Sự cố trên đã xảy ra từ 6 năm trước, còn mới đây, chuyên gia phân tích tài chính Mary B Callahan tại New York (Mỹ) cũng vô tình nổi danh trên các phương tiện truyền thông sau khi viết thư cho cô bạn thân để than thở về một đêm ân ái không hoàn hảo nhưng lại bấm nhầm nút gửi cho cả phòng.
Năm ngoái, lại một luật sư có tên Richard Phillips cũng tự nguyện từ chức do bị bêu riếu về chuyện ông gửi e-mail cho thư ký, yêu cầu cô ta thanh toán hóa đơn giặt nước sốt cà chua trên quần ông trị giá 8 USD.
Chỉ mới tháng 7 vừa rồi, báo chí ở Anh đua nhau đăng tin về nhà thiết kế web Joe Dobbie. Dobbie gặp cô Kate Winsall, 25 tuổi, tại một bữa tiệc và đã gửi e-mail cho cô này với những lời hết sức bóng bảy, hoa mỹ nhằm thuyết phục "đối tượng" đi uống cafe. "Anh đã để sự thận trọng của mình cuốn theo cơn gió. Đó là khi anh lắng nghe trái tim mình và nhận ra rằng anh muốn sống trong niềm hân hoan khó tả này. Hãy nói cho anh biết liệu anh có phải là người may mắn...". Nhưng có vẻ như Winsall lại không thấy thế. Cô gửi thư đó cho chị gái và lập tức cả thế giới biết đến gã si tình có tên Dobbie.
Còn cách đây hai tuần, Lucy Gao, một nhân viên thực tập tại ngân hàng Citigroup ở London, phải khóc dở mếu dở vì e-mail mời dự tiệc sinh nhật lần thứ 21 của cô đã trở thành trò cười cho đồng nghiệp. Gao gửi e-mail cho khoảng 40 người bạn nhưng một trong số đó đã forward thư đi khắp nơi kèm chú thích rất gây tò mò: "Tôi không hay phát tán bất cứ thứ gì. Nhưng mà... bạn nhất định phải đọc cái này mới được".
Với tiêu đề "Hướng dẫn vào cửa", Gao khuyên các vị khách nói với nhân viên ở khách sạn Ritz rằng "Tôi đến dự sinh nhật của Lucy tại quầy Rivoli" khi được hỏi "Tôi có thể giúp được gì cho quý ông/quý bà". Trong e-mail, Gao cũng thông báo sinh nhật bắt đầu từ 9 giờ nhưng khách sẽ vào cách nhau 15 phút theo thứ tự đã nêu trong thư. Nam giới nên diện áo vét, thắt cà vạt và không được mặc jean, giày thể thao, dép xỏ ngón. Nữ mặc đầm nhưng không dùng vải bông chéo và váy ngắn. "Có lẽ phải ăn mặc thật sang trọng thì may ra bạn mới không bị từ chối dự tiệc", các đồng nghiệp của Gao mỉa mai.
"Tôi chỉ muốn bông đùa nhưng đã bị hiểu lầm và giờ tôi không thể kiểm soát được e-mail đó", Lucy Gao giải thích.
Còn Tim Soutphommasane, học cùng trường Oxford với Gao, nhận xét: "E-mail khiến người ta dễ trở nên ác ý hơn, thích thú hơn trong việc trêu chọc người khác. Những tình huống trên cho thấy thư điện tử có khả năng phá hủy các mối quan hệ xã hội lớn đến mức nào".