Họ không được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc và các quyền lợi khác như chế độ làm thêm giờ, khen thưởng...
Chế độ chưa đảm bảo: Người lao động chán nản
Theo quy định của VNPT, nhân viên điểm BĐVHX làm việc theo chế độ hợp đồng đại lý. Họ được hưởng tiền công bằng 10% tổng doanh thu các dịch vụ BCVT, cộng với 150.000 đồng/tháng tiền thuê trực bảo vệ. Nếu tháng nào tổng thu nhập chưa đủ mức tối thiểu (do quy định của VNPT) thì các Bưu điện tỉnh sẽ cấp bù cho đủ mức tối thiểu đó. 10 năm qua, mức thu nhập tối thiểu đã vài lần được điều chỉnh và đang áp dụng mức 400.000 đồng/tháng. Về mặt lý thuyết, quy định như vậy khá công bằng, khi doanh thu dịch vụ tăng thu nhập của người lao động cũng tăng theo. Tuy nhiên, càng ngày điểm BĐVHX kinh doanh càng kém hiệu quả cho nên nhiều nhân viên điểm BĐVHX có mức thu nhập "dậm chân tại chỗ".
Chị Tươi - nhân viên điểm BĐVHX Đại Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội) cho hay, tiền công có khi chậm tới vài tháng. Đơn cử, giữa tháng 7 chị mới chỉ nhận được tiền công của tháng 4. Nhưng những đồng lương ít ỏi của chị cũng không phải “tiền tươi thóc thật” mà được quy đổi thành 4 thẻ cào điện thoại mệnh giá 100.000 đồng. "17h tôi đã đóng cửa về rồi, phải tranh thủ cấy thêm mấy sào ruộng mới đủ ăn", chị Tươi nói.
Chị Chuyên - nhân viên điểm BĐVHX xã Đông La (Hoài Đức - Hà Tây) làm việc từ năm 2001 cũng chưa bao giờ có mức thu nhập vượt quá 400.000đ.
Theo số liệu của Tổng Công ty Bưu chính Việt Nam (VNPost), chỉ có 882 nhân viên (chiếm 11%) thu nhập trên 1 triệu đồng/tháng, số có thu nhập từ trên 400.000 đồng đến dưới 1 triệu đồng là 2.579 nhân viên (32,1%), còn lại có tới 4.562 người (56,9%) nhận mức thù lao 400.000 đồng/tháng.
Bưu điện Hà Tây cho rằng, nhân viên ở vùng xa, vùng sâu có thể tạm bằng lòng với 400.000 đồng/tháng nhưng với các điểm ở vùng đồng bằng thì họ không chấp nhận được. Vì với giá cả như hiện nay mức thu nhập đó không đủ chi phí tối thiểu cho 1 người, chưa nói là phải duy trì cuộc sống cho gia đình. Bưu điện TP Đà Nẵng thừa nhận, thu nhập thấp khiến tinh thần làm việc của nhân viên điểm BĐVHX không ổn định. Nhiều người chưa tích cực phục vụ, thiếu nhiệt tình, bỏ giờ mở cửa đi làm việc riêng, làm chất lượng phục vụ suy giảm dẫn đến doanh thu dịch vụ ngày càng "tụt dốc". Không chỉ ở Đà Nẵng mà tại một số tỉnh như: Ninh Bình, Hà Tây, Hà Nội… báo BĐVN đã bắt gặp tình trạng một số nhân viên tự ý đóng cửa điểm BĐVHX trong giờ làm việc.
Theo ông Hoàng Minh Chính - Giám đốc Sở TT&TT Thái Bình, vì ít người đến điểm BĐVHX để sử dụng dịch vụ BCVT và đọc sách báo cộng với thu nhập thấp gây nên tâm lý chán nản, mệt mỏi, thụ động và ỷ lại của nhân viên. Qua kiểm tra cho thấy, nhiều nơi liên tục đóng cửa, có nơi mở cửa không đúng giờ quy định. Đặc biệt là hiện tượng gia đình hóa tại các điểm BĐVHX rất rõ nét, có điểm khi đoàn kiểm tra đến còn bắt gặp cả nôi trẻ em, bàn học để ngay trong quầy giao dịch.
Chính sách đang bị bỏ ngỏ?
Tiền công thấp, chế độ chính sách không có khiến các cơ quan quản lý như Bộ TT&TT, VNPT, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội nhận được rất nhiều đơn thư của nhân viên điểm BĐVHX kiến nghị về chế độ chính sách. Song những lá đơn hầu như không có hồi âm bởi VNPT không có cách nào để điều chỉnh chế độ cho đội ngũ này, với lý do VNPT đang phải bù lỗ cho khối bưu chính. Ngay cả Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng khi trao đổi với báo BĐVN về vấn đề này cũng thừa nhận: "Chính sách cho đội ngũ nhân viên điểm BĐVHX còn nhiều bất cập và người lao động khá thiệt thòi". Nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Đỗ Trung Tá, trong lần trả lời phỏng vấn của báo BĐVN cũng nói rằng: "Hạn chế lớn nhất của điểm BĐVHX là chưa có chế độ cho nhân viên giống như người lao động chính thức của ngành Bưu điện".
Chị Huệ - ở điểm BĐVHX Gia Tân (Gia Viễn - Ninh Bình) nói rằng, chị làm việc tại điểm BĐVHX Gia Tân (Gia Viễn - Ninh Bình) từ năm 1997 đến nay nhưng thu nhập chưa bao giờ vượt ngưỡng 400.000 đồng/tháng. Chị chỉ mơ ước mức thu nhập khoảng 700.000 đồng/tháng là ổn. Còn 100% nhân viên điểm BĐVHX khi tiếp xúc với báo BĐVN đều bày tỏ mong ước: Được coi là nhân viên chính thức của ngành Bưu điện, để họ được hưởng chế độ hưu trí hay mất sức khi không còn sức khỏe để làm việc nữa. Tương tự, chị Nguyễn Thị Trà My - nhân viên BĐVHX ở Quảng Nam phản ánh, chị làm việc được hơn 1 năm với mức tiền công 400.000 đồng/tháng mà không được đóng bảo hiểm, không được hưởng bất kỳ thứ phụ cấp nào khác.
Nhưng mơ ước nghe có vẻ rất giản đơn của họ chưa biết đến bao giờ mới thành hiện thực.
Ngày 22/5/2008, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 65/2008/QĐ-TTg về cung ứng dịch vụ bưu chính công ích. Trong đó có quy định: Tiền công của nhân viên điểm BĐVHX bằng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Như vậy, sắp tới tiền công lao động của hơn 4.000 nhân viên đang hưởng mức 400.000 đồng/tháng sẽ được tăng thêm chút ít lên bằng mức tối thiểu theo quy định hiện hành là 540.000 đồng/tháng. Còn điều mà họ kiến nghị bấy lâu nay để được hưởng chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bắt buộc theo quy định của Bộ Luật Lao động thì chưa được Quyết định 65 đề cập.
Một lãnh đạo của Ban Tổ chức cán bộ (VNPost) nhận định, VNPost có muốn cũng không thể ký hợp đồng lao động dài hạn với nhân viên điểm BĐVHX. Vì đội ngũ này quá đông, kinh doanh đang bị lỗ, nếu chi trả đầy đủ chính sách cho họ như Bộ Luật Lao động thì hàng năm chi phí tăng thêm quá lớn, VNPost không thể gánh nổi. Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cũng cho rằng, nếu để ngành bưu chính gánh trọn trách nhiệm đóng BHXH và BHYT cho hơn 8.000 nhân viên BĐVHX sẽ là gánh nặng quá lớn, với thực lực hiện có VNPost sẽ không đảm đương được.
Thứ trưởng Nguyễn Thành Hưng cho biết, vấn đề chế độ chính sách cho nhân viên điểm BĐVHX sẽ được đưa ra bàn tại Hội nghị tổng kết 10 năm BĐVHX được tổ chức vào 1/8/2008.
Theo Ictnews