Người "kéo" cánh cửa sắt đón tôi là một sinh viên bị cụt hai cánh tay. Nhìn sự thành thạo của chàng trai khi đóng mạnh cánh cửa bằng vai, tôi chắc chắn Nghĩa đã làm việc này quen rồi... Sinh ra, Nghĩa đã mất hai cánh tay. Lúc đó, ai cũng nghĩ Nghĩa sẽ "không đi, không đứng, không ngồi, chỉ biết nằm thôi".
Quả thật, lúc ấy, mọi người dù yêu thương cậu bé vô ngần cũng không thể không nản lòng khi nghĩ về khả năng giữ thăng bằng của Nghĩa. Phải gần ba tuổi, cậu bé mới có thể tự bước đi những bước chân đầu đời. Từ khi có thể tự đi, cuộc sống trong tâm hồn thơ bé của Nghĩa cũng bắt đầu được nới rộng thêm ra... Ði học, ai cũng nghĩ Nghĩa "liều". Ban đầu là những nét nguệch ngoạc viết từ viên phấn kẹp vào giữa hai ngón chân. Viết bằng tay đã khó, bằng chân lại càng khó hơn. Nhiều hôm mỏi chân, mỏi lưng mà chữ vẫn chưa tròn trịa được, cậu bé cũng nản lòng.
Sau này, Nghĩa được cô Thúy Hà (cô giáo chủ nhiệm) hướng dẫn gò từng nét chữ. Nghĩa kể: "Cô Thúy Hà khó lắm. Viết tập mà dơ, xấu là cô... bắt viết lại phát ớn luôn. Nhiều lúc tập viết căng thẳng quá, em thấy sợ và... ghét cô. Giờ nghĩ lại mới thấy quý và biết ơn cô. Chính nhờ sự nghiêm khắc đó mà giờ em không chỉ viết thạo mà còn làm được nhiều thứ nữa".
Ðể có thể theo học khoa Công nghệ thông tin Trường ÐH Mở bán công TP Hồ Chí Minh cũng là một cố gắng lớn từ bản thân Nghĩa. Học sử dụng bàn phím, máy tính bằng chân cũng khó không kém lần tập đi, tập viết. Nghĩa thương mẹ, không chỉ công lao sinh thành, dưỡng nuôi (vì nuôi Nghĩa phải cất công gấp ba bốn lần những đứa trẻ khác), mà mười mấy năm trời, mẹ tần tảo đưa con đến trường, dù xa - gần, mưa - nắng...
Vất vả trăm bề nhưng người mẹ ấy luôn dạy các con học để trưởng thành. Cậu học trò ấy dù chỉ có thể làm mọi việc bằng chân, nhưng kết quả suốt 12 năm học đều đạt xuất sắc. Ngoài giờ học, để đỡ đần mẹ, Nghĩa còn làm thêm công việc quản lý nội dung cho trang web tại Trung tâm đào tạo bác sĩ máy tính ISPACE (quận 5, TP Hồ Chí Minh).
Sinh năm 1988, Nghĩa là con trai duy nhất và là con út trong một gia đình ở xứ Thanh. Bốn tuổi, người cha thương binh hạng 4/4 của Nghĩa qua đời. Chị em Nghĩa líu ríu theo mẹ rời quê vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp. Cuộc sống gia đình bốn mẹ con không chỉ thêm phần khó khăn mà từ tuổi ấy, Nghĩa khuyết đi một chỗ dựa tình cảm lớn. Có lẽ vậy nên Nghĩa thấm thía, tình cảm yêu thương quan trọng với con người ta đến chừng nào.
Căn gác nhỏ nơi Nghĩa đón tôi chỉ cần tôi rướn cao thêm vài xăng-ti-mét là đủ chạm đầu vào trần nhà rồi. Trong câu chuyện với tôi, Nghĩa nói nhiều về "các em". Ðó là những trẻ em khuyết tật ở các mái ấm (Mái ấm Nhật Hồng - quận Bình Thạnh, Mái ấm Hy Vọng - quận 1...) nơi đội công tác xã hội Nghĩa thường hay lui tới.
Ở phường 2, quận 8 (nơi gia đình cậu ở) và ở lớp, Nghĩa đều là đội trưởng Ðội công tác xã hội, hoạt động nhiệt tình. Nghĩa lập một ống heo để mỗi ngày các thành viên bỏ vào đó 500-1.000 đồng trích từ tiền ăn sáng làm quỹ hoạt động mỗi lần đến với các em. Hoạt động này vẫn được duy trì cho đến tận bây giờ. Tham gia công tác xã hội giúp Nghĩa mở rộng lòng ra rất nhiều, từ suy nghĩ rồi cả trái tim...
Nghĩa tâm sự: Em rất khâm phục chị Nguyễn Hướng Dương - người bị mất đôi chân - hiện công tác tại "Thư viện sách nói" TP Hồ Chí Minh, được các em khiếm thị xem như là cô tiên giữa đời thường. Chính nghị lực phi thường của chị Hướng Dương là điểm tựa cho Nghĩa vượt qua những mặc cảm, khó khăn. Nghĩa tâm sự, trong cuộc sống của anh từ trước đến nay luôn có sự cảm thông, động viên từ rất nhiều người. Nếu thiếu vắng những tình cảm ưu ái đó, không biết anh có được như bây giờ không. Chính điều đó thúc giục Nghĩa cố gắng góp một chút công sức dù nhỏ bé cho cộng đồng. Không chỉ giúp đỡ các nhà mở, trung tâm bảo trợ trẻ khuyết tật, mồ côi, anh còn truyền lửa yêu đời, yêu người tới các em nhỏ.
Theo Nhân dân