẫn đang tiếp tục đổ vào thị trường Việt Nam.

Thị trường của các công ty trong nước cũng vẫn tạo ra những cơ hội mới. Đây cũng là thời điểm mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể chỉnh đốn lại nội lực của họ, về điều hành, về quy trình kinh doanh, kiến thức công nghệ nên cũng tạo ra một số nhu cầu về tư vấn CNTT, tư vấn quy trình kinh doanh, về đào tạo công nghệ, gia công quy trình kinh doanh... Nếu công việc đó giảm được chi phí hoạt động thì có công ty sẽ “liều lĩnh” hơn, giao công đoạn đó ra bên ngoài vì chi phí rẻ hơn. Như vậy, cũng tạo thêm những cơ hội cho CNTT.

Thị trường CNTT Việt Nam liên tục giữ vững được tốc độ tăng trưởng cao (khoảng 25-30%/năm) và sự sôi động của mình, nhưng gần đây IDC mới chính thức “nhảy” vào thị trường này. Tại sao lại có sự chậm trễ như vậy?

Thực ra, IDC đã có những theo dõi, nhận định về thị trường CNTT Việt Nam từ những năm 1995-1996, khi thị trường Việt Nam mở cửa và nhu cầu đầu tư về CNTT bắt đầu xuất hiện.

Tuy nhiên, gần đây chúng tôi mới tập trung công bố thông tin ra kênh báo chí, truyền thông. Những năm trước theo dõi của IDC với thị trường Việt Nam mới là theo dõi từ bên ngoài, còn thời gian gần đây chúng tôi đã xây dựng được đội ngũ chuyên gia nghiên cứu thị trường ở trong nước, lập một chi nhánh nghiên cứu thị trường nhỏ ở Việt Nam và nắm bắt chi tiết hơn những thông số của thị trường.

IDC khảo sát thị trường CNTT Việt Nam theo phương thức như thế nào? Và phương thức này có gì khác so với những phương thức mà IDC áp dụng ở các thị trường khác trên thế giới?

Thực sự thì không có sự khác biệt, bởi với IDC tất cả mọi công đoạn, phương thức nghiên cứu phải có những tiêu chuẩn giống nhau ở mọi thị trường.

Phương thức khảo sát thị trường của IDC là có những phân tích viên ở thị trường nội địa, rà soát các thông tin rồi cung cấp ra cho IDC khu vực, rồi IDC khu vực lại cung cấp cho tổng hành dinh IDC (tại Bắc Mỹ). Những con số này tiếp tục được phân tích từ tổng hành dinh, từ các nhà kinh doanh về CNTT và phản hồi trở lại cho thị trường nội địa và những con số, những cuộc điều tra sẽ được trình bày, được phản biện để tìm ra những con số chính xác hơn. Vì thế, các con số khảo sát của IDC có tính khu vực, có yếu tố toàn cầu và có yếu tố nội địa nữa. Chúng tôi hiện có hơn 60 văn phòng nghiên cứu thị trường trên thế giới và những văn phòng đó có trách nhiệm thu thập những thông tin thực tiễn trên thị trường.

Những đặc tính văn hóa của người Việt và các doanh nghiệp Việt Nam có ảnh hưởng gì (thuận lợi, khó khăn) tới hoạt động khảo sát thị trường của IDC?

Đây thực sự là một câu hỏi khó! Nhìn chung cũng có một vài thuận lợi, như người Việt Nam có văn hóa là mỗi cá nhân, một tập thể, một doanh nghiệp cũng rất thích chia sẻ những hiểu biết của mình về thị trường. Bên cạnh đó, Việt Nam có văn hóa là dựa vào những thông tin tập trung - từ báo cáo của Liên Hợp quốc, báo cáo của Chính phủ... và những con số tập trung đó rất phổ biến. Nên việc tìm những thông tin tập trung đó để có những cái nhìn chung về thị trường, toàn cảnh về thị trường là dễ hơn.

Còn việc đi sâu hơn nữa, để phân chia ra những phân khúc thị trường nhỏ hơn... là rất khó khăn đối với Việt Nam. Văn hóa các công ty Việt Nam cũng chưa thực sự thoải mái để chia sẻ hết những con số, chiến lược kinh doanh của mình vì tính cạnh tranh trên thị trường cũng cao, rồi tính minh bạch trên thị trường cũng cần thời gian để cải thiện.

Một số nhận xét, nhận định về thị trường cũng mang tính cảm tính nhiều, vì thị trường mình thiếu nhiều những thông tin mang tính phản biện, những thông tin chi tiết ở từng khúc nhỏ. Rất nhiều nhận định là cảm tính.

Nhu cầu về những báo cáo nghiên cứu thị trường CNTT ở Việt Nam có lớn không? Và đối tượng nào quan tâm tới những báo cáo này nhiều nhất?

Trong những năm gần đây, nhu cầu về số liệu thị trường ở Việt Nam bắt đầu gia tăng. Nhu cầu lớn nhất vẫn là về thị hiếu người tiêu dùng, về sản phẩm dành cho người tiêu dùng. Còn những nghiên cứu đi sâu vào hoạt động của doanh nghiệp, nắm bắt nhu cầu, đòi hỏi của họ hay tìm hiểu những khó khăn, thách thức mà họ đang gặp phải hay những thuận lợi trong kinh doanh thì không có nhiều. Tuy nhiên, IDC thường tập trung vào những mảng thị trường đó, mảng khối doanh nghiệp, tập đoàn, về những thử thách của họ trong việc ứng dụng CNTT, những sản phẩm, giải pháp CNTT... Những báo cáo của IDC cố gắng trình bày những thực tiễn của vấn đề, giúp các doanh nghiệp có những kinh nghiệm chia sẻ với nhau, giúp nhà cung cấp dịch vụ, giải pháp hiểu được và vạch ra được những chiến lược kinh doanh, hiểu được khó khăn của người mua sắm tại thị trường Việt Nam.

Nhu cầu hiện nay từ các công ty nước ngoài nhiều hơn, đó là những công ty muốn “nhảy vào” Việt Nam để cung cấp các giải pháp, thiết bị CNTT.

Ở góc độ cá nhân, ông có thể đưa ra những nét phác thảo của bức tranh CNTT Việt Nam trong năm 2009 và những năm tiếp theo?

Thực ra cũng rất khó để tiên đoán thị trường kinh tế Việt Nam sẽ dẫn đến những khúc đoạn nào từ nay đến cuối năm. Tuy nhiên, mặc dù kinh tế Việt Nam đang trải qua giai đoạn khó khăn thì CNTT vẫn được nhìn nhận như những công cụ giúp các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, cải thiện quy trình quản lý tốt hơn, thành ra những nhu cầu đó vẫn duy trì theo những lộ trình phát triển của nền kinh tế. Kinh tế tốt cũng có thuận lợi mà kinh tế xấu cũng là dịp để mọi người rà soát mình. Năm 2009 chúng tôi nghĩ cũng sẽ tăng trưởng nhưng khó đạt được tốc độ như những năm vừa qua.

Nếu năm 2010 mà vượt qua được những khó khăn của nền kinh tế thì thị trường CNTT Việt Nam có khả năng tăng trưởng mạnh hơn trước đây, vì lúc đó tâm lý của người tiêu dùng cũng tốt hơn, về cạnh tranh, sự mở rộng và minh bạch của thị trường lúc đó cũng đạt mức độ tốt hơn, thúc đẩy các công ty tập trung đầu tư nhiều hơn để đưa doanh nghiệp mình lên một đỉnh cao khác.

Nói chung, thị trường CNTT Việt Nam lạc quan nhiều hơn là bi quan, vì thị trường của mình hiện vẫn đang ở giai đoạn đầu phát triển, ở đây đang gặp một số trở ngại, trục trặc, nhưng nhu cầu về CNTT ở thị trường này vẫn còn đó, thành ra vẫn phải đầu tư, về đào tạo, về quản lý, về quy trình kinh doanh. Đó vẫn là một bức tranh tốt cho thị trường này.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0