Thứ hai, 20/01/2025

Tìm kiếm

Giới thiệu chung
Đại hội VAIP IX
Hoạt động hội
Tin tức ICT
Môi trường - Chính sách
Doanh nghiệp - Hội viên
Sản phẩm - Công nghệ
Giao thương
Nguồn lực cho CNTT
Phần mềm nguồn mở
Xã hội ICT
Gặp gỡ ICT đầu xuân
Hội thảo HT-PT
ICT Caravan 2023
Lịch sử tin học Việt Nam
Chương trình hành động
Hội viên
ICT Tennis
Kỷ yếu 30 năm OLP
Liên hệ
  Cập nhật: 24/07/2008
Khi tiền tỷ bị "đắp chiếu"

Trong tổng số 2.865 điểm BĐVHX được kết nối Internet, có tới 1.520 điểm đã vài năm nay không thu nổi một đồng cước truy cập.

Tương tự như vậy, sách báo ở nhiều điểm BĐVHX nằm trong tình trạng "phủ mạng nhện" vì hầu như không có người đến đọc.

Internet về xã: Hữu danh vô thực?

Năm 2005, VNPT bắt đầu triển khai đưa Internet về nông thôn, thu hẹp khoảng cách số giữa nông thôn và thành thị, để người dân tiếp cận nhanh hơn với kho thông tin, kiến thức trên Internet. Chương trình đưa Internet xuống xã về thôn được dư luận và người dân đánh giá cao, nhưng thực tế thì hiệu quả lại không được như mong đợi.

Theo số liệu của VNPT, tính đến nay, đã có 2.865 điểm BĐVHX được trang bị máy tính có đường truyền Internet, trong đó có 2.416 điểm thuộc dự án đưa Internet về nông thôn giai đoạn I. Nhưng chỉ có 1.345 điểm là có cước, còn lại 1.520 điểm máy tính và đường truyền Internet đã vài năm nay không có người truy cập. Điều này gây lãng phí rất lớn, vì các điểm BĐVHX phần lớn nằm ở vùng sâu, vùng xa, nên chi phí đường truyền tốn kém hơn nhiều lần ở khu vực thành thị. Hiện chưa có con số thống kê chính xác, nhưng nếu tính bình quân mỗi điểm đầu tư cả máy tính và đường truyền khoảng 10 triệu đồng, thì đã có hàng tỷ đồng đang bị "đắp chiếu”.

Có rất nhiều nguyên nhân khiến dự án đưa Internet về nông thôn kém hiệu quả. Nguyên nhân chủ yếu nhất là do các điểm truy cập Internet ở xã nằm xa điểm chuyển mạch (gần nhất cũng hơn 4km), kết nối qua giao thức dial-up nên khả năng vào mạng rất khó, nếu vào được thì tốc độ chậm và không ổn định. Tại một điểm BĐVHX đảo Cát Hải (Hải Phòng) được trang bị tới 5 máy tính, nhưng nhân viên ở đây cho biết: "Chả mấy khi truy cập được vì đường truyền thường xuyên bị nghẽn. Gọi cán bộ kỹ thuật có khi vài ngày họ mới từ huyện xuống. Nhiều khi khách đến đợi mãi không vào được mạng họ chán nên đi về mất". Tại đây, dãy máy tính được đặt ở vị trí rất trang trọng nhưng bị phủ bụi có lẽ đã lâu không có người sử dụng.

Chị Tươi, nhân viên điểm BĐVHX Đại Mỗ (Từ Liêm - Hà Nội) cho biết: "Trước đây ở điểm này cũng có 1 máy tính, nhưng vì không có khách hàng nào truy cập Internet nên Bưu điện lại đến mang đi".

Tổng kết 6 tháng triển khai chương trình "Một triệu giờ đồng hành", ông Nguyễn Đồng Long, Bí thư Đoàn của VNPT cho biết, rất nhiều điểm BĐVHX kết nối Internet nhưng không truy cập được bằng hình thức dial up, thi thoảng có lúc vào được thì tốc độ chậm và hay bị rớt mạng. Bên cạnh đó, có tới 62,87% điểm BĐVHX chỉ có duy nhất một máy tính, cấu hình thấp lại hay bị hỏng, hầu như không sử dụng được. Một số điểm khác thì máy tính cài phần mềm nguồn mở Vietkey Linux khó sử dụng, trong khi trình độ ứng dụng máy tính của nông dân rất hạn chế.

Ông Hoàng Minh Chính, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Thái Bình cho biết, tỉnh này hiện có 50 điểm BĐVHX có Internet, mỗi điểm một máy truy cập bằng giao thức dial up tốc độ rất chậm, trình độ tin học của nhân viên rất hạn chế nên không hướng dẫn được khách hàng, hầu hết máy tính đều bỏ không nên không có doanh thu.

Ông Trần Viết Hảo, Giám đốc Bưu điện huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) cho rằng: Nếu cứ để mỗi điểm BĐVHX một máy tính truy cập kiểu dial up thì không bao giờ có khách hàng vì không thể truy cập được. Huyện Thạch Hà đã phải tập trung máy tính ở các điểm BĐVHX trong huyện về 1 điểm và kéo đường truyền ADSL tới thì khách truy cập khá đông, doanh thu tăng gấp 6-7 lần. "Nhưng chỉ những điểm BĐVHX ở gần trung tâm huyện mới có khả năng đưa Internet tốc độ cao tới, còn những điểm nằm ở xa thì rất khó", ông Hảo nói.

Sách, báo bị "phủ mạng nhện"

Để phục vụ nhân dân đọc sách báo miễn phí, ban đầu khi đưa điểm BĐVHX vào hoạt động, VNPT cấp cho mỗi điểm 1,5 triệu đồng mua sách. Ngoài ra, mỗi năm VNPT cấp thêm 500.000 đồng/điểm để mua bổ sung. VNPT cũng chi tiền mua thường xuyên các loại báo: Nhân dân, Bưu điện Việt Nam, báo Đảng địa phương, Chính phủ cấp Công báo. Ngoài ra các bộ, ngành còn cấp nhiều loại sách, báo chuyên ngành như: Báo Nông thôn ngày nay, Nông nghiệp Việt Nam, Khoa học và đời sống, Tạp chí Toàn cảnh… Trong 10 năm, có 65.000 tờ báo và tạp chí được đưa về điểm BĐVHX, bình quân mỗi điểm có 375 đầu sách báo. Tính chung số tiền đầu tư này cũng hết hàng chục tỷ đồng, nhưng tại nhiều nơi sách, báo chỉ có tác dụng trưng bày vì không có người đến đọc.

Chị Chuyên, nhân viên điểm BĐVHX xã Đông La (Hoài Đức - Hà Tây) cho biết: "Hồi mới mở cũng có học sinh đến đọc, nhưng lâu lắm rồi không có ai đến nữa". Cũng giống như việc truy cập Internet, Điểm BĐVHX Đại Mỗ có vị trí khá đắc địa, nằm ngay mặt phố sầm uất, nhưng nhân viên ở đây cho biết: "Thỉnh thoảng có học sinh đến đọc vào ngày thứ Bảy, còn người lớn thì rất hiếm khi đến đây đọc sách". Chị Huệ - nhân viên điểm BĐVHX Gia Tân (Gia Viễn - Ninh Bình) cho rằng, những loại báo chí được cấp về đây không phù hợp với nhu cầu của người đọc. Ví dụ, học sinh thích đọc những loại báo như: Thiếu niên tiền phong, Nhi đồng… thì không có. Người lớn thì chỉ có mấy cán bộ nghỉ hưu thỉnh thoảng ra mượn báo Tiền Phong, báo Pháp luật về đọc. Còn nông dân chả có ai đọc báo bao giờ, nhiều loại báo cấp về chỉ có nhân viên BĐVHX đọc.

Còn tại Bưu điện TP Đà Nẵng do việc tuyên truyền chưa tốt cho nên nhiều điểm sách báo chỉ để nằm im trên giá sách. Tại các tỉnh hay bị bão lụt như Quảng Nam, Đà Nẵng thì hầu như năm nào những điểm BĐVHX nằm trong vùng lũ cũng bị ngập khiến cho sách báo bị hư hỏng nặng. Đó là chưa kể đến việc báo chí đưa đến các điểm BĐVHX thường xuyên bị chậm.

Để phong phú thêm cho tủ sách, VNPT đã phối hợp với các ngành Văn hóa, Tư pháp và chính quyền địa phương thực hiện luân chuyển sách báo từ Thư viện cơ sở, Tủ sách pháp luật của xã sang điểm BĐVHX. Nhưng việc phối hợp này đến nay cũng bị nhiều nơi bỏ quên. Số liệu của VNPT cho thấy, có tới 60% số điểm BĐVHX không thực hiện luân chuyển sách.

Với thực tế này cho thấy, hàng chục tỷ đồng mua sách, báo nhằm mục đích tốt đẹp là nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân góp phần nâng cao dân trí và phát triển kinh tế xã hội cho địa phương đã không phát huy hiệu quả như mong muốn. Rõ ràng là cần có sự đánh giá lại và rút kinh nghiệm trong quá trình đưa các dịch vụ đến với người dân sao cho hiệu quả nhất.

Theo Ictnews

  Trang trước    | Về đầu trang
Bình luận - Comment (FB):
tin hoc doi song
Công ty cổ phần Minh Việt
hanoi
Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam
automation
technoaid
Dự báo thời tiết
  Powered and Designed by MinhViet Technology Group
HỘI TIN HỌC VIỆT NAM
Người chịu trách nhiệm nội dung: Ông Nguyễn Long - Tổng Thư Ký - Hội Tin Học Việt Nam
Head office: 6th floor, 14 Tran Hung Dao Str., Hanoi,Vietnam - Tel:84-24-38211725 - Fax:84-24-38211708 - Email: office@vaip.vn
Copyright 2003-2006 by VAIP. All rights reserved
Designed by InteCom (MinhViet JSC) - Powered by MVC-Web CMS 2.0